Bài Học 87
An Ma 27–29
Lời Giới Thiệu
Khi dân La Man không thành công trong các cuộc tấn công của họ vào dân Nê Phi, thì họ chuyển cơn tức giận của họ đến dân An Ti Nê Phi Lê Hi. Vì giao ước mà dân An Ti Nê Phi Lê Hi đã lập là sẽ không bao giờ làm đổ máu người khác nữa, nên họ đã từ chối không cầm lên vũ khí để tự bảo vệ mình. Am Môn dẫn dân An Ti Nê Phi Lê Hi đến Gia Ra Hem La, nơi mà họ đã nhận được sự bảo vệ từ dân Nê Phi và bắt đầu được biết đến là những người dân Am Môn. Khi dân Nê Phi bảo vệ dân Am Môn chống lại dân La Man, thì hàng ngàn dân Nê Phi và dân La Man đã thiệt mạng trong trận chiến. Mặc dù dân Nê Phi cảm thấy đau buồn trước cái chết của thân nhân họ, nhưng nhiều người trong số họ đã tìm thấy hy vọng và niềm vui trong lời hứa của Chúa rằng người ngay chính sẽ được ″nhấc lên để sống bên tay phải của Thượng Đế, trong một trạng thái hạnh phúc bất tận” (An Ma 28:12).
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
An Ma 27
Am Môn dẫn những người dân An Ti Nê Phi Lê Hi đến chốn an toàn ở giữa dân Nê Phi
Yêu cầu học sinh giơ tay lên nếu họ đã từng có một người nào đó lập một lời hứa với họ và sau đó vi phạm lời hứa đó. Sau đó yêu cầu họ giơ tay lên nếu họ đã có một người nào đó lập một lời hứa và sau đó giữ lời hứa đó.
-
Các em cảm thấy như thế nào về những người giữ lời hứa của họ? Tại sao?
-
Các em nghĩ Chúa sẽ cảm thấy như thế nào về những người giữ lời hứa với Ngài?
Giới thiệu An Ma 27 bằng cách giải thích rằng sau khi dân La Man không thành công trong việc cố gắng tiêu diệt dân Nê Phi, thì họ tấn công dân An Ti Nê Phi Lê Hi, là những người dân La Man đã được cải đạo qua sự phục vụ của Am Môn và các anh em của ông. Yêu cầu học sinh nhớ lại điều dân An Ti Nê Phi Lê Hi đã làm để cho Chúa thấy rằng họ sẽ tuân giữ giao ước của họ là không bao giờ ″sử dụng vũ khí để làm đổ máu loài người nữa” ( An Ma 24:18). (Họ chôn vũ khí chiến tranh của họ). Để biết được việc dân An Ti Nê Phi Lê Hi phải giữ lời hứa của họ như thế nào, hãy mời một học sinh đọc to An Ma 27:2–3. (Các anh chị em cũng có thể đề nghị học sinh đọc An Ma 24:18–19 và viết đoạn tham khảo này ở ngoài lề bên cạnh An Ma 27:3).
-
Nếu các em là một trong những người dân An Ti Nê Phi Lê Hi, thì có thể là điều khó khăn như thế nào đối với các em để tuân giữ giao ước của mình và không đi đánh trận để tự bảo vệ mình và thân nhân của mình?
Mời học sinh im lặng đọc An Ma 27:4–10 cùng tìm kiếm điều Am Môn đã đề nghị làm để bảo vệ dân An Ti Nê Phi Lê Hi và giúp họ tuân giữ các giao ước của họ. Yêu cầu một học sinh tóm lược đoạn này.
Mời một học sinh đọc to An Ma 27:11–12 cùng yêu cầu lớp học tìm kiếm lời chỉ dẫn mà Am Môn đã nhận được từ Chúa. Giải thích rằng dân An Ti Nê Phi Lê Hi đi theo Am Môn đến Gia Ra Hem La (xin xem An Ma 27:13–15). (Các anh chị em cũng có thể muốn tóm lược An Ma 27:16–19, cùng nêu ra rằng chính là trong những hoàn cảnh này mà Am Môn và các con trai khác của Mô Si A đã đoàn tụ với An Ma, như đã được thuật lại trong An Ma 17:1–4).
Giải thích rằng vị trưởng phán quan của dân Nê Phi đã hỏi dân chúng là họ có cho phép dân An Ti Nê Phi Lê Hi sống giữa họ không. Mời học sinh im lặng đọc An Ma 27:22–24 cùng tìm kiếm phản ứng của dân Nê Phi trước lời loan báo của vị trưởng phán quan.
-
Dân Nê Phi nói họ sẽ giúp đỡ dân An Ti Nê Phi Lê Hi như thế nào?
-
Các em nghĩ tại sao dân Nê Phi đã sẵn lòng bảo vệ những kẻ thù trước đây của mình?
Yêu cầu học sinh im lặng đọc An Ma 27:26 để khám phá ra dân Nê Phi bắt đầu gọi dân An Ti Nê Phi Lê Hi là gì.
Yêu cầu một vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ An Ma 27:27–30. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm các đức tính nào mà dân Am Môn được biết đến. Mời học sinh báo cáo điều họ tìm thấy.
-
Điều gì gây ấn tượng cho các em về dân Am Môn? Tại sao?
-
An Ma 27:27–30 dạy điều gì về mối liên hệ giữa việc được cải đạo theo Chúa và tuân giữ các giao ước? (Học sinh có thể sử dụng các từ khác nhau, nhưng họ cần phải cho thấy rằng họ hiểu được lẽ thật sau đây: Khi hoàn toàn được cải đạo theo Chúa, chúng ta tuân giữ các giao ước đã lập với Ngài. Các anh chị em có thể muốn viết nguyên tắc này lên trên bảng).
-
Ai đã là một tấm gương về nguyên tắc này trong cuộc sống của các em?
An Ma 28
Dân Nê Phi đánh bại dân La Man trong một trận đại chiến
Hãy nêu ra rằng mặc dù nhiều người dân Nê Phi trung tín nhưng họ vẫn gặp những thử thách khó khăn.
Giải thích rằng Chủ Tịch Thomas S. Monson đã chia sẻ câu chuyện sau đây về một kinh nghiệm ông đã có lúc còn trẻ. Sau khi nghe rằng người bạn của mình là Arthur Patton đã tử trận trong Đệ Nhị Thế Chiến, thiếu niên Thomas Monson đã đến thăm mẹ của Arthur. Bà không phải là tín hữu của Giáo Hội. Về sau ông nhớ lại:
“Một ánh đèn đã tắt trong cuộc sống của Bà Patton. Bà mò mẫm trong bóng tối và nỗi tuyệt vọng vô cùng.
“Với lời cầu nguyện trong lòng, tôi tiến đến lối đi vào nhà Patton, tự hỏi những lời an ủi nào có thể thốt ra từ miệng của một đứa trẻ.
“Cửa mở ra và Bà Patton ôm lấy tôi thể như bà đang ôm đứa con trai của bà. Căn nhà trở thành một giáo đường khi một người mẹ lòng đầy đau buồn và một đứa trẻ còn quá non nớt quỳ gối cầu nguyện.
“Khi chúng tôi đứng dậy, Bà Patton nhìn vào mắt tôi và nói: ‘Tommy, bác không thuộc vào một giáo hội nào hết, nhưng cháu thì có đạo. Cháu hãy nói cho bác biết, Arthur sẽ sống lại không?’” (“Bà Patton—Chuyện Tiếp Theo,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2007, 22).
-
Các em sẽ trả lời như thế nào cho câu hỏi của bà Patton?
Hãy đọc câu trả lời của Chủ Tịch Monson:
“Với hết khả năng của mình, tôi làm chứng cùng bà rằng quả thật Arthur sẽ sống lại” (“Bà Patton—Chuyện Tiếp Theo,” 22).
-
Sự hiểu biết về kế hoạch cứu rỗi thay đổi quan điểm của những người có thân nhân đã qua đời như thế nào?
Yêu cầu một vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ An Ma 28:1–3. Yêu cầu lớp học tìm kiếm cái giá mà dân Nê Phi đã trả để giúp dân Am Môn tuân giữ giao ước của họ. Mời học sinh im lặng đọc An Ma 28:4–6 cùng tìm kiếm việc quá nhiều người chết đã ảnh hưởng đến dân Nê Phi như thế nào. Yêu cầu học sinh tra cứu An Ma 28:11–12 về các lý do tại sao một số người có thể cảm thấy sợ hãi trước cái chết của người thân, trong khi những người khác có thể cảm thấy hy vọng.
-
Tại sao một số người có thể cảm thấy sợ hãi trước cái chết của người thân?
-
Tại sao một số người có thể cảm thấy hy vọng trước cái chết của người thân? (Học sinh có thể sử dụng các từ khác nhau, nhưng họ cần phải bày tỏ rằng khi có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và những lời hứa của Chúa, thì chúng ta có thể có hy vọng và niềm vui trong những lúc có chết chóc).
Viết câu không đầy đủ sau đây lên bảng: Và do đó chúng ta thấy rằng …
Hỏi học sinh làm thế nào họ sẽ hoàn tất câu này dựa trên điều họ đã học trong An Ma 28.
Sau khi học sinh đã có thời gian để trả lời rồi, hãy mời một học sinh đọc An Ma 28:13–14. Yêu cầu học sinh so sánh những câu trả lời của họ với các nguyên tắc đã được dạy trong các câu này. (Các anh chị em có thể muốn đề nghị học sinh tô đậm cụm từ “và do đó chúng ta thấy rằng” mỗi khi thấy cụm từ đó trong các câu này. Giải thích rằng Mặc Môn thường sử dụng cụm từ này để giới thiệu các bài học quan trọng mà chúng ta có thể học được từ các câu chuyện trong Sách Mặc Môn).
-
Các em đã đọc được điều gì trong An Ma 27–28 mà hỗ trợ lời nói của Mặc Môn “và do đó chúng ta thấy rằng”?
-
Có khi nào các em đã nhìn thấy một người nào đó đương đầu với cái chết của mình hoặc cái chết của một người thân với hy vọng nhờ vào đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô không?
-
Các em sẽ giải thích sự phục sinh như thế nào để giúp một người nào đó có hy vọng khi phải đương đầu với cái chết của mình hay cái chết của một người thân?
An Ma 29
An Ma hãnh diện trong việc mang những người khác đến cùng Thượng Đế
Nói cho học sinh biết rằng An Ma 29 ghi chép việc An Ma biểu lộ ước muốn được làm một công cụ trong tay của Chúa. Mời một học sinh đọc to An Ma 29:1–3. Yêu cầu lớp học tìm kiếm điều mà An Ma chắc hẳn đã làm nếu ông đã có thể có “sự ước muốn của lòng [ông].” (Ông sẽ “[rao truyền] sự hối cải cho mọi người.”)
-
Theo An Ma 29:2, tại sao An Ma mong muốn điều này?
Yêu cầu học sinh im lặng đọc An Ma 29:4–5 cùng tìm kiếm điều mà Chúa ban cho những người có ước muốn ngay chính. (Nếu học sinh cần giúp trả lời câu hỏi này, thì các anh chị em có thể nêu ra cụm từ “tôi biết rằng, Ngài ban cho loài người tùy theo sự mong muốn của họ.” Giải thích rằng nếu chúng ta mong muốn những điều ngay chính thì Chúa sẽ ban phước cho chúng ta theo những ước muốn đó. Hãy nêu ra rằng nếu tất cả những ước muốn ngay chính của chúng ta không được đáp ứng trong cuộc sống này, thì chúng sẽ được đáp ứng trong thời vĩnh cửu).
Yêu cầu mỗi học sinh tra cứu riêng An Ma 29:10, 14, 16 cùng tìm kiếm phước lành mà An Ma đã nhận được khi ông giúp những người khác đến cùng Đấng Ky Tô. Yêu cầu học sinh chia sẻ điều họ tìm được.
-
An Ma đã sử dụng từ nào để mô tả cảm nghĩ của ông về việc giúp đỡ những người khác đến cùng Đấng Ky Tô? (Các anh chị em có thể muốn đề nghị học sinh tô đậm mỗi lần sử dụng từ vui mừng, hân hoan, niềm vui trong những câu này).
-
Chúng ta có thể học được nguyên tắc nào từ kinh nghiệm của An Ma trong việc giúp người khác hối cải và đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô? (Học sinh có thể sử dụng các từ khác nhau, nhưng họ cần phải cho thấy là đã hiểu được nguyên tắc sau đây: Chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui khi giúp người khác hối cải và đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô).
-
Có khi nào các em đã cảm thấy niềm vui đến từ việc giúp những người khác đến cùng Đấng Ky Tô không?
Khuyến khích học sinh tìm kiếm cơ hội để giúp những người khác đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy cân nhắc việc chia sẻ một kinh nghiệm truyền giáo đầy hân hoan của các anh chị em.