Bài Học 66
Mô Si A 26
Lời Giới Thiệu
Trong suốt triều đại của Mô Si A, nhiều người trong thế hệ đang vươn lên—những người đã từng rất nhỏ tuổi vào lúc Vua Bên Gia Min đưa ra bài giảng cuối cùng—đã không tin vào những lời dạy của Giáo Hội và từ chối cầu khẩn lên Chúa. Những người trẻ tuổi không tin này đã ảnh hưởng đến các tín hữu khác của Giáo Hội để phạm tội nghiêm trọng. Nhiều người trong số những kẻ phạm tội này đã bị giải ra trước An Ma, vị lãnh đạo của Giáo Hội. Thoạt tiên, An Ma đã không biết phải làm gì, nhưng cuối cùng ông cầu vấn Chúa để được hướng dẫn về cách xét xử các tín hữu không vâng lời. Chúa đã mặc khải tiến trình cho An Ma nên tuân theo trong việc bắt các tín hữu của Giáo Hội phải chịu trách nhiệm về tội lỗi của họ. An Ma cũng học được lòng thương xót và sự sẵn lòng của Thượng Đế để tha thứ cho những người hối cải. An Ma tuân theo lời khuyên dạy của Chúa và mang lại trật tự cho Giáo Hội.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
Mô Si A 26:1–6
Nhiều người thuộc thế hệ đang vươn lên không tin vào phúc âm và dẫn dắt người khác phạm tội
Trước khi lớp học bắt đầu, hãy viết lên trên bảng các câu hỏi sau đây:
Yêu cầu học sinh trả lời cho những câu hỏi này trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của họ hoặc sổ tay ghi chép trong lớp của họ. Sau khi đã cho học sinh đủ thời gian rồi, hãy giải thích rằng Mô Si A 26 chứa đựng một câu chuyện về một nhóm người đã không làm điều họ cần phải làm để nuôi dưỡng chứng ngôn của họ. Do đó, đức tin của họ nơi Thượng Đế không bao giờ phát triển, và họ đã dẫn dắt nhiều tín hữu Giáo Hội vào việc phạm tội và sai lầm. Đề nghị rằng trong khi học sinh học về câu chuyện này, thì họ xem xét xem câu chuyện này dạy điều gì về việc phát triển và củng cố chứng ngôn.
Mời một học sinh đọc to Mô Si A 26:1–3. Sau đó hỏi lớp học:
-
Nhiều người thuộc thế hệ đang vươn lên đã có điều lựa chọn nào? (Họ đã chọn không tin vào những truyền thống của cha mẹ họ).
-
Các em nghĩ tại sao sự không tin của dân chúng cản trở khả năng của họ để “hiểu được lời của Thượng Đế”? (Mô Si A 26:3).
Giải thích rằng việc tin (hoặc thậm chí là có ước muốn để tin) dẫn đến các hành động nhằm củng cố chứng ngôn của chúng ta. Mặt khác, khi dân chúng chọn không tin, thì họ cũng chọn không làm một số việc nào đó mà sẽ giúp họ phát triển chứng ngôn vững mạnh. Mời học sinh im lặng đọc Mô Si A 26:3–4, 6. Hãy yêu cầu một nửa lớp học tìm kiếm điều mà thế hệ đang vươn lên sẽ không làm vì không có lòng tin. Yêu cầu nửa lớp kia tìm kiếm các kết quả của sự không tin này.
-
Thế hệ đang vươn lên đã từ chối làm điều gì vì không có lòng tin?
-
Những hậu quả của sự không tin của họ là gì?
Sau khi học sinh đã thảo luận xong các câu hỏi này thì hãy viết lên trên bảng điều sau đây: Để phát triển và duy trì một chứng ngôn, chúng ta cần phải …
Yêu cầu một học sinh đọc to lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Henry B. Eyring thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Yêu cầu lớp học lắng nghe những cách để hoàn tất câu ở trên bảng.
“Chứng ngôn đòi hỏi được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện với đức tin, nỗi khát khao về lời của Thượng Đế trong thánh thư, và việc tuân theo lẽ thật mà chúng ta đã nhận được. Việc xao lãng cầu nguyện thì thật nguy hiểm. Việc học và đọc thánh thư một cách thất thường thì thật nguy hiểm cho chứng ngôn của chúng ta. Đó là những chất nuôi dưỡng cần thiết cho chứng ngôn của chúng ta. …
“Việc nuôi dưỡng lời của Thượng Đế, cầu nguyện chân thành, và tuân theo các lệnh truyền của Chúa cần phải được áp dụng một cách đều đặn và liên tục để chứng ngôn của các em tăng trưởng và phát triển” (“Một Chứng Ngôn Sống Động,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2011, 127).
-
Chủ Tịch Eyring đã nhận ra những cách thực hành nào mà sẽ giúp chúng ta nuôi dưỡng chứng ngôn của chúng ta? (Khi học sinh nhận ra những cách thực hành này, hãy thêm chúng vào câu ở trên bảng: Để phát triển và duy trì một chứng ngôn, chúng ta cần phải nuôi dưỡng lời của Thượng Đế, cầu nguyện trong đức tin và tuân theo các lệnh truyền của Chúa).
-
Những cách thực hành này đã ảnh hưởng như thế nào đến chứng ngôn của các em?
Mời học sinh im lặng đọc Mô Si A 26:5–6, cùng tìm kiếm việc giới trẻ không tin đã ảnh hưởng như thế nào đến một số tín hữu của Giáo Hội.
-
Hãy xem xét lời phát biểu sau đây: “Điều trở nên cần thiết là những người nào ở trong giáo hội mà phạm tội cần phải bị giáo hội khiển trách” (Mô Si A 26:6). Các em nghĩ điều này có nghĩa là gì? (Là điều cần thiết đối với các tín hữu Giáo Hội đã phạm tội để được xét xử và chịu trách nhiệm).
Mô Si A 26:7–14
An Ma cầu xin Chúa để được hướng dẫn về cách xét xử những người phạm tội
Yêu cầu học sinh tưởng tượng ra việc làm giám trợ của một tiểu giáo khu với các tín hữu đã phạm tội nghiêm trọng và không hối cải. Yêu cầu học sinh im lặng suy ngẫm điều họ sẽ làm trong tình huống này. Họ sẽ làm tròn trách nhiệm của họ như thế nào để bắt các tín hữu đó phải chịu trách nhiệm về tội lỗi của các tín hữu đó và giúp các tín hữu đó hối cải? Giải thích rằng An Ma, vị lãnh đạo của Giáo Hội, đã gặp phải một thử thách tương tự.
Tóm lược Mô Si A 26:7–12 bằng cách giải thích rằng những người đã phạm tội bị mang ra trước mặt An Ma. Không có điều gì như vậy đã xảy ra trước đây trong Giáo Hội, và An Ma đã không biết phải làm gì. Ông quyết định phải gửi những kẻ phạm giới đến vua Mô Si A để được xét xử. Vua Mô Si A đã trả những kẻ này về cho An Ma, là người nắm giữ thẩm quyền từ Thượng Đế để xét xử các tín hữu Giáo Hội đã phạm tội.
Mời một học sinh đọc to Mô Si A 26:13–14. Yêu cầu lớp học tìm kiếm cảm nghĩ của An Ma về trách nhiệm của ông để xét xử những người đã phạm tội.
-
Khi An Ma cảm thấy bối rối về bổn phận phải xét xử những kẻ phạm giới thì ông đã làm gì?
-
Tại sao là điều quan trọng để biết rằng các giám trợ và chủ tịch chi nhánh tìm kiếm và nhận được sự hướng dẫn của Chúa khi giúp đỡ những người đã phạm tội?
Mô Si A 26:15–32
Chúa mặc khải cho An Ma biết cách bắt các tín hữu của Giáo Hội chịu trách nhiệm cho tội lỗi của họ và đưa ra các điều kiện của sự hối cải
Để giúp học sinh hiểu được bối cảnh của Mô Si A 26:15–32, hãy nêu ra rằng những câu này chứa đựng câu trả lời của Chúa cho câu hỏi của An Ma về điều ông cần phải làm đối với những kẻ phạm giới. Khi học sinh nghiên cứu câu trả lời của Chúa, hãy khuyến khích họ tìm kiếm các nguyên tắc và giáo lý mà giúp họ hiểu rõ hơn vai trò của các phán quan có chức tư tế, chẳng hạn như các giám trợ và chủ tịch chi nhánh (và cho những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, chủ tịch giáo khu, giáo hạt và phái bộ truyền giáo). Cũng yêu cầu họ tìm kiếm các nguyên tắc và giáo lý về việc tìm kiếm sự tha thứ.
Mời học sinh im lặng đọc Mô Si A 26:17–28, nhận thấy rằng mỗi lần Chúa sử dụng từ của ta hoặc ta. Các anh chị em có thể muốn đề nghị học sinh tô đậm những từ này mỗi khi thấy các từ này. Sau đó hỏi lớp học:
-
Trong Mô Si A 26:17–28, những từ ta và của ta ám chỉ điều gì về vị trí của Chúa trong tiến trình hối cải? (Các anh chị em có thể muốn mời học sinh chia sẻ các cụm từ hay các câu cụ thể mà hỗ trợ cho câu trả lời của họ).
-
Chúng ta có thể học được các lẽ thật nào từ Mô Si A 26:20–21 về vai trò của các tôi tớ của Chúa trong tiến trình hối cải? (Giúp học sinh hiểu rằng các vị lãnh đạo chức tư tế đại diện cho Chúa và rằng trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng, các giám trợ và chủ tịch chi nhánh có thể giúp chúng ta hối cải và nhận được sự tha thứ).
-
Trong những phương diện nào một giám trợ hay chủ tịch chi nhánh có thể giúp những người đang vật lộn với tội lỗi và cám dỗ?
Giải thích rằng Chúa đã dạy An Ma về điều mà những người đang tìm kiếm sự tha thứ phải làm để hối cải. Mời mỗi cặp học sinh tra cứu Mô Si A 26:29–32 và nhận ra các nguyên tắc nào giúp họ hiểu điều Chúa đòi hỏi nơi chúng ta khi chúng ta hối cải.
Sau khi học sinh đã có thời gian để nghiên cứu những câu này, hãy mời vài học sinh viết lên trên bảng bằng cách sử dụng lời riêng của họ, những nguyên tắc mà họ đã khám phá ra. Các câu trả lời của họ có thể bao gồm những điều sau đây:
Sự thú nhận tội lỗi dẫn đến sự tha thứ.
Chúa sẽ tha thứ cho những người hối cải một cách chân thật trong lòng họ.
Chúng ta phải tha thứ cho người khác để nhận được sự tha thứ của Chúa.
Để giúp học sinh hiểu rõ hơn các nguyên tắc này, hãy hỏi một số hoặc tất cả các câu hỏi sau đây:
-
Trong Mô Si A 26:29, ý nghĩa của cụm từ “kẻ đó thú tội trước mặt ngươi và ta” là gì ? (Các anh chị em có thể cần phải nêu ra rằng trong câu này, từ ngươi là ám chỉ An Ma).
-
Khi một người nào đó đã phạm một tội nghiêm trọng, các em nghĩ tại sao người đó cần phải thú nhận với Chúa và với vị lãnh đạo thích hợp trong Giáo Hội? (Những phạm giới nghiêm trọng, chẳng hạn như vi phạm luật trinh khiết, có thể làm hại tư cách tín hữu trong Giáo Hội của một người. Do đó, trong những trường hợp như vậy một người cần phải thú nhận tội lỗi cả với Chúa lẫn người đại diện của Ngài trong Giáo Hội. Các giám trợ và chủ tịch chi nhánh nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế để giúp đỡ những người đã phạm tội tìm kiếm sự tha thứ. Mặc dù chỉ có Chúa mới có quyền tha tội, nhưng các vị lãnh đạo chức tư tế đóng một vai trò hỗ trợ trong việc giúp các tín hữu nhận được sự tha thứ đó. Họ giữ kín nhiệm tất cả các lời thú tội và giúp đỡ những người thú tội trong suốt tiến trình hối cải).
-
Các em nghĩ việc một người nào đó phải hối cải “một cách chân thật trong lòng [của người ấy]” có nghĩa là gì”? Mô Si A 26:29).
-
Các em nghĩ tại sao Chúa đòi hỏi chúng ta phải tha thứ cho người khác? Việc hối cải và tha thứ những người khác kết nối với nhau như thế nào? (Xin xem 3 Nê Phi 13:14–15; GLGƯ 64:8–11).
-
Các cụm từ nào trong các câu này có thể mang đến lòng can đảm hay an ủi cho một người nào đó mong muốn hối cải nhưng không cảm thấy là mình có thể được tha thứ?
Mô Si A 26:33–39
An Ma tuân theo lời khuyên dạy của Chúa, xét xử những người đã phạm tội và mang lại trật tự cho Giáo Hội
Giải thích rằng Mô Si A 26:33–37 thuật lại cách An Ma đã tuân theo những chỉ dẫn của Chúa, xét xử các tín hữu Giáo Hội đã phạm tội, và mang lại trật tự cho Giáo Hội như thế nào. Mời học sinh im lặng đọc Mô Si A 26:34–37, cùng tìm kiếm các kết quả của những nỗ lực của An Ma để tuân theo lời khuyên dạy của Chúa. Chia sẻ chứng ngôn của các anh chị em rằng khi chúng ta hối cải và sống ngay chính, thì chúng ta có thể có được sự bình an trong lòng và được thịnh vượng về mặt thuộc linh.