Thư Viện
Hê La Man


Lời Giới Thiệu Sách Hê La Man

Tại sao chúng ta phải học sách này?

Trong việc nghiên cứu sách Hê La Man, học sinh sẽ học về tấm gương và những lời dạy của các vĩ nhân như Hê La Man, các con trai Nê Phi và Lê Hi của ông, và Sa Mu Ên người La Man, là những người đã dũng cảm vâng lời Chúa và làm chứng về Ngài. Các giáo vụ của những người này cho thấy rằng Thượng Đế ban cho quyền năng để giúp các tôi tớ của Ngài hoàn thành ý muốn của Ngài và nỗ lực của những cá nhân ngay chân chính có thể ban phước cho hàng ngàn người khác. Học sinh cũng sẽ học về các ảnh hưởng nguy hại của tính kiêu hãnh, sự tà ác, và các tập đoàn bí mật.

Ai viết sách này?

Mặc Môn biên soạn và tóm lược các biên sử từ các bảng khắc lớn của Nê Phi để làm thành sách Hê La Man. Sách này được đặt tên theo Hê La Man, một người con trai của Hê La Man và là cháu nội của An Ma Con. Hê La Man nhận được các biên sử từ Síp Lân, chú của ông, và phục vụ với tư cách là trưởng phán quan ngay chính của dân Nê Phi. Ông dạy hai con trai của ông là Nê Phi và Lê Hi phải tuân giữ các lệnh truyền và tưởng nhớ tới Đấng Cứu Chuộc của họ và làm Ngài thành nền tảng của cuộc sống của họ (xin xem Hê La Man 5:9–14). Vì được những lời giảng dạy này soi dẫn và lo âu về sự tà ác của dân chúng, Nê Phi và Lê Hi đã thuyết giảng sự hối cải cho dân Nê Phi và dân La Man. Nê Phi đã từ bỏ chức vụ của ông với tư cách là trưởng phán quan để làm như vậy. Sau khi hàng ngàn dân La Man đã được cải đạo, một vị tiên tri La Man tên là Sa Mu Ên đã được soi dẫn để thuyết giảng về sự hối cải và nói tiên tri ở giữa dân Nê Phi. Sách Hê La Man rút ra từ các biên sử được lưu giữ trong thời gian trị vị và giáo vụ của Hê La Man (Hê La Man 1–3) và Nê Phi (Hê La Man 4–16). Các biên sử của Nê Phi gồm có những lời tiên tri và những lời dạy của Sa Mu Ên người La Man.

Sách này viết cho ai và tại sao?

Mặc Môn đã viết sách Hê La Man cho những người trong những ngày sau sẽ nhận được biên sử của ông. Giống như những phần tóm lược khác của ông từ các bảng khắc lớn của Nê Phi, sách Hê La Man làm chứng về sự thiêng liêng và sứ mệnh cứu chuộc của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Hê La Man 3:27–30; 5:9–12; 8:13–23; 14:1–29; 16:4–5).

Sách này được viết ra khi nào và ở đâu?

Các biên sử nguyên thủy được sử dụng như là nguồn gốc cho sách Hê La Man có lẽ được viết giữa năm 52 Trước Công Nguyên và năm thứ nhất Trước Công Nguyên. Mặc Môn tóm lược các biên sử đó vào khoảng giữa năm 345 Sau Công Nguyên và năm 385 Sau Công Nguyên. Mặc Môn đã không ghi lại ông đang ở đâu khi ông biên soạn sách này.

Một số đặc điểm nổi bật của sách này là gì?

Sách Hê La Man mô tả dân Nê Phi thay đổi giữa sự ngay chính và tà ác với mức độ lớn hơn vào bất cứ thời điểm nào khác trong lịch sử của họ. Sách này liên quan đến nhiều ví dụ về tình trạng chia rẽ, chiến tranh, sát nhân, và các tập đoàn bí mật. Sách này cũng giới thiệu và mô tả các hoạt động của bọn cướp Ga Đi An Tôn mà những công việc trong bóng tối của chúng cuối cùng đã mang đến sự hủy diệt của dân Nê Phi (xin xem Hê La Man 2:13–14). Sách Hê La Man cũng là độc nhất vô nhị vì nó mô tả một khoảng thời gian khi “phần lớn” dân La Man đã được cải đạo và “sự ngay chính của họ đã vượt cả dân Nê Phi” (Hê La Man 6:1). Ngoài ra, nó cũng cho thấy quyền năng của Thượng Đế ban cho các vị tiên tri của Ngài, chẳng hạn như khi Nê Phi tiết lộ vụ ám sát vị trưởng phán quan và nói tiên tri về lời thú nhận của người em trai của vị thẩm phán (xin xem Hê La Man 8–9) và khi Nê Phi nhận được quyền năng gắn bó từ Chúa và sau đó sử dụng nó để giáng xuống và rồi cất bỏ nạn đói (xin xem Hê La Man 10–11). Hơn nữa, trong việc bảo tồn những lời của Sa Mu Ên, sách này chứa đựng biên sử duy nhất về một bài giảng của một vị tiên tri La Man được đưa ra cho dân Nê Phi (xin xem Hê La Man 13–15). Trong bài giảng này, Sa Mu Ên nói tiên tri về những điềm triệu về sự giáng sinh và cái chết của Chúa Giê Su Ky Tô.

Đại Cương

Hê La Man 1–3 Hai trưởng phán quan, Pha Hô Ran và Pha Cơ Mê Ni, đều bị giết chết. Mô Rô Ni Ha đẩy lùi được một cuộc xâm lược của dân La Man do Cô Ri An Tum Rơ chỉ huy. Kích Cơ Men bị giết chết trong khi cố gắng ám sát Hê La Man, vị trưởng phán quan mới được bổ nhiệm. Mặc dù Ga Đi An Tôn và bọn cướp của hắn truyền bá các tập đoàn bí mật, nhưng hàng chục ngàn người đều chịu báp têm vào Giáo Hội. Nê Phi trở thành vị trưởng phán quan sau cái chết của Hê La Man.

Hê La Man 4–6 Một đạo quân Nê Phi ly khai và dân La Man đánh chiếm tất cả các vùng đất phía nam của dân Nê Phi, kể cả Gia Ra Hem La. Dân Nê Phi trở nên yếu đuối vì sự tà ác của họ. Nê Phi trao ghế xét xử cho Kê Giô Ram. Nê Phi và Lê Hi nhớ những lời của cha họ, Hê La Man, và họ hiến thân mình cho việc thuyết giảng phúc âm. Nhiều người ly khai đã hối cải và trở lại với dân Nê Phi. Sau khi Chúa bảo vệ Nê Phi và Lê Hi trong tù một cách kỳ diệu, đa số dân La Man được cải đạo và trả lại những vùng đất mà họ đã chiếm đóng cho dân Nê Phi. Trong một thời kỳ thịnh vượng, bọn cướp Ga Đi An Tôn gia tăng gấp bội. Nhiều người dân Nê Phi tham gia vào sự tà ác của chúng, dẫn đến sự thối nát của chính quyền Nê Phi.

Hê La Man 7–12 Nê Phi cầu nguyện trên ngọn tháp trong khu vườn của mình và cảnh báo dân chúng phải hối cải. Ông trích dẫn những chứng ngôn của nhiều người nói tiên tri về Đấng Ky Tô. Ông cũng tiết lộ rằng trưởng phán quan Sê Giô Ram đã bị em trai Sê An Tum của mình giết chết. Nê Phi nhận được quyền năng gắn bó và tiếp tục thuyết giảng sự hối cải. Ông cầu xin Chúa thay thế những cuộc chiến tranh của dân Nê Phi bằng nạn đói, và những lời cầu nguyện của ông mang mưa đến để kết thúc nạn đói sau khi dân chúng hối cải. Sau một thời gian ngắn được thịnh vượng và hòa bình, sự tranh chấp và tà ác lan rộng ở giữa dân chúng. Mặc Môn than khóc về những cách không kiên định và dại dột của con người.

Hê La Man 13–16 Sa Mu Ên người La Man cảnh báo dân Nê Phi phải hối cải, nói tiên tri về cuộc hủy diệt cuối cùng của họ và báo trước điềm triệu kèm theo sự giáng sinh và cái chết của Chúa Giê Su Ky Tô. Những ai tin lời của ông đều chịu phép báp têm. Tuy nhiên, đa số dân chúng khước từ Sa Mu Ên và gạt bỏ những điềm triệu cũng như những điều kỳ diệu đã được ban cho.