Thư Viện
Bài Học 80: An Ma 15–16


Bài Học 80

An Ma 15–16

Lời Giới Thiệu

Sau khi Chúa giải cứu An Ma và A Mu Léc ra khỏi nhà tù, họ đã đi thuyết giảng cho dân chúng ở thành phố Si Đôm. Ở đó, họ tìm thấy những người tin đã bị đuổi ra khỏi Am Mô Ni Ha, kể cả Giê Rôm là người đã đau khổ về mặt thể xác lẫn tinh thần vì những tội lỗi của ông. Khi Giê Rôm tuyên xưng đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô, An Ma chữa lành và làm phép báp têm cho ông. An Ma thiết lập Giáo Hội ở Si Đôm, và sau đó ông trở lại Gia Ra Hem Lam với A Mu Léc. Để làm ứng nghiệm lời tiên tri của An Ma, dân La Man hủy diệt thành phố Am Mô Ni Ha trong một ngày. Ngoài ra, dân La Man bắt giữ một số dân Nê Phi từ các xứ lân cận. Khi chọn tuân theo lời hướng dẫn của tiên tri An Ma, quân đội Nê Phi tìm lại được các tù nhân và đuổi dân La Man ra khỏi xứ. Trong suốt một thời gian hòa bình, An Ma, A Mu Léc, và nhiều người khác đã củng cố Giáo Hội trên khắp xứ của dân Nê Phi.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

An Ma 15

An Ma chữa lành cho Giê Rôm, thiết lập Giáo Hội ở Si Đôm, và trở lại Gia Ra Hem La với A Mu Léc

Để giúp học sinh ghi nhớ các nhân vật và các sự kiện chính được kể lại trong An Ma 11–14, hãy viết lên trên bảng những từ sau đây:

Giê Rôm

Ôn ti

Lửa

An Ma

A Mu Léc

Am Mô Ni Ha

Cho học sinh một phút để cố gắng sử dụng tất cả các tên và các từ ở trên bảng để tóm lược những sự kiện được kể lại trong An Ma 11–14. (Các anh chị em có thể đề nghị họ tham khảo các phần tóm lược chương để được giúp đỡ). Sau khi một vài học sinh đã trả lời rồi, hãy xóa bỏ tất cả các từ ngoại trừ Giê Rôm.

Giải thích rằng sau khi rời bỏ Am Mô Ni Ha, An Ma và A Mu Léc để đến Si Đôm, là nơi họ tìm thấy những người tin đã bị đuổi ra khỏi Am Mô Ni Ha, kể cả Giê Rôm. Mời học sinh im lặng đọc An Ma 15:3–5 cùng tìm kiếm các từ và cụm từ mô tả tình trạng của Giê Rôm. Khi học sinh báo cáo điều họ đã tìm thấy, hãy viết lên trên bảng những câu trả lời của họ ở bên dưới tên của Giê Rôm.

  • Các em nghĩ tại sao tội lỗi của Giê Rôm đã dẫn ông đến việc đau đớn về phần tinh thần lẫn thể xác? Dân chúng ở trong tình trạng này cần phải làm gì để cho tình trạng của họ phải thay đổi?

  • Giê Rôm đã tìm kiếm sự giúp đỡ của ai? (Xin xem An Ma 15:4). Các em nghĩ tại sao ông đã nhắn tin mời An Ma và A Mu Léc đến? (Các câu trả lời có thể gồm có việc ông tin cậy họ và biết họ là người của Thượng Đế và có thẩm quyền chức tư tế).

Mời một vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ An Ma 15:6–10. Yêu cầu lớp học tìm kiếm những lời An Ma đã nói để giúp Giê Rôm thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài.

  • Các em nghĩ tại sao Giê Rôm cần phải thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài trước khi ông có thể được chữa lành?

Yêu cầu học sinh im lặng đọc An Ma 15:11–12 để tìm hiểu điều đã xảy ra cho Giê Rôm. Khi họ đã có đủ thời gian để đọc rồi, hãy xóa bỏ tất cả các từ và cụm từ ở trên bảng bên dưới tên của Giê Rôm.

  • Các em thấy bằng chứng nào về việc Giê Rôm đã hối cải và nhận được lòng thương xót của Chúa? (Ông đã được chữa lành qua đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, ông đã chịu phép báp têm, và ông bắt đầu thuyết giảng phúc âm).

Viết lên trên bảng nguyên tắc sau đây: Qua đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể được chữa lành và củng cố.

Hãy nêu ra rằng với tư cách là một vị lãnh đạo của chức tư tế, An Ma đã không chú ý đến bản thân mình. Mục đích của ông trong cuộc trò chuyện này với Giê Rôm là giúp Giê Rôm thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và nhận được lòng thương xót qua Sự Chuộc Tội. Để minh họa một cách mà các vị lãnh đạo chức tư tế của chúng ta giúp chúng ta nhận được các phước lành của Sự Chuộc Tội, hãy đọc kinh nghiệm sau đây do Anh Cả Jay E. Jensen thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi chia sẻ:

″Trong khi phục vụ với tư cách là một giám trợ, tôi đã chứng kiến các phước lành của Sự Chuộc Tội trong cuộc sống của các tín hữu Giáo Hội đã phạm những tội lỗi trầm trọng. …

″Một người thành niên trẻ tuổi độc thân trong tiểu giáo khu của chúng tôi đi chơi hẹn hò với một thiếu nữ. Hai người này để cho tình cảm của họ vượt ra khỏi vòng kiểm soát. Người ấy đến tìm tôi để xin lời khuyên dạy và giúp đỡ. Dựa vào điều đã được thú tội và những ấn tượng của Thánh Linh đến với tôi, trong số những điều khác nữa, người ấy không được phép dự phần Tiệc Thánh trong một thời gian. Chúng tôi họp với nhau thường xuyên để chắc chắn rằng sự hối cải đã xảy ra, và sau một thời gian thích hợp, tôi đã cho phép người ấy dự phần Tiệc Thánh lại.

″Khi tôi ngồi trên bục chủ tọa vào buổi lễ Tiệc Thánh đó, mắt tôi nhìn vào người ấy giờ đây đã được dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng. Tôi đã chứng kiến vòng tay thương xót, yêu thương, và an toàn ôm lấy người ấy khi sự chữa lành của Sự Chuộc Tội sưởi ấm tâm hồn người ấy và nhấc gánh nặng của người ấy lên, đưa đến sự tha thứ, bình an và hạnh phúc như đã được hứa″ (″Vòng Tay An Toàn,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2008, 49).

Hãy làm chứng rằng các giám trợ và các vị lãnh đạo khác của chức tư tế có thể giúp chúng ta nhận được lòng thương xót và sức mạnh chúng ta cần qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Để giúp học sinh thấy rằng các vị lãnh đạo Giáo Hội phục vụ các nhóm người và cá nhân, hãy yêu cầu họ nghiên cứu An Ma 15:13–18. Chỉ định cho họ làm việc theo từng cặp. Yêu cầu một học sinh trong mỗi cặp tra cứu An Ma 15:13–15, 17 cùng tìm kiếm những cách mà dân ở Si Đôm đã được ban phước qua giáo vụ của An Ma. Yêu cầu học sinh kia trong từng cặp tra cứu An Ma 15:16, 18, cùng tìm kiếm những cách mà A Mu Léc đã được ban phước qua giáo vụ của An Ma. Sau khi họ đã có đủ thời gian rồi, hãy mời họ giải thích cho nhau nghe điều họ đã tìm thấy.

Mời các cặp học sinh nghĩ về ba đến năm cách mà các vị lãnh đạo Giáo Hội ngày nay có thể giúp đỡ các nhóm và các cá nhân. Khuyến khích học sinh nghĩ về trách nhiệm của họ với tư cách là các vị lãnh đạo trong các nhóm túc số chức tư tế và các lớp học Hội Thiếu Nữ của họ. Yêu cầu mỗi cặp học sinh chia sẻ một trong những ý kiến của họ với lớp học.

An Ma 16:1–12

Dân La Man hủy diệt Am Mô Ni Ha nhưng không thể đánh bại dân Nê Phi là những người tuân theo lời khuyên dạy của An Ma

Yêu cầu học sinh suy nghĩ về một thời gian mà họ cảm thấy ngạc nhiên hay đột nhiên sợ hãi. Các anh chị em có thể muốn yêu cầu một hoặc hai học sinh chia sẻ kinh nghiệm của họ. Mời học sinh im lặng đọc An Ma 16:1–3, cùng tìm kiếm cách mà dân Nê Phi ở Am Mô Ni Ha đã rất ngạc nhiên và lý do tại sao một số người trong số họ có vẻ như sợ hãi. Yêu cầu học sinh báo cáo điều họ tìm thấy. (Nếu cần thiết, hãy giúp họ thấy rằng dân La Man bất ngờ tấn công thành phố Am Mô Ni Ha và hủy diệt dân cư trong đó trước khi dân Nê Phi có thể tổ chức một đạo quân để chống lại chúng).

Mời một học sinh đọc to An Ma 16:4–6, và yêu cầu lớp học nhận ra nơi mà dân Nê Phi ngay chính tìm kiếm sự hướng dẫn. Yêu cầu một học sinh khác đọc to An Ma 16:7–8 trong khi các học sinh khác trong lớp học tìm kiếm kết quả của sự giúp đỡ mà họ đã nhận được.

  • Lời hướng dẫn của tiên tri An Ma đã giúp dân Nê Phi như thế nào?

  • Chúng ta có thể học được các nguyên tắc nào từ câu chuyện này? (Học sinh có thể nhận ra một loạt các nguyên tắc. Hãy chắc chắn là họ hiểu rằng trong khi chúng ta tìm kiếm và tuân theo lời hướng dẫn của các vị tiên tri của Chúa, thì Chúa củng cố và bảo vệ chúng ta. Viết lên trên bảng nguyên tắc này).

  • Giới trẻ được ban phước như thế nào khi họ tuân theo lời hướng dẫn của vị tiên tri? (Để giúp học sinh trả lời câu hỏi này, hãy cân nhắc việc yêu cầu họ giở đến hai hoặc ba phần trong cuốn sách nhỏ Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ. Mời họ trả lời câu hỏi này đối với mỗi phần mà các anh chị em chọn).

Yêu cầu học sinh suy nghĩ về kinh nghiệm khi lời hướng dẫn của vị tiên tri đã giúp họ có những sự lựa chọn đúng trong các tình huống khó khăn. Mời một vài học sinh chia sẻ kinh nghiệm của họ với lớp học. (Hãy chắc chắn là họ hiểu rằng họ không cần phải cảm thấy bị bắt buộc phải chia sẻ những kinh nghiệm quá cá nhân hoặc riêng tư). Các anh chị em cũng có thể chia sẻ một kinh nghiệm của riêng mình. Để củng cố thêm lẽ thật rằng những lời nói của các vị tiên tri luôn luôn được ứng nghiệm, các anh chị em có thể chỉ ra rằng An Ma 16:9–11 cho thấy sự ứng nghiệm của lời tiên tri của An Ma về dân chúng ở Am Mô Ni Ha (xin xem An Ma 9:12).

An Ma 16:13–21

An Ma, A Mu Léc, và những người khác xây đắp Giáo Hội ở giữa dân Nê Phi

Khi học sinh đã nghiên cứu xong An Ma 16, hãy khuyến khích họ tìm kiếm các ví dụ về hai nguyên tắc mà các anh chị em đã viết lên trên bảng. Tóm lược An Ma 16: 13-15 bằng cách giải thích rằng An Ma và A Mu Léc đã tiếp tục thuyết giảng lời của Thượng Đế ở khắp xứ với sự phụ giúp của những người khác nữa “được chọn lựa để làm công việc này” (An Ma 16:15). Mời học sinh im lặng đọc An Ma 16:16–21 cùng tìm kiếm các kết quả về những nỗ lực này. Sau khi đã có đủ thời gian, hãy yêu cầu học sinh cho biết về điều họ đã tìm thấy. Hãy hỏi họ làm thế nào những ví dụ này minh họa một hoặc cả hai nguyên tắc đã được viết ở trên bảng.

Kết thúc bài học bằng cách khuyến khích học sinh sao chép một trong các nguyên tắc này trong sổ tay ghi chép hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư. Mời họ viết một bản tóm lược về điều họ đã học được ngày hôm nay về nguyên tắc đó. Cũng yêu cầu họ viết về cách họ hoạch định áp dụng điều họ đã học được.

biểu tượng thông thạo thánh thưÔn Lại Phần Thông Thạo Thánh Thư

Bài học này đánh dấu được một nửa phần trong khóa học này. Để giúp học sinh củng cố sự hiểu biết của họ về các đoạn thánh thư thông thạo, hãy cân nhắc việc cho họ làm một bài kiểm tra hoặc bài trắc nghiệm để đo lường việc họ quen thuộc như thế nào với các đoạn thánh thư thông thạo mà các anh chị em đã giảng dạy trong lớp. Các anh chị em có thể chuẩn bị một bài kiểm tra vấn đáp hoặc viết đơn giản, chẳng hạn như đưa ra một manh mối từ thẻ đánh dấu trang sách của lớp giáo lý và để cho học sinh viết phần tham khảo đúng, hoặc các anh chị em có thể cân nhắc việc hướng dẫn sự ôn lại một số các đoạn mà học sinh đã học thuộc lòng. Các anh chị em có thể muốn nói trước với học sinh về bài kiểm tra hoặc bài trắc nghiệm để họ có thể chuẩn bị.

Xin lưu ý: Nếu các anh chị em không có thời giờ để sử dụng sinh hoạt này với tính cách là một phần của bài học này, thì các anh chị em có thể sử dụng sinh hoạt này vào một ngày khác. Đối với các sinh hoạt ôn lại khác, hãy xem phần phụ lục ở cuối sách học này.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

An Ma 15:3-5. Nỗi đau khổ về thể xác do bệnh rối loạn tinh thần gây ra

Trong khi Giê Rôm đang hối cải, thì tội lỗi của ông “đã ray rứt tâm trí ông khiến ông hết sức đau thương” (An Ma 15:3). Chủ Tịch Boyd K. Packer thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói về sự thực tế của nỗi đau khổ thể xác mà có thể do sự rối loạn tinh thần gây ra:

“[Có lần] tôi hỏi một vị bác sĩ gia đình là ông đã dành ra bao nhiêu thời gian để chữa bệnh rối loạn về thể chất. Ông có một phòng khám bệnh lớn, và sau khi suy nghĩ kỹ, ông đáp: “Không quá 20 phần trăm. Thời gian còn lại thì dường như tôi đang làm việc về các vấn đề mà ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe thể chất của bệnh nhân của tôi nhưng không bắt nguồn trong cơ thể.’

Vị bác sĩ kết luận: “Bệnh rối loạn về thể chất chỉ là triệu chứng của một loại rắc rối khác mà thôi.’

“Trong các thế hệ gần đây, hết căn bệnh hiểm nghèo này đến căn bệnh hiểm nghèo khác đều đã được kiềm chế hoặc chữa lành. Vẫn còn có một số căn bệnh rất hiểm nghèo khác nhưng bây giờ chúng ta dường như có thể làm một điều gì đó về hầu hết các căn bệnh này.

“Còn có một phần khác của chúng ta, không hữu hình, nhưng khá thực tế như cơ thể của chúng ta. Phần vô hình của chúng ta được mô tả như là tâm trí, tình cảm, trí tuệ, tính khí, và nhiều thứ khác nữa. Rất hiếm khi phần này được mô tả là phần thuộc linh.

“Nhưng có một linh hồn trong con người; việc bỏ qua linh hồn đó tức là bỏ qua thực tế. Cũng có bệnh rối loạn tinh thần, và căn bệnh tinh thần có thể gây ra nỗi đau khổ mãnh liệt.

“Thể xác và linh hồn của con người được ràng buộc với nhau” (“The Balm of Gilead,” Ensign,, tháng Mười Một năm 1977, 59).