Bài Học 155
Mô Rô Ni 7:1–19
Lời Giới Thiệu
Mô Rô Ni ghi lại một bài giảng mà cha của ông, Mặc Môn, đã đưa ra nhiều năm trước đó. Bài học này bao gồm phần thứ nhất của bài giảng, trong đó Mặc Môn đã dạy về việc làm những điều ngay chính với chủ ý thật sự và về cách chúng ta có thể phân biệt giữa điều thiện và điều ác. Bài học 156 gồm phần còn lại của bài giảng.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
Mô Rô Ni 7:1–11
Mặc Môn dạy các tín đồ của Chúa Giê Su Ky tô phải làm việc thiện với chủ ý thật sự
Trưng bày một trái cây trông có vẻ tốt ở bên ngoài.
-
Các em có bao giờ khám phá ra rằng một trái cây không được tốt ở bên trong như bề ngoài của nó không? (Mời một vài học sinh chia sẻ các ví dụ. Các anh chị em có thể muốn kể lại một kinh nghiệm cá nhân của mình).
-
Trong những cách nào mà một người giống như một trái cây có vẻ tốt bên ngoài nhưng lại bị thối rữa ở bên trong?
Giải thích rằng Mô Rô Ni ghi lại những lời của cha ông, Mặc Môn, về tầm quan trọng của sự ngay chính trong lòng của chúng ta cũng như làm những việc ngay chính. Mời một học sinh đọc to Mô Rô Ni 7:2–3, và yêu cầu lớp học nhận ra nhóm người mà Mặc Môn đang ngỏ lời với. (Ông đang ngỏ lời với các tín hữu của Giáo Hội).
Sau khi các học sinh báo cáo điều họ đã học rồi, thì hãy yêu cầu một học sinh đọc to Mô Rô Ni 7:4–5. Mời lớp học dò theo và xác định xem làm thế nào Mặc Môn biết những người này “là những tín đồ hiền hòa của Đấng Ky Tô” (Mô Rô Ni 7:3).
Viết cụm từ chủ ý thật sự lên trên bảng.
-
Các em nghĩ cụm từ này có nghĩa là gì?
Trong khi học sinh thảo luận câu hỏi này, các anh chị em có thể muốn yêu cầu một người trong số họ đọc lời giải thích sau đây của Anh Cả Dallin H. Oaks thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:
“Chúng ta không phải chỉ làm những điều gì đúng mà thôi. Chúng ta còn phải hành động theo những lý do đúng. Từ ngữ hiện đại là động lực tốt. Thánh thư thường định nghĩa thái độ về tinh thần thích hợp này bằng những từ tấm lòng cương quyết hoặc chủ ý thật sự.
“Thánh thư nói rõ rằng Thượng Đế hiểu các động cơ của chúng ta và sẽ phán xét các hành động của chúng ta theo như thế” (Pure in Heart [1988], 15).
Mời học sinh im lặng tra cứu Mô Rô Ni 7:6–10, tìm kiếm những lời cảnh báo của Chúa cho những người làm việc thiện mà không có chủ ý thật sự.
-
Chúa đã đưa ra những lời cảnh báo nào cho những người làm việc thiện mà không có chủ ý thật sự? (Ngài cảnh báo rằng những việc làm của họ sẽ không lợi ích cho họ và việc làm của họ sẽ được xem là tà ác hơn là ngay chính).
-
Chúng ta có thể học được các nguyên tắc nào từ các câu này? (Trong khi các học sinh có thể đề cập đến một số lẽ thật, hãy giúp họ nhận ra nguyên tắc sau đây: Để được ban phước cho việc làm tốt của mình, chúng ta phải hành động với chủ ý thật sự).
-
Ngoài việc ước muốn các phước lành từ Chúa ra, các em nghĩ tại sao là điều quan trọng để làm việc thiện với chủ ý thật sự?
-
Các em đã nhận thấy điều gì khác biệt khi làm những việc thiện với chủ ý thật sự?
Hãy nêu lên rằng Mặc Môn đã khuyến khích chúng ta nên cầu nguyện với chủ ý thật sự (xin xem Mô Rô Ni 7:9). Mời một học sinh đọc lời khuyên bảo sau đây của Chủ Tịch Brigham Young:
“Việc các anh chị em hay tôi có cảm thấy muốn cầu nguyện hay không thì không quan trọng, khi đến lúc cầu nguyện, thì hãy cầu nguyện. Nếu không cảm thấy muốn cầu nguyện, thì chúng ta nên cầu nguyện cho đến khi mình cảm thấy muốn cầu nguyện” (Teachings of Presidents of the Church: Brigham Young [1997], 45).
-
Làm thế nào việc chọn để cầu nguyện, ngay cả khi chúng ta không cảm thấy muốn cầu nguyện, có thể giúp chúng ta cuối cùng sẽ cầu nguyện với chủ ý thật sự?
-
Lời khuyên bảo của Chủ Tịch Brigham Young có thể liên quan như thế nào đến việc tuân theo các lệnh truyền khác ngoài việc cầu nguyện? (Nếu học sinh gặp khó khăn trong việc trả lời câu hỏi này, hãy cân nhắc việc chia sẻ ví dụ sau đây: Một số người có thể không đi nhà thờ với chủ ý thật sự. Tuy nhiên, nếu họ tiếp tục đi nhà thờ và làm hết khả năng của họ để tham gia và thờ phuợng thì họ sẽ có những kinh nghiệm mà sẽ giúp họ tìm thấy niềm vui trong việc đi nhà thờ. Lý do của họ để tham dự nhà thờ sẽ thay đổi. Họ sẽ tham dự nhà thờ vì họ muốn có mặt ở đó—họ muốn thờ phượng Thượng Đế, lập lại các giao ước của họ, và phục vụ người khác).
Để giúp học sinh áp dụng những lời giảng dạy của Mặc Môn về việc làm điều thiện với chủ ý thật sự, hãy chuẩn bị sinh hoạt sau đây trước khi đến lớp: Chuẩn bị vài tờ giấy nhỏ. Trên mỗi tờ giấy, viết một lệnh truyền. Các ví dụ có thể gồm có việc nhịn ăn, đóng tiền thập phân, phục vụ người khác, nghiên cứu thánh thư, hiếu kính cha mẹ, và bất cứ lệnh truyền nào khác mà các em cảm thấy có thể hữu ích để học sinh thảo luận. Để các tờ giấy vào trong một cái hộp đựng.
Trong lớp học, mời một học sinh lên trước lớp. Yêu cầu em ấy lấy một mảnh giấy từ vật đựng và đọc lên cho cả lớp nghe. Sau đó yêu cầu lớp học làm một hoặc cả hai điều sau đây:
-
Chia sẻ việc họ đã cảm thấy được phước như thế nào khi đã tuân theo lệnh truyền đó với chủ ý thật sự.
-
Đề nghị những cách để tuân theo lệnh truyền đó với chủ ý thật sự.
Các anh chị em có thể muốn lặp lại sinh hoạt này một vài lần.
Sau sinh hoạt này, hãy cân nhắc việc chia sẻ một kinh nghiệm các anh chị em đã có khi tuân theo một lệnh truyền của Thượng Đế với chủ ý thật sự.
Mô Rô Ni 7:12–19
Mặc Môn dạy cách xét đoán giữa thiện và ác
Giải thích rằng Ê Sai đã tiên tri rằng trong những ngày sau cùng, một số người sẽ gọi dữ là lành và gọi lành là dữ (xin xem Ê Sai 5:20; 2 Nê Phi 15:20).
-
Một số ví dụ nào về những người gọi dữ là lành và gọi lành là dữ?
-
Các em nghĩ tại sao là điều quan trọng để không nhầm lẫn giữa thiện và ác?
Mời một vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ Mô Rô Ni 7:12–17. Yêu cầu lớp học dò theo và nhận ra các nguyên tắc mà có thể giúp chúng ta xét đoán điều thiện với điều ác. Các anh chị em có thể muốn khuyến khích họ đánh dấu các cụm từ có ý nghĩa đặc biệt đối với họ. Để giúp học sinh báo cáo về điều họ đã tìm thấy, hãy đặt ra những câu hỏi sau đây:
-
Làm thế nào chúng ta có thể biết được rằng một điều gì đó đến từ Thượng Đế? (Hãy chắc chắn rằng các học sinh đều nhận ra lẽ thật sau đây: Điều gì mà Thượng Đế mời gọi chúng ta làm điều thiện, tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, và yêu thương cùng phục vụ Thượng Đế.
-
Làm thế nào chúng ta có thể biết được một điều gì đó đến từ quỷ dữ? (Hãy chắc chắn các học sinh đều nhận ra lẽ thật sau đây: Bất cứ điều gì mà thuyết phục chúng ta làm điều ác, chối bỏ Chúa Giê Su Ky Tô, hoặc chống lại Thượng Đế đều đến từ quỷ dữ.
-
Thượng Đế mời gọi và khuyên dỗ chúng ta phải luôn làm điều thiện bằng một số cách nào?
-
Quỷ dữ mời và dụ dỗ chúng ta phạm tội như thế nào?
Để chuẩn bị cho học sinh áp dụng những lời dạy của Mặc Môn về việc xét đoán giữa thiện và ác, hãy mời họ viết một bản liệt kê các chương trình truyền hình, phim ảnh, bài hát, các nhóm trình diễn nhạc, các trang mạng Internet, các ứng dụng, trò chơi video, hoặc của cải cá nhân ưa thích của họ. (Các anh chị em có thể muốn thay đổi bản liệt kê này theo nhu cầu và lợi ích của các học sinh). Sau khi học sinh đã có đủ thời gian để viết, hãy yêu cầu họ để qua một bên bản liệt kê của họ. Hãy nói với họ rằng họ sẽ có một cơ hội để suy nghĩ thêm về bản liệt kê của họ trong một vài phút nữa.
-
Theo Mô Rô Ni 7:16, điều gì được ban cho mọi người để giúp chúng ta biết được điều thiện với điều ác?
Giải thích rằng Thánh Linh của Đấng Ky Tô cũng được gọi là Ánh Sáng của Đấng Ky Tô (xin xem Mô Rô Ni 7:18). Để giúp học sinh hiểu được Ánh Sáng của Đấng Ky Tô, hãy đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Boyd K. Packer thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:
″Đức Thánh Linh và Ánh Sáng của Đấng Ky Tô là khác nhau. …
″Bất luận ánh sáng nội tâm này, sự hiểu biết đúng và sai này, có được gọi là ánh sáng của Đấng Ky Tô, ý thức đạo đức, hay lương tâm hay không, thì điều này cũng có thể hướng dẫn chúng ta đến việc thay đổi các hành động của chúng ta—trừ khi chúng ta khuất phục hay làm cho nó im tiếng. …
″Mỗi người nam, người nữ, và trẻ em của mọi dân tộc, tín ngưỡng, hoặc sắc tộc, tất cả mọi người, cho dù họ sống ở đâu hay họ tin điều gì hoặc họ làm điều gì đi nữa, thì cũng đều có bên trong họ Ánh Sáng bất diệt của Đấng Ky Tô” (“The Light of Christ,” Ensign, tháng Tư năm 2005, 8–10).
-
Làm thế nào một người có thể khuất phục hoặc làm im tiếng Ánh Sáng của Đấng Ky Tô ở bên trong mình?
Mời học sinh đọc thầm Mô Rô Ni 7:18–19 và nhận ra lời khuyên bảo của Mặc Môn về cách đáp ứng với Ánh Sáng của Đấng Ky Tô ở bên trong chúng ta. Yêu cầu học sinh báo cáo điều họ học được.
-
Các em nghĩ ″tìm kiếm một cách cần mẫn trong ánh sáng của Đấng Ky Tô″ có nghĩa là gì?
-
Chúng ta có thể học được các nguyên tắc nào từ Mô Rô Ni 7:19? (Các học sinh nên nhận ra các nguyên tắc sau đây: Khi tìm kiếm một cách cần mẫn trong ánh sáng của Đấng Ky Tô, chúng ta có thể phân biệt được giữa thiện và ác. Nếu nắm vững được mọi điều tốt lành thì chúng ta sẽ được làm con cái của Đấng Ky Tô. Nếu học sinh cần giúp đỡ để hiểu cụm từ “con của Đấng Ky Tô”, thì các anh chị em có thể muốn tham khảo bài học 55 trong sách học này).
-
Khi nào các em đã tìm cách để biết được điều nào đó tốt lành hay thích hợp? Các em đã làm gì để ″tìm kiếm một cách cần mẫn″ nhằm biết được điều đó là tốt lành hay thích hợp?
Yêu cầu học sinh tham khảo các bản liệt kê họ đã lập ra trước đó. Trưng bày hoặc đọc to các câu hỏi sau đây, và mời học sinh ″tìm kiếm một cách cần mẫn trong ánh sáng của Đấng Ky Tô” (Mô Rô Ni 7:19) khi họ ghi lại các câu trả lời của họ cho những câu hỏi này. Đừng vội vã trong sinh hoạt này. Cho học sinh đủ thời gian để suy ngẫm và viết ra. Nói cho học sinh biết rằng các anh chị em sẽ không yêu cầu họ chia sẻ điều họ viết ra.
-
Những điều này mời các em làm điều thiện, tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, và yêu mến Thượng Đế cùng phục vụ Ngài một cách hiệu quả như thế nào?
-
Bất cứ điều nào trong những điều này có cố gắng thuyết phục các em để làm điều ác, để nghi ngờ Chúa Giê Su Ky Tô, hoặc ngừng phục vụ Thượng Đế không?
-
Các em có cảm thấy rằng mình nên loại bỏ bất cứ điều nào trong những điều này từ cuộc sống của các em không? Nếu có, thì các em sẽ làm điều đó bằng cách nào?
Hãy nêu lên rằng đôi khi có thể là điều khó khăn để làm điều chúng ta biết là đúng khi điều đó đòi hỏi từ bỏ một điều gì đó mà chúng ta vui thích. Để giúp học sinh hỗ trợ lẫn nhau trong nỗ lực này, hãy hỏi:
-
Các em sẽ đưa ra lời khuyên nào để giúp một người nào đó từ bỏ những điều không tốt hoặc không thích hợp?
Để kết thúc, hãy khẳng định rằng khi chúng ta tuân theo Ánh Sáng của Đấng Ky Tô, thì chúng ta có thể nhận ra rằng điều đó là tốt, tránh bị Sa Tan lừa gạt, và sống với tư cách là tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.