Bài Học 19
1 Nê Phi 18
Lời Giới Thiệu
Để tuân theo sự hướng dẫn của Chúa, Nê Phi và những người khác đóng xong chiếc tàu và lên đường tới vùng đất hứa. Trong lúc hành trình, La Man và Lê Mu Ên cùng các con trai của Ích Ma Ên và vợ của họ chống lại Chúa. Khi Nê Phi khiển trách họ, thì La Man và Lê Mu Ên trói ông bằng dây. Do đó, cái la bàn Liahona ngừng hoạt động và họ không thể nào xác định con đường nào để lái tàu đi. Khi một cơn bão lớn đe dọa tính mạng của mọi người trên tàu, họ mới hối cải và thả Nê Phi ra. Nê Phi đã cầu nguyện để cơn bão lặng đi, và một lần nữa Chúa đã hướng dẫn cuộc hành trình của họ hướng tới vùng đất hứa.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
1 Nê Phi 18:1–8
Gia đình của Lê Hi chuẩn bị đi tàu đến vùng đất hứa
Viết quyền năng của Chúa và nỗ lực của tôi lên trên bảng. Yêu cầu các học sinh nghĩ về một vấn đề họ đang trải qua. Mời họ chọn (quyền năng nào của Chúa hoặc nỗ lực nào của tôi) có thể hữu hiệu hơn để giải quyết vấn đề đó, và yêu cầu họ giải thích lý do tại sao. Sau một cuộc thảo luận ngắn, hãy mời các học sinh tìm kiếm những cách tấm gương của Nê Phi trong 1 Nê Phi 18 có thể giúp họ đáp ứng những thử thách họ gặp phải như thế nào.
Trưng ra tấm hình Lê Hi và Dân của ông Đến Vùng Đất Hứa (62045; Sách Họa Phẩm Phúc Âm [2009], số 71).
Mời các học sinh im lặng đọc 1 Nê Phi 18:1–8. Yêu cầu họ tìm kiếm (1) điều mà Nê Phi và gia đình của ông đã làm để chuẩn bị cho cuộc hành trình của họ đến vùng đất hứa và (2) điều mà Chúa đã làm để phụ giúp họ.
-
Các em nghĩ tại sao việc Nê Phi ″thỉnh thoảng″ nhận được mặc khải là điều quan trọng?
-
Trong 1 Nê Phi 18:2–3, các em thấy mối quan hệ nào giữa các hành động của Nê Phi với sự giúp đỡ ông nhận được từ Chúa?
-
Sự hướng dẫn của Chúa lẫn các nỗ lực riêng của Nê Phi đều thiết yếu như thế nào trong việc hoàn thành chiếc tàu và thực hiện cuộc hành trình đến vùng đất hứa?
Yêu cầu các học sinh tóm lược một vài nguyên tắc chúng ta có thể học được từ tấm gương của Nê Phi. Một khi các học sinh đã có cơ hội để nhận ra các lẽ thật mà họ đã học được, thì hãy viết nguyên tắc sau đây lên trên bảng: Để hoàn thành điều Chúa truyền lệnh, chúng ta cần phải tìm kiếm sự giúp đỡ của Ngài và đưa ra nỗ lực riêng của mình.
-
Các em đã nhận được sự hướng dẫn hoặc chỉ dẫn từ Chúa và cũng như cần phải đưa ra nỗ lực riêng của mình để tuân giữ một trong số các lệnh truyền của Ngài vào lúc nào?
Mời các học sinh ghi lại các câu trả lời của nhau cho câu hỏi ở trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư hoặc sổ ghi chép trong lớp học.
Hãy nêu lên rằng chúng ta đều cần sự giúp đỡ của Thượng Đế để tuân theo các lệnh truyền của Ngài và tuân theo các tiêu chuẩn phúc âm đã được phác thảo trong sách Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ. (Các anh chị em có thể muốn có được và xem lại một quyển sách Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ trước khi lớp học bắt đầu). Khuyến khích các học sinh nhận ra một lệnh truyền hoặc tiêu chuẩn phúc âm họ đặc biệt cần đến sự giúp đỡ của Thượng Đế để tuân theo. Hãy cho họ thời giờ để viết vào nhật ký ghi chép việc học thánh thư về (1) điều họ có thể làm để tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa để tuân theo điều đó và (2) các nỗ lực cá nhân nào họ cần có để tuân theo điều đó.
1 Nê Phi 18:9–25
La Man và Lê Mu Ên dẫn đầu cuộc nổi loạn làm cản trở cuộc hành trình đến vùng đất hứa
Đặt ra câu hỏi sau đây:
-
Các em nghĩ chúng ta phải trải qua nỗi gian khổ vì một số lý do nào?
Sau một cuộc thảo luận, hãy mời một học sinh đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả L. Whitney Clayton thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi. Yêu cầu lớp học lắng nghe Anh Cả Clayton đưa ra ba lý do về những nỗi gian khổ chúng ta trải qua:
″Nói chung, những gánh nặng của chúng ta đến từ ba nguồn gốc. [1] Một số gánh nặng là kết quả tự nhiên của hoàn cảnh thế gian chúng ta đang sống. Bệnh tật, khuyết tật của thể xác, các cơn cuồng phong và động đất thỉnh thoảng xảy đến đều không do lỗi lầm của chúng ta mà ra. …
“[2] Các gánh nặng khác được áp đặt lên chúng ta vì hành vi sai trái của những người khác. Sự lạm dụng và những thói nghiện có thể làm cho mái gia đình của chúng ta không được như là thiên thượng ở trên thế gian và gây buồn phiền thay vì niềm vui cho những người vô tội trong gia đình. Tội lỗi, những truyền thống sai lầm, sự trấn áp và tội ác gây ra nhiều nạn nhân trong cuộc sống. …
“[3] Lỗi lầm và những khuyết điểm của chúng ta gây ra nhiều vấn đề và đặt nhiều gánh nặng lên trên vai chúng ta. Gánh nặng khó khăn nhất chúng ta tự đặt lên vai mình là gánh nặng tội lỗi.” (“Gánh Nặng của Các Người Sẽ Được Nhẹ Đi,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2009, 12–13).
Viết lên trên bảng (1) hoàn cảnh thế gian, (2) hành vi sai trái của những người khác, và (3) lỗi lầm và những khuyết điểm của chúng ta.
Giải thích rằng sau khi gia đình của Lê Hi lên tàu để thực hiện cuộc hành trình vượt đại dương, thì La Man, Lê Mu Ên và những người khác đã có những sự lựa chọn sai trái dẫn đến nỗi gian khổ cho mọi người ở trên tàu. Mời một học sinh đọc to 1 Nê Phi 18:9. Khuyến khích các học sinh giơ tay lên khi họ nghe tấm gương của một người nào đó có sự lựa chọn sai lầm.
-
La Man, Lê Mu Ên, các con trai của Ích Ma Ên và vợ của họ đã có sự lựa chọn sai lầm nào? Tại sao sự lựa chọn đó là sai lầm?
Giúp các học sinh hiểu rằng việc nhảy múa, nghe nhạc hoặc cảm thấy vui vẻ không phải là sai trái, nhưng câu này cho thấy rằng La Man, Lê Mu Ên và những người khác đã làm những điều này ″với sự thô lỗ quá mức” (1 Nê Phi 18:9). Giải thích rằng trong văn cảnh này, từ sự thô lỗ ám chỉ thái độ khiếm nhã hoặc lỗ mãng. Kẻ nghịch thù có thể sử dụng việc nhảy múa, âm nhạc và cách chúng ta nói để làm đồi bại tâm trí chúng ta và làm cho chúng ta mất đi sự đồng hành của Đức Thánh Linh.
Mời một học sinh đọc to 1 Nê Phi 18:10.
-
Theo như 1 Nê Phi 18:10, Nê Phi đã sợ điều gì sẽ xảy ra nếu những người chống đối không hối cải?
-
Nê Phi đã làm gì để cố gắng giúp đỡ họ? (Có lẽ là điều hữu ích cho các học sinh để biết rằng từ nghiêm trang có nghĩa là đứng đắn).
Mời các học sinh suy ngẫm cách họ sẽ phản ứng nếu một người trong gia đình hay vị lãnh đạo Giáo Hội yêu cầu họ thay đổi nhạc họ nghe, cách họ khiêu vũ, hoặc cách mà họ nói. Khuyến khích họ suy ngẫm xem họ sẽ sẵn lòng để nghe theo và thay đổi không.
Mời một học sinh đọc to 1 Nê Phi 18:11.
-
Theo như 1 Nê Phi 18:10–11, La Ma và Lê Mu Ên đáp ứng như thế nào đối với lời khuyên bảo của Nê Phi?
-
Tại sao Chúa để cho La Man và Lê Mu Ên trói Nê Phi?
Mời vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ 1 Nê Phi 18:12–14, 17–19. Yêu cầu các học sinh tìm kiếm những từ và cụm từ cho thấy những hậu quả của hành vi của La Man và Lê Mu Ên. Mời các học sinh nhận ra các nguyên tắc phúc âm mà họ có thể học được từ câu chuyện này. Một câu trả lời có thể là tội lỗi dẫn đến nỗi đau khổ cho bản thân chúng ta và đôi khi cũng cho những người khác nữa. Để giúp các học sinh áp dụng nguyên tắc này, các anh chị em có thể đặt ra những câu hỏi như là:
-
Các hành động chống đối của một vài người ảnh hưởng như thế nào đến cả nhóm?
-
Làm thế nào những lựa chọn dại dột hoặc chống đối có thể gây trở ngại cho khả năng của chúng ta để nhận được mặc khải?
Là một phần của cuộc thảo luận này, hãy cân nhắc việc đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Boyd K. Packer thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:
″Chúng ta đã thấy những mẫu mực về lòng tôn kính và bất kính trong Giáo Hội. Mặc dù có nhiều người được ngợi khen nhiều, nhưng chúng ta đã dần dần trở nên bất kính. Chúng tôi có lý do để cảm thấy vô cùng quan tâm.
“Thế giới càng ngày càng trở nên ồn ào. Cách ăn mặc, chải chuốt và hành vi càng ngày càng lùng thùng, luộm thuộm và nhăn nhíu hơn. Âm nhạc hỗn loạn … với lời hát khiêu dâm ầm ĩ qua các máy phóng thanh. … Các biến thể của những điều này đang được chấp nhận rộng rãi và ảnh hưởng đến giới trẻ của chúng ta. …
″Xu hướng này với nhiều tiếng ồn ào hơn, nhiều hứng thú hơn, nhiều tranh chấp hơn, ít hạn chế hơn, ít phẩm cách hơn, ít hình thức hơn không phải là ngẫu nhiên và cũng không phải là vô tội hoặc vô hại.
″Mệnh lệnh đầu tiên của người chỉ huy cuộc xâm lược quân sự là ngăn chặn mọi đường dây thông tin liên lạc của những người mà người chỉ huy cuộc xâm lược có ý định xâm chiếm.
″Sự bất kính phù hợp với các mục đích của kẻ nghịch thù bằng cách cản trở các hệ thống mặc khải trong cả tâm trí lẫn tinh thần”(“Reverence Invites Revelation,” Ensign, tháng Mười Một năm 1991, 22).
-
Nếu các em trở nên chống đối và bất tuân thì điều này có thể ảnh hưởng đến gia đình của các em như thế nào? Điều này có thể ảnh hưởng đến bạn bè của các em như thế nào? Điều này có thể ảnh hưởng đến lớp học hay nhóm túc số của các em như thế nào?
Đề cập lại ba nguồn gian khổ đã được liệt kê trên bảng. Giải thích rằng phần còn lại của chương này có thể giúp chúng ta học cách đáp ứng khi những nỗi gian khổ xảy đến, cho dù đó là kết quả của sự lựa chọn của mình hoặc là sự lựa chọn của những người khác. Mời các học sinh đọc riêng 1 Nê Phi 18:15–16, 20–23. Khuyến khích họ tìm kiếm những lẽ thật mà có thể áp dụng cho bất cứ tình huống nào trong các tình huống này. Yêu cầu họ chia sẻ bằng lời riêng của họ điều họ học được. Những câu trả lời của họ có thể gồm có những câu sau đây:
-
Chúng ta có thể tin cậy nơi Thượng Đế và vẫn tiếp tục trung tín trong những lúc thử thách của mình.
-
Sự cầu nguyện có thể giúp chúng ta được bình an trong những lúc thử thách của mình.
Trong khi các học sinh chia sẻ những ý kiến của họ, hãy chắc chắn nhấn mạnh đến tấm gương ngay chính của Nê Phi trong thời gian thử thách của ông. Mời một học sinh đọc chứng ngôn sau đây của Anh Cả L. Whitney Clayton. Yêu cầu lớp học nhận ra điều Anh Cả Clayton khuyên bảo chúng ta phải làm khi gặp thử thách:
″Dù chúng ta phải đối phó với những gánh nặng trong cuộc đời do hậu quả của những tình trạng thiên nhiên, sự sai lầm của người khác hay chính do lỗi lầm và khuyết điểm của mình đi chăng nữa, thì chúng ta vẫn là con cái của Cha Thiên Thượng nhân từ là Đấng đã gửi chúng ta đến thế gian với tư cách là một phần kế hoạch vĩnh cửu của Ngài vì sự tăng trưởng và tiến triển của chúng ta. Những kinh nghiệm cá nhân độc đáo có thể giúp chúng ta chuẩn bị trở về cùng Ngài. … Chúng ta cần phải làm mọi điều chúng ta có thể làm để chịu đựng ‘giỏi’ các gánh nặng của mình′ [xin xem GLGƯ 121:7–8]. …
“… Tôi biết rằng nếu chúng ta tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế và các giao ước của mình, thì Ngài sẽ giúp gánh nặng của chúng ta. Ngài sẽ củng cố chúng ta. Khi chúng ta hối cải, Ngài tha thứ tội lỗi và ban phước cho chúng ta với sự bình an và niềm vui” (“Gánh Nặng của Các Người Sẽ Được Nhẹ Đi,” 13–14).
Mời các học sinh suy nghĩ về một trong số các lẽ thật họ đã học được từ bài học này.
-
Các em đã thấy lẽ thật này trong cuộc sống của mình hoặc trong cuộc sống của một người nào đó mà các em biết vào lúc nào?
Các anh chị em có thể muốn thêm vào chứng ngôn của mình rằng Thượng Đế có thể giúp chúng ta qua những thử thách của mình khi chúng ta trung tín và khi chúng ta hối cải và trở lại cùng Ngài.
Để kết thúc, hãy nhắc các học sinh nhớ rằng mặc dù những nỗi gian khổ Nê Phi và gia đình của ông gặp phải, nhưng cuối cùng họ đã tới được vùng đất hứa. Làm chứng rằng khi chúng ta tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa và chuyên tâm cố gắng tuân theo sự hướng dẫn đó, thì chúng ta cũng có thể hoàn thành cuộc hành trình một cách thành công mà Chúa đã gửi chúng ta đến thế gian để nhận được.