Thư Viện
Bài Học 43: Gia Cốp 1–Gia Cốp 2:11


Bài Học 43

Gia Cốp 1Gia Cốp 2:11

Lời Giới Thiệu

Sau khi Nê Phi qua đời, dân Nê Phi bắt đầu ‟buông thả phần nào theo các tập tục tà ác” dưới triều đại của một vị vua mới (Gia Cốp 1:15). Gia Cốp và em của ông là Giô Sép đã được Nê Phi lập lên làm thầy tư tế và thầy giảng của dân chúng, và họ đã siêng năng lao nhọc để thuyết phục dân chúng hối cải và đến cùng Đấng Ky Tô. Gia Cốp tuân theo lệnh của Nê Phi để ghi lại những điều giảng dạy thiêng liêng, sự mặc khải và những lời tiên tri trên các bảng khắc nhỏ.

Những Đề Nghị Cách Giảng Dạy

Gia Cốp 1:1–8

Gia Cốp ghi lại các lẽ thật thiêng liêng và những công việc lao nhọc để giúp những người khác đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô

Yêu cầu các học sinh đưa ra những ví dụ về các danh xưng khác nhau của các vị lãnh đạo chức tư tế. (Các câu trả lời có thể gồm có các vị tiên tri và các sứ đồ, Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương, các chủ tịch giáo khu, các giám trợ và các chủ tịch nhóm túc số). Mời một vài học sinh chia sẻ vắn tắt một số cách mà những người lãnh đạo chức tư tế đã ban phước cho cuộc sống của họ qua sự phục vụ của chức tư tế.

Giải thích rằng Nê Phi đã lập hai người em trai của ông là Gia Cốp và Giô Sép làm thầy tư tế và thầy giảng cho dân chúng (xin xem 2 Nê Phi 5:26; Gia Cốp 1:18). Khi gần qua đời, Nê Phi đã giao cho Gia Cốp trách nhiệm về các bảng khắc chứa đựng biên sử của dân họ.

Mời các học sinh im lặng đọc Gia Cốp 1:1–4. Yêu cầu họ nhận ra điều Nê Phi đã ra lệnh cho Gia Cốp ghi lại trên các bảng khắc. (Các anh chị em có thể muốn đề nghị các học sinh đánh dấu những lời chỉ dẫn của Nê Phi cho Gia Cốp). Sau khi các học sinh đã có đủ thời gian để đọc, hãy mời một vài người trong số họ cho lớp học biết điều họ đã tìm thấy.

Nếu các học sinh không đề cập đến điều đó, hãy nêu lên cụm từ cuối cùng của Gia Cốp 1:4 —″vì lợi ích cho dân của chúng tôi.″

  • Cụm từ ″vì lợi ích cho dân của chúng tôi″ có nghĩa là gì? (Vì họ).

Mời một học sinh đọc to Gia Cốp 1:5–6. Yêu cầu lớp học nhận ra điều Chúa đã mặc khải cho Gia Cốp và Giô Sép mà sẽ giúp họ giảng dạy cho dân của họ. (Các anh chị em có thế muốn giải thích rằng ″lòng lo lắng sâu xa″ ám chỉ mối quan tâm thiết tha của họ dành cho dân chúng).

  • Chúa đã mặc khải điều gì cho Gia Cốp và Giô Sép? (Ngài đã cho họ thấy điều sẽ xảy ra cho dân Nê Phi trong tương lai, và Ngài mặc khải những chi tiết về sự giáng lâm của Đấng Ky Tô).

  • Việc biết được những điều này đã giúp Gia Cốp và Giô Sép như thế nào trong việc giảng dạy cho dân họ?

Viết lên trên bảng từ thuyết phục. Yêu cầu các học sinh im lặng đọc Gia Cốp 1:7–8, tìm kiếm điều mà Gia Cốp và Giô Sép muốn thuyết phục dân chúng để làm. (Các anh chị em có thể muốn đề nghị rằng các học sinh đánh dấu điều họ tìm thấy). Mời vài học sinh viết lên trên bảng một điều mà họ khám phá.

Từ bản liệt kê ở trên bảng, hãy mời các học sinh chỉ ra một hoặc hai cụm từ mà họ muốn hiểu rõ hơn. Trong khi các học sinh chỉ ra những cụm từ này, hãy hỏi xem các học sinh khác có thể giúp giải thích những cụm từ này không. Trong phần thảo luận này, những định nghĩa sau đây có thể giúp ích:

″Bước vào chốn an nghỉ của Ngài”—Bước vào chốn an nghỉ của Chúa có nghĩa là vui hưởng sự bình an trong cuộc sống này và tiếp nhận ″vinh quang trọn vẹn của [Thượng Đế]″ trong cuộc sống mai sau (GLGƯ 84:24).

″Suy ngẫm về cái chết của [Đấng Ky Tô]″—Một định nghĩa của suy ngẫm là nhìn xem hoặc chăm chú xem xét. Khi Gia Cốp viết rằng ông muốn thuyết phục dân chúng ″phải tin Đấng Ky Tô, suy ngẫm về cái chết của Ngài,″ thì ông có thể đã có ý nói rằng ông muốn họ chăm chú xem xét Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, nhận biết tầm quan trọng của Sự Chuộc Tội, và đạt được một chứng ngôn riêng về Sự Chuộc Tội.

″Vác thập tự giá của Ngài”—Cụm từ này ám chỉ sự sẵn lòng của chúng ta để tự chối bỏ sự không tin kính và những ham muốn của thế gian và tuân giữ những lệnh truyền của Chúa (xin xem Bản Dịch Joseph Smith, MaThi Ơ 16:26 [trong Ma Thi Ơ 16:24, cước chú d]; Lu Ca 9:23; 2 Nê Phi 9:18). Cụm từ này cũng ám chỉ sự sẵn lòng của chúng ta để kiên trì và hy sinh khi chúng ta noi theo Đấng Cứu Rỗi.

″Gánh lấy sự hổ thẹn của thế gian”—Cụm từ này ám chỉ việc tuân theo các lệnh truyền bất kể áp lực, sự nhục mạ, và chống đối của thế gian thường đến với các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.

Yêu cầu các học sinh tóm lược điều họ đã học được từ Gia Cốp 1:1–8 về trách nhiệm của các vị lãnh đạo chức tư tế. Khi các học sinh chia sẻ những ý nghĩ của họ, hãy nhấn mạnh rằng các vị lãnh đạo chức tư tế siêng năng lao nhọc để giúp chúng ta đến cùng Đấng Ky Tô. (Các anh chị em có thể muốn viết nguyên tắc này lên trên bảng).

  • Các vị lãnh đạo chức tư tế của chúng ta lao nhọc như thế nào để giúp chúng ta đến cùng Đấng Ky Tô?

Cho các học sinh một vài phút để viết vào nhật ký ghi chép việc học thánh thư của họ về những cách các vị tiên tri hoặc các vị lãnh đạo chức tư tế khác đã giúp đỡ họ trong một hoặc hai lãnh vực họ đã nhận ra trong Gia Cốp 1:7–8. Mời một vài học sinh chia sẻ điều họ đã viết ra. (Hãy nhắc họ nhớ rằng họ không cần phải chia sẻ bất cứ điều gì quá riêng tư).

Gia Cốp 1:9–2:11.

Gia Cốp cảnh cáo dân chúng về sự tà ác của họ

Khuyến khích các học sinh suy ngẫm câu hỏi sau đây trong phần còn lại của bài học:

  • Tại sao các vị lãnh đạo Giáo Hội cảnh cáo chúng ta về tội lổi?

Gia Cốp ghi lại rằng sau khi anh Nê Phi của ông qua đời, dân chúng bắt đầu buông thả theo vài tập tục tà ác nào đó. Mời các học sinh im lặng đọc Gia Cốp 1:15–16. Yêu cầu họ nhận ra ba phương diện mà đã làm cho Gia Cốp quan tâm. (Một khi các học sinh đã trả lời rồi, các anh chị em có thể muốn viết lên trên bảng những từ sự vô luân, vật chất thế giantính kiêu ngạo).

Yêu cầu các học sinh im lặng đọc Gia Cốp 1:17–19, tìm kiếm điều mà Gia Cốp và Giô Sép đã làm để giúp dân của họ. Yêu cầu các học sinh báo cáo điều họ tìm thấy. Mời một học sinh viết câu trả lời của họ lên trên bảng.

  • Các em nghĩ việc nhận được ″nhiệm vụ từ Chúa″ có nghĩa là gì?″ Gia Cốp 1:17). (Để biết được điều Chúa sẽ muốn chúng ta làm).

Mời một học sinh đọc to lời phát biểu sau đây của Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Yêu cầu lớp học lắng nghe những cách thức trong đó các vị lãnh đạo Giáo Hội tìm kiếm nhiệm vụ từ Chúa trong khi họ chuẩn bị giảng dạy trong đại hội trung ương:

Anh Cả Jeffrey R. Holland

″Có lẽ các anh chị em đã biết (nhưng nếu không thì nên biết) rằng không có người nào nói chuyện [trong đại hội trung ương] được chỉ định cho một đề tài, ngoại trừ những trường hợp rất hiếm. Mỗi người phải nhịn ăn và cầu nguyện, nghiên cứu và tìm kiếm, viết đi viết lại bài nói chuyện của mình cho đến khi họ chắc chắn rằng đề tài của họ là đề tài mà Chúa muốn họ trình bày cho đại hội này, vào lúc này, bất kể những ước muốn riêng hoặc sở thích riêng của họ là gì đi nữa. … Mỗi người đã khóc, lo lắng và thiết tha tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa để chỉ dẫn cho họ những ý nghĩ và ấn tượng” (“Một Cờ Hiệu của Các Dân Tộc,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2011, 111).

  • Những người nói chuyện trong đại hội trung ương làm gì để tìm kiếm nhiệm vụ của họ từ Chúa?

  • Tại sao là điều quan trọng để hiểu rằng các vị lãnh đạo Giáo Hội cố gắng giảng dạy chúng ta những điều Chúa muốn chúng ta biết? Làm thế nào việc ghi nhớ điều này có thể ảnh hưởng đến thái độ của chúng ta khi chúng ta lắng nghe họ giảng dạy?

  • Theo Gia Cốp 1:19, trách nhiệm của Gia Cốp và Giô Sép là gì? (Trong khi các học sinh trả lời, hãy chắc chắn là họ hiểu rằng các vị lãnh đạo chức tư tế có một trách nhiệm được Thượng Đế giao cho để giảng dạy lời của Thượng Đế và cảnh báo chống lại tội lỗi. Các anh chị em có thể muốn viết lẽ thật này lên trên bảng).

  • Tại sao là một phước lành để có được cha mẹ và các vị lãnh đạo Giáo Hội cảnh báo chúng ta về các thái độ và hành vi tội lỗi?

  • Gia Cốp đã sử dụng những lời nào để mô tả cách họ nên giảng dạy? Hậu quả sẽ ra sao nếu họ không thực hiện các trách nhiệm của mình?

Yêu cầu các học sinh nghĩ về việc họ sẽ cảm thấy như thế nào nếu, giống như Gia Cốp, họ đang ở trong một chức vụ lãnh đạo và được soi dẫn để kêu gọi dân chúng phải hối cải về sự vô luân, lòng ham mê vật chất và tính kiêu ngạo. Chia lớp ra thành từng cặp. Mời những cặp học sinh thay phiên đọc cho nhau nghe từ Gia Cốp 2:1–3, 6–7, 10–11. Yêu cầu họ nhận ra những cụm từ cho thấy những cảm nghĩ của Gia Cốp về nhiệm vụ của ông về việc kêu gọi dân chúng hối cải. Sau khi đủ thời giờ, hãy mời vài học sinh chia sẻ những điều họ tìm thấy với lớp học.

  • Các cụm từ này cho thấy gì về những cảm nghĩ của Gia Cốp về việc kêu gọi dân của ông phải hối cải? (Hãy chắc chắn là các học sinh hiểu rằng mặc dù Gia Cốp thấy trách nhiệm này là khó khăn, nhưng ông đã thực hiện trách nhiệm này vì ông quan tâm đến dân chúng và vì họ muốn tuân theo các lệnh truyền của Thượng Đế).

Để kết thúc, hãy yêu cầu các học sinh viết vào nhật ký ghi chép việc học thánh thư của họ về (1) điều mà các vị lãnh đạo Giáo Hội đã dạy cho họ mới gần đây và cách họ có thể áp dụng điều đó vào cuộc sống của họ hoặc (2) cách họ có thể áp dụng điều họ đã học được ngày hôm nay trong sự kêu gọi của họ trong lớp học hoặc các chủ tịch đoàn nhóm túc số, trong trách nhiệm của họ là các thầy giảng tại gia, hoặc trong những cơ hội lãnh đạo khác. (Các anh chị em có thể muốn viết những điều chỉ dẫn này lên trên bảng). Khuyến khích các học sinh tuân theo lời khuyên bảo của các vị lãnh đạo chức tư tế của họ. Kết thúc bằng cách chia sẻ chứng ngôn của các anh chị em về các nguyên tắc đã được giảng dạy trong bài học này.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

Gia Cốp 1:18. ″Lập lên làm thầy tư tế và thầy giảng″

Chủ Tịch Joseph Fielding Smith giải thích ý nghĩa của cụm từ ″thầy tư tế và thầy giảng″ trong Gia Cốp 1:18:

″Dân Nê Phi thi hành trách nhiệm bằng quyền năng của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc từ thời kỳ của Lê Hi đến thời kỳ Đấng Cứu Rỗi hiện đến ở giữa họ. Đúng là Nê Phi đã ‘lập Gia Cốp và Giô Sép’ lên làm thầy tư tế và thầy giảng trong xứ Nê Phi, nhưng thực tế là những từ số nhiều các thầy tư tế và các thầy giảng được sử dụng cho thấy rằng đây không phải một điều nói tới chức vụ nhất định trong chức tư tế trong cả hai trường hợp, mà là một sự chỉ định chung để giảng dạy, hướng dẫn, và khuyên bảo dân chúng” (Answers to Gospel Questions, do Joseph Fielding Smith Jr. biên soạn, 5 tập [1957–66], 1:124).

Gia Cốp 1:19. “Chúng tôi đã làm vinh hiển chức vụ của mình trong Chúa″

Chủ Tịch Thomas S. Monson giải thích ý nghĩa của việc làm vinh hiển chức vụ kêu gọi:

“Làm vinh hiển chức vụ kêu gọi có nghĩa là gì? Điều đó có nghĩa là xây đắp chức vụ kêu gọi đó trong danh dự và tầm quan trọng, làm cho sự kêu gọi đó được đáng kính trọng và đáng khen ngợi trước mặt mọi người, để bành trướng và củng cố sự kêu gọi đó, để ánh sáng của thiên thượng chiếu xuyên qua sự kêu gọi đó đến tận mắt của những người khác.

“Một người làm vinh hiển sự kêu gọi của mình như thế nào? Chỉ bằng cách thực hiện sự phục vụ liên hệ đến sự kêu gọi đó. Một người anh cả làm vinh hiển sự kêu gọi đã được sắc phong của một anh cả bằng cách học hỏi các bổn phận của mình với tư cách là một anh cả và thi hành bổn phận ấy. Điều này cũng giống như vậy đối với một anh cả, thầy trợ tế, thầy giảng, thầy tư tế, vị giám trợ, và mỗi người nắm giữ chức phẩm trong chức tư tế” (“Sự Kêu Gọi Phục Vụ Thiêng Liêng,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2005, 54).

Gia Cốp 1:19; 2:2. “Gánh vác những tội lỗi của dân chúng lên đầu″

Những người có bổn phận lãnh đạo trong Giáo Hội mang một trách nhiệm nghiêm túc. Gia Cốp dạy rằng khi những người lãnh đạo xao lãng việc giảng dạy lời của Thượng Đế cho những người mà họ được kêu gọi lãnh đạo thì họ trở nên chịu trách nhiệm phần nào đối với tội lỗi của dân chúng. Khi nói về các anh em trong chức tư tế, Chủ Tịch John Taylor nói thêm về trách nhiệm mà Gia Cốp đã mô tả:

“Nếu các anh chị em không làm vinh hiển chức vụ kêu gọi của mình, thì Thượng Đế sẽ bắt các anh chị em chịu trách nhiệm đối với những người mà các anh chị em có lẽ đã cứu được nếu các anh chị em đã làm bổn phận của mình” (Teachings of Presidents of the Church: John Taylor [2001], 164).

Về sau Chủ Tịch Hugh B. Brown thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn bình luận về lời phát biểu của Chủ Tịch Taylor:

“Đây là một lời phát biểu đầy thách thức. Nếu vì lý do phạm tội hoặc bỏ qua không làm theo làm cho tôi đánh mất điều tôi có thể đã có ở trong cuộc sống mai sau, thì chính bản thân của tôi phải chịu đau khổ, và chắc chắn là mất những người thân yêu của tôi. Nhưng nếu tôi không làm công việc chỉ định của mình với tư cách là giám trợ, chủ tịch giáo khu, chủ tịch phái bộ truyền giáo, hoặc một Vị Thẩm Quyền Trung Ương của Giáo Hội—nếu bất cứ ai trong chúng ta không giảng dạy, lãnh đạo, hướng dẫn, và giúp cứu những người ở dưới sự hướng dẫn của chúng ta và ở trong quyền xét xử của chúng ta thì Chúa sẽ bắt chúng ta chịu trách nhiệm nếu họ bị lạc lối vì chúng ta đã không làm công việc chỉ định của mình″ (trong Conference Report, tháng Mười năm 1962, 84).

Gia Cốp 2:8. “Những lời … của Thượng Đế … làm hàn gắn một tâm hồn bị tổn thương”

Khi thông tin mới là khó hiểu hoặc làm khó chịu đối với người học hỏi phúc âm, thì điều tốt hơn là họ để tìm kiếm những câu trả lời từ Thượng Đế là Đấng hiểu biết tất cả mọi điều, hơn là tiến hành một cuộc tìm kiếm chung trên mạng Internet hoặc tìm tới các tài liệu chống đối người Mặc Môn. Việc đi thẳng đến Thượng Đế để nhận được câu trả lời cho thấy đức tin của chúng ta nơi Ngài và cho phép chúng ta nhận được những câu trả lời qua Đức Thánh Linh. Chúng ta cũng nên tìm đến thánh thư và những lời của các sứ đồ và các vị tiên tri ngày sau, là những điều có thể trả lời những câu hỏi khó và hàn gắn vết thương. Các câu thánh thư sau đây dạy cho chúng ta biết nơi nào chúng ta nên tìm đến và điều chúng ta nên làm khi có những câu hỏi khó hoặc mối quan tâm:

Gia Cốp 2:8—Những ″lời … của Thượng Đế … làm hàn gắn một tâm hồn bị tổn thương.”

Gia Cơ 1:5–6—“Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, … thì kẻ ấy sẽ được ban cho. Nhưng phải lấy đức tin mà cầu xin.”

Mô Rô Ni 10:5—“Bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, các người sẽ có thể biết được lẽ thật của tất cả mọi điều.”