Lời Giới Thiệu Sách Gia Rôm
Tại sao chúng ta phải học sách này?
Trong khi học sinh học sách Gia Rôm, họ sẽ thấy rằng Thượng Đế giữ lời hứa của Ngài để ban phước cho những người tuân theo các giáo lệnh của Ngài. Họ cũng sẽ học hỏi về những nỗ lực của các vua, các vị tiên tri, các thầy giảng và các thầy tư tế người Nê Phi trong thời kỳ Gia Rôm để giúp dân chúng hối cải và tránh bị hủy diệt.
Ai viết sách này?
Con trai của Ê Nót là Gia Rôm đã viết sách này. Giống như cha của ông—và cũng giống như ông nội của ông là Gia Cốp và ông cố của ông là Lê Hi—Gia Rôm có tinh thần tiên tri và mặc khải (xin xem Gia Rôm 1:2). Khi đã hoàn tất biên sử của mình, ông đã trao các bảng khắc cho con trai của ông là Ôm Ni.
Sách này viết cho ai và tại sao?
Gia Rôm nói rằng ông đã viết “theo lệnh của cha [của ông] là Ê Nót, để cho gia phả của [họ] được lưu giữ” (Gia Rôm 1:1). Ông cũng cho biết rằng biên sử của ông đã được “viết ra … là nhằm mục đích có lợi ích cho đồng bào của [ông] là dân La Man” (Gia Rôm 1:2; xin xem thêm Ê Nót 1:13–18). Gia Rôm đã không ghi lại những lời tiên tri và mặc khải của mình, vì ông tin rằng những điều do tổ phụ của mình ghi lại đã “tiết lộ [đủ] kế hoạch cứu rỗi” (Gia Rôm 1:2). Thay vì thế, ông mô tả những sự lao nhọc của các vị lãnh đạo người Nê Phi trong thời gian giáo vụ của ông. Các vị lãnh đạo này “là những người có đức tin mạnh mẽ ở Chúa” (Gia Rôm 1:7) đã liên tục khuyên nhủ dân chúng phải hối cải và tuân theo các giáo lệnh (xin xem Gia Rôm 1:3–5, 10–12). Gia Rôm nhận xét rằng khi dân chúng chọn tuân theo lời khuyên dạy của các vị lãnh đạo ngay chính của họ, thì họ được thịnh vượng và có thể tự củng cố bản thân mình chống lại dân La Man. Ông làm chứng: “Lời của Chúa đã được ứng nghiệm, khi Ngài phán với tổ phụ chúng tôi như vầy: Chừng nào các ngươi còn biết tuân giữ các lệnh truyền của ta, thì các ngươi sẽ được thịnh vượng trong xứ” (Gia Rôm 1:9; xin xem thêm 1 Nê Phi 2:19–20).
Sách này được viết ra khi nào và ở đâu?
Sách Gia Rôm bao gồm khoảng 59 năm, từ khoảng năm 420 Trước Công Nguyên đến năm 361 Trước Công Nguyên (xin xem Ê Nót 1:25; Gia Rôm 1:13). Sách được viết ở xứ Nê Phi.
Một số đặc điểm nổi bật của sách này là gì?
Sách Gia Rôm là cuốn sách ngắn nhất trong Sách Mặc Môn. Sách cung cấp chi tiết về sự tăng trưởng của nền văn minh của dân Nê Phi, nói rằng họ đã “gia tăng dân số rất mau lẹ, và sống lan tràn khắp xứ” (Gia Rôm 1:8). Họ cũng đã trở nên giàu có với tài nguyên và đã trở nên khéo léo làm việc với gỗ và kim loại, xây cất nhà cửa, chế tạo máy móc, và làm công cụ và vũ khí (xin xem Gia Rôm 1:8).
Đại cương
Gia Rôm 1:1–2 Gia Rôm nhận được các bảng khắc và giải thích mục đích của ông để viết.
Gia Rôm 1:3–12 Gia Rôm ghi lại sự ứng nghiệm của lời hứa của Chúa để ban phước và làm cho dân Nê Phi được thịnh vượng khi họ tuân giữ các giáo lệnh của Ngài. Ông làm chứng về quyền năng của Đấng Cứu Rỗi để cứu rỗi dân chúng khỏi tội lỗi, ngay cả trước khi giáo vụ trên trần thế của Ngài, cho phép dân chúng “tin nơi Ngài … như thể là Ngài đã đến rồi vậy” (Gia Rôm 1:11).
Gia Rôm 1:13–15 Gia Rôm nói rằng một truyện ký về các cuộc chiến tranh giữa dân Nê Phi và dân La Man đã được giữ trên các bảng khắc lớn của Nê Phi. Ông trao các bảng khắc nhỏ cho con trai của ông là Ôm Ni.