Thư Viện
Bài Học 53: Mô Si A 3


Bài Học 53

Mô Si A 3

Lời Giới Thiệu

Khi tiếp tục ngỏ lời cùng dân của mình, Vua Bên Gia Min đã chuyển lại những lời mà một thiên sứ đã phán với ông liên quan đến giáo vụ của Chúa Giê Su Ky Tô. Vua Bên Gia Min đã làm chứng rằng qua đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và sự hối cải, những người nào đã phạm tội có thể nhận được sự cứu rỗi. Ông cũng dạy rằng qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, một cá nhân chịu theo những sự khuyên dỗ của Đức Thánh Linh đều “cởi bỏ con người thiên nhiên của mình, và trở nên một thánh hữu” (Mô Si A 3:19).

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Xin lưu ý: Nếu trong bài học trước các anh chị em đã khuyến khích học sinh thuộc lòng và áp dụng Mô Si A 2:17, thì hãy cân nhắc việc cho họ một cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm của họ vào một lúc nào đó trong ngày hôm nay. Hãy cẩn thận đừng mất quá nhiều thời gian trong phần ôn lại này. Dành đủ thời gian để thảo luận về các giáo lý và nguyên tắc trong Mô Si A 3.

Mô Si A 3:1–10

Vua Bên Gia Min chuyển lời của một thiên sứ về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô

Trưng bày một cái ly không và một bình nước. Mời một học sinh cho thấy người ấy sẽ rót bao nhiêu nước vào ly cho một người chỉ muốn nếm mùi vị của nước mà thôi. Sau đó yêu cầu học sinh cho thấy người ấy sẽ rót bao nhiêu nước cho một người muốn được rót đầy ly. Yêu cầu học sinh suy ngẫm câu hỏi sau đây:

  • Nếu nước tượng trưng cho niềm vui, thì các em muốn có bao nhiêu nước trong ly của mình?

Giải thích với học sinh rằng những lời dạy trong Mô Si A 3 sẽ giúp họ thấy làm thế nào họ có thể được tràn đầy niềm vui.

Mời một học sinh đọc to Mô Si A 3:2–5. Yêu cầu lớp học nhận ra nguồn gốc sứ điệp của Vua Bên Gia Min trong Mô Si A 3.

Nhấn mạnh rằng Mô Si A 3 chứa đựng lời tuyên phán của một thiên sứ về “tin lành vui mừng lớn lao” (Mô Si A 3:3). Mời một vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ Mô Si A 3:5–10. Yêu cầu lớp học tìm kiếm các từ hoặc cụm từ mà giúp họ biết ơn nhiều hơn về sứ mệnh của Chúa Giê Su Ky Tô. Các anh chị em có thể muốn đề nghị họ tô đậm các từ và cụm từ này. Mời một vài học sinh chia sẻ các từ và cụm từ mà họ đã tìm thấy.

  • Mô Si A 3:7 giúp các em hiểu gì về sứ mệnh của Đấng Cứu Rỗi?

  • Các em nghĩ tại sao vị thiên sứ nói rằng sứ điệp này sẽ mang lại niềm vui lớn lao?

Mời học sinh viết một bản tóm lược chỉ một câu về Mô Si A 3:5–10 trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư hoặc trong sổ tay ghi chép trong lớp của họ. Sau khi họ đã có đủ thời gian để viết, hãy mời một vài em trong số đó chia sẻ điều họ đã viết. Những bài tóm lược của học sinh nên cho thấy sự hiểu biết về lời dạy của vị thiên sứ rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã chịu đau khổ để chúng ta có thể được cứu khỏi tội lỗi của chúng ta.

Các anh chị em có thể muốn theo dõi phản ứng của học sinh với câu hỏi sau đây:

  • Các em có cảm tưởng gì khi nghĩ về điều Đấng Cứu Rỗi đã làm cho các em?

Để giúp học sinh am hiểu hơn về nỗi đau khổ của Đấng Cứu Rỗi, hãy chia sẻ lời phát biểu sau đây của Anh Cả James E. Talmage thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

“Nỗi thống khổ của Đấng Ky Tô trong Vườn Ghết Sê Ma Nê không thể nào hiểu được bởi ý nghĩ hạn hẹp cả về cường độ lẫn nguyên nhân. … Ngài đã đấu tranh và rên rỉ dưới một gánh nặng mà không có một người nào khác từng sống trên thế gian có thể hiểu được. Đó không phải là nỗi đau thể xác, cũng như không phải chỉ là nỗi đau đớn về tinh thần không thôi, mà khiến Ngài phải chịu đựng sự tra tấn như vậy là để máu tuôn chảy từ mỗi lỗ chân lông; mà là một nỗi đau đớn về tinh thần của linh hồn mà chỉ có Thượng Đế mới có khả năng trải qua. … Trong giờ đau khổ đó Đấng Ky Tô đã đáp ứng và vượt qua tất cả những nỗi kinh hoàng mà Sa Tan, ‘hoàng tử của thế gian này,’ có thể gây ra. … Trong một số cách thức, mặc dù con người thật sự không thể hiểu nổi, nhưng Đấng Cứu Rỗi mang lấy gánh nặng của tội lỗi nhân loại từ thời A Đam đến lúc tận thế” (Jesus the Christ, xuất bản lần thứ 3 [1916], 613).

Mô Si A 3:11–27

Vua Bên Gia Min làm chứng rằng qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể cởi bỏ con người thiên nhiên và trở thành thánh hữu

Nói cho học sinh biết rằng Vua Bên Gia Min đã chia sẻ điều mô tả của vị thiên sứ về những nhóm dân khác nhau và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô áp dụng như thế nào cho từng nhóm ấy. Viết những câu hỏi sau đây lên trên bảng. Yêu cầu học sinh im lặng đọc Mô Si A 3:11–13, 16, tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi sau đây:

Sự Chuộc Tội áp dụng như thế nào:

Đối với những người chết mà không biết phúc âm?

Đối với những người phản nghịch chống lại Thượng Đế và cố tình phạm tội?

Đối với trẻ em đã chết trước khi chúng đến tuổi chịu trách nhiệm?

Sau khi đã cho học sinh đủ thời gian rồi, hãy yêu cầu học sinh chia sẻ các câu trả lời của họ cho những câu hỏi này. (Để giúp họ trả lời câu hỏi thứ nhất, các anh chị em có thể muốn yêu cầu họ đọc Giáo Lý và Giao Ước 137:7–10. Để giúp họ với câu hỏi thứ ba, các anh chị em có thể muốn yêu cầu họ đọc Mô Rô Ni 8:8, 17Giáo Lý và Giao Ước 29:46–47).

Đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Dallin H. Oaks thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ về ảnh hưởng của Sự Chuộc Tội đối với tất cả con cái của Cha Thiên Thượng:

“Chúng ta … đọc rằng ‘máu của Ngài cũng chuộc tội lỗi của những người đã chết mà không được biết ý định của Thượng Đế đối với họ, hay là những người phạm tội vì không hiểu biết’ (Mô Si A 3:11). Cũng như vậy, ‘máu của Đấng Ky Tô cũng chuộc tội lỗi cho [những trẻ nhỏ]’ (Mô Si A 3:16). Những điều giảng dạy rằng quyền năng phục sinh và tẩy sạch của Sự Chuộc Tội là cho tất cả những ai phủ nhận lời tuyên bố rằng ân điển của Thượng Đế chỉ cứu rỗi một số người được chọn lựa mà thôi. Ân điển của Ngài là cho tất cả mọi người. Những điều giảng dạy này của Sách Mặc Môn mở rộng tầm nhìn và gia tăng sự hiểu biết của chúng ta về tình yêu thương của Thượng Đế bao gồm tất cả mọi người và ảnh hưởng toàn diện của sự chuộc tội của Ngài dành cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi” (“Tất Cả Mọi Người ở Khắp Mọi Nơi,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2006, 77).

  • Chúng ta học được nguyên tắc nào từ Mô Si A 3:12 về Sự Chuộc Tội áp dụng đối với chúng ta như thế nào? (Chúng ta sẽ được cứu khỏi tội lỗi của mình khi chúng ta thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và hối cải).

  • Theo như câu này, thì điều gì sẽ xảy ra cho những người chọn không thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và hối cải?

Nêu lên rằng Mô Si A 3:19 là một đoạn thánh thư thông thạo. Các anh chị em có thể muốn khuyến khích học sinh tô đậm đoạn văn này trong một cách đặc biệt để cho họ dễ tìm. Ngoài ra cũng lưu ý trong Mô Si A 3:19 về cách sử dụng từ “con người thiên nhiên” của vị thiên sứ. Để giúp học sinh hiểu cụm từ này, hãy đọc lời giải thích sau đây từ Sách Hướng Dẫn Thánh Thư:

Một người thiên nhiên là “một người chọn theo ảnh hưởng của những đam mê, dục vọng, thèm khát và ưa thích xác thịt hơn là nghe theo những lời nhắn nhủ của Đức Thánh Linh. Một người như thế có thể hiểu biết được những sự việc vật chất chứ không hiểu được những sự việc thuộc linh. Tất cả loài người đều nhục dục hay trần tục, vì sự sa ngã của A Đam và Ê Va. Mỗi người cần phải được tái sinh qua sự chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Người Thiên Nhiên,” scriptures.lds.org).

Viết những câu hỏi sau đây lên trên bảng. Yêu cầu học sinh tìm câu trả lời cho các câu hỏi khi họ im lặng tra cứu Mô Si A 3:19.

Vị thiên sứ đã mô tả như thế nào về mối quan hệ giữa một người thiên nhiên với Thượng Đế?

Theo câu này, làm thế nào chúng ta có thể cởi bỏ con người thiên nhiên?

Hãy nêu ra rằng nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, một người làm nhiều điều hơn là chỉ ngừng làm một “người thiên nhiên.” Người ấy “trở thành một thánh hữu.” Ngoài việc cứu chúng ta khỏi tội lỗi, Đấng Cứu Rỗi còn thay đổi chúng ta thành những con người tốt hơn bao giờ hết mà chúng ta có thể tự mình làm được. Ngài giúp chúng ta trở thành giống như Ngài hơn. Để giúp học sinh hiểu giáo lý này, hãy đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

“Cần có tay trong sạch và lòng thanh khiết mới được lên núi của Chúa và đứng nổi trong nơi thánh của Ngài [xin xem Thi Thiên 24:3–4].

Anh Cả David A. Bednar

“Tôi xin đề nghị rằng tay cần phải được làm cho trong sạch qua tiến trình từ bỏ con người thiên nhiên và bằng cách khắc phục tội lỗi và các ảnh hưởng xấu xa trong cuộc sống của chúng ta qua Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi. Lòng được làm cho thanh khiết khi chúng ta nhận được quyền năng củng cố của Ngài để làm điều thiện và trở nên tốt hơn. Tất cả những ước muốn xứng đáng và làm điều thiện của chúng ta, luôn luôn là cần thiết, có thể không bao giờ đưa đến tay trong sạch và lòng thanh khiết. Chính là Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô mới cung ứng quyền năng thanh tẩy lẫn cứu chuộc mà giúp chúng ta khắc phục tội lỗi và một quyền năng thánh hóa và đầy củng cố nhằm giúp chúng ta trở nên tốt hơn khả năng của mình để sống tốt hơn bằng cách chỉ trông cậy vào sức mạnh của chính mình. Sự Chuộc Tội vô hạn là dành cho người phạm tội lẫn người thánh thiện trong mỗi người chúng ta” (“Tay Trong Sạch và Lòng Thanh Khiết,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2007, 82).

Để giúp học sinh tóm lược các giáo lý mà họ đã học được từ Mô Si A 3:19, hãy hỏi:

  • Các em tìm thấy một số lẽ thật phúc âm nào trong Mô Si A 3:19?

Học sinh có thể liệt kê vài giáo lý từ câu này, hãy gồm vào những điều sau đây:

Con người thiên nhiên là một kẻ thù của Thượng Đế.

Khi chịu theo những sự khuyên dỗ của Đức Thánh Linh, chúng ta cởi bỏ con người thiên nhiên của mình.

Nhờ Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô, chúng ta có thể cởi bỏ con người thiên nhiên của mình và trở thành một thánh hữu.

Mời học sinh trả lời cho một trong những câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của họ. (Các anh chị em có thể muốn viết những câu hỏi này lên trên bảng trước khi lớp học bắt đầu, hãy chuẩn bị một tài liệu phát tay với các câu hỏi, hoặc đọc từ từ các câu hỏi để học sinh có thể viết vào nhật ký ghi chép việc học thánh thư của họ).

  • Các em có thể làm gì để tuân theo trọn vẹn hơn “những sự khuyên dỗ của Đức Thánh Linh”? Các em sẽ làm gì trong tuần tới để cải thiện lĩnh vực này trong cuộc sống của mình?

  • Các em cần phải phát triển thuộc tính nào của một đứa trẻ nhất được liệt kê trong Mô Si A 3:19? Các em sẽ làm gì trong tuần tới để phát triển thuộc tính đó?

Để giúp cho học sinh có được một sự biết ơn nhiều hơn về Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, hãy đọc Mô Si A 3:23–26 cho họ nghe. Giải thích rằng cụm từ “chén thịnh nộ của Thượng Đế” trong câu 26 ám chỉ nỗi đau khổ cuối cùng của những người cố tình phạm tội và không hối cải. Sau đó yêu cầu một học sinh đọc Giáo Lý và Giao Ước 19:16–19. Yêu cầu học sinh lắng nghe từ chén trong câu 18.

  • Chúa Giê Su Ky Tô đã làm điều gì để chúng ta sẽ không phải uống “chén thịnh nộ của Thượng Đế”? (Ngài đã tự uống chén đó, mang lấy hình phạt vì tội lỗi của chúng ta. Nếu thực sự hối cải, chúng ta sẽ không phải chịu hình phạt đó).

Kết thúc bằng cách chia sẻ chứng ngôn của các anh chị em về các lẽ thật được thảo luận trong bài học này.

biểu tượng thông thạo thánh thưThông Thạo Thánh Thư—Mô Si A 3:19

Để giúp học sinh thuộc lòng Mô Si A 3:19, hãy chia họ ra thành từng cặp. Yêu cầu họ đọc to Mô Si A 3:19, từng từ một, xen kẽ mỗi từ khác nhau với người bạn trong nhóm của họ. Yêu cầu họ lặp lại bài tập này một vài lần. Các anh chị em có thể muốn làm cho sinh hoạt này thêm phần đa dạng bằng cách cho mỗi người trong nhóm đọc một lần hai hoặc ba từ.

Việc lặp lại sinh hoạt này sẽ giúp học sinh trở nên quen thuộc với nội dung của câu và sẽ làm cho họ dễ thuộc lòng hết cả câu. Yêu cầu họ hoàn tất việc thuộc lòng Mô Si A 3:19.

Xin lưu ý: Vì tính chất của bài học và vì bài học này dài, nên các anh chị em có thể muốn sử dụng sinh hoạt thông thạo thánh thư này vào một ngày khác, khi có nhiều thời gian hơn.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

Mô Si A 3:5-11. Học về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô

Anh Cả Richard G. Scott thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy rằng chúng ta nên tìm cách hiểu rõ tất cả những gì chúng ta có thể hiểu về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô:

“Trong cuộc sống trần thế, không một ai trong chúng ta có thể biết ơn trọn vẹn những kết quả mang lại lợi ích của Sự Chuộc Tội.

“Có một nhu cầu cấp bách cho mỗi người chúng ta để củng cố sự hiểu biết của mình về ý nghĩa Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô để điều đó sẽ trở thành một nền tảng không thể lay chuyển, là nơi chúng ta xây đắp cuộc sống của mình. Khi thế gian bắt đầu mất các tiêu chuẩn cơ bản, và giống như danh dự, đức hạnh và sự trong sạch càng ngày càng bị bác bỏ trong việc đam mê theo đuổi lạc thú, thì sự hiểu biết cùng đức tin nơi Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô sẽ mang đến sức mạnh và khả năng cần thiết cho một cuộc sống thành công. Điều này sẽ mang đến niềm tin tưởng trong những lúc thử thách và bình an trong những giây phút hỗn loạn.

“Tôi nhiệt thành khuyến khích các anh chị em thiết lập một kế hoạch học hỏi cá nhân để hiểu rõ và cảm kích nhiều hơn đối với những kết quả có một không hai, kết quả vĩnh cửu vô hạn của việc Chúa Giê Su Ky Tô thi hành trọn vẹn sự kêu gọi đã được Thượng Đế chỉ định cho Ngài với tư cách là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Việc suy ngẫm thánh thư một cách sâu sắc kèm theo việc tra cứu và cầu nguyện chân thành sẽ củng cố sự hiểu biết cũng như lòng cảm kích của các anh chị em về Sự Chuộc Tội vô giá của Ngài. Một cách hữu ích khác để học hỏi về Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài là tham dự đền thờ một cách kiên định” (“Ngài Hằng Sống! Tất Cả Vinh Quang cho Danh Ngài!” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2010, 77).

Mô Si A 3:19. Tiệc Thánh và việc trở thành một Thánh Hữu

Anh Cả Quentin L. Cook thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ giải thích mối liên hệ giữa Tiệc Thánh và các nỗ lực của chúng ta để trở thành “một thánh hữu nhờ vào sự chuộc tội của Chúa Ky Tô” (Mô Si A 3:19):

“Buổi lễ Tiệc Thánh là buổi lễ thiêng liêng và thánh thiện nhất trong số tất cả các buổi lễ trong Giáo Hội. Sau khi Ngài phục sinh, Đấng Cứu Rỗi đã lập Tiệc Thánh ở giữa dân Nê Phi. Nếu là môn đồ của Ngài và là các tín hữu đầy cam kết của Giáo Hội Ngài, chúng ta cần phải ghi nhớ và tôn kính Tiệc Thánh. Tiệc Thánh cho phép mỗi người chúng ta cho thấy sự sẵn lòng của mình để noi theo Đấng Cứu Rỗi với tấm lòng đau khổ và tâm hồn thống hối, để hối cải và trở thành một Thánh Hữu nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô” (“Chúng Ta Noi Theo Chúa Giê Su Ky Tô,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2010, 84).