Thư Viện
Bài Học 37: 2 Nê Phi 27


Bài Học 37

2 Nê Phi 27

Lời Giới Thiệu

Bằng cách thường đề cập tới những lời của Ê Sai, Nê Phi tiên tri rằng Chúa sẽ làm “một công việc lạ lùng và một điều kỳ diệu” trong những ngày sau cùng. Công việc vĩ đại này sẽ là Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Một điểm tập trung của lời tiên tri của Nê Phi là sự ra đời của Sách Mặc Môn. Nê Phi báo trước rằng các nhân chứng sẽ thấy Sách Mặc Môn và làm chứng về lẽ trung thực của sách này. Ông cũng làm chứng về vai trò cơ bản mà Sách Mặc Môn sẽ đóng trong công việc của Chúa trong những ngày sau—mà sẽ là một ân tứ kỳ diệu cho thế gian. Xin lưu ý: 2 Nê Phi 27 rất giống với Ê Sai 29. Trong ấn bản Thánh Hữu Ngày Sau của Kinh Thánh, các cước chú trong Ê Sai 29 mang đến sự hiểu biết hữu ích cho việc nghiên cứu cả hai chương này).

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

2 Nê Phi 27:1–5

Nê Phi tiên tri rằng trong những ngày sau cùng, thế gian sẽ đầy dẫy sự tà ác

Trưng lên các món đồ sau đây: một vật đựng thuốc khử mùi, một ống kem đánh răng, và một cục xà bông hoặc vật đựng xà bông. Giải thích rằng mỗi món đồ là một giải pháp cho một vấn đề. Hãy yêu cầu các học sinh nhận ra vấn đề nhằm giải quyết mỗi món đồ đó. (Các anh chị em có thể chọn sử dụng những món đồ khác mà có thể được xem là giải pháp cho các vấn đề cụ thể).

Giải thích rằng lời tiên tri của Nê Phi trong 2 Nê Phi 27 cho biết về những vấn đề sẽ xảy ra trong thời kỳ của chúng ta. Ông dạy rằng có những người sẽ vấp ngã về phần thuộc linh vì sự bất chính của họ, rằng họ sẽ chịu sự mù quáng về phần thuộc linh, và họ sẽ chối bỏ các vị tiên tri. Nê Phi cũng tiên tri về điều Thượng Đế sẽ làm để giải quyết các vấn đề này.

Mời một vài học sinh thay phiên nhau đọc to 2 Nê Phi 27:1–5. Yêu cầu lớp học tìm kiếm những từ và cụm từ mô tả một số vấn đề của những ngày sau cùng. Yêu cầu một vài học sinh chia sẻ những cụm từ mà họ đã nhận ra. Để giúp các học sinh phân tích những cụm từ này, các anh chị em có thể muốn đặt ra những câu hỏi sau đây:

  • Các em nghĩ “say sưa trong sự bất chính” có nghĩa là gì?

  • Trong 2 Nê Phi 27:3, một số người trong những ngày sau cùng được so sánh như là một người đói nằm mơ thấy mình đang ăn hoặc một kẻ khát nước đang mơ thấy mình uống nước nhưng rồi khi tỉnh giấc thì cảm thấy tâm hồn mình trống rỗng. Chúng ta có thể học được gì từ điều này? (Việc ăn hoặc uống trong giấc mơ không mang đến sự thỏa mãn lâu dài và không hoàn thành được điều gì cả, vì vẫn còn đói hay khát sau giấc mơ. Tương tự như vậy, những người “đánh lại Núi Si Ôn” sẽ không có sự thỏa mãn lâu dài cũng như sẽ không hoàn thành được bất cứ điều nào quan trọng).

  • Các em nghĩ cụm từ “các người đã nhắm mắt mình lại” có nghĩa là gì?

Để giúp các học sinh nhận ra các lẽ thật phúc âm trong 2 Nê Phi 27:1–5, hãy mời họ tóm lược điều họ đã học được từ các câu này. Viết những câu trả lời của họ lên trên bảng. Hãy chắc chắn rằng các học sinh hiểu rằng trong những ngày sau cùng, nhiều người sẽ đầy dẫy sự bất chính và sẽ chối bỏ các vị tiên tri.

  • Các em nghĩ tại sao là điều quan trọng để biết về lời tiên tri này và sự ứng nghiệm của lời tiên tri này?

2 Nê Phi 27:6–23

Nê Phi tiên tri về sự ra đời của Sách Mặc Môn

Mời các học sinh im lặng đọc 2 Nê Phi 27:6–7. Yêu cầu họ tìm kiếm một điều gì mà Chúa sẽ cung cấp để giúp giải quyết những vấn đề thuộc linh của con người trong những ngày sau cùng.

  • Chúa sẽ cung cấp điều gì?

  • Quyển sách này chứa đựng điều gì?

  • Các em nghĩ những câu này đang mô tả quyển sách nào? (Để giúp các học sinh trả lời câu hỏi này, các anh chị em có thể đề nghị rằng họ tra tìm những đoạn tham khảo thánh thư được liệt kê trong 2 Nê Phi 27:6, cước chú b. Các anh chị em cũng có thể muốn giải thích rằng cụm từ “những người đã đắm chìm trong giấc ngủ triền miên” ám chỉ các vị tiên tri đã qua đời là những người đã lưu giữ các biên sử để trở thành Sách Mặc Môn).

Giơ lên một quyển Sách Mặc Môn. Giải thích rằng Chúa đã cho ra đời quyển sách này để giúp sửa chỉnh các vấn đề trong những ngày sau cùng và mang ánh sáng đến cho một thế giới tối tăm. Chúa đã mặc khải cho các vị tiên tri thời xưa các chi tiết về sự ra đời của Sách Mặc Môn. Nê Phi ghi lại các chi tiết này trong 2 Nê Phi 27. Giải thích rằng một lời tiên tri tương tự được tìm thấy trong Ê Sai 29. (Các anh chị em có thể muốn giải thích rằng một số người đã thách thức Sách Mặc Môn bằng cách chất vấn tại sao Kinh Thánh không đề cập đến. Hãy nêu lên rằng lời tiên tri trong Ê Sai 29 cho thấy rằng Kinh Thánh quả thật có làm chứng về Sách Mặc Môn).

Mời một học sinh đọc to 2 Nê Phi 27:12–14. Yêu cầu lớp học tìm kiếm người nào mà Nê Phi nói là sẽ được phép để thấy quyển sách đó.

  • Ai là ba nhân chứng đã được phép để thấy Sách Mặc Môn “nhờ quyền năng của Thượng Đế”? (Oliver Cowdery, David Whitmer và Martin Harris. Xin xem “Chứng Ngôn của Ba Nhân Chứng,” Sách Mặc Môn).

Hãy nêu lên rằng Nê Phi đã đề cập đến “một số ít” người khác là những người cũng sẽ được cho phép để thấy quyển sách đó.

  • Các em nghĩ những nhân chứng khác này là ai? (Các anh chị em có thể cần nhắc các học sinh nhớ có thêm tám nhân chứng về Sách Mặc Môn. Xin xem “Chứng Ngôn của Tám Nhân Chứng,” Sách Mặc Môn).

Hãy nêu lên rằng 2 Nê Phi 27:14 đề cập rằng Chúa sẽ “lập những lời nói của Ngài bởi miệng những nhân chứng mà Ngài thấy thích hợp.”

  • Các em nghĩ Nê Phi có ý nói gì khi ông nói rằng các nhân chứng sẽ lập lời nói của Thượng Đế? (Những người nhận được và chấp nhận lời của Thượng Đế qua Sách Mặc Môn sẽ chia sẻ sách đó với những người khác và làm chứng về lẽ trung thực của sách ấy).

  • Ai có thể là những nhân chứng này?

  • Để giúp các học sinh hiểu rõ rằng họ cũng có thể là nhân chứng về lẽ trung thực của Sách Mặc Môn, các anh chị em có thể muốn mời họ viết tên của họ vào ngoài lề trang bên cạnh 2 Nê Phi 27:14. Làm thế nào mỗi tín hữu của Giáo Hội, kể các các em, có thể giúp thiết lập lẽ thật của Sách Mặc Môn?

  • Các em đã chia sẻ chứng ngôn về Sách Mặc Môn với những người khác vào lúc nào?

Trong một bài học trước đây, các anh chị em có thể đã khuyến khích các học sinh chia sẻ chứng ngôn của họ về Sách Mặc Môn với một người nào đó. Nếu các anh chị em đã làm như vậy, thì hãy theo dõi sự chỉ định đó bằng cách mời vài học sinh chia sẻ điều họ đã làm. Khuyến khích các học sinh tiếp tục tìm kiếm các cơ hội để chia sẻ chứng ngôn của họ về Sách Mặc Môn với những người khác, kể cả những người thuộc tín ngưỡng khác.

Chép lại biểu đồ sau đây lên trên bảng. (Để tiết kiệm thời giờ, các anh chị em có thể muốn làm điều này trước khi lớp học bắt đầu).

Lời tiên tri của Nê Phi về điều mà người đàn ông ấy sẽ làm

Tên của người ấy

Sự ứng nghiệm của lời tiên tri

Joseph Smith—Lịch Sử 1:63–65

Người Thứ Nhất (“không có học thức”)

2 Nê Phi 27:9, 15, 19

Người Thứ Hai (“một người khác”)

2 Nê Phi 27:15, 17

Người Thứ Ba (“nhà học giả”)

2 Nê Phi 27:15–18

Chia các học sinh ra thành từng cặp. Giải thích rằng mỗi cặp sẽ nghiên cứu một lời tiên tri về sự ra đời của Sách Mặc Môn cũng như sự ứng nghiệm của lời tiên tri đó. Yêu cầu các học sinh chép lại biểu đồ vào nhật ký ghi chép việc học thánh thư hoặc sổ ghi chép trong lớp học của họ và viết những câu trả lời bằng cách sử dụng các phần tham khảo thánh thư đã được cung cấp. (Các anh chị em có thể muốn giải thích rằng từ những chữ, được tìm thấy trong Joseph Smith—Lịch Sử 1:63–65, ám chỉ bài viết được khắc trên bảng khắc bằng vàng mà từ đó Sách Mặc Môn được phiên dịch). Khi các học sinh đã làm xong, hãy mời họ chia sẻ những câu trả lời của họ với lớp học.

  • Theo như 2 Nê Phi 27:15Joseph Smith—Lịch Sử 1:64, Martin Harris đã mang những chữ của sách đến cho học giả nào xem? (Charles Anthon).

  • Trong những cách thức nào một người không có học vấn chính thức, giống như Joseph Smith, có thể là người thích hợp để phiên dịch Sách Mặc Môn hơn một học giả như Charles Anthon?

Yêu cầu các học sinh im lặng đọc 2 Nê Phi 27:20–21, và tìm kiếm một cụm từ đã được lặp lại trong mỗi câu. (“Ta có thể làm được công việc riêng của ta”).

  • Cụm từ “ta có thể làm được công việc riêng của ta” có nghĩa gì đối với các em?

  • Sự Phục Hồi phúc âm và sự ra đời của Sách Mặc Môn là một sự xác nhận như thế nào rằng Thượng Đế có thể tự làm công việc của Ngài?

  • Một số nguyên tắc nào đã được các câu này giảng dạy? (Trong khi các học sinh chia sẻ ý kiến của họ, hãy nhấn mạnh rằng sự ra đời của Sách Mặc Môn là một cách mà Thượng Đế sẽ thực hiện công việc của Ngài trong những ngày sau).

  • Sự ứng nghiệm lời tiên tri này củng cố chứng ngôn của các em về Sách Mặc Môn và vai trò của sách này trong Sự Phục Hồi của Giáo Hội của Chúa như thế nào?

2 Nê Phi 27:24–35

Nê Phi tiên tri về ảnh hưởng tích cực của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô và Sách Mặc Môn

Đọc to 2 Nê Phi 27:24–26 trong khi các học sinh dò theo trong thánh thư của họ.

  • Các em có nhớ nghe những lời này trước đây không? Nếu có, thì ở đâu? (Nếu các học sinh gặp khó khăn để trả lời, thì hãy giải thích rằng Chúa đã sử dụng những từ tương tự khi Ngài phán bảo cùng Joseph Smith trong Khu Rừng Thiêng Liêng; xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:19).

Giơ lên một trong số các món đồ các anh chị em đã trưng bày vào lúc bắt đầu bài học này, và nhắc các học sinh nhớ rằng món đồ đó được tạo ra để giải quyết một vấn đề riêng biệt.

  • Trong 2 Nê Phi 27:25, các vấn đề nào Chúa phán là sẽ tồn tại ở giữa dân chúng vào những ngày sau? (Các anh chị em có thể muốn viết những câu trả lời của học sinh lên trên bảng).

Nhắc các học sinh nhớ về các vấn đề thuộc linh khác của những ngày sau đã được đề cập trong 2 Nê Phi 27:5. (Các anh chị em có thể muốn thêm vào sự bất chính, sự mù quáng phần thuộc linh,chối bỏ các vị tiên tri vào bản liệt kê trên bảng).

  • Sách Mặc Môn và Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô giúp giải quyết những vấn đề này như thế nào?

Yêu cầu các học sinh im lặng đọc 2 Nê Phi 27:29–30, 34–35, tìm kiếm những cách mà Chúa đã phán là phúc âm phục hồi và Sách Mặc Môn sẽ ban phước cho dân chúng trong những ngày sau. Mời một học sinh liệt kê những phước lành lên trên bảng.

  • Theo như 2 Nê Phi 27:29, Sách Mặc Môn sẽ giúp “mắt của kẻ đui sẽ xem thấy từ sự tối tăm mù mịt.” Các em nghĩ điều này có nghĩa là gì?

Giúp các học sinh hiểu rằng Sách Mặc Môn và phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô mang niềm vui và sự hiểu biết cho những người nghiên cứu và chấp nhận Sách Mặc Môn và phúc âm phục hồi. Khuyến khích các học sinh tìm kiếm những giải pháp cho những thử thách của họ trong Sách Mặc Môn và chia sẻ chứng ngôn của họ về Sách Mặc Môn với những người khác.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

2 Nê Phi 27:1–2. “Sự bất chính và mọi điều khả ố gớm ghê”

Chủ Tịch Boyd K. Packer thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã mô tả mối quan tâm của ông về sự suy đồi đạo đức phổ biến rộng rãi và mối nguy cơ thuộc linh đang ở xung quanh chúng ta trong những ngày sau cùng:

“Tôi không biết một điều gì trong lịch sử của Giáo Hội hoặc trong lịch sử của thế gian để so sánh với hoàn cảnh hiện tại của chúng ta. Không có một điều gì đã xảy ra ở Sô Đôm và Gô Mô Rơ lại vượt xa trong sự tà ác và đồi bại hiện đang vây quanh chúng ta.

“Những lời báng bổ, thô tục, và phạm thượng được nghe thấy ở khắp mọi nơi. Sự tà ác và trụy lạc không kể xiết đã từng bị giấu trong những nơi tối tăm; thì bây giờ chúng ở trong sự bảo vệ công khai thậm chí còn thích hợp với pháp luật nữa.

“Những điều này bị tập trung vào một chỗ ở Sô Đôm và Gô Mô Rơ. Bây giờ chúng được lan tràn khắp nơi trên thế gian, và chúng ở giữa chúng ta” (“The One Pure Defense” [bài ngỏ cùng các nhà sư phạm tôn giáo của CES, ngày 6 tháng Hai năm 2004], 4, si.lds.org).

2 Nê Phi 27:10–11. “Vì sách ấy sẽ được niêm phong”

Anh Cả Neal A. Maxwell thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ nói về các thánh thư chưa được mặc khải:

“Có thêm nhiều bài viết nữa trong thánh thư chưa đến với chúng ta, kể cả những bài viết của Ê Nót (xin xem GLGƯ 107:57), tất cả các bài viết của Sứ Đồ Giăng (xin xem Ê The 4:16), các biên sử về các bộ lạc Y Sơ Ra Ên bị thất lạc (xin xem 2 Nê Phi 29:13), và khoảng hai phần ba các bảng khắc của Sách Mặc Môn đã được niêm phong: ‘Khi ngày ấy đến, những lời trong sách niêm phong ấy sẽ được đọc lên trên các mái nhà; và những lời ấy được đọc lên bởi quyền năng của Đấng Ky Tô. Tất cả mọi sự việc sẽ được tiết lộ cho con cái loài người biết, những sự việc đã xảy ra giữa con cái loài người và những sự việc sẽ xảy ra sau này cho đến ngày tận thế’ (2 Nê Phi 27:11). Ngày nay, chúng ta mang theo bộ bốn quyển thánh thư tổng hợp một cách thuận tiện, nhưng một ngày nào đó, vì có thêm thánh thư nữa sẽ đến, nên chúng ta có thể cần phải kéo theo một chiếc xe kéo nhỏ đầy sách” (A Wonderful Flood of Light [1990], 18).

2 Nê Phi 27:14. Các nhân chứng sẽ thiết lập lời của Chúa

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã chia sẻ lời chứng vững vàng của ông về Sách Mặc Môn:

“Tôi làm chứng rằng một người không thể nào đạt được đức tin trọn vẹn trong công việc ngày sau này … cho đến khi người ấy chấp nhận tính thiêng liêng của Sách Mặc Môn và Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng sách ấy làm chứng.

“… Tôi đã không ở trong đám đông người Nê Phi sờ vào các vết thương của Chúa phục sinh. Nhưng chứng ngôn của tôi về biên sử này và về sự bình an do biên sử này mang đến cho tâm hồn con người thì cũng có tính chất gắn bó và dứt khoát như chứng ngôn của họ. Cũng như họ, ‘[tôi] lấy [danh dự] mà làm chứng trước thế giới về những điều [tôi] đã thấy.’ ’ Và cũng như họ, ′tôi không nói dối, xin Thượng Đế chứng giám cho điều này.′ [“Chứng Ngôn của Tám Nhân Chứng,” Sách Mặc Môn; sự nhấn mạnh được thêm vào].

“Tôi cầu xin rằng chứng ngôn của tôi về Sách Mặc Môn cùng tất cả những gì chứa đựng trong sách đó, được đưa ra trong ngày hôm nay với lời thề nguyện và chức tư tế của tôi, được con người trên thế gian và thiên sứ trên trời ghi chép lại. … Tôi muốn được hoàn toàn rõ ràng khi đứng trước rào phán xét của Thượng Đế để tuyên bố với thế gian, bằng lời lẽ trung thực nhất mà tôi có thể nói lên được, rằng Sách Mặc Môn là chân chính, ra đời theo cách Joseph đã nói là sẽ ra đời” (“Sự An Toàn cho Linh Hồn,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2009, 89–90).