Thư Viện
Bài Học Tự Học ở Nhà: Hê La Man 10–16 (Đơn Vị 23)


Bài Học Tự Học ở Nhà

Hê La Man 10–16 (Đơn Vị 23)

Tài Liệu Chuẩn Bị dành cho Giảng Viên Chương Trình Lớp Giáo Lý Tự Học ở Nhà

Tóm Lược Các Bài Học Tự Học ở Nhà Hằng Ngày

Phần tóm lược sau đây về các giáo lý và nguyên tắc mà học sinh đã học trong khi họ nghiên cứu Hê La Man 10–16 (đơn vị 23) không nhằm được giảng dạy như là một phần bài học của các anh chị em. Bài học các anh chị em giảng dạy chỉ tập trung vào một số ít giáo lý và nguyên tắc này. Hãy tuân theo những thúc giục của Đức Thánh Linh trong khi các anh chị em cân nhắc nhu cầu của các học sinh.

Ngày 1 (Hê La Man 10)

Hê La Man 10 cho học sinh một cơ hội để học hỏi thêm về sức mạnh thuộc linh của Nê Phi. Qua tấm gương của ông, học sinh đã học được rằng việc suy ngẫm những sự việc của Chúa chuẩn bị cho chúng ta để nhận được sự mặc khải. Họ cũng học được rằng Chúa đã giao phó cho chúng ta các phước lành và trách nhiệm khi chúng ta đặt ý muốn của Ngài lên trước ý muốn của mình. Khi Nê Phi đặt ý muốn của Chúa trước ý muốn của ông, Chúa đã ban cho ông quyền năng niêm phong.

Ngày 2 (Hê La Man 11–12)

Bằng cách nghiên cứu 14 năm lịch sử của dân Nê Phi, học sinh học được rằng qua lòng khiêm nhường và sự hối cải chúng ta có thể tránh được tính kiêu ngạo và sự hủy diệt. Nếu chúng ta không cẩn thận, sự thịnh vượng của chúng ta có thể dẫn chúng ta đến việc quên Chúa. Nê Phi đã dạy rằng để giúp mọi người tránh lỗi lầm này, Chúa sửa phạt dân Ngài để nhắc nhở họ nhớ đến Ngài.

Ngày 3 (Hê La Man 13–14)

Sa Mu Ên, một vị tiên tri người La Man, đã cho thấy rằng các vị tiên tri nói các sứ điệp mà Thượng Đế đặt vào lòng họ. Trong khi nghiên cứu những lời cảnh báo tiên tri của ông, học sinh học được rằng nếu chúng ta bác bỏ những lời của các vị tiên tri của Chúa, thì chúng ta sẽ cảm thấy ân hận và tràn đầy nỗi buồn. Sa Mu Ên khuyên nhủ dân chúng nên tin vào Chúa Giê Su Ky Tô và làm chứng rằng Chúa ban cho các điềm triệu và những điều kỳ diệu để giúp mọi người tin vào Ngài.

Ngày 4 (Hê La Man 15–16)

Vì Chúa đã ban phước cho dân Nê Phi rất dồi dào, nên Sa Mu Ên đã cố gắng để giúp họ hiểu được những sự đoán phạt của Thượng Đế mà họ gặp phải nếu họ không hối cải. Từ điều này, học sinh học được rằng nếu người ta trở nên không tin sau khi đã nhận được phúc âm trọn vẹn, thì họ sẽ nhận được sự đoán phạt lớn hơn. Từ phản ứng của dân Nê Phi đối với Sa Mu Ên, học sinh đã học được rằng khi chúng ta chọn bác bỏ các nhân chứng của Chúa, thì chúng ta cho phép Sa Tan ảnh hưởng đến tâm hồn của chúng ta.

Lời Giới Thiệu

Trong Hê La Man 10–16 vai trò của các vị tiên tri trong việc rao truyền sự hối cải đã được nhấn mạnh. Trong suốt tuần này, học sinh đã có cơ hội nghiên cứu lòng trung tín của hai vị tiên tri Nê Phi và Sa Mu Ên người La Man. Cả hai vị này đều đã nhận được những biểu hiện thuộc linh và đã có thẩm quyền để phục sự ở giữa dân Nê Phi ương ngạnh. Mặc dù có sự cứng lòng của dân chúng nhưng cả hai vị đều rao truyền sự hối cải. Họ đã dạy rằng hạnh phúc được tìm thấy trong việc sống theo các nguyên tắc được Chúa Giê Su Ky Tô vạch ra và không làm điều bất chính.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Hê La Man 10–16 

Hê La Man và Sa Mu Ên đã phục sự dân chúng một cách trung tín.

Hỏi học sinh xem họ có từng ở trong một tình huống mà trong đó việc ủng hộ các tiêu chuẩn được giảng dạy trong cuốn sách nhỏ Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ lại không hợp với bạn bè của họ không. Các anh chị em có thể mời một vài học sinh chia sẻ kinh nghiệm của họ và nói về cảm nghĩ của họ và điều họ đã học được.

Nói cho học sinh biết rằng Hê La Man 10–16 cho thấy tấm gương của hai vị này đã đứng lên bênh vực cho các tiêu chuẩn của Chúa mặc dù điều đó đã không được dân chúng ưa thích. Mời học sinh xem xét điều họ có thể học được từ tấm gương của Nê Phi và Sa Mu Ên người La Man mà có thể giúp đỡ họ trong những hoàn cảnh tương tự.

Vẽ biểu đồ sau đây lên trên bảng hoặc trên một tờ giấy:

Những điểm tương tự giữa Nê Phi và Sa Mu Ên người La Man

Nê Phi (Hê La Man 10:1–5, 12, 15–16)

Sa Mu Ên (Hê La Man 13:1–6; 16:1–2)

Yêu cầu học sinh tìm kiếm những câu được liệt kê trong biểu đồ, tìm kiếm những điểm tương tự giữa Nê Phi và Sa Mu Ên. Mời một vài học sinh liệt kê những điểm tương tự trong khoảng trống trên biểu đồ. Bản liệt kê này có thể gồm có những điều sau đây: bị người khác khước từ; nghe tiếng nói của Chúa; tuân theo những hướng dẫn của Chúa ngay lập tức; nói điều Chúa đặt vào lòng họ; cảnh báo dân Nê Phi rằng nếu họ không hối cải, thì họ sẽ bị hủy diệt; được bảo vệ bởi quyền năng của Thượng Đế để họ có thể truyền đạt sứ điệp của Ngài.

Sau khi học sinh đã liệt kê những điểm tương tự mà họ đã khám phá ra, hãy yêu cầu một học sinh đọc to Hê La Man 10:4. Rồi hỏi những câu hỏi sau đây:

  • Một số lý do khả thi nào để giải thích việc Nê Phi không biết mệt mỏi?

  • Bằng cách nào Sa Mu Ên cũng đã cho thấy về tinh thần không biết mệt mỏi? Làm thế nào chúng ta có thể phát triển một tinh thần không biết mệt mỏi như vậy?

Yêu cầu một học sinh đọc cho lớp học nghe lời phát biểu sau đây của Anh Cả Neal A. Maxwell thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, trong đó ông dạy chúng ta cách chúng ta có thể phát triển đặc tính này:

“Nếu chúng ta tập trung vào Chúa Giê Su và việc làm của Ngài, thì niềm vui lẫn sự kiên trì của chúng ta được gia tăng. … Nê Phi đã không ích kỷ tìm kiếm ‘ước muốn riêng’ của ông mà thay vì thế đã tìm cách làm theo ý muốn của Thượng Đế. Điều này đã cho ông thêm nghị lực hoàn toàn mà làm cho ông có thể cố gắng chuyên cần không biết mệt mỏi. Nê Phi biết ông phải quay về hướng vào: hướng tới Thượng Đế” (If Thou Endure It Well [1996], 116).

Hãy hỏi:

  • Theo Anh Cả Maxwell, chúng ta có thể làm gì để phục vụ với tinh thần chuyên cần không biết mệt mỏi?

  • Những cụm từ nào trong Hê La Man 10:4 cho thấy rằng Nê Phi “đã hướng tới Thượng Đế,” hay nói cách khác, đã tập trung vào việc làm theo ý muốn của Thượng Đế?

  • Những cụm từ nào trong Hê La Man 13:3–5 cho thấy Sa Mu Ên đã đặt ý muốn của Thượng Đế lên trên ý muốn của ông?

  • Chúng ta có thể học hỏi được lẽ thật nào từ những kinh nghiệm của Nê Phi và Sa Mu Ên? (Có thể đưa ra một câu trả lời mà có thể phản ảnh một lẽ thật mà học sinh học được trong khi họ nghiên cứu riêng trong tuần này: Chúa giao phó cho chúng ta với các phước lành và trách nhiệm khi chúng ta đặt ý muốn của Ngài trước ý muốn của chúng ta).

Đọc câu chuyện sau đây, do Anh Cả Dallin H. Oaks thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ kể về một em gái 12 tuổi đã chấp nhận ý muốn của Thượng Đế trước ý muốn của mình:

“Chúng ta không thể có đức tin thật sự nơi Chúa nếu cũng không có sự tin cậy hoàn toàn vào ý muốn của Chúa và vào kỳ định của Chúa. Khi chúng ta có loại đức tin và tin cậy đó nơi Chúa, thì chúng ta có được sự an toàn thật sự trong cuộc sống. …

“Tôi đã đọc về một thiếu nữ đã thực hành loại đức tin và tin cậy đó. Mẹ cô ta đã bị bệnh nặng trong nhiều tháng. Cuối cùng, người cha trung tín gọi con cái lại bên cạnh giường của người mẹ và bảo chúng nói lời từ giã với mẹ của họ, vì bà sắp chết. Cô con gái mười hai tuổi phản đối:

“‘Cha ơi, con không muốn mẹ chết. Con đã ở bên mẹ trong bệnh viện … trong sáu tháng; và nhiều lần … cha đã ban phước cho mẹ, và mẹ đã được giảm đau và lặng lẽ chìm sâu vào giấc ngủ. Con muốn cha đặt tay lên mẹ và chữa lành cho mẹ.’

“Người cha, chính là Anh Cả Heber J. Grant, nói với con cái rằng ông đã cảm thấy trong lòng mình rằng mẹ của chúng sắp qua đời. Con cái đi ra và ông quỳ xuống bên cạnh giường của vợ mình. Về sau, ông nhớ lại lời cầu nguyện của mình: ‘Tôi đã thưa với Chúa là tôi thừa nhận bàn tay của Ngài trong sự sống [và] cái chết. … Nhưng tôi thưa với Chúa rằng tôi thiếu sức mạnh để chấp nhận là vợ tôi sẽ chết và điều đó ảnh hưởng đến đức tin của các con cái nhỏ của tôi.’ Ông đã cầu khẩn với Chúa ban cho con gái của ông ‘một sự hiểu biết rằng chính là ý định và ý muốn của Ngài rằng mẹ của nó sẽ chết.”

“Người mẹ qua đời trong vòng một giờ đồng hồ. Khi Anh Cả Grant gọi con cái vào lại phòng của người mẹ và nói cho chúng biết thì đứa con trai sáu tuổi của ông [tên là Heber] bắt đầu khóc nức nở. Người chị gái mười hai tuổi ôm đứa em trong vòng tay mình và nói: ‘Heber này, đừng khóc; từ khi chúng ta đi ra khỏi căn phòng này, tiếng nói của Chúa từ trên trời đã nói với chị rằng, ý Chúa được nên trong cái chết của mẹ’ (Bryant S. Hinckley, Heber J. Grant: Highlights in the Life of a Great Leader, Salt Lake City: Deseret Book Co., 1951, trang 243–44).

“Khi chúng ta có loại đức tin và sự tin cậy như đã được người thiếu nữ này cho thấy, thì chúng ta có sức mạnh để hỗ trợ chúng ta trong mọi sự kiện quan trọng trong cuộc sống của mình” (“Faith in the Lord Jesus Christ,” Ensign, tháng Năm năm 1994, 100).

Hãy hỏi:

  • Điều gì đã giúp Chủ Tịch Heber J. Grant và gia đình của ông đặt ý muốn của Chúa trước ý muốn của họ?

  • Có bao giờ các em đã có một kinh nghiệm mà cần phải đặt sự tin cậy của mình nơi Thượng Đế và đặt ý muốn của Ngài trước ý muốn của các em không? Cân nhắc việc mời một vài học sinh chia sẻ những kinh nghiệm của họ với lớp học. (Nhắc họ nhớ rằng họ không nên chia sẻ bất cứ điều gì quá riêng tư).

Bảo đảm với học sinh rằng khi chúng ta đặt sự tin cậy của mình nơi Thượng Đế và đặt ý muốn của Ngài trước ý muốn của chúng ta, thì Ngài sẽ hỗ trợ chúng ta trong thời gian khó khăn.

Giải thích rằng một phần quan trọng của giáo vụ của Nê Phi là giúp dân chúng nhớ tới Thượng Đế và hối cải tội lỗi của họ. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục cứng lòng và không muốn bị sửa đổi.

Chia lớp học ra thành hai nhóm. Yêu cầu một nhóm đọc Hê La Man 10:15–18; 11:3–10 và nhóm kia đọc Hê La Man 11:30–37; 12:1–3. (Các anh chị em có thể muốn viết những đoạn tham khảo này lên trên bảng). Yêu cầu mỗi nhóm chuẩn bị để thảo luận các lý do tại sao Chúa đã sửa phạt dân Ngài. Học sinh có thể đề cập đến một vài lý do khác nhau, nhưng hãy chắc chắn là họ nói rằng Chúa sửa phạt dân Ngài để nhắc nhở họ nhớ đến Ngài.

  • Chúa đã sử dụng những loại sửa phạt nào để có được sự chú ý của mọi người?

  • Theo Hê La Man 12:3, nhiều người không nhớ đến Chúa trừ khi Ngài sửa phạt họ. Các em nghĩ tại sao phải như vậy?

Mời một học sinh đọc to Hê La Man 15:3.

  • Làm thế nào sự sửa phạt của Chúa là một cách bày tỏ về tình yêu thương?

Yêu cầu học sinh chia sẻ những câu trả lời của họ cho sự chỉ định 5 vào ngày 2 của tuần này. Các anh chị em có thể muốn lặp lại rằng qua lòng khiêm nhường và sự hối cải, chúng ta có thể tránh được tính kiêu ngạo và sự hủy diệt và rằng nếu chúng ta không cẩn thận, thì sự thịnh vượng của chúng ta có thể dẫn dắt chúng ta đến việc quên Chúa.

(3 Nê Phi 1–11)

Trong sự chỉ định kế tiếp của học sinh, họ sẽ đọc về toàn thể dân tộc Nê Phi quy tụ lại để chiến đấu chống lại bọn cướp Ga Đi An Tôn trong một cuộc đại chiến. Làm thế nào dân Nê Phi đã có thể đánh bại bọn cướp tà ác? Học sinh cũng sẽ đọc về sự hủy diệt lớn đã xảy ra ở châu Mỹ vào lúc Chúa Giê Su Ky Tô chết ở Giê Ru Sa Lem. Trong bóng tối, dân chúng nghe tiếng nói của Chúa Giê Su Ky Tô. Sau đó, Đấng Cứu Rỗi phục sinh đã đích thân đến phục sự họ. Yêu cầu học sinh xem xét cảm nghĩ của họ sẽ như thế nào nếu họ đã ở đó.