Thư Viện
Bài Học 27: 2 Nê Phi 5


Bài Học 27

2 Nê Phi 5

Lời Giới Thiệu

Vì lưu tâm đến một lời cảnh báo của Chúa, Nê Phi và những người đi theo ông đã tách ra khỏi La Man, Lê Mu Ên và các con trai của Ích Ma Ên. Họ đã sống trong sự ngay chính và hạnh phúc trong khi những người đi theo La Man và Lê Mu Ên tự mình rời xa Chúa.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

2 Nê Phi 5:1–8

Chúa tách những người đi theo Nê Phi ra khỏi những người đi theo La Man và Lê Mu Ên

Mời các học sinh suy ngẫm một số vấn đề và quyết định khó khăn mà họ gặp. Khuyến khích họ giữ những thử thách riêng này trong tâm trí trong khi họ nghiên cứu cách Nê Phi đáp ứng những thử thách. Nhắc họ nhớ rằng khi Lê Hi qua đời, Nê Phi trở thành vị lãnh đạo tinh thần của gia đình. Yêu cầu các học sinh im lặng đọc 2 Nê Phi 5:1–4 để thấy được thử thách mà Nê Phi đã đối phó.

  • Theo như 2 Nê Phi 5:1, Nê Phi đã làm gì để giúp quyết định một giải pháp cho thử thách của ông?

  • Ngay cả sau khi Nê Phi đã cầu nguyện để được giúp đỡ, thì La Man và Lê Mu Ên đã tìm cách làm điều gì?

Trong khi các học sinh báo cáo những câu trả lời của họ, các anh chị em có thể muốn nêu ra rằng những lời cầu nguyện của chúng ta có thể không phải luôn luôn được đáp ứng ngay lập tức hoặc theo cách chúng ta mong muốn.

Mời một học sinh đọc to 2 Nê Phi 5:5–8. Yêu cầu lớp học dò theo, tìm kiếm điều Chúa đã làm để giúp đỡ Nê Phi và những người đi theo ông.

Yêu cầu các học sinh tóm lược điều họ đã học được từ 2 Nê Phi 5:1–8. Một lẽ thật các anh chị em có thể nhấn mạnh là Chúa hướng dẫn những người tìm kiếm Ngài một cách trung tín trong sự cầu nguyện. Để liên quan với các câu này, hãy hỏi những câu hỏi sau đây:

  • Tại sao là điều quan trọng để tiếp tục sống trung tín khi những lời cầu nguyện của chúng ta không được đáp ứng ngay tức thì hoặc theo cách chúng ta mong muốn?

  • Trong những phương diện nào Chúa có thể đưa ra cho chúng ta những lời cảnh báo?

Trong khi các học sinh trả lời cho câu hỏi này, hãy cân nhắc việc đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Boyd K. Packer thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

“Chúng ta không thể bắt đầu đi trên một con đường sai lạc mà trước hết không bác bỏ một lời cảnh cáo” (được trích dẫn trong Kenneth Johnson, “Chịu Theo Những Khuyên Dỗ của Đức Thánh Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2002, 90).

  • Chúng ta có thể noi theo gương của Nê Phi khi chúng ta gặp thử thách trong những cách thức nào?

Là một phần thảo luận của các học sinh về 2 Nê Phi 5:1–8, hãy nêu lên rằng việc dân Nê Phi tách ra khỏi dân La Man là do lòng oán ghét của La Man và Lê Mu Ên đối với Nê Phi. Sự tách riêng ra này đã tiếp tục trong nhiều thế kỷ, với con cháu của La Man và Lê Mu Ên dạy con cái của họ ghét con cháu của Nê Phi (xin xem Mô Si A 10:12–17).

2 Nê Phi 5:9–18, 26–27

Dân Nê Phi được sống trong hạnh phúc

Hướng dẫn các học sinh cùng nhau đọc to 2 Nê Phi 5:27. Các anh chị em có thể muốn đề nghị các học sinh đánh dấu câu này. Viết từ hạnh phúc lên trên bảng.

  • Các em nghĩ “trong hạnh phúc” có nghĩa là gì?

Yêu cầu một học sinh đọc to lời phát biểu sau đây của Anh Cả Marlin K. Jensen thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi:

Anh Cả Marlin K. Jensen

“Một số nguyên tắc và lẽ thật bất biến mang đến hạnh phúc cho cuộc sống của chúng ta. Tôi rất thích đề tài này trong nhiều năm vì mặc dù tôi được ban phước một cách dồi dào và có mọi lý do để được hạnh phúc, nhưng đôi khi tôi gặp khó khăn và không phải lúc nào cũng có được khuynh hướng tự nhiên hướng đến hạnh phúc và một tính khí vui vẻ mà một số người dường như vui hưởng.

“Vì lý do đó, cách đây vài năm, một đoạn Sách Mặc Môn đã làm cho tôi chú ý. … Nê Phi thiết lập một xã hội được đặt trên các lẽ thật phúc âm; và ông nói về xã hội đó như sau: ‘Và chuyện rằng, chúng tôi được sống trong hạnh phúc’ (2 Nê Phi 5:27). Đoạn này gây ấn tượng rất nhiều đối với tôi. … Tôi tự hỏi … các yếu tố riêng rẽ nào của một xã hội và cuộc sống thật sự hạnh phúc có thể có, và tôi bắt đầu tra cứu những bài viết của Nê Phi để có được manh mối. Tôi … mời các anh chị em hãy tự mình thực hiện cuộc tra cứu. Điều này có thể là một công việc đeo đuổi suốt đời và đáng bõ công. …

“… Cùng các mẫu mực và yếu tố của cuộc sống hằng ngày mà đã làm cho Nê Phi và dân của ông có thể được hạnh phúc trong 560 năm trước thời Đấng Ky Tô cũng hữu hiệu trong thời nay” (“Living after the Manner of Happiness,” Ensign, tháng Mười Hai năm 2002, 56, 61).

Khuyến khích các học sinh chấp nhận lời mời của Anh Cả Jensen. Yêu cầu họ im lặng đọc 2 Nê Phi 5:6, 10–18, 26–27, tìm kiếm “các yếu tố của một xã hội và cuộc sống thật sự hạnh phúc.” Các anh chị em có thể muốn đề nghị họ đánh dấu các nguyên tắc góp phần vào hạnh phúc của dân Nê Phi. Sau một vài phút, mời một vài học sinh viết lên trên bảng những điều họ tìm được. (Những câu trả lời có thể gồm có việc Nê Phi và những người đi theo ông đi với gia đình họ [xin xem câu 6]; vâng lời Chúa [xin xem câu 10]; làm việc lao nhọc để tự nuôi sống mình [xin xem các câu 11, 15–17]; mang theo thánh thư với họ [xin xem câu 12]; xây cất một đền thờ [xin xem câu 16]; và tuân theo các vị lãnh đạo ngay chính [xin xem các câu 18, 26]).

Mời các học sinh chọn ra một hoặc hai nguyên tắc ở trên bảng và chia sẻ về các nguyên tắc này đã giúp họ “được sống trong hạnh phúc” như thế nào.

Tùy vào những điều mà các học sinh nhấn mạnh, các anh chị em có thể muốn theo dõi những câu hỏi sau đây với một vài câu hỏi như:

  • Theo như 2 Nê Phi 5:10–11, 16, con người nhận được các phước lành nào vì họ tuân giữ các lệnh truyền của Chúa? Các em đã cảm thấy vào lúc nào rằng Chúa đã ở với các em? Ảnh hưỏng của Chúa trong cuộc sống của các em đã góp phần vào hạnh phúc của các em như thế nào?

  • Làm thế nào đền thờ đã có thể giúp đỡ con người “được sống trong hạnh phúc”? Làm thế nào đền thờ đã mang hạnh phúc lớn lao hơn đến cho các em hoặc một người mà các em biết?

  • Trong những phương diện nào sự làm việc lao nhọc góp phần vào hạnh phúc?

Mời các học sinh tóm lược điều họ đã học được về cách làm cho họ được hạnh phúc hơn. Mặc dù các học sinh có thể chia sẻ những nguyên tắc khác nhau, hãy chắc chắn họ hiểu rằng khi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô trở thành lối sống của mình, thì chúng ta được hạnh phúc hơn. Các anh chị em có thể muốn viết nguyên tắc này lên trên bảng.

Mời các học sinh xem xét cuộc sống của họ và xác định một điều gì đó họ sẽ làm để được sống “trong hạnh phúc” một cách trọn vẹn hơn. Khuyến khích họ viết hành động này vào nhật ký ghi chép việc học thánh thư hoặc sổ ghi chép trong lớp học của họ. Chia sẻ chứng ngôn của các anh chị em về các nguyên tắc và những lối thực hành mà đã mang đến hạnh phúc cho cuộc sống của các anh chị em.

2 Nê Phi 5:19–25

Dân La Man bị rủa sả vì sự bất tuân của họ

Mời các học sinh im lặng đọc 2 Nê Phi 5:19–24, tìm kiếm những điểm khác biệt giữa cách sống của dân La Man và cách sống của dân Nê Phi.

  • Theo như 2 Nê Phi 5:20, những hậu quả của sự bất tuân của dân La Man là gì?

  • 2 Nê Phi 5:21 giúp các em hiểu lý do tại sao dân La Man bị khai trừ khỏi Chúa như thế nào? (Các anh chị em có thể muốn giải thích rằng đá lửa là đá rất cứng. Khi nói rằng dân La Man “đã cứng rắn như đá lửa,” Nê Phi nhấn mạnh đến sự cứng lòng của dân La Man).

  • Chúa đã ban cho lời cảnh báo nào về việc dân Nê Phi kết hôn với dân La Man là những người đã chối bỏ phúc âm? (Xin xem 2 Nê Phi 5:23).

  • Tại sao là điều quan trọng để tránh hẹn hò và kết hôn với những người không nghe theo lời Chúa? Các em nghĩ làm thế nào những người các em hẹn hò và cuối cùng kết hôn sẽ ảnh hưởng đến các nỗ lực của các em để sống theo phúc âm? Rất hữu ích để nhắc các học sinh rằng Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã khuyên dạy: “Chỉ chọn hẹn hò đi chơi với những người có các tiêu chuẩn đạo đức cao và trong khi đi chơi với họ các em có thể duy trì được các tiêu chuẩn của mình” [Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ (cuốn sách nhỏ, 2011), 4]).

  • Chúng ta có thể học được một số nguyên tắc nào từ 2 Nê Phi 5:20–24? (Trong khi các học sinh chia sẻ các nguyên tắc, hãy chắc chắn họ hiểu rằng khi con người cứng lòng chống đối Chúa thì họ tự tách rời khỏi Ngài).

Nhấn mạnh rằng 2 Nê Phi 5 trình bày một sự trái ngược lớn giữa dân Nê Phi và dân La Man. Chúng ta có thể chọn noi theo tấm gương nào. Khuyến khích các học sinh ghi nhớ điều họ đã xác định sẽ làm để được sống “trong hạnh phúc” một cách trọn vẹn hơn. Bày tỏ sự tin tưởng của các anh chị em rằng họ có thể noi theo gương của dân Nê Phi và được hạnh phúc thật sự.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

2 Nê Phi 5:5–9. Hãy tự tách rời khỏi sự tà ác

Có những lúc mà cần phải thật sự chạy trốn khỏi sự tà ác, như Nê Phi và những người theo ông đã làm. Tuy nhiên, chúng ta có thể không phải luôn luôn tự tách rời mình khỏi sự tà ác. Anh Cả Richard G. Scott thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích cách chúng ta có thể tự bảo vệ mình trong những tình huống như vậy:

“Thượng Đế đã đưa ra một cách để sống trên thế gian này mà không bị nhiễm những yếu tố của áp lực thoái hóa lan tràn trên khắp thế gian. Các em có thể sống một cuộc sống đức hạnh, hữu dụng, ngay chính bằng cách tuân theo kế hoạch bảo vệ do Cha Thiên Thượng lập ra: kế hoạch hạnh phúc của Ngài. Kế hoạch này nằm trong thánh thư và trong những lời tuyên bố đầy soi dẫn của các vị tiên tri của Ngài.

“Hãy tránh những điều tà ác của thế gian. Hãy biết rằng Thượng Đế nắm quyền chủ tể. Cuối cùng, Sa Tan sẽ hoàn toàn thất bại và bị trừng phạt vì sự tà ác đồi bại của nó. Thượng Đế có một kế hoạch cụ thể cho cuộc sống của các anh chị em. Ngài sẽ mặc khải những phần của kế hoạch đó cho các anh chị em khi các anh chị em tìm kiếm kế hoạch đó với đức tin và kiên định luôn vâng lời. Vị Nam Tử của Ngài đã làm cho các anh chị em được tự do—không phải thoát khỏi những hậu quả của các hành động của các anh chị em, mà được tự do chọn lựa. Mục đích vĩnh cửu của Thượng Đế là nhằm cho các anh chị em được thành công trong cuộc sống trần thế này. Dù thế gian có trở nên tà ác đến đâu đi nữa, các anh chị em cũng có thể nhận được phước lành đó. Hãy tìm kiếm và chú tâm đến sự hướng dẫn cá nhân được ban cho các anh chị em qua Đức Thánh Linh. Hãy tiếp tục sống xứng đáng để nhận được phước lành đó. Hãy tìm đến giúp đỡ những người khác đang lầm lỡ, và bối rối, không biết chắc con đường nào để theo” (“Làm Thế Nào để Sống Tốt Lành giữa Sự Tà Ác Ngày Càng Gia Tăng,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2004, 100, 102).

2 Nê Phi 5:11, 13. “Chúng tôi bắt đầu trở nên phát đạt vô cùng”

Trong 2 Nê Phi 5:11, 13, Nê Phi nói về sự thịnh vượng của dân ông và sự thành công của họ trong việc chăn nuôi các đàn gia súc và trồng trọt hoa màu. Thường thường chúng ta liên tưởng sự thịnh vượng với các phước lành hữu hình. Chủ Tịch Heber J. Grant dạy rằng sự thịnh vượng thật sự bao gồm nhiều điều hơn là giàu có hoặc những vật chất của thế gian:

“Khi nói về sự thịnh vượng, tôi không chỉ nghĩ đến thịnh vượng theo nghĩa tiền bạc mà thôi. Nhưng điều tôi kể là thịnh vượng thật sự, là một điều trong tất cả những điều khác có giá trị lớn lao đối với mỗi người nam và nữ hiện sống, là sự tăng truởng trong sự hiểu biết về Thượng Đế, và trong một chứng ngôn, và trong khả năng để sống theo phúc âm và soi dẫn gia đình chúng ta cũng làm như vậy. Đó là loại thịnh vượng đích thật nhất” (Teachings of Presidents of the Church: Heber J. Grant [2002], 124).

2 Nê Phi 5:10–18, 26–27. “Trong hạnh phúc”

Tiên Tri Joseph Smith giải thích rằng có một con đường dẫn đến hạnh phúc: “Hạnh phúc là mục tiêu và kế hoạch của sự tồn tại của chúng ta, và sẽ là mục đích của hạnh phúc, nếu chúng ta theo đuổi con đường dẫn đến hạnh phúc; và con đường này là đức hạnh, tính ngay thẳng, trung tín, thánh thiện, và tuân giữ tất cả mọi điều giáo lệnh của Thượng Đế” (History of the Church, 5:134–35).

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley dạy: “Hạnh phúc là do sự ngay chính mà ra. ‘Sự tà ác có bao giờ là hạnh phúc đâu.’An Ma 41:10.) Tội lỗi có bao giờ là hạnh phúc đâu. Tính ích kỷ có bao giờ là hạnh phúc đâu. Tính tham lam có bao giờ là hạnh phúc đâu. Hạnh phúc nằm trong việc sống theo các nguyên tắc của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô” (trong “Fast-Paced Schedule for the Prophet,” Church News, ngày 20 tháng Tư năm 1996, 3).

2 Nê Phi 5:16. “Rồi tôi, Nê Phi, xây một đền thờ”

Anh Cả Marlin K. Jensen thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi giải thích việc tham dự đền thờ dẫn đến hạnh phúc như thế nào:

“Nê Phi viết: ‘Rồi tôi, Nê Phi, xây một đền thờ’ (2 Nê Phi 5:16). Ngôi đền thờ của Nê Phi có thể khác biệt trong một số phương diện với các ngôi đền thờ ngày sau của chúng ta, nhưng mục đích chính của đền thờ có thể là giống nhau: để giảng dạy và làm cho con cái của Thượng Đế quen với kế hoạch của Ngài dành cho hạnh phúc của họ và cung ứng những giáo lễ và giao ước thiết yếu cho việc đạt được hạnh phúc đó.

“Sau khi sống trên thế gian tốt lành này hơn năm thập niên, tôi có thể thành thật nói rằng những người trưởng thành về mặt thuộc linh và hạnh phúc mà tôi biết đều là những người hăng hái đi đền thờ. Có một lý do tốt cho điều đó. Chính là trong đền thờ mà toàn bộ phạm vi của chương trình của Thượng Đế dành cho chúng ta được cho biết và được lặp lại, mỗi lần lặp lại đều mang đến sự hiểu biết và cam kết lớn lao hơn để sống cuộc sống theo đường lối của Ngài.

“Một cuộc trắc nghiệm bổ ích về việc chúng ta làm giỏi như thế nào trong việc tìm đến cùng Đấng Ky Tô có thể là cảm nghĩ của chúng ta về đền thờ và những kinh nghiệm chúng ta có ở đó. Đền thờ có thể đồng nghĩa với hạnh phúcniềm vui. Điều đó dành cho Nê Phi và dân của ông” (“Living after the Manner of Happiness,” Ensign, tháng Mười Hai năm 2002, 60).

2 Nê Phi 5:20–25. Sự rủa sả trên dân La Man

Trong 2 Nê Phi 5:20–25, chúng ta tìm kiếm câu trả lời cho ít nhất bốn câu hỏi về sự rủa sả đến với dân La Man.

1. Sự nguyền rủa là gì?

Sự nguyền rủa được định nghĩa rõ ràng trong 2 Nê Phi 5:20 là bị “loại trừ khỏi sự hiện diện của Chúa.” Màu da đen của dân La Man không phải là sự rủa sả.

2. Điều gì gây ra sự rủa sả?

Theo như 2 Nê Phi 5:21, sự rủa sả đến với dân La Man “vì những điều bất chính của họ” và vì “họ đã chai đá trong lòng chống lại [Chúa].” Kể từ khi Sự Sa Ngã của A Đam, sự tà ác đã luôn luôn đưa đến việc loại trừ khỏi nơi hiện diện của Chúa (xin xem 1 Nê Phi 2:21; 2 Nê Phi 4:4; 9:6; An Ma 9:13; Ê The 10:11).

3. Tại sao dấu hiệu màu da đen bị đặt lên dân La Man?

Đây là một biểu hiện hoặc dấu hiệu cụ thể cho các hoàn cảnh cụ thể. Nê Phi giải thích: “Đức Chúa Trời biến màu da họ [dân La Man] trở nên đen đúa để họ không thể dụ dỗ dân tôi được” (2 Nê Phi 5:21). An Ma cũng đưa ra một lời giải thích tương tự: “Nước da của dân La Man thì sậm … ngõ hầu Đức Chúa Trời có thể bảo tồn được dân Ngài, để họ không bị pha trộn và tin theo những truyền thống sai lầm” (An Ma 3:6, 8). Những lời giải thích này phù hợp với những lời cảnh báo khác trong thánh thư rằng dân của Chúa không được kết hôn với những người không tin vì kết quả của việc làm như vậy thường là người ngay chính sẽ xa lánh Chúa (xin xem Phục Truyền Luật Lệ Ký 7:2–4; 1 Các Vua 11:4; 2 Cô Rinh Tô 6:14; GLGƯ 74:5).

4. Kết quả của sự rủa sả là gì?

Kết quả của sự rủa sả là—bị loại trừ khỏi nơi hiện diện của Chúa—nên dân La Man “trở nên một dân tộc biếng nhác đầy dẫy sự xấu xa và xảo quyệt” (2 Nê Phi 5:24).

Sự rủa sả này kéo dài cho đến chừng nào con người vẫn còn tà ác. Khi dân La Man hối cải và chọn sống theo phúc âm, thì “sự rủa sả của Thượng Đế không còn theo họ nữa” (An Ma 23:18). Sách Mặc Môn gồm có nhiều tấm gương của dân La Man đã hối cải và nhận được sự hướng dẫn của Thánh Linh của Chúa. Sách Hê La Man cho biết về thời kỳ dân La Man sống ngay chính hơn dân Nê Phi (xin xem Hê La Man 13:1).