Thư Viện
Bài học 122: 3 Nê Phi 12


Bài Học 122

3 Nê Phi 12

Lời Giới Thiệu

Chúa Giê Su Ky Tô đã dạy dân Nê Phi cách tiếp nhận các phước lành của phúc âm Ngài và chỉ thị họ phải ảnh hưởng tốt đến những người khác. Ngài tuyên phán rằng Ngài đã làm tròn luật Môi Se, và Ngài đã ban cho dân chúng một luật pháp cao hơn để chuẩn bị cho họ trở nên giống như Ngài và Cha Thiên Thượng chúng ta.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

3 Nê Phi 12:1–12

Chúa Giê Su Ky Tô dạy đám đông dân chúng về các phước lành chúng ta nhận được khi chúng ta sống theo phúc âm của Ngài

Trước khi lớp bắt đầu học, viết các câu hỏi sau đây lên trên bảng:

Cha Thiên Thượng có kỳ vọng là chúng ta phải được toàn hảo không?

Chúng ta có cần phải trở nên toàn hảo trong cuộc sống này để bước vào thượng thiên giới không?

Chúng ta có bao giờ được toàn hảo không?

Vào lúc bắt đầu bài học, mời học sinh suy ngẫm những câu hỏi này. Yêu cầu họ xem xét các câu hỏi trong suốt bài học này.

Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 12:48. Hãy nêu lên rằng đây là một đoạn thánh thư thông thạo. Các anh chị em có thể muốn đề nghị học sinh đánh dấu đoạn văn này trong một cách đặc biệt để họ có thể tìm ra đoạn đó dễ dàng.

Mời một học sinh đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Russell M. Nelson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ về lệnh truyền phải được toàn hảo:

Anh Cả Russell M. Nelson

“Chúng ta không cần phải mất tinh thần nếu các nỗ lực sốt sắng của chúng ta hướng tới sự toàn hảo bây giờ dường như đầy gian khổ [khó khăn] và vô tận. Sự toàn hảo sẽ đến. Sự toàn hảo chỉ có thể đến hoàn toàn sau Sự Phục Sinh và chỉ qua Chúa mà thôi. Sự toàn hảo chờ đợi tất cả những người yêu mến Ngài và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài” (“Perfection Pending,” Ensign, tháng Mười Một năm 1995, 88).

  • Các em nghĩ tại sao sự toàn hảo “chỉ có thể đến qua Chúa mà thôi”?

Xem lại ba câu hỏi ở phần đầu của bài học. Hỏi học sinh xem họ có thể thay đổi những câu trả lời của họ cho những câu hỏi đó sau khi đọc 3 Nê Phi 12:48 và nghe lời giải thích của Anh Cả Nelson không. Giúp học sinh hiểu rằng Cha Thiên Thượng không kỳ vọng chúng ta trở nên toàn hảo trong cuộc sống trần thế mà là khi chúng ta siêng năng cố gắng tuân giữ các lệnh truyền và khi chúng ta dựa vào Sự Chuộc Tội, thì cuối cùng có thể được toàn hảo.

Viết từ phước thay lên trên bảng. Mời học sinh đọc thầm 3 Nê Phi 12:1–12 cùng tìm kiếm các thuộc tính mà Đấng Cứu Rỗi khuyên nhủ chúng ta phải phát triển và các phước lành Ngài hứa ban cho do việc làm theo lời Ngài.

  • Các phước lành nào đã đến với cuộc sống của các em do việc sống theo những lời dạy của Chúa Giê Su Ky Tô trong 3 Nê Phi 12:1–12?

Hãy cho thấy bao nhiêu lần từ phước thay được tìm thấy trong các câu này . Chia sẻ chứng ngôn của các anh chị em về việc các anh chị em đã được phước như thế nào khi đã sống theo lời dạy của Đấng Cứu Rỗi.

Yêu cầu học sinh viết trong sổ tay hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư về một phước lành mà họ mong muốn đã được mô tả trong 3 Nê Phi 12:1–12. Yêu cầu họ viết xuống thuộc tính họ cần phải phát triển để nhận được phước lành đó. Sau đó mời họ viết điều họ muốn làm để phát triển thuộc tính đó. Mời một vài học sinh chia sẻ điều họ đã viết và lý do tại sao.

3 Nê Phi 12:13–16

Đấng Cứu Rỗi khuyên nhủ đám đông dân chúng phải là các tấm gương ngay chính cho thế gian

Trưng bày một lọ muối. Yêu cầu lớp học nhận ra những lợi ích của muối. Khi học sinh trả lời rồi, hãy chắc chắn rằng muối hiển nhiên thêm hương vị cho thực phẩm và muối là một chất bảo quản được sử dụng để làm cho thịt không bị hư. Các anh chị em cũng có thể muốn giải thích rằng theo luật Môi Se, các thầy tư tế được truyền lệnh phải dâng lên muối với các của lễ hy sinh của họ (xin xem Lê Vi Ký 2:13). Như vậy, muối là một biểu tượng về sự giao ước giữa Chúa và dân Ngài.

Mời học sinh đọc thầm 3 Nê Phi 12:13 và nhận ra người nào Đấng Cứu Rỗi đã so sánh với muối. Khi học sinh trả lời xong, hãy giải thích rằng Đấng Cứu Rỗi không những đề cập đến đám đông dân chúng ở đền thờ vào ngày đó mà còn cả những người được báp têm vào Giáo Hội của Ngài và sống theo phúc âm của Ngài.

  • Trong những phương diện nào chúng ta, là các tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, có thể giống như muối? (Chúng ta phải giúp bảo vệ hoặc cứu vớt những người khác và cải thiện thế gian bằng cách có ảnh hưởng tốt đến những người khác).

  • Các em nghĩ việc muối để mất vị mặn của nó có nghĩa là gì?

Khi học sinh thảo luận câu hỏi này, các anh chị em có thể muốn đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Carlos E. Asay thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi:

“Muối sẽ không mất vị mặn của nó với thời gian. Vị mặn bị mất khi bị trộn lẫn và bị ô nhiễm. … Hương vị và chất lượng rời bỏ một người khi người này làm ô nhiễm tâm trí mình với những ý nghĩ đen tối, làm ô uế miệng của mình bằng cách nói ít hơn sự thật, và dùng sai sức mạnh của mình trong việc thực hiện các hành vi xấu xa” (“Salt of the Earth: Savor of Men and Saviors of Men,” Ensign, tháng Năm năm 1980, 42).

  • Tại sao chúng ta cần phải thanh sạch để ảnh hưởng tốt đến người khác?

Giải thích rằng Đấng Cứu Rỗi đã sử dụng một biểu tượng khác để dạy các tín hữu giao ước của Giáo Hội của Ngài nên ảnh hưởng tốt đến những người khác. Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 12:14–16. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm cách thức mà Đấng Cứu Rỗi sử dụng ánh sáng để dạy về vai trò của dân giao ước của Ngài trên thế gian. Trước khi học sinh đọc, các anh chị em có thể muốn giải thích rằng một cái đấu là một cái thúng.

  • Các tín hữu Giáo Hội có thể là một ánh sáng cho người khác bằng cách nào? Các em nghĩ việc để cho ánh sáng của chúng ta chiếu sáng có nghĩa là gì? (Khi học sinh trả lời câu hỏi này rồi, thì hãy giúp họ nhìn xem tấm gương của việc họ sống ngay chính có thể giúp đỡ người khác như thế nào).

  • Một số tín hữu Giáo Hội có thể che đậy ánh sáng của họ bằng cách nào?

  • Theo 3 Nê Phi 12:16, tại sao Đấng Cứu Rỗi muốn chúng ta để cho ánh sáng của chúng ta chiếu sáng? (Khi nêu gương ngay chính thì chúng ta có thể giúp đỡ người khác làm vinh hiển Cha Thiên Thượng. Các anh chị em có thể muốn đề nghị học sinh viết nguyên tắc này bằng lời riêng của họ trong quyển thánh thư của họ).

  • Tấm gương ngay chính của ai đã giúp các em đến gần Cha Thiên Thượng hơn và củng cố ước muốn của các em để sống theo phúc âm?

Mời học sinh suy ngẫm về tấm gương họ đã nêu lên cho những người xung quanh họ. Khuyến khích họ nghĩ về cách họ có thể giúp người khác gia tăng tình yêu mến của họ đối với Cha Thiên Thượng và ước muốn của họ để noi theo Ngài một cách hữu hiệu hơn.

3 Nê Phi 12:17–48

Chúa Giê Su Ky Tô dạy đám đông dân chúng luật pháp cao hơn mà sẽ giúp họ trở thành giống như Ngài và Cha Thiên Thượng

Giải thích rằng Đấng Cứu Rỗi đã tiếp tục dạy dân Nê Phi cách đến cùng Ngài và vào vương quốc thiên thượng. Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 12:19–20. Mời lớp học dò theo cùng tìm kiếm một từ xuất hiện nhiều lần trong các câu này.

  • Đấng Cứu Rỗi sử dụng từ quan trọng nào ba lần như là một phần của lời mời gọi này hãy đến cùng Ngài? (Các lệnh truyền).

Giải thích rằng 3 Nê Phi 12:21–47 chứa đựng một số lệnh truyền cụ thể Đấng Cứu Rỗi đã ban cho mà sẽ giúp chúng ta đến cùng Ngài và trở thành giống như Ngài. Khi dạy những lệnh truyền này cho dân Nê Phi, Ngài nhắc tới những lời giáo huấn là một phần của luật Môi Se và sau đó dạy một luật pháp cao hơn. Ngài đề cập đến sự hiểu biết theo truyền thống về luật Môi Se khi Ngài sử dụng các cụm từ như “người xưa có chép rằng” và “có lời chép rằng.” Khi Ngài nói “song ta nói cho các ngươi hay rằng,” Ngài giới thiệu cách Ngài muốn chúng ta phải tuân giữ lệnh truyền đó ngày nay.

Để giúp học sinh học những câu này, hãy sao chép biểu đồ sau đây lên trên bảng. Chia lớp ra thành bốn nhóm. Chỉ định mỗi nhóm một hàng trong biểu đồ, và mời họ đọc các câu kèm theo và trả lời các câu hỏi.

Sự hiểu biết theo truyền thống trong luật Môi Se là gì?

Đấng Cứu Rỗi khuyên bảo chúng ta phải sống như thế nào?

Một thanh niên hoặc thiếu nữ có thể làm gì để áp dụng lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi?

3 Nê Phi 12:21

3 Nê Phi 12:22–26

3 Nê Phi 12:27

3 Nê Phi 12:28–30

3 Nê Phi 12:38

3 Nê Phi 12:39–42

3 Nê Phi 12:43

3 Nê Phi 12:44–46

Vì lợi ích của học sinh đọc 3 Nê Phi 12:22, các anh chị em có thể muốn giải thích rằng Ra Ca là một thuật ngữ đầy xúc phạm hoặc chế giễu mà bày tỏ sự khinh thường hay nhạo báng (xin xem Ma Thi Ơ 5:22, cước chú d). Các anh chị em cũng có thể muốn giải thích rằng Anh Cả David E. Sorensen thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi dạy rằng cụm từ “hãy mau kíp hòa hiệp với kẻ thù nghịch của mình” (3 Nê Phi 12:25) có nghĩa là “giải quyết sự khác biệt của chúng ta sớm, kẻo cơn giận dữ trong khoảnh khắc leo thang thành sự tàn ác về thể chất hoặc cảm xúc, và chúng ta trở thành nô lệ của cơn giận dữ của mình” (“Forgiveness Will Change Bitterness to Love,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2003, 11).

Khi học sinh đã hoàn tất việc nghiên cứu các câu đã được chỉ định, hãy mời mỗi nhóm báo cáo các câu trả lời của họ. Các anh chị em có thể muốn yêu cầu họ ghi câu trả lời của họ trong biểu đồ ở trên bảng.

  • Điều gì dường như thay đổi giữa luật Môi Se và luật pháp cao hơn do Chúa Giê Su Ky Tô giảng dạy?

Các anh chị em có thể muốn nêu ra rằng luật pháp cao hơn tập trung nhiều vào những ước muốn, ý nghĩ, và động cơ của chúng ta hơn là vào hành động bên ngoài của chúng ta.

  • Trong khi chúng ta cố gắng để được toàn thiện tại sao là điều rất quan trọng để tập trung vào những ước muốn, ý nghĩ và động cơ của chúng ta?

Mời học sinh chọn một trong số những lời dạy của Đấng Cứu Rỗi trong 3 Nê Phi 12 và viết một đoạn về cách họ sẽ tiến bộ trong lãnh vực đó.

Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 12:19–20. Giúp học sinh hiểu rằng bằng cách hối cải và siêng năng cố gắng tuân giữ các lệnh truyền mà Đấng Cứu Rỗi đã dạy, chúng ta có thể trở nên toàn thiện qua Sự Chuộc Tội và “vào được vương quốc thiên thượng” (3 Nê Phi 12:20).

Sau khi học sinh đã hoàn tất các sinh hoạt này hãy mời họ chia sẻ điều có ý nghĩa nhất đối với họ. Tóm lược chương này bằng cách viết nguyên tắc sau đây lên trên bảng: Khi chúng ta đến cùng Đấng Ky Tô và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài, thì chúng ta có thể trở nên giống như Ngài và Cha Thiên Thượng của chúng ta, là hai Đấng toàn thiện. Nhắc nhở học sinh rằng để có được bất cứ mức độ toàn thiện nào, chúng ta cũng phải dựa vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Mời học sinh viết về một hoặc hai cách thức họ muốn áp dụng những lời dạy của Đấng Cứu Rỗi mà họ đã học được ngày hôm nay. Kết thúc bằng cách chia sẻ chứng ngôn của mình về nguyên tắc các anh chị em đã viết ở trên bảng.

biểu tượng thông thạo thánh thưThông Thạo Thánh Thư —3 Nê Phi 12:48

Mời học sinh mở ra quyển thánh thư của họ đến 3 Nê Phi 12:48. Yêu cầu họ đồng thanh đọc to câu thánh thư đó. Cho học sinh thời gian để nghiên cứu câu thánh thư đó, và sau đó yêu cầu họ đóng quyển thánh thư lại và đọc thuộc lòng câu đó một lần nữa một cách hoàn hảo nhất mà họ có thể làm được. Yêu cầu họ lặp lại tiến trình nhìn vào câu đó, đóng lại quyển thánh thư của họ, và sau đó đọc thuộc lòng câu đó từ trí nhớ.

  • Bằng cách nào các em đã cải thiện với nỗ lực?

  • Làm thế nào sinh hoạt này giúp các em hiểu được cuộc hành trình của các em hướng tới sự toàn thiện?

Hãy nêu lên rằng các nỗ lực của chúng ta trong cuộc sống là rất thiết yếu. Tuy nhiên, hãy nhắc nhở học sinh rằng Chúa không kỳ vọng là chúng ta trở nên toàn thiện trong mọi điều trong cuộc sống trần thế. Qua Sự Chuộc Tội và các nỗ lực siêng năng của chúng ta để noi theo Đấng Cứu Rỗi, cuối cùng chúng ta có thể được toàn thiện. Mời học sinh nghĩ ra một cách họ có thể cố gắng để noi theo Đấng Cứu Rỗi.

Xin lưu ý: Vì bài học này dài, nên các anh chị em có thể muốn sử dụng sinh hoạt này vào một ngày khác, khi có nhiều thời gian hơn.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

3 Nê Phi 12:28–30. Tội lỗi của sự ham muốn

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ giải thích:

“Tại sao lòng ham muốn là một tội lỗi lớn như vậy? Vâng, ngoài việc làm hại tâm hồn chúng ta bằng cách hoàn toàn làm cho Thánh Linh rút lui, tôi nghĩ rằng đó là một tội lỗi bởi vì nó làm vẩn đục mối quan hệ cao quý và thánh thiện nhất do Thượng Đế ban cho chúng ta trong cuộc sống hữu diệt—đó là tình yêu giữa người nam và người nữ dành cho nhau và lòng khát khao cặp vợ chồng này có để mang con cái vào một gia đình với ý định được ở với nhau mãi mãi. Tình yêu thương làm cho chúng ta, theo bản năng tự nhiên, tìm đến Thượng Đế và những người khác. Ngược lại, lòng ham muốn nhất định không phải là tin kính và tán dương sự đam mê của bản thân. Tình yêu thương khiến cho chúng ta mở rộng tấm lòng và dang tay giúp đỡ; lòng ham muốn chỉ là một sự thèm khát” (“Đừng Nhượng Bộ Kẻ Thù của Linh Hồn Ta,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2010, 44–45).

3 Nê Phi 12:43–44. “Hãy yêu người lân cận” và “hãy yêu kẻ thù nghịch mình”

Lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi cho dân Nê Phi rằng họ phải yêu thương nhau và yêu thương kẻ thù của họ là hợp thời và phù hợp. Sau nhiều thế kỷ chiến tranh giữa dân Nê Phi và dân La Man, cũng như những năm xung đột nội bộ, thì sẽ có một truyền thống hận thù giữa các nhóm đối nghịch. Ví dụ, Mô Si A 10:17 nói rằng dân La Man “đã dạy dỗ con cháu mình phải thù ghét con cháu của Nê Phi, sát hại họ, trộm cắp, cướp đoạt của họ, và làm đủ mọi cách để hủy diệt họ.” Nếu dân chúng tiếp tục sống theo những lời dạy của Đấng Cứu Rỗi trong 3 Nê Phi 12:43–44, thì họ đã có thể bảo tồn nền hòa bình và vĩnh viễn kết thúc truyền thống sai lầm về việc giảng dạy trẻ em phải thù ghét kẻ nghịch thù của họ. Tuy nhiên, những năm hòa bình tiếp theo cuộc viếng thăm của Đấng Cứu Rỗi đã bị phá hủy vì một số người đã chọn “cố tình chống lại phúc âm của Đấng Ky Tô; họ còn dạy con cái họ đừng tin nữa.” Họ đã chọn chấp nhận “sự tà ác và khả ố của tổ phụ họ chẳng khác chi lúc ban đầu. Họ được dạy dỗ phải thù ghét con cái của Thượng Đế, chẳng khác chi dân La Man đã được dạy dỗ phải thù ghét con cháu Nê Phi từ lúc đầu” (4 Nê Phi 1:38–39).