Thư Viện
Bài Học 84: An Ma 21–22


Bài Học 84

An Ma 21–22

Lời Giới Thiệu

Anh của Am Môn là A Rôn giảng dạy dân A Ma Léc, nhưng họ khước từ sứ điệp của ông về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Sau đó, ông thuyết giảng ở Mi Đô Ni, nơi mà ông và một số người bạn đồng hành của ông cuối cùng bị bắt giam. Họ vẫn trung thành trong thời gian nghịch cảnh của họ, và họ tiếp tục sứ mệnh của họ để chia sẻ phúc âm sau khi Am Môn và Vua La Mô Ni bảo đảm rằng họ được thả ra. Sau khi thân phụ của La Mô Ni đã được chuẩn bị nhờ tấm gương của Am Môn, ông đã học được từ A Rôn về cách làm thế nào để “được Thượng Đế sinh ra” (An Ma 22:15). Thân phụ của La Mô Ni học được rằng bằng cách hối cải tội lỗi của mình, ông có thể tiến đến việc biết được Thượng Đế và cuối cùng nhận được cuộc sống vĩnh cửu.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

An Ma 21

A Rôn và các anh em của ông thuyết giảng phúc âm bất chấp những thử thách và bị cầm tù

Hỏi học sinh xem họ có từng cảm thấy rằng họ đã làm hết sức mình để tuân giữ các giáo lệnh vậy mà vẫn gặp phải những thử thách hay cảm thấy chán nản không. Mời họ đề cập đến một số tình huống mà trong đó dân chúng có thể cảm thấy như vậy.

Giải thích rằng trong khi Am Môn đã thành công trong việc giảng dạy Vua La Mô Ni và dân của ông, thì A Rôn và những người bạn đồng hành của ông gặp phải nhiều nghịch cảnh ở một nơi khác trong xứ. Khi học sinh nghiên cứu tấm gương của A Rôn và những người bạn đồng hành của ông, hãy khuyến khích họ tìm kiếm những bài học mà có thể giúp đỡ họ khi họ gặp phải những thử thách hay cảm thấy chán nản.

Viết lên trên bảng các phần tham khảo: An Ma 21:1–4; An Ma 21:5–8; An Ma 21:9–11; An Ma 21:12–15;An Ma 20:29–30. Chia lớp học ra thành năm nhóm. Chỉ định cho mỗi nhóm một trong những đoạn đã viết ở trên bảng. Yêu cầu học sinh chuẩn bị đưa ra một phần tóm lược vắn tắt về những đoạn đã được chỉ định của họ và mô tả bất cứ nỗi gian nan nào mà A Rôn và những người bạn đồng hành của ông đã phải chịu đựng. Sau một vài phút, hãy mời học sinh từ mỗi nhóm chia sẻ điều họ đã tìm thấy.

  • A Rôn và các anh em của ông đã chịu đựng những thử thách của họ như thế nào? (Xin xem An Ma 20:29; 21:9, 12, 15).

  • Một trong những thử thách mà A Rôn gặp phải là sự chống đối từ dân A Ma Léc khi ông giảng dạy cho họ (xem An Ma 21:5–10). Chúng ta có thể làm gì nếu một người nào đó muốn tranh luận với chúng ta về tôn giáo hay thách thức niềm tin của chúng ta?

Nhắc nhở học sinh về câu hỏi vào lúc bắt đầu bài học này. A Rôn và các anh em của ông đã làm việc siêng năng để làm theo như Chúa đã hướng dẫn họ, nhưng họ vẫn gặp phải những khó khăn. Yêu cầu học sinh im lặng suy xét cảm nghĩ mà họ có thể có nếu họ đã trải qua điều mà A Rôn và những người bạn đồng hành của ông đã trải qua. Họ có thể muốn làm điều gì sau khi bị đau khổ và bị bỏ tù vì phúc âm trong khi ở xa nhà? Các anh chị em có thể hỏi xem họ có muốn về nhà không.

Viết lên trên bảng nguyên tắc sau đây: Nếu chúng ta trung thành kiên trì qua những thử thách thì Chúa sẽ giúp chúng ta làm công việc của Ngài. Mời một học sinh đọc to An Ma 21:16–17. Yêu cầu những người còn lại trong lớp dò theo cùng nhận ra cách Chúa đã giúp A Rôn và các anh em của ông làm công việc của Ngài. Mời học sinh báo cáo điều họ đã nhận ra.

Để giúp học sinh áp dụng nguyên tắc được viết ở trên bảng, hãy hỏi họ những loại công việc nào Thượng Đế muốn họ phải làm bây giờ và những thử thách nào mà họ có thể gặp phải trong việc cố gắng hoàn thành công việc này. (Các anh chị em có thể muốn nêu ra rằng ngoài công việc truyền giáo ra, học sinh còn có thể tham gia vào công việc của Thượng Đế bằng cách tham dự các buổi họp của Giáo Hội, làm tròn những sự kêu gọi và chỉ định, phục vụ người khác, củng cố chứng ngôn của họ, và trở nên giống như Đấng Ky Tô hơn).

Mời học sinh chia sẻ cách họ đã tiến đến để biết rằng nguyên tắc các anh chị em đã viết ở trên bảng là chân chính. Các anh chị em có thể muốn chia sẻ chứng ngôn của mình về cách mà Chúa giúp chúng ta hoàn thành công việc của Ngài khi chúng ta trung thành kiên trì qua những thử thách. Yêu cầu hỏi học sinh cho các ví dụ về những lúc trong tương lai khi họ nghĩ rằng họ có thể cần phải kiên trì qua những thử thách khi họ làm công việc của Chúa.

Tóm lược An Ma 21:18–23 bằng cách giải thích rằng sau khi giúp đạt được việc thả A Rôn và các anh em của ông ra khỏi tù, Am Môn và La Mô Ni trở về xứ Ích Ma Ên, nơi đây họ tiếp tục thuyết giảng phúc âm. La Mô Ni ban quyền tự do tôn giáo cho dân chúng của ông.

An Ma 22

A Rôn giảng dạy phúc âm cho thân phụ của La Mô Ni, là người tin tưởng vào Thượng Đế và được Ngài sinh ra

Viết lên trên bảng những câu hỏi sau đây:

Tại sao các em muốn nhận được cuộc sống vĩnh cửu?

Các em sẽ sẵn lòng từ bỏ điều gì để nhận được cuộc sống vĩnh cửu?

Giải thích rằng “cuộc sống vĩnh cửu, hoặc sự tôn cao, là thừa hưởng một chỗ trong đẳng cấp cao nhất của thượng thiên giới, nơi mà chúng ta sẽ sống nơi hiện diện của Thượng Đế và tiếp tục sống chung với gia đình (xin xem GLGƯ 131:1–4). … Ân tứ này có thể nhận được qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô” ( Trung Thành cùng Đức Tin: Sách Tham Khảo Phúc Âm [2004], 52). Vắn tắt nói cho học sinh biết tại sao các anh chị em muốn nhận được cuộc sống vĩnh cửu. Khi làm như vậy, các anh chị em có thể muốn trưng bày một tấm ảnh gia đình và hình Đấng Cứu Rỗi. Sau đó yêu cầu học sinh suy ngẫm về những câu hỏi ở trên bảng khi họ học An Ma 22 chung với nhau.

Mời một học sinh đọc to An Ma 22:1.

  • Các em nhớ điều gì về cha của La Mô Ni từ bài học trước? (Các anh chị em có thể muốn mời một học sinh tóm lược An Ma 20).

  • Theo An Ma 20:27, cha của La Mô Ni đã yêu cầu Am Môn làm điều gì? (Giảng dạy cho ông).

Tóm lược An Ma 22:2–3 bằng cách giải thích rằng mặc dù đã muốn gặp Am Môn và được Am Môn giảng dạy, nhưng cha của La Mô Ni vẫn háo hức học hỏi khi A Rôn đến với ông, thay vì Am Môn.

Mời một học sinh đọc to An Ma 22:5–6. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm điều mà cha của Vua La Mô Ni muốn biết. Yêu cầu họ báo cáo điều họ tìm thấy.

Chia lớp ra thành các nhóm nhỏ. Mời các nhóm đó đọc An Ma 22:7–14 chung với nhau và lập một bản liệt kê các giáo lý mà A Rôn đã giảng dạy cho cha của La Mô Ni. (Ví dụ, họ có thể đề cập rằng ông đã dạy về Sự Sáng Tạo, Sự Sa Ngã và Sự Chuộc Tội). Sau khi các nhóm đó đã biên soạn bản liệt kê của họ rồi, hãy mời một học sinh chia sẻ với lớp học bản liệt kê các giáo lý mà nhóm của em đó đã lập ra. Các anh chị em có thể muốn yêu cầu học sinh đó viết bản liệt kê lên trên bảng. Sau đó mời các học sinh khác viết thêm bất cứ giáo lý nào mà nhóm của họ đã liệt kê.

  • Những giáo lý này trả lời như thế nào cho câu hỏi của nhà vua trong An Ma 22:6?

Mời học sinh im lặng tra cứu An Ma 22:15 cùng tìm kiếm điều mà cha của Vua La Mô Ni đã sẵn lòng từ bỏ để nhận được niềm vui và cuộc sống vĩnh cửu.

  • Các em có những ý nghĩ gì khi xem xét điều nhà vua sẵn lòng từ bỏ?

Hãy nêu ra rằng mặc dù nhà vua đã sẵn lòng từ bỏ tất cả của cải của mình, nhưng A Rôn đã dạy ông về một sự hy sinh lớn hơn mà ông cần phải làm. Mời một học sinh đọc to An Ma 22:16. Yêu cầu lớp học lắng nghe điều A Rôn đã nói rằng nhà vua cần phải làm.

  • A Rôn đã nói là nhà vua cần phải làm gì? (Hãy hối cải tội lỗi của nhà vua và cầu nguyện lên Thượng Đế bằng đức tin).

Mời một học sinh đọc to An Ma 22:17–18. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm câu trả lời của nhà vua đối với những chỉ dẫn của A Rôn.

  • Nhà vua đã cho thấy ước muốn của mình như thế nào để nhận được cuộc sống vĩnh cửu?

  • Các em nghĩ ″từ bỏ″ tội lỗi của mình có nghĩa là gì? Các em nghĩ tại sao là điều cần thiết để hối cải tất cả các tội lỗi của mình chứ không chỉ một số tội lỗi mà thôi? (Hãy giúp học sinh hiểu rằng một người cần có thời gian để hối cải tất cả tội lỗi của mình).

  • Chúng ta có thể học được điều gì từ cha của Vua La Mô Ni về việc chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu? (Mặc dù học sinh có thể sử dụng những từ khác nhau, nhưng hãy chắc chắn rằng họ hiểu được lẽ thật sau đây: Chúng ta phải sẵn lòng từ bỏ tất cả tội lỗi của mình để chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu. Các anh chị em có thể muốn đề nghị học sinh tô đậm cụm từ ″cho con được biết, hầu con từ bỏ tất cả mọi tội lỗi của con để chỉ biết có Ngài″ trong An Ma 22:18).

Yêu cầu một học sinh đọc to lời phát biểu sau đây của Anh Cả Dallin H. Oaks thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

Anh Cả Dallin H. Oaks

″Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đòi hỏi chúng ta phải thay đổi. ′Hối cải′ là sứ điệp thường xuyên nhất của điều này, và hối cải có nghĩa là từ bỏ tất cả các cách thực hành—cá nhân, gia đình, chủng tộc và quốc gia—mà trái ngược với các giáo lệnh của Thượng Đế. Mục đích của phúc âm là biến đổi con người bình thường thành những người thiêng liêng, và điều đó đòi hỏi phải thay đổi” (″Sự Hối Cải và Thay Đổi,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2003, 37).

Hãy nêu ra rằng có một số người tự hỏi họ có thể thực sự hối cải và thay đổi không. Những người khác đặt câu hỏi liệu Chúa sẽ tha thứ cho họ không. Để giúp những học sinh nào có thể có những nỗi lo lắng này, hãy đọc lời phát biểu sau đây của Chị Elaine S. Dalton, chủ tịch trung ương Hội Thiếu Nữ:

″Có điều gì trong cuộc sống của mình mà các em cần phải thay đổi không? Các em có thể làm điều này. Các em có thể hối cải nhờ vào sự hy sinh chuộc tội vô hạn của Đấng Cứu Rỗi. Ngài đã làm cho các em và tôi có thể thay đổi, trở nên thanh khiết và trong sạch lại, và trở thành giống như Ngài. Và Ngài đã hứa rằng khi chúng ta làm như vậy, Ngài sẽ không còn nhớ đến các tội lỗi và lỗi lầm của chúng ta nữa.” (“Đây Là Lúc Để Đứng Dậy và Chiếu Sáng!” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2012, 124).

Giải thích rằng khi chúng ta thực hành đức tin và hối cải tội lỗi của mình thì chúng ta hội đủ điều kiện để tiếp nhận các giáo lễ và giao ước của chức tư tế là điều giúp chúng ta chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu.

Mời học sinh viết trong sổ ghi chép hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư những câu trả lời của họ cho câu hỏi sau đây. (Các anh chị em có thể muốn viết câu hỏi này lên trên bảng hoặc đọc câu đó từ từ để học sinh có thể viết xuống).

  • Từ những gì đã học được về điều cần thiết để nhận được cuộc sống vĩnh cửu, các em cảm thấy Chúa sẽ yêu cầu các em phải làm điều gì ngày hôm nay để các em có thể đến gần Ngài hơn?

Khi học sinh đã có đủ thời gian để suy ngẫm và viết, hãy hỏi:

  • Các em thấy bằng chứng nào về việc nhà vua đã được cải đạo theo Chúa? (Nhắc nhở học sinh rằng nhà vua đã thay đổi từ việc muốn giết con trai của mình đến việc sẵn lòng từ bỏ hết vương quốc và tất cả những tội lỗi của mình để có thể được Thượng Đế sinh ra).

Tóm lược An Ma 22:19–21 bằng cách giải thích rằng sau khi nhà vua đã được Thánh Linh khuất phục, các tôi tớ của ông đã chạy đi báo cho hoàng hậu biết tất cả những gì đã xảy ra. Bà đã tức giận và truyền lệnh cho các tôi tớ phải giết chết A Rôn và các anh em của ông. Vì sợ quyền năng của những người truyền giáo Nê Phi nên các tôi tớ đã từ chối. Hoàng hậu cũng sợ nhưng vẫn quyết tâm đòi giết chết những người Nê Phi. Bà truyền lệnh cho các tôi tớ đi và dẫn dân chúng đến để giết A Rôn và những người bạn đồng hành của ông.

Yêu cầu học sinh im lặng đọc An Ma 22:22–26 cùng tìm kiếm các hành động của A Rôn và nhà vua để cho hoàng hậu và những người khác cũng có thể trở nên cải đạo và cảm nhận được niềm vui. Kết thúc bằng cách chia sẻ chứng ngôn về sự hối cải và phước lành của việc được thay đổi qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

biểu tượng thông thạo thánh thưÔn Lại Phần Thông Thạo Thánh Thư

Những người trẻ tuổi có thể học cách sử dụng thánh thư để giảng dạy các lẽ thật phúc âm. Chia học sinh thành từng cặp, và mời mỗi cặp học sinh chuẩn bị phần trình bày trong một đến hai phút, trong đó họ giảng dạy một giáo lý cơ bản mà các anh chị em chỉ định cho họ. Yêu cầu họ sử dụng ít nhất một đoạn thánh thư thông thạo trong việc giảng dạy giáo lý đó. Cũng yêu cầu họ cân nhắc việc sử dụng những phần giải thích, ví dụ, kinh nghiệm, và chứng ngôn trong việc giảng dạy của họ. Cả hai học sinh trong mỗi cặp học sinh nên tham gia vào các phần trình bày. Sau khi đã có đủ thời gian để chuẩn bị, yêu cầu hai hoặc ba cặp học sinh giảng dạy lớp học. Cân nhắc việc yêu cầu các cặp học sinh khác đưa ra phần trình bày của họ trong các buổi họp đặc biệt devotional hoặc sau một bài học ngắn hơn.

Ghi Chú: Nếu không có thời gian cho sinh hoạt này là một phần của bài học này, các anh chị em có thể sử dụng sinh hoạt đó vào một ngày khác. Đối với các sinh hoạt ôn lại khác, hãy xem phần phụ lục ở cuối quyển sách học này.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

An Ma 21:16–17. ″Họ đã mang nhiều người đến sự hiểu biết lẽ thật″

A Rôn và những người bạn đồng hành của ông phải chịu đựng nhiều gian khổ trước khi họ có thể giúp người khác tìm đến Chúa. Chủ Tịch Thomas S. Monson dạy:

″Việc tìm đến, giảng dạy, ảnh hưởng đến các linh hồn quý giá mà Đức Chúa Cha chúng ta đã chuẩn bị cho sứ điệp của Ngài là một nhiệm vụ vô cùng trọng đại. Sự thành công ít khi đơn giản. Nói chung điều này đi kèm theo nước mắt, thử thách, sự tin cậy, và chứng ngôn” (“Tears, Trials, Trust, Testimony,” Ensign,, tháng Năm năm 1987, 43).

An Ma 22:18. ″Con từ bỏ tất cả mọi tội lỗi của con để chỉ biết có Ngài″

Giống như cha của La Mô Ni, chúng ta phải sẵn lòng hy sinh tất cả mọi thứ để được Thượng Đế sinh ra. Trong Lectures on Faith, chúng ta biết được tầm quan trọng của sự hy sinh trong sự tiến triển vĩnh cửu của mình:

“Chúng ta hãy quan sát ở đây rằng một tôn giáo mà không đòi hỏi sự hy sinh tất cả mọi điều thì không bao giờ có quyền năng đủ để tạo nên đức tin cần thiết cho cuộc sống và sự cứu rỗi; vì từ sự tồn tại đầu tiên của con người, đức tin là cần thiết để hưởng thụ cuộc sống và sự cứu rỗi mà không bao giờ có thể đạt được nếu không có sự hy sinh tất cả những thứ của thế gian. Chính là qua sự hy sinh này, và chỉ sự hy sinh này mà thôi, Thượng Đế đã quy định rằng con người nên được vui hưởng cuộc sống vĩnh cửu; và chính là qua việc hy sinh tất cả mọi thứ trên thế gian mà con người thực sự biết được rằng họ đang làm những điều thật tốt đẹp trong mắt Thượng Đế. Khi một người đã hy sinh tất cả những gì mình có vì lẽ thật, thậm chí còn không giữ lại mạng sống của mình nữa và tin tưởng trước Thượng Đế rằng mình được kêu gọi để hy sinh cho điều này vì tìm cách làm theo ý muốn của Ngài, thì người ấy quả thật biết, một cách chắc chắn nhất, rằng Thượng Đế thật sự đang và sẽ chấp nhận sự hy sinh và của lễ dâng của người ấy, và rằng người ấy đã không cũng như sẽ không tìm kiếm Ngài trong vô vọng. Như vậy, trong hoàn cảnh này, người ấy có thể đạt được đức tin cần thiết cho mình để giữ lấy cuộc sống vĩnh cửu” (Lectures on Faith [1985], 69).

An Ma 22:18. “Ông liền bị ngất lịm đi như người đã chết″

Nhà vua “bị ngất lịm đi như người đã chết” (An Ma 22:18) khi ông nhận được một sự biểu hiện của Thánh Linh mạnh đến mức đã làm cho ông mất đi sức mạnh thể chất. Ông đã có một kinh nghiệm tương tự như của con trai ông là La Mô Ni, là người dường như đã chết nhưng thực sự đã trải qua “sự sáng của ánh vinh quang của Thượng Đế” đến một mức độ mà “việc đó đã chế ngự phần thể xác thiên nhiên của vua, và vua đã được Thượng Đế cảm hóa đưa đi” (An Ma 19:6).