Bài Học 13
1 Nê Phi 10–11
Lời Giới Thiệu
Sau khi nghe câu chuyện về khải tượng của cha ông là Lê Hi, Nê Phi ước ao được thấy, nghe và tự mình biết về những điều Lê Hi đã nghe thấy (xin xem 1 Nê Phi 10:17). Trong khi ông đang suy ngẫm về những lời giảng dạy của cha mình, thì Nê Phi ″được Thánh Linh của Chúa cảm hóa” (1 Nê Phi 11:1) và nhận được khải tượng của mình. Khải tượng này được thuật lại trong 1 Nê Phi 11–14. Trong 1 Nê Phi 11 chúng ta đọc về cây sự sống, thanh sắt, và tòa nhà rộng lớn vĩ đại, cũng như sự giáng sinh, phép báp têm, giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi và việc Ngài bị đóng đinh. Khi Nê Phi chứng kiến những điều này, ông đã nhận ra tình yêu thương mà Thượng Đế đã dành cho con cái của Ngài.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
1 Nê Phi 10:1–16
Lê Hi nói tiên tri về Đấng Mê Si
Vắn tắt tóm lược 1 Nê Phi 10:1–16 bằng cách nói cho các học sinh biết rằng sau khi kể lại khải tượng của ông về cây sự sống, Lê Hi cũng còn đưa ra một loạt lời tiên tri nữa. Những lời tiên tri này gồm có những chi tiết về khi nào Chúa Giê Su Ky Tô sẽ đến thế gian (xin xem 1 Nê Phi 10:4), phép báp têm của Ngài do Giăng Báp Tít thực hiện (xin xem 1 Nê Phi 10:7–10), Ngài bị đóng đinh và phục sinh (xin xem 1 Nê Phi 10:11), và sự phân tán và quy tụ sắp xảy ra của Y Sơ Ra En (xin xem 1 Nê Phi 10:12–14).
Mời một học sinh đọc to 1 Nê Phi 10:4–6. (Các anh chị em có thể muốn giải thích rằng Đấng Mê Si là ″một hình thức một từ tiếng Xy Ri và Hê Bơ Rơ có nghĩa là ′Đấng được xức dầu.’ Trong Kinh Tân Ước, Chúa Giê Su được gọi là Đấng Ky Tô tức là Đấng Mê Si bằng tiếng Hy Lạp. Từ này có nghĩa là Vị Tiên Tri, Thầy Tư Tế, Vua và Đấng Giải Thoát được xức dầu là Đấng mà dân Do Thái đã nóng lòng trông chờ sự hiện đến của Ngài” [Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Đấng Mê Si,” scriptures.lds.org; xin xem thêm Bible Dictionary, “Messiah”]).
-
Theo như lời tiên tri của Lê Hi thì khi nào Đấng Cứu Rỗi sẽ đến? (Xin xem 1 Nê Phi 10:4).
-
Điều gì sẽ xảy ra cho nhân loại nếu họ không trông cậy vào Đấng Cứu Rỗi? (Xin xem 1 Nê Phi 10:6).
1 Nê Phi 10:17–22; 11:1–6
Nê Phi tìm cách thấy, nghe và biết các lẽ thật mà cha ông đã giảng dạy
Yêu cầu các học sinh cân nhắc ví dụ sau đây: Ba thiếu niên tham dự cùng một buổi họp của Giáo Hội. Sau khi trở về nhà, một thiếu niên cảm thấy rằng buổi họp quá nhàm chán và làm mất thời giờ của mình. Một người khác nghĩ rằng buổi họp rất là tốt nhưng không cảm thấy có ảnh hưởng gì từ buổi họp đó. Người thứ ba trở về nhà được Đức Thánh Linh nâng cao tinh thần và nhận được cảm ứng và hướng dẫn cho cuộc sống của mình, thậm chí còn hơn cả điều đã được giảng dạy trong buổi họp đó.
-
Làm thế nào có thể xảy ra được khi ba thiếu niên có thể tham dự cùng một buổi họp nhưng lại có những kinh nghiệm khác biệt như vậy?
Giải thích rằng ví dụ này tương tự với kinh nghiệm của La Man, Lê Mu Ên và Nê Phi khi họ nghe những lời tiên tri của cha họ và câu chuyện về khải tượng của ông. La Man và Lê Mu Ên không hiểu lời của cha mình và tranh luận về điều họ đã nghe (xin xem 1 Nê Phi 15:2). Mặc khác, Nê Phi tìm đến Chúa để hiểu. Ông đã mang đến một tấm gương xuất sắc về cách tìm kiếm và nhận được mặc khải.
Nói cho các học sinh biết rằng khi họ nghiên cứu kinh nghiệm của Nê Phi, họ sẽ tìm ra các nguyên tắc mà sẽ giúp họ tìm kiếm và nhận được mặc khải cho bản thân họ. Khuyến khích họ lưu ý đến những điều Nê Phi làm đã cho phép ông nhận được một điều mặc khải tương tự như điều mặc khải mà Lê Hi nhận được.
Chia lớp ra thành ba nhóm. Chỉ định mỗi nhóm một trong các loại và bộ câu hỏi trong biểu đồ sau đây. (Các anh chị em có thể muốn trưng bày biểu đồ lên trên bảng trước khi lớp học bắt đầu). Mời các học sinh im lặng đọc 1 Nê Phi 10:17 và 11:1–6 và chuẩn bị các câu trả lời cho những câu hỏi đã được chỉ định của họ.
Ước muốn |
Nê Phi mong muốn được thấy, nghe và biết điều gì? Những ước muốn của chúng ta ảnh hưởng như thế nào đến khả năng của chúng ta để tiếp nhận điều mặc khải? Tôi mong muốn được biết gì từ Chúa? |
Tin tưởng |
Nê Phi đã bày tỏ những sự tin tưởng nào khi ông tìm kiếm mặc khải? Những sự tin tưởng này có thể ảnh hưởng như thế nào đến khả năng của chúng ta để tiếp nhận mặc khải? Tôi có thể gia tăng chứng ngôn và sự tin tưởng của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào? |
Suy ngẫm |
Điều gì đã xảy ra khi Nê Phi ngồi suy ngẫm? Tại sao sự suy ngẫm có thể đưa đến sự mặc khải? Tôi có thể làm gì để suy ngẫm một cách chuyên cần hơn những lời của các vị tiên tri? |
Mời một vài học sinh từ mỗi nhóm chia sẻ những câu trả lời cho hai câu hỏi đầu tiên đã được chỉ định cho họ. (Các anh chị em cũng có thể mời các học sinh trả lời cho câu hỏi thứ ba, nhưng hãy cam đoan với họ rằng họ không cần phải chia sẻ những câu trả lời quá riêng tư).
Mời một học sinh đọc to 1 Nê Phi 10:19.
-
Ai có thể biết được những điều kín nhiệm của Thượng Đế?
-
Những điều kín nhiệm của Thượng Đế được tiết lộ bởi quyền năng nào?
-
Chúng ta cần phải làm gì để nhận được mặc khải bằng quyền năng của Đức Thánh Linh?
-
Các em nghĩ chuyên tâm tìm kiếm hoặc tìm cách có nghĩa là gì?
-
Nê Phi đã làm điều gì cho thấy ông đã chuyên tâm tìm cách thấy, nghe và biết những điều mà cha ông đã giảng dạy?
Viết lời phát biểu sau đây lên trên bảng:
Thượng Đế mặc khải lẽ thật cho …
Yêu cầu các học sinh tóm lược điều họ đã học được từ kinh nghiệm của Nê Phi bằng cách hoàn tất lời phát biểu trên bảng. Trong khi các học sinh có thể chọn những từ khác nhau, các câu trả lời của họ nên tiêu biểu một cách chính xác lẽ thật rằng Thượng Đế mặc khải lẽ thật cho tất cả những người chuyên tâm tìm kiếm Ngài. (Các anh chị em có thể muốn viết nguyên tắc này lên trên bảng).
Khuyến khích các học sinh nghĩ về thời gian mà việc chuyên cần tìm kiếm Thượng Đế đã đưa họ đến việc cảm nhận Thánh Linh của Ngài và tiếp nhận mặc khải. (Có thể hữu ích để nói rằng mặc khải có thể gồm có việc nhận được hướng dẫn khi đưa ra quyết định, hiểu biết nhiều hơn, nhận được sự an ủi, hay nhận được sự bảo đảm rằng một điều gì đó là chân chính). Mời các học sinh chia sẻ những kinh nghiệm của họ với những người khác trong lớp học. Các anh chị em cũng có thể muốn làm chứng về điều mình đã cảm nhận được nhờ vào các nỗ lực của các anh chị em để chuyên cần tìm kiếm Chúa.
1 Nê Phi 11:7–36
Nê Phi làm chứng về tấm lòng hạ cố của Thượng Đế
Giải thích cho các học sinh biết rằng Nê Phi đã tiếp tục suy ngẫm và tìm kiếm sự hướng dẫn thiêng liêng trong khải tượng của ông. Khi Nê Phi cầu xin để được học về lời giải thích về cây sự sống mà ông và cha ông đã thấy, thì một thiên sứ hiện đến giúp đỡ ông. Vị thiên sứ hỏi: ″Ngươi có biết ý nghĩa của cái cây mà cha ngươi đã thấy chăng?” 1 Nê Phi 11:21). Xem lại ý nghĩa của cây sự sống bằng cách yêu cầu một vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ 1 Nê Phi 11:18–23.
-
Nê Phi đã nói ý nghĩa của cây sự sống là gì? (Sau khi các học sinh trả lời, các anh chị em có thể muốn nêu lên rằng Nê Phi đã trông thấy Ma Ri bế hài đồng Giê Su, và vị thiên sứ đã nhận biết hài đồng đó là ″Vị Nam Tử của Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu.″ Sau đó vị thiên sứ hỏi Nê Phi về ý nghĩa của cây ấy để giúp ông thấy rằng cây ấy tượng trưng cho Chúa Giê Su Ky Tô. Khi Nê Phi đáp rằng cây ấy tượng trưng cho ″tình thương yêu của Thượng Đế,″ ông đang đề cập đến tình thương yêu của Thượng Đế mà đã được biểu lộ qua sự ban cho Vị Nam Tử của Ngài. Chúng ta cảm nhận được tình yêu thương của Thượng Đế bằng cách dự phần vào các phước lành của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô).
-
Nê Phi và vị thiên sứ đã mô tả tình yêu thương của Thượng Đế như thế nào?
Yêu cầu một học sinh đọc 1 Nê Phi 11:16. (Giải thích rằng từ tấm lòng hạ cố có nghĩa là tự nguyện đi xuống từ một địa vị cao sang. Các anh chị em có thể muốn mời các học sinh viết lời giải thích này trong thánh thư của họ bên cạnh 1 Nê Phi 11:16).
Yêu cầu các học sinh nhận ra câu trả lời của Nê Phi cho câu hỏi của vị thiên sứ bằng cách đọc to 1 Nê Phi 11:17.
-
Nê Phi đã biết điều gì?
-
Ông đã không biết điều gì?
Sau khi Nê Phi trả lời, vị thiên sứ chỉ cho ông thấy một số ví dụ về tấm lòng hạ cố của Thượng Đế để giúp gia tăng sự hiểu biết của ông về tình yêu thương của Thượng Đế. Giải thích cho các học sinh biết rằng ″tấm lòng hạ cố của Thượng Đế″ ám chỉ cả Thượng Đế Đức Chúa Cha lẫn Chúa Giê Su Ky Tô.
Chia sẻ lời phát biểu sau đây của Anh Cả Bruce R. McConkie thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ là người đã giải thích về tấm lòng hạ cố của Thượng Đế, Cha Thiên Thượng của chúng ta:
″Tấm lòng hạ cố của Thượng Đế nằm trong sự kiện rằng Ngài là một Đấng tôn cao, bước xuống từ ngai vĩnh cửu của Ngài để trở thành Cha của một Vị Nam Tử hữu diệt” (The Mortal Messiah [1979], 1:314).
Để giúp các học sinh hiểu về ″tấm lòng hạ cố của Thượng Đế″ cũng ám chỉ Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào, hãy cho thấy hình Chúa Giê Su Giáng Sinh (62116; Sách Họa Phẩm Phúc Âm [2009], số 30). Yêu cầu một học sinh đọc to 1 Nê Phi 11:13–21 . Mời một học sinh khác nhận ra xem các câu này có liên quan gì đến tấm hình đó. Yêu cầu một học sinh đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Gerald N. Lund, cựu thành sinh trong Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi. Mời lớp học lắng nghe những cách Đấng Cứu Rỗi đã cho thấy tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta.
″Đây là Chúa Giê Su—một Đấng trong Thiên Chủ Đoàn, Con Trai Đầu Lòng của Đức Chúa Cha, Đấng Sáng Tạo, Đức Giê Hô Va của thời Cựu Ước—hiện đang rời bỏ chức vụ thiêng liêng và thánh thiện của Ngài; tự Ngài gạt bỏ tất cả vinh quang và vẻ uy nghiêm để vào thể xác của một hài nhi nhỏ bé; bất lực, hoàn toàn tùy thuộc vào mẹ và người cha trần thế của Ngài. Thật là kinh ngạc khi thấy Ngài không được đến những cung điện xinh đẹp nhất trên trần thế và được … ngập tràn với ngọc ngà châu báu mà Ngài cần phải đến với một chuồng gia súc thấp hèn. Không có gì lạ khi vị thiên sứ nói với Nê Phi: ′Hãy nhìn xem và thấy tấm lòng hạ cố của Thượng Đế!’” Jesus Christ, Key to the Plan of Salvation [1991], 16).
-
Sự giáng sinh của Đấng Cứu Rỗi cho thấy tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta như thế nào?
Hãy chắc chắn rằng việc Đấng Cứu Rỗi sẵn lòng để sống một cuộc sống hữu diệt cho thấy rõ ràng tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta.
Cho thấy hình Chúa Giê Su Chữa Lành Con Gái của Giai Ru (62231; Sách Họa Phẩm Phúc Âm, số 41) và Đấng Ky Tô Chữa Lành Người Bệnh ở Bê Tết Đa (Sách Họa Phẩm Phúc Âm, số 42). Mời một học sinh đọc to 1 Nê Phi 11:28 và 31. Khuyến khích lớp học nhận ra các tấm hình giống với các câu này về những mặt nào.
-
Nê Phi đã nhìn thấy Đấng Cứu Rỗi phục sự và chữa lành cho ai?
-
Các hành động của Đấng Cứu Rỗi cho thấy tình yêu thương của Ngài như thế nào?
Yêu cầu một học sinh đọc to 1 Nê Phi 11:32–33. Mời lớp học lắng nghe tấm gương tột bậc về tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi.
Sau khi các học sinh chia sẻ điều họ đã nhận ra, hãy cho thấy hình Chúa Giê Su Bị Đóng Đinh (62505; Sách Họa Phẩm Phúc Âm, số 57).
Hãy làm chứng rằng tấm lòng hạ cố của Chúa Giê Su Ky Tô cho thấy tình yêu thương của Thượng Đế dành cho chúng ta. Đấng Cứu Rỗi đã hạ cố để sống một cuộc sống hữu diệt, phục sự và chữa lành người bệnh và khổ sở, và chết vì tất cả mọi tội lỗi của chúng ta để chúng ta có thể trở về nhà nơi hiện diện của Cha Thiên Thượng.
-
Việc biết được tấm lòng hạ cố và tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi ảnh hưởng như thế nào đến những cảm nghĩ của các em về Ngài?
Kết thúc bằng cách mời các học sinh chia sẻ tình yêu thương của Thượng Đế là ″được hấp dẫn hơn hết″ và ″niềm vui sướng nhất″ đối với họ (xin xem 1 Nê Phi 11:22–23). Hãy làm chứng rằng khi chúng ta noi theo tấm gương và sự chuyên cần của Nê Phi để tìm kiếm Thượng Đế, thì chúng ta sẽ cảm nhận được tình yêu thương của Ngài và có được niềm vui trong việc dự phần vào các phước lành có sẵn qua Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô.
Mời các học sinh noi theo gương của Nê Phi trong các nỗ lực mà họ đã làm để tìm kiếm sự mặc khải. Hãy nhắc họ về vai trò của họ là những người học hỏi trong lớp học giáo lý và rằng đức tin cùng nỗ lực họ đặt vào việc học tập thánh thư riêng hằng ngày và việc tham dự lớp học ảnh hưởng đến khả năng của họ để học hỏi qua Thánh Linh.