Bài Học 124
3 Nê Phi 14
Lời Giới Thiệu
Khi Chúa Giê Su Ky Tô tiếp tục bài giảng của Ngài tại đền thờ ở Xứ Phong Phú, Ngài đã cảnh báo dân chúng về việc xét đoán người khác và chỉ thị họ phải tìm kiếm phước lành từ Cha Thiên Thượng bằng cách cầu nguyện và làm theo ý muốn của Ngài. Đấng Cứu Rỗi cũng cảnh báo họ về các tiên tri giả và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc làm theo ý muốn của Thượng Đế.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
3 Nê Phi 14:1–6
Đấng Cứu Rỗi giảng dạy về việc xét đoán ngay chính
Để chuẩn bị cho học sinh nghiên cứu những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi về việc xét đoán ngay chính, hãy đọc câu chuyện sau đây do Chủ Tịch Thomas S. Monson kể lại:
“Một cặp vợ chồng trẻ, là Lisa và John, dọn vào một khu xóm mới. Một buổi sáng, trong khi họ đang ăn điểm tâm, Lisa nhìn ra cửa sổ và thấy người láng giềng cạnh nhà đang phơi quần áo mới giặt xong.
Lisa kêu lên “‘Đồ đó giặt không sạch!’ ‘Người láng giềng của chúng ta không biết cách giặt sạch quần áo!’
“John nhìn lên nhưng không nói gì cả.
“Mỗi lần người láng giềng đó phơi quần áo mới giặt xong thì Lisa đều đưa ra lời phê bình giống như vậy.
“Một vài tuần sau, Lisa ngạc nhiên khi liếc nhìn ra cửa sổ và thấy quần áo giặt xong trông rất đẹp, sạch sẽ đang phơi trong sân nhà người láng giềng của mình. Chị nói với chồng chị: ‘John xem kìa—cuối cùng người ấy đã biết giặt đồ đúng cách rồi! Em tự nghĩ không biết người ấy đã làm thế nào vậy nhỉ?’
“John đáp: ‘Vâng, em yêu, anh có câu trả lời cho em đây. Em sẽ vui khi biết rằng anh thức dậy từ sáng sớm và lau chùi cửa sổ nhà chúng ta đó!’” (“Lòng Bác Ái Không Bao Giờ Hư Mất,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2010, 122).
-
Chúng ta có thể học được bài học nào từ câu chuyện này?
Giải thích rằng 3 Nê Phi 14 ghi lại một sự tiếp nối những lời dạy của Đấng Cứu Rỗi cho dân Nê Phi tại đền thờ. Mời một học sinh đọc 3 Nê Phi 14:1–2. Yêu cầu lớp học dò theo và nhận ra lời cảnh báo Chúa Giê Su Ky Tô đã đưa ra về việc xét đoán người khác. Các anh chị em có thể muốn giải thích rằng từ lường, được tìm thấy trong 3 Nê Phi 14:2, có nghĩa là để đo lường hoặc xét đoán. Cụm từ “các ngươi lường thể nào” ám chỉ tiêu chuẩn một người sử dụng để đo lường hoặc xét đoán người khác.
-
Các em sẽ bày tỏ lẽ thật trong 3 Nê Phi 14:2 bằng lời riêng của mình như thế nào? (Các câu trả lời của học sinh cần phải phản ảnh lẽ thật sau đây: Chúng ta sẽ được xét đoán theo cách chúng ta xét đoán người khác).
Để giúp học sinh hiểu lệnh truyền của Đấng Cứu Rỗi “chớ xét đoán” trong 3 Nê Phi 14:1, mời một học sinh đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Dallin H. Oaks thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Yêu cầu lớp học lắng nghe loại xét đoán những người khác chúng ta phải tránh.
“Sự phán xét cuối cùng … là dịp tương lai đó mà trong đó tất cả chúng ta sẽ đứng trước ghế phán xét của Đấng Ky Tô để được phán xét theo những việc làm của chúng ta. … Tôi tin rằng lệnh truyền trong thánh thư ‘chớ xét đoán’ đề cập rõ ràng nhất về sự phán xét cuối cùng này. …
“… Tại sao Đấng Cứu Rỗi truyền lệnh rằng chúng ta không được xét đoán trong sự phán xét cuối cùng? Tôi tin rằng lệnh truyền này đã được đưa ra vì chúng ta cho là nếu đưa ra những xét đoán cuối cùng bất cứ lúc nào chúng ta tuyên bố rằng bất cứ một người cá biệt nào sẽ đi đến ngục giới (hoặc thiên thượng) vì một hành động cá biệt hoặc là một thời điểm cá biệt. Khi chúng ta làm điều này—và bị nhiều cám dỗ để làm như vậy—thì chúng ta làm tổn thương bản thân mình và người mà chúng ta có ý muốn xét đoán. …
“… Phúc âm là một phúc âm về niềm hy vọng, và không một ai trong chúng ta có thẩm quyền phủ nhận quyền năng của Sự Chuộc Tội để mang lại một sự thanh tẩy các tội lỗi, sự tha thứ, và cải thiện của cuộc sống theo các điều kiện thích hợp” (“‘Judge Not’ and Judging,” Ensign, tháng Tám năm 1999, 7, 9).
-
Lời phát biểu của Anh Cả Oaks giúp các em hiểu lệnh truyền của Đấng Cứu Rỗi “chớ xét đoán” như thế nào?
Trưng bày một vật nhỏ, chẳng hạn như một mảnh gỗ nhỏ. Giải thích rằng một từ khác cho một hạt cát là hạt bụi. Sau đó trưng bày (hoặc vẽ lên trên bảng) một thanh gỗ hoặc một mảnh gỗ dài. Cho học sinh biết rằng Đấng Cứu Rỗi đề cập đến một hạt bụi và một cây đà để giúp chúng ta hiểu các vấn đề nảy sinh khi chúng ta xét đoán người khác một cách không đúng. Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 14:3–5, và yêu cầu lớp học suy nghĩ về điều mà hạt bụi và cây đà tượng trưng.
-
Hạt bụi tượng trưng cho điều gì? (Một lỗi lầm chúng ta thấy ở một người khác). Cây đà tượng trưng cho điều gì? (Những lỗi lầm của chúng ta).
Hãy nêu ra rằng phép loại suy của Đấng Cứu Rỗi tập trung vào các vật dính vào trong mắt. Những vật như vậy sẽ ảnh hưởng đến thị lực của một người.
-
Các lỗi lầm của chúng ta có thể ảnh hưởng như thế nào đến cách chúng ta nhìn những người khác?
Mời học sinh cân nhắc xem có lúc nào thích hợp để xét đoán người khác không. Cho họ một giây lát để suy ngẫm câu hỏi này. Sau đó giải thích rằng trong bản dịch đầy soi dẫn Ma Thi Ơ 7:1, Tiên Tri Joseph Smith làm sáng tỏ lời dạy của Đấng Cứu Rỗi về việc xét đoán người khác. Theo Joseph Smith, Đấng Cứu Rỗi phán: “Chớ xét đoán một cách bất chính, để mình khỏi bị xét đoán; nhưng hãy xét đoán bằng sự xét đoán ngay chính” (Bản Dịch Joseph Smith, Ma Thi Ơ 7:1 [trong Ma Thi Ơ 7:1, cước chú a]). Mời một học sinh đọc lời giải thích sau đây trong Trung Thành với Đức Tin:
“Đôi khi người ta cảm thấy rằng xét đoán những người khác trong bất cứ phương diện nào là điều sai trái. Mặc dù việc các anh chị em không nên kết án hay xét đoán người khác một cách không ngay chính là đúng, nhưng các anh chị em sẽ cần phải xét đoán ý nghĩ, hoàn cảnh, và người khác trong suốt đời mình. Chúa đã ban cho nhiều lệnh truyền mà các anh chị em không thể tuân giữ nếu không xét đoán” (Trung Thành với Đức Tin: Tài Liệu Tham Khảo Phúc Âm [2004], 90).
Để giúp học sinh thấy rằng Đấng Cứu Rỗi đã dạy về tầm quan trọng của việc phán xét ngay chính, hãy mời họ đọc thầm 3 Nê Phi 14:6. Yêu cầu họ nhận ra một số loại xét đoán Ngài chỉ thị chúng ta phải đưa ra. Mời họ báo cáo điều họ tìm ra.
-
Việc cho chó những vật thánh hoặc quăng ngọc châu trước mặt heo có nghĩa là gì? (Chia sẻ một điều thiêng liêng với những kẻ không biết giá trị của điều đó hoặc kính trọng sự thiêng liêng của điều đó).
-
Lời khuyên dạy của Đấng Cứu Rỗi trong 3 Nê Phi 14:6 đòi hỏi chúng ta phải xét đoán người khác như thế nào?
Sau khi học sinh trả lời xong, hãy đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Dallin H. Oaks về những tình huống khác mà chúng ta cần phải xét đoán ngay chính:
“Chúng ta đều xét đoán trong việc chọn bạn bè, trong việc chọn cách chúng ta sẽ dùng thời giờ và tiêu xài tiền bạc của mình, và dĩ nhiên, trong việc chọn một người bạn đời vĩnh cửu. …
“… Một sự xét đoán ngay chính sẽ được Thánh Linh của Chúa hướng dẫn, không phải bằng sự tức giận, trả thù, ganh tỵ, hay tư lợi” (“‘Judge Not’ and Judging,” 9).
-
Tại sao là điều quan trọng để xét đoán ngay chính trong các lĩnh vực như chọn bạn, quyết định cách chúng ta dùng thời giờ và tiêu xài tiền bạc của mình, và chọn một người bạn đời vĩnh cửu?
-
Một số tình huống nào khác mà chúng ta cần phải xét đoán những người khác là gì? (Học sinh có thể đề cập đến việc chọn giữa các chủ nhân tương lai hoặc quyết định có nên chấp nhận một lời mời để đi hẹn hò không).
3 Nê Phi 14:7–11
Đấng Cứu Rỗi giảng dạy về việc tìm kiếm các phước lành từ Cha Thiên Thượng
Yêu cầu học sinh đọc thầm 3 Nê Phi 14:7–11 cùng tìm kiếm những lời dạy của Đấng Cứu Rỗi về sự sẵn lòng của Cha Thiên Thượng để đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng ta. Giải thích rằng nếu những người cha trần thế, là những người ân cần và nhân từ nhưng không hoàn hảo, mà còn cho con cái của mình bánh và cá thay vì đá và rắn, thì Cha Thiên Thượng của chúng ta là Đấng ân cần và nhân từ một cách hoàn hảo thì chắc chắn sẽ đáp ứng những lời cầu nguyện xin giúp đỡ của con cái Ngài.
-
Chúng ta có thể học hỏi được các nguyên tắc nào từ 3 Nê Phi 14:7–11? (Học sinh có thể nhận ra một loạt các nguyên tắc khác nhau. Một nguyên tắc các anh chị em có thể muốn nhấn mạnh là Cha Thiên Thượng ban phước cho chúng ta khi chúng ta cầu nguyện xin sự giúp đỡ của Ngài).
-
Tại sao là điều quan trọng để các em biết rằng Cha Thiên Thượng sẽ đáp ứng những lời cầu nguyện của các em?
-
Khi nào các em đã cảm nhận được tình yêu thương của Cha Thiên Thượng dành cho các em qua cách Ngài đã đáp ứng những lời cầu nguyện của các em? (Các anh chị em có thể muốn cho học sinh một giây lát để suy ngẫm câu hỏi này trước khi họ trả lời. Cũng cân nhắc việc chia sẻ một kinh nghiệm của riêng các anh chị em).
3 Nê Phi 14:12–27
Đấng Cứu Rỗi giảng dạy về tầm quan trọng của việc làm theo ý muốn của Cha Thiên Thượng
Mời học sinh đọc thầm 3 Nê Phi 14:12 cùng yêu cầu họ xem xét cách mà lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi trong câu này có thể giúp họ trở nên giống như Cha Thiên Thượng hơn.
-
Làm thế nào việc tuân theo lời khuyên dạy trong 3 Nê Phi 14:12 giúp chúng ta trở nên giống như Cha Thiên Thượng của chúng ta hơn?
Cho học sinh biết rằng khi Đấng Cứu Rỗi tiếp tục giảng dạy, Ngài đã sử dụng phép loại suy một cách hùng hồn để giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng của việc làm theo ý muốn của Cha Thiên Thượng.
Để chuẩn bị cho học sinh nghiên cứu phép loại suy của Đấng Cứu Rỗi trong 3 Nê Phi 14, hãy thực hiện sinh hoạt sau đây:
Chia học sinh ra thành các nhóm gồm có 2–4 người. Đưa cho mỗi học sinh một tờ giấy. Viết các đoạn tham khảo thánh thư sau đây lên trên bảng, và chỉ định một trong số các đoạn thánh thư này cho mỗi nhóm: 3 Nê Phi 14:13–14; 3 Nê Phi 14:15–20; 3 Nê Phi 14:24–27. (Nếu lớp học của các anh chị em đông, thì hãy chỉ định các khối thánh thư cho nhiều hơn một nhóm). Yêu cầu học sinh đọc các đoạn thánh thư đã được chỉ định của họ và vẽ những hình minh họa về những phép loại suy mà Đấng Cứu Rỗi đã sử dụng. Cũng yêu cầu họ viết điều họ học được từ những phép loại suy đó.
Sau khi đã đủ thời gian, yêu cầu học sinh cho lớp học thấy hình vẽ của họ và giải thích điều họ đã học được. Khi học sinh trình bày điều họ đã học được, hãy hỏi những câu hỏi như những câu hỏi sau đây:
-
Việc tuân theo những lời dạy của Chúa Giê Su Ky Tô giống với việc đi trên một con đường hẹp như thế nào? Việc khước từ những lời dạy của Chúa Giê Su Ky Tô giống với việc đi trên một con đường rộng như thế nào? (Xin xem 3 Nê Phi 14:13–14). Những lời dạy của Đấng Cứu Rỗi khác với những lời dạy của thế gian trong một số phương diện nào?
-
Tại sao chó sói lại mang lốt chiên? (Xin xem 3 Nê Phi 14:15). Phép loại suy này cho chúng ta biết về những ước muốn và hành động của các tiên tri giả là gì?
-
Nếu những cái cây trong 3 Nê Phi 14:16–20 tượng trưng cho dân chúng thì trái cây có thể tượng trưng cho điều gì? (Các câu trả lời có thể gồm có những ý nghĩ, lời nói, hành động, và ảnh hưởng của dân chúng đối với những người khác).
-
Khi chúng ta nghe và tuân theo lời của Đấng Cứu Rỗi, thì chúng ta giống một người xây nhà của mình trên đá như thế nào? (Xin xem 3 Nê Phi 14:24–25). Nếu chúng ta chọn không tuân theo những lời của Đấng Cứu Rỗi, thì chúng ta giống một người xây nhà mình trên cát như thế nào? (Xin xem 3 Nê Phi 14:26–27).
Sau phần trình bày và thảo luận của học sinh, hãy yêu cầu một học sinh đọc to 3 Nê Phi 14:21–23.
-
Chúng ta có thể học được điều gì từ 3 Nê Phi 14:21? (Học sinh có thể sử dụng những từ khác nhau, nhưng họ nên nhận ra lẽ thật sau đây [viết lẽ thật này ở trên bảng]: Chúng ta phải làm theo ý muốn của Cha Thiên Thượng để vào vương quốc thiên thượng).
-
Lẽ thật này liên quan như thế nào đến những hình minh họa về con đường rộng và hẹp, những cây tốt và xấu, người khôn ngoan và người rồ dại?
Cho học sinh một giây lát để suy ngẫm và áp dụng điều họ đã học được từ 3 Nê Phi 14. Mời họ viết trong sổ tay hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư về cách họ sẽ cải thiện trong những nỗ lực của mình để tuân theo lời dạy của Đấng Cứu Rỗi trong 3 Nê Phi 14. Nếu thời gian cho phép, hãy mời một vài học sinh tóm lược những điều họ đã học được và chia sẻ những điều họ sẽ làm nhờ vào những điều họ đã học được. Các anh chị em có thể kết thúc bằng cách làm chứng về các phước lành các anh chị em đã nhận được khi đã làm theo ý muốn của Cha Thiên Thượng.