Thư Viện
Bài học 105: An Ma 59–63


Bài Học 105

An Ma 59–63

Lời Giới Thiệu

Lãnh Binh Mô Rô Ni vui mừng trước sự thành công của Hê La Man trong việc lấy lại một số thành phố Nê Phi đã bị mất vào tay quân La Man. Tuy nhiên, khi ông biết được rằng thành phố Nê Phi Ha đã bị quân La Man chiếm cứ, ông đã tức giận vì chính quyền đã thờ ơ không gửi quân tiếp viện. Trong một bức thư gửi cho Pha Hô Ran, vị trưởng phán quan, ông than thở về nỗi khổ sở của người ngay chính và trách Pha Hô Ran đã không ủng hộ chính nghĩa tự do. Mô Rô Ni đã không biết là Pha Hô Ran đã chạy trốn khỏi xứ Ghi Đê Ôn vì sự phản nghịch của những người dân Nê Phi bảo hoàng. Pha Hô Ran không phật lòng trước lời trách móc của Mô Rô Ni; thay vì thế, ông vui mừng vì thấy Mô Rô Ni yêu tự do. Chúa đã củng cố dân Nê Phi, và Mô Rô Ni, Pha Hô Ran, và dân của họ cùng nhau đánh bại những người bảo hoàng và dân La Man. Sau nhiều năm chiến tranh, dân Nê Phi vui hưởng hòa bình một lần nữa, và Hê La Man tái lập Giáo Hội.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

An Ma 59

Dân Nê Phi mất một đồn lũy, và Lãnh Binh Mô Rô Ni đau buồn vì sự tà ác của dân chúng

Trước khi lớp học bắt đầu, hãy viết lên trên bảng lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Ezra Taft Benson (từ The Teachings of Ezra Taft Benson [1988], 285):

“Chuẩn bị và ngăn ngừa thì tốt hơn là sửa chữa và hối cải” (Chủ Tịch Ezra Taft Benson).

Các anh chị em có thể trích dẫn lời phát biểu này như là một phần của bài học về An Ma 49–51. Nếu các anh chị em đã làm điều này thì hãy cân nhắc việc chừa lại khoảng trống thay cho một số từ khi các anh chị em viết chúng lên trên bảng. Yêu cầu học sinh điền vào chỗ trống.

Mời học sinh cho biết về những lúc trong cuộc sống của họ hoặc trong cuộc sống của một người nào đó họ biết mà sự chuẩn bị đã giúp ngăn chặn nỗi thất vọng hay nỗi buồn.

Nhắc nhở học sinh rằng trong những bài học gần đây, họ đã nghiên cứu các chương về các trận chiến giữa dân Nê Phi và dân La Man. Mời học sinh im lặng đọc An Ma 59:5–11 cùng suy nghĩ về lời phát biểu ở trên bảng liên quan như thế nào đến tình huống được mô tả trong các câu này.

  • Điều gì dường như làm cho dân La Man có thể đánh bại thành phố Nê Phi Ha? (Sự tà ác của dân Nê Phi Ha).

  • Các anh chị em đã tìm thấy điều gì trong những câu này có liên quan với lời phát biểu được viết ở trên bảng?

Nếu học sinh không đề cập đến lời phát biểu sau đây trong An Ma 59:9, thì hãy nêu ra cho họ biết rằng: “Việc giữ cho thành phố không rơi vào tay của quân La Man thì dễ dàng hơn là tái chiếm thành phố đó từ tay chúng.” Các anh chị em có thể muốn đề nghị học sinh tô đậm lời phát biểu này trong thánh thư của họ. Để giúp học sinh suy nghĩ về cách mà lẽ thật này áp dụng trong cuộc sống của họ, hãy yêu cầu họ so sánh các thành phố trong thiên ký thuật này với chính họ và những trận chiến thuộc linh mà họ gặp phải. Sau đó hỏi một hoặc hơn một câu hỏi trong số những câu hỏi sau đây:

  • Lẽ thật này liên quan đến chúng ta như thế nào? (Giúp học sinh thấy việc luôn luôn trung tín là điều dễ dàng và tốt hơn là việc trở về với đức tin sau khi đi lạc lối).

  • Tại sao việc luôn luôn trung tín trong Giáo Hội là dễ dàng hơn việc trở về với Giáo Hội sau một thời gian kém tích cực?

  • Tại sao việc duy trì một chứng ngôn là điều dễ dàng hơn là việc nhận lại một chứng ngôn sau khi đã rời xa phúc âm?

Mời học sinh suy ngẫm về những cách mà kẻ nghịch thù và những người theo nó có thể tấn công họ. Khuyến khích họ viết trong sổ tay ghi chép hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư về điều họ sẽ làm để chuẩn bị cho những cuộc chiến thuộc linh.

An Ma 60–62

Mô Rô Ni vu cáo Pha Hô Ran, là người đáp lại bằng tình yêu thương và sự kính trọng

Đọc to An Ma 59:13. Hãy chắc chắn là học sinh hiểu rằng Mô Rô Ni đã tức giận vì ông nghĩ rằng chính quyền đã thờ ơ, hoặc không quan tâm, đến sự tự do của dân chúng. Trong cơn tức giận của mình, ông đã viết thư cho Pha Hô Ran, vị trưởng phán quan ở Gia Ra Hem La. Mời một vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ An Ma 60:6–11.

  • Lãnh Binh Mô Rô Ni cáo buộc Pha Hô Ran về điều gì?

  • Các em có cảm nghĩ gì về những lời cáo buộc của Mô Rô Ni?

Viết lên trên bảng đoạn tham khảo thánh thư sau đây: An Ma 60:17–20, 23–24. Mời học sinh im lặng đọc những câu này. Khuyến khích họ tưởng tượng ra họ sẽ cảm thấy như thế nào nếu họ là Pha Hô Ran.

  • Trong những phương diện nào những lời cáo buộc của Lãnh Binh Mô Rô Ni đã gây tổn thương cho Pha Hô Ran?

Mời một vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ An Ma 60:33–36. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm điều mà Lãnh Binh Mô Rô Ni đã sẵn sàng để làm nếu Pha Hô Ran không đáp ứng thuận lợi cho lời yêu cầu của ông. Sau khi để cho học sinh báo cáo điều họ đã tìm thấy, hãy yêu cầu họ nhận ra các từ hoặc cụm từ trong các câu này mà cho thấy lý do hoặc động cơ mà Mô Rô Ni đã đưa ra lời yêu cầu.

Mời học sinh im lặng đọc An Ma 61:1–5 để khám phá ra lý do tại sao Mô Rô Ni đã không nhận được quân tiếp viện.

  • Pha Hô Ran đã chia sẻ thông tin nào với Mô Rô Ni?

  • Người ta phản ứng bằng một số cách nào khi bị vu cáo về một điều gì đó?

  • Các em đã bao giờ bị vu cáo về một điều gì chưa? Các em cảm thấy như thế nào về những lời buộc tội và người buộc tội?

Mời học sinh im lặng đọc An Ma 61:9–10, 15–18 cùng tìm kiếm bất cứ điều gì tiết lộ cá tính cao quý của Pha Hô Ran. Sau khi có đủ thời gian rồi, hãy gọi một vài học sinh chia sẻ điều họ đã tìm thấy.

  • Chúng ta có thể học được bài học nào từ cách Pha Hô Ran đáp lại lời cáo buộc của Mô Rô Ni? (Giúp học sinh nhận ra nguyên tắc sau đây: Chúng ta có thể chọn để không bị xúc phạm bởi những lời nói và hành động của người khác. Các lẽ thật khác mà học sinh có thể nhận ra gồm có chúng ta nên tránh đưa ra những lời phê phán không tử tế về người khác và rằng khi đoàn kết trong sự ngay chính với những người khác, chúng ta sẽ vững mạnh hơn trong cuộc chiến chống lại điều ác. Các chị em có thể muốn viết lên trên bảng các lẽ thật này).

  • Làm thế nào chúng ta có thể chọn không để bị xúc phạm?

Hãy cân nhắc việc yêu cầu học sinh xem họ có sẵn lòng chia sẻ bất cứ kinh nghiệm nào họ đã có trong việc chọn không để bị xúc phạm khi người khác nói những điều không tử tế hoặc không đúng sự thật về họ. Các anh chị em cũng có thể cân nhắc việc nói về một kinh nghiệm của mình. Làm chứng về tầm quan trọng của việc tha thứ cho người khác về những lời nói hay hành động chống lại chúng ta. Khuyến khích học sinh noi theo gương của Pha Hô Ran.

Mời một học sinh đọc to An Ma 62:1. Yêu cầu lớp học nhận ra cảm nghĩ của Mô Rô Ni khi ông nhận được thư trả lời của Pha Hô Ran.

Giải thích rằng mặc dù Lãnh Binh Mô Rô Ni đã sai lầm trong những lời cáo buộc của ông đối với Pha Hô Ran, nhưng ông đã giảng dạy các nguyên tắc chân chính mà chúng ta có thể áp dụng trong cuộc sống của mình. Mời một học sinh đọc to An Ma 60:23. Hãy nêu ra rằng những lời của Mô Rô Ni về việc tẩy sạch “mặt trong của bình” có thể áp dụng cho bất cứ người nào cần phải hối cải. Giải thích rằng một cái bình là một vật đựng, chẳng hạn như một cái tách hoặc cái chén. Cho đất hay bùn vào bên trong và bên ngoài của một cái tách (nếu có sẵn một cái tách trong suốt là tốt nhất). Hỏi học sinh xem họ có muốn uống từ cái tách đó không. Rửa sạch mặt ngoài cái tách và hỏi học sinh xem bây giờ họ có cảm thấy thoải mái để uống từ cái tách đó không.

  • Nếu chúng ta nghĩ về bản thân mình giống như cái bình chứa, thì việc tẩy sạch mặt trong của cái bình có thể có nghĩa là gì?

Đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Ezra Taft Benson:

“Chúng ta phải tẩy sạch mặt trong của bình chứa (xin xem An Ma 60:23), bắt đầu trước hết với bản thân mình, rồi sau đó với gia đình của chúng ta, và cuối cùng với Giáo Hội” (“Cleansing the Inner Vessel,” Ensign, tháng Năm năm 1986, 4).

  • Tại sao là điều quan trọng để chúng ta được trong sạch ở bên trong (điều mà người khác không thể nhìn thấy) cũng như ở bên ngoài (điều mà người khác có thể nhìn thấy)?

  • Tại sao là điều quan trọng để tẩy sạch mặt trong cái bình chứa của cuộc sống chúng ta trước khi chúng ta có thể hoàn toàn được hữu hiệu trong vương quốc của Chúa?

Tóm lược An Ma 62:1–38 bằng cách giải thích rằng Lãnh Binh Mô Rô Ni đã mang một phần quân đội của mình đến giúp Pha Hô Ran lật đổ những người bảo hoàng trong Gia Ra Hem La. Sau đó, với quân đội đoàn kết của họ và sự giúp đỡ của các lực lượng Nê Phi khác, Mô Rô Ni và Pha Hô Ran tái chiếm các thành phố còn lại đã bị mất vào tay quân La Man. Họ đuổi dân La Man ra khỏi xứ và thiết lập hòa bình ở giữa dân chúng.

  • Các cá nhân và gia đình có thể gặp phải một số thử thách nào sau thời chiến?

Mời học sinh im lặng đọc An Ma 62:39–41 để xem dân Nê Phi bị ảnh hưởng như thế nào bởi những thử thách của chiến tranh.

Khi học sinh thảo luận câu hỏi này, họ có thể đáp ứng với các câu trả lời như sau:

Những lời cầu nguyện ngay chính của chúng ta có thể có một ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng chúng ta.

Trong những thời gian gặp nghịch cảnh, một số người hạ mình xuống trước mặt Thượng Đế, trong khi những người khác trở nên cứng lòng.

  • Các em nghĩ tại sao một số người trở nên gần gũi hơn với Chúa khi họ gặp phải thử thách? Tại sao một số người quay lưng lại với Chúa khi họ gặp phải thử thách? (Giúp học sinh hiểu rằng trong những lúc nghịch cảnh, những lựa chọn của chúng ta xác định xem chúng ta sẽ trở nên gần gũi với Chúa hơn không).

  • Khi các em đã đọc xong các chương Sách Mặc Môn về chiến tranh, thì các chương này đã dạy điều gì cho các em về vai trò của một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô trong thời gian chiến tranh hoặc tranh chấp?

An Ma 63

Nhiều người dân Nê Phi hành trình đi lên xứ phía bắc

Tóm lược những lời của Mặc Môn trong chương này bằng cách giải thích rằng nhiều dân Nê Phi bắt đầu di chuyển lên phía bắc, bằng đường bộ và đường biển. Síp Lân trao các biên sử thiêng liêng cho Hê La Man. Lãnh Binh Mô Rô Ni qua đời, và con trai của ông là Mô Rô Ni Ha dẫn một đạo quân đẩy lui một cuộc tấn công khác của quân La Man.

Các anh chị em có thể muốn kết thúc bài học này bằng cách nói về một người nào đó đã gặp phải nghịch cảnh và hoạn nạn và đã chọn để mềm lòng và gia tăng sự tin cậy nơi Thượng Đế. Hãy cân nhắc việc chia sẻ một kinh nghiệm cá nhân.

Ôn Lại Sách An Ma

Hãy dành ra một chút thời gian để giúp học sinh ôn lại sách An Ma. Yêu cầu họ suy nghĩ về điều họ đã học được từ sách này, trong lớp giáo lý lẫn trong việc học hỏi thánh thư riêng của họ. Nếu cần, hãy mời họ ôn lại một số phần tóm lược chương trong An Ma để giúp họ ghi nhớ. Sau khi đã có đủ thời gian, hãy mời một vài học sinh chia sẻ những ý nghĩ và cảm nghĩ của họ về một điều gì đó trong sách này đã để lại ấn tượng cho họ.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

An Ma 61. Đáp ứng với những người xúc phạm hoặc làm tổn thương chúng ta

Chủ Tịch James E. Faust thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã chia sẻ một câu chuyện để minh họa tầm quan trọng của việc không nuôi dưỡng những cảm nghĩ xấu đối với những người có thể cố gắng xúc phạm hay làm tổn thương chúng ta:

“Trên những ngọn đồi xinh đẹp ở Pennsylvania có một nhóm người Ky Tô hữu thuần thành sống một cuộc sống giản dị không xe hơi, điện lực hoặc máy móc tân kỳ. Họ làm việc siêng năng và sống một cuộc sống trầm lặng, hiền hòa tách rời khỏi thế gian. Đa số thức ăn của họ đến từ nông trại của họ. Các phụ nữ may vá, đan thêu và dệt quần áo giản dị và đơn sơ. Họ được biết đến là người Amish.

“Một người 32 tuổi lái xe vận tải chở sữa sống với gia đình mình trong cộng đồng Nickel Mines của họ. Người ấy không phải là người Amish, nhưng lộ trình lái xe chở hàng của người ấy dẫn người ấy đến nhiều nông trại sản xuất bơ sữa của người Amish, nơi mà người ấy bắt đầu được biết đến là một người đi giao sữa trầm lặng. Tháng Mười năm ngoái, người ấy bỗng nhiên mất hết lý trí và tự chủ. Trong đầu óc bị dày vò của mình, người ấy trách cứ Thượng Đế về cái chết của đứa con đầu lòng của mình và một số ký ức vô căn cứ. Người ấy xông vào trường học của người Amish mà không có lý do gì, thả các em trai và những người lớn, nhưng bắt trói 10 em gái. Người ấy bắn các em gái này, giết chết năm em và gây thương tích cho năm em kia. Rồi người ấy tự tử.

“Sự bạo động đầy kinh hoàng này gây ra nỗi đau khổ lớn chứ không phải sự tức giận giữa cộng đồng người Amish. Có đau đớn nhưng không căm thù. Họ đã lập tức tha thứ. Họ cùng nhau bắt đầu tìm cách giúp đỡ gia đình đang đau khổ của người đi giao sữa. Khi gia đình của người đi giao sữa họp lại trong nhà của người ấy một ngày sau khi vụ nổ súng xảy ra, thì một người láng giềng Amish đã đến, choàng tay qua vai người cha của kẻ nổ súng đã chết, và nói: ‘Chúng tôi tha thứ cho các bạn.’ [Trong Joan Kern, “A Community Cries,” Lancaster New Era, ngày 4 tháng Mười năm 2006, trang A8.] Các vị lãnh đạo Amish đi thăm vợ con của người đi giao sữa để chia buồn, tha thứ, giúp đỡ và yêu thương. Khoảng một nửa số người đi đưa đám tang tại tang lễ của người đi giao sữa là người Amish. Đổi lại, người Amish đã mời gia đình của người đi giao sữa đến tham dự tang lễ của các em gái đã bị giết chết. Đã có một sự bình an phi thường trong những người Amish khi đức tin của họ hỗ trợ họ trong cơn khủng hoảng này.

“Một người dân địa phương đã hùng hồn tóm lược kết quả của thảm cảnh này khi ông nói: ‘Chúng ta đều nói cùng một thứ tiếng, và không chỉ là tiếng Anh không thôi mà còn là một thứ tiếng chăm sóc, một thứ tiếng của cộng đồng, [và] một thứ tiếng phục vụ. Và, đúng thế, một thứ tiếng tha thứ.’ [In Helen Colwell Adams, “After That Tragic Day, a Deeper Respect among English, Amish?” Sunday News,, ngày 15 tháng Mười năm 2006, trang A1.] Đó là một đức tin trọn vẹn, tràn đầy kỳ diệu của họ nơi những lời giảng dạy của Chúa trong Bài Giảng trên Núi: ‘Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi.’Ma Thi Ơ 5:44.]

“Gia đình của người đi giao sữa là người đã giết chết năm em bé gái đã gửi ra lá thư sau đây cho công chúng:

“’Kính gửi các bạn bè người Amish, láng giềng và cộng đồng địa phương của chúng tôi:

“’Gia đình chúng tôi muốn mỗi quý vị biết rằng chúng tôi cảm thấy ngập tràn sự tha thứ, ân điển, và lòng thương xót mà quý vị đã dành cho chúng tôi. Tình yêu thương của quý vị dành cho gia đình chúng tôi đã giúp mang đến sự chữa lành, là điều chúng tôi vô cùng cần đến. Những lời cầu nguyện, hoa và thiệp cùng các món quà do quý vị tặng đã làm cảm động lòng chúng tôi trong một cách mà không thể diễn tả thành lời. Lòng trắc ẩn của quý vị đã vượt lên trên gia đình của chúng tôi, cộng đồng của chúng ta, và đang thay đổi thế giới của chúng ta và chúng tôi thành thật cám ơn quý vị về điều này.

“’Xin biết rằng chúng tôi rất đau lòng bởi tất cả những điều đã xảy ra. Lòng chúng tôi ngập đầy phiền muộn đối với tất cả những người láng giềng Amish của chúng tôi là những người mà chúng tôi đã yêu mến và tiếp tục yêu mến. Chúng tôi biết rằng sẽ có nhiều ngày khó khăn trước mặt đối với tất cả các gia đình đã mất người thân, vậy nên chúng tôi sẽ tiếp tục đặt hy vọng và lòng tin cậy của mình vào Thượng Đế của mọi sự an ủi, khi chúng ta đều cố gắng làm lại cuộc đời của mình.’ [“Amish Shooting Victims,” www.800padutch.com/amishvictims.shtml.]

“Làm thế nào toàn thể nhóm người Amish có thể biểu lộ lòng tha thứ như vậy được? Đó là nhờ vào đức tin của họ nơi Thượng Đế và sự tin cậy nơi lời của Ngài, tức là một phần của con người bên trong của họ. Họ thấy mình như là các môn đồ của Đấng Ky Tô và muốn noi theo gương Ngài.

“Khi nghe về thảm cảnh này, nhiều người đã gửi tiền cho người Amish để trả tiền cho sự chăm sóc sức khỏe của năm em bé gái còn sống sót và cho những phí tổn chôn cất của năm em gái bị giết chết. Để cho thấy thêm vai trò môn đồ của mình, người Amish đã quyết định chia sẻ một số tiền với người góa phụ của người đi giao sữa và ba đứa con của bà vì họ cũng là nạn nhân trong thảm cảnh khủng khiếp này” (“Quyền Năng Chữa Lành của Sự Tha Thứ,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2007, 67–68).

An Ma 62:41. Phản ứng đối với nghịch cảnh

Khi đề cập đến An Ma 62:39–41, Chủ Tịch Boyd K. Packer thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

“Cùng một thử thách trong những lúc khó khăn có thể có những tác động khá trái ngược đến các cá nhân. …

“Chắc chắn là các anh chị em biết một số người mà cuộc sống của họ đầy nghịch cảnh, họ là những người đã được trui rèn, củng cố và hoàn thiện nhờ vào nghịch cảnh, trong khi những người khác đã bỏ đi vì cùng một thử thách cay đắng, đau đớn và đau khổ” (“The Mystery of Life,” Ensign, tháng Mười Một năm 1983, 18).

Anh Cả Dallin H. Oaks thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ giải thích rằng chúng ta chọn cách mình sẽ phản ứng đối với nghịch cảnh:

“Chắc chắn là những nghịch cảnh lớn lao này không phải là không có một số mục đích hoặc ảnh hưởng vĩnh cửu nào đó. Những điều đó có thể làm cho lòng chúng ta hướng tới Thượng Đế. … Ngay cả khi nghịch cảnh gây ra những khó khăn nguy hiểm đến tính mạng thì chúng cũng có thể là những phương tiện để dẫn dắt những người nam và người nữ đến với các phước lành vĩnh cửu.

“Những nghịch cảnh đại quy mô như vậy là thiên tai và chiến tranh dường như là vốn có trong kinh nghiệm trần thế. Chúng ta không thể hoàn toàn ngăn chặn những điều đó được, nhưng chúng ta có thể quyết định cách mình sẽ phản ứng đối với những điều đó. Ví dụ, những nghịch cảnh của chiến tranh và sự phục vụ trong quân ngũ, mà từng là sự hủy diệt thuộc linh của một số người, thì lại là sự thức tỉnh phần thuộc linh của những người khác. Sách Mặc Môn mô tả sự tương phản:

“’Nhưng này, vì thời gian quá lâu dài của trận chiến giữa dân Nê Phi và dân La Man nên có nhiều người đã trở nên chai đá, nhưng cũng có những người khác lại trở nên hiền dịu vì những nỗi thống khổ của họ, nên họ đã biết hạ mình trước mặt Thượng Đế, xuống tận đáy sâu của sự khiêm nhường’ (An Ma 62:41).

“Tôi đọc về một sự tương phản tương tự sau khi cơn bão dữ dội đã phá hủy hàng ngàn ngôi nhà ở Florida cách đây vài năm. Tin tức đã trích dẫn hai người khác nhau đã phải chịu đựng cùng một thảm họa và đã nhận được cùng một phước lành: mỗi căn nhà của họ đã bị phá hủy hoàn toàn, nhưng mỗi người trong gia đình họ đều thoát chết hoặc không bị thương. Một người nói rằng thảm kịch này đã hủy diệt đức tin của mình; người ấy hỏi: làm thế nào Thượng Đế lại có thể cho phép điều này xảy ra? Người kia nói rằng kinh nghiệm này đã củng cố đức tin của mình. Người ấy nói rằng Thượng Đế đã nhân từ đối với người ấy. Mặc dù nhà cửa và tài sản của gia đình đã bị mất hết nhưng mạng sống của họ đã được gìn giữ và họ có thể xây cất lại nhà cửa. Đối với một người thì ly nước bị vơi đi một nửa. Đối với người kia, ly nước đầy một nửa. Ân tứ về quyền tự quyết về mặt đạo đức làm cho mỗi người chúng ta lựa chọn cách chúng ta sẽ hành động khi gặp nghịch cảnh” (“Adversity,” Ensign, tháng Bảy năm 1998, 7–8).

An Ma 63:4–10. Ha Gô và con cháu của ông

Các vị tiên tri ngày sau đã nói rằng dân của Ha Gô định cư trên các hòn đảo mà bây giờ được gọi là New Zealand.

Chủ Tịch Joseph F. Smith nói cùng Các Thánh Hữu ở New Zealand: “Thưa các anh chị em ở New Zealand, tôi muốn các anh chị em biết rằng các anh chị em là con cháu của dân Ha Gô” (do Spencer W. Kimball trích dẫn trong Joseph Fielding McConkie và Robert L. Millet, Doctrinal Commentary on the Book of Mormon, tập 3 [1991], 329).

Trong lời cầu nguyện cung hiến Đền Thờ Hamilton New Zealand, Chủ tịch David O. McKay đã nói: “Chúng con bày tỏ lòng biết ơn về những Hòn Đảo màu mỡ này mà Ngài đã dẫn dắt con cháu của Tổ Phụ Lê Hi đến, và đã làm cho họ thịnh vượng” (“Dedicatory Prayer Delivered by Pres. McKay at New Zealand Temple,” Church News, ngày 10 tháng Năm năm 1958, 2).

Chủ Tịch Spencer W. Kimball nói: “Thật là hợp lý để kết luận rằng Ha Gô và những người cộng sự của ông đã ở khoảng mười chín thế kỷ trên các đảo, từ khoảng năm 55 Trước Công Nguyên đến năm 1854 trước khi phúc âm bắt đầu tìm đến họ. Họ mất tất cả những điều minh bạch và quý giá mà Đấng Cứu Rỗi đã mang đến thế gian, vì họ có thể đã ở các đảo đó khi Đấng Ky Tô giáng sinh ở Giê Ru Sa Lem” (Temple View Area Conference Report, tháng Hai năm 1976, 3; được trích dẫn trong Joseph Fielding McConkie và Robert L. Millet, Doctrinal Commentary on the Book of Mormon, tập 3, 329).