Bài Học 158
Mô Rô Ni 9
Lời Giới Thiệu
Trong bức thư ghi lại cuối cùng của mình để lại cho con trai của ông là Mô Rô Ni, Mặc Môn buồn rầu trước tình trạng tà ác của dân Nê Phi. Ông khuyên nhủ Mô Rô Ni phải làm việc siêng năng để giúp dân Nê Phi hối cải. Mặc Môn cũng đã kể lại nỗi đau khổ của những người khác do sự tà ác của họ gây ra. Mặc dù có tình trạng đồi bại của dân ông, nhưng ông đã khuyến khích Mô Rô Ni phải trung thành nơi Chúa Giê Su Ky Tô và có được hy vọng nơi lời hứa về cuộc sống vĩnh cửu.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
Mô Rô Ni 9:1–20
Mặc Môn than khóc về sự tà ác của dân Nê Phi và dân La Man
Yêu cầu các học sinh suy ngẫm xem họ đã từng cố gắng giúp đỡ một người nào đó, nhưng những nỗ lực của họ đã bị khước từ.
-
Một số người có thể phản ứng như thế nào khi những ý định tốt của họ bị những người mà họ đang cố gắng giúp đỡ khước từ nhiều lần?
Giải thích cho lớp học hiểu rằng Mô Rô Ni 9 là một bức thư do tiên tri Mặc Môn viết cho con trai của ông là Mô Rô Ni. Mời họ tìm kiếm cách mà Mặc Môn đã khuyến khích con trai mình.
Mời một học sinh đọc to Mô Rô Ni 9:1. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm từ mà Mặc Môn đã dùng để mô tả tình trạng của dân Nê Phi. Sau khi các học sinh trả lời, các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng từ đau buồn ám chỉ một điều gì đó rất đau đớn, đau khổ, hoặc buồn bã.
Viết các phần tham khảo thánh thư sau đây lên trên bảng: Mô Rô Ni 9:2–5; Mô Rô Ni 9:7–10; Mô Rô Ni 9:16–19. Chia các học sinh ra thành ba nhóm. Chỉ định mỗi nhóm đọc một trong những đoạn thánh thư được liệt kê ở trên bảng cùng tìm kiếm những điều đau buồn mà Mặc Môn đã mô tả. Mời một học sinh từ mỗi nhóm báo cáo điều họ tìm thấy. (Nếu các học sinh được chỉ định cho Mô Rô Ni 9:2–5 không đề cập đến tính nóng giận, thì các anh chị em có thể muốn đề cập đến vai trò của tính nóng giận trong những sự kiện khủng khiếp mà Mặc Môn đã mô tả).
Mời một vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ Mô Rô Ni 9:11–15, 20. Yêu cầu các học sinh tìm kiếm lý do tại sao Mặc Môn đau buồn trước tình trạng của dân ông. Hãy hỏi những câu hỏi sau đây để giúp các học sinh phân tích các câu này:
-
Các em nghĩ “chẳng có chút văn minh nào” có nghĩa là gì? (Mô Rô Ni 9:11). (Hành động thiếu văn minh—không lịch sự hoặc thận trọng; không kính trọng các cá nhân khác; Coi thường luật pháp cai trị xã hội).
-
Các em nghĩ “không còn chút quy tắc nào” có nghĩa là gì? (Mô Rô Ni 9:20). (Sống mà không có các tiêu chuẩn đạo đức và không tôn trọng cũng như tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế).
-
Các em nghĩ “không còn chút tình cảm nào” có nghĩa là gì? (Mô Rô Ni 9:20). (Cứng lòng chống lại Thánh Linh và Ánh Sáng của Đấng Ky Tô và không phân biệt giữa điều đúng và điều sai).
-
Các em thấy bằng chứng nào trên thế giới ngày nay về một số người thiếu văn minh, không còn chút quy tắc, và không còn chút tình cảm nào?
Các anh chị em có thể muốn nêu lên rằng Mặc Môn nói là dân của ông rơi vào tình trạng tà ác này chỉ trong một vài năm (xin xem Mô Rô Ni 9:12).
Giải thích rằng cũng giống rất nhiều như tiên tri Ê The của dân tộc Gia Rết, Mặc Môn đã chứng kiến cơn giận dữ và sự tà ác đã khuất phục dân của ông. Mời một học sinh đọc to Mô Rô Ni 9:4. Yêu cầu lớp học dò theo và lắng nghe điều mà Mô Rô Ni e sợ cho dân Nê Phi. (Ông e sợ rằng “Thánh Linh của Chúa [đã] thôi tranh đấu với họ.”)
-
Mặc Môn nói rằng ông “vẫn luôn luôn nhọc nhằn với [dân ông].” Tại sao Mặc Môn, hay một vị lãnh đạo Giáo Hội ngày nay, có thể tiếp tục lao nhọc ở giữa dân chúng là những người tức giận hay cứng lòng đối với lời của Thượng Đế?
Viết lẽ thật sau đây lên trên bảng: Chúng ta phải siêng năng lao nhọc trong sự phục vụ Thượng Đế, ngay cả khi những người chúng ta phục vụ không tích cực đáp ứng. Giải thích rằng điều này đúng ngay cả khi những người chúng ta phục vụ đã phạm tội nghiêm trọng. Mời một học sinh đọc to Mô Rô Ni 9:6. Yêu cầu các học sinh dò theo cùng tìm kiếm lý do tại sao chúng ta phải siêng năng lao nhọc trong sự phục vụ Thượng Đế, ngay cả khi những người chúng ta phục vụ không tích cực đáp ứng. Sau khi các học sinh báo cáo điều họ đã được tìm thấy, hãy trình bày các tình huống sau đây cho họ (hoặc tạo ra một vài tình huống riêng của các anh chị em) để giúp họ cân nhắc cách lẽ thật này có thể áp dụng trong cuộc sống của họ. Mời một hoặc nhiều học sinh hơn giải thích cách họ có thể áp dụng lẽ thật trên bảng vào từng tình huống mà các anh chị em trình bày.
-
Là chủ tịch của lớp Hội Thiếu Nữ của mình, các em có trách nhiệm về năm thiếu nữ khác trong tiểu giáo khu của mình. Một trong những thiếu nữ này đã không đến dự các buổi họp nhà thờ hoặc các sinh hoạt đã hơn một năm rồi. Sau khi các em đã đích thân mời em ấy đến trong ba tháng qua, em ấy vẫn không đến dự bất cứ buổi họp hoặc sinh hoạt nào.
-
Là một thầy giảng tại gia, các em làm việc siêng năng để phục sự mỗi gia đình được chỉ định cho mình. Tuy nhiên, trong vài tháng qua, một trong các gia đình được chỉ định cho các em đã không gọi điện thoại lại cho các em hoặc không mở cửa khi các em đã ghé qua nhà họ.
-
Các em cảm thấy có ấn tượng để mời một người bạn thân thiết của mình đến gặp những người truyền giáo. Người bạn đó bỏ lơ lời mời của các em, nhưng các em vẫn tiếp tục có ấn tượng phải mời người bạn ấy một lần nữa.
Hãy chia sẻ lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Henry B. Eyring thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Ông là người đã khuyến khích chúng ta nên kiên trì trong các nỗ lực của mình để lao nhọc ở giữa các con cái của Thượng Đế. Yêu cầu các học sinh lắng nghe bất cứ điều gì thúc đẩy họ phải lao động siêng năng để giúp đỡ người khác.
“Đó là giao ước chúng ta lập với Thượng Đế để tuân giữ tất cả các lệnh truyền của Ngài và phục vụ như Ngài sẽ phục vụ nếu Ngài đích thân hiện diện ở đó. Việc cố gắng hết sức sống theo tiêu chuẩn đó có thể xây đắp sức mạnh chúng ta cần để kiên trì đến cùng.
“Những người huấn luyện chức tư tế hữu hiệu đã cho tôi thấy cách xây đắp sức mạnh đó: đó là việc tạo thành một thói quen để khắc phục cảm giác mệt mỏi và sợ hãi có thể khiến các anh em nghĩ đến việc bỏ cuộc. Các bậc thầy đại tài của Chúa đã cho tôi thấy rằng quyền năng thuộc linh tiếp tục ở cùng với chúng ta có được từ sự làm việc quá cái mức mà những người khác chắc hẳn đã nghỉ ngơi. …
“… Tôi hứa với các anh em rằng nếu làm hết sức mình, thì Thượng Đế sẽ gia tăng sức mạnh và sự khôn ngoan của các anh em” (“Sự Chuẩn Bị trong Chức Tư Tế: ‘Tôi Cần Sự Giúp Đỡ của Anh,’” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2011, 58–59).
-
Chủ Tịch Eyring đã dạy điều gì mà thúc đẩy các em phải siêng năng lao nhọc trong việc phục vụ Chúa, bất kể những nỗ lực của các em đã nhận được như thế nào đi nữa?
Đọc câu chuyện sau đây từ Anh Cả Mervyn B. Arnold thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi về một vị lãnh đạo chức tư tế đã siêng năng lao nhọc với một thiếu niên mặc dù ông đã bị khước từ nhiều lần. Mời các học sinh lắng nghe điều mà người thiếu niên ấy cuối cùng đã thấy nơi vị lãnh đạo chức tư tế của mình.
“Là một thành viên trong chủ tịch đoàn chi nhánh ở Fortaleza, Brazil, Anh Marques với các vị lãnh đạo chức tư tế khác đã khai triển một kế hoạch để giúp những người kém tích cực hoạt động lại trong chi nhánh của ông. Một trong những người kém tích cực đó là một thiếu niên tên là Fernando Araujo. Gần đây tôi có nói chuyện với Fernando, và em ấy đã kể cho tôi nghe về kinh nghiệm của em ấy:
“‘Tôi bắt đầu tham gia vào các cuộc thi lướt sóng vào các buổi sáng Chủ Nhật và ngừng đi dự các buổi họp Giáo Hội. Một buổi sáng Chủ Nhật nọ, Anh Marques gõ cửa nhà tôi và xin phép người mẹ không có đạo của tôi được nói chuyện với tôi. Khi mẹ tôi nói với ông ta là tôi đang ngủ, thì ông xin phép đánh thức tôi dậy. Ông ta nói với tôi: “Fernando à, em đã trễ giờ đi nhà thờ rồi đấy!” Ông ta đưa tôi đến nhà thờ, mà không hề lắng nghe lời bào chữa của tôi.’
“‘Ngày Chủ Nhật kế tiếp, điều tương tự cũng xảy ra như vậy, vậy nên vào ngày Chủ Nhật thứ ba, tôi quyết định rời nhà sớm để tránh ông ta. Khi mở cổng ra, tôi thấy ông đang ngồi trong xe và đọc thánh thư. Khi trông thấy tôi, ông nói: “Tốt lắm! Em dậy sớm đó. Hôm nay chúng ta sẽ đi tìm một thiếu niên khác!” Tôi viện đến quyền tự quyết của mình, nhưng ông nói: “Chúng ta có thể nói về điều đó sau.’”
“‘Sau tám ngày Chủ Nhật tôi không thể thoát khỏi ông ta được, nên tôi quyết định ngủ lại ở nhà một người bạn. Vào buổi sáng hôm sau khi đang ở trên bãi biển thì tôi thấy một người đàn ông mặc bộ đồ vest và cà vạt đi về phía tôi. Khi tôi thấy rằng đó là Anh Marques, thì tôi chạy xuống nước. Bất ngờ, tôi cảm thấy bàn tay của người nào đó ở trên vai tôi. Đó là Anh Marques, đứng trong nước ngập lên đến ngực của ông! Ông nắm tay tôi và nói: “Em đã trễ rồi! Đi thôi.” Khi tôi cãi rằng tôi không có quần áo để mặc, thì ông đáp: “Quần áo đi nhà thờ ở trong xe đấy.’”
“‘Ngày hôm đó khi chúng tôi bước ra khỏi nước, tôi đã xúc động bởi tình yêu thương chân thành và sự lo lắng của Anh Marques dành cho tôi. … Anh Marques không chỉ chở tôi đi nhà thờ---nhóm túc số chắc chắn rằng tôi vẫn luôn luôn tích cực. Họ hoạch định những buổi sinh hoạt mà làm cho tôi cảm thấy được họ cần đến, tôi nhận được một sự kêu gọi, và các thành viên trong nhóm túc số đã trở thành những người bạn của tôi’” (“Strengthen Thy Brethren,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2004, 46–47).
Giải thích rằng vì là tín hữu của Giáo Hội, nên chúng ta đều có những sự lao nhọc quan trọng để thực hiện trong cuộc sống này. Các tấm gương của Mặc Môn, Mô Rô Ni, và Anh Marques có thể khuyến khích chúng ta trong những sự lao nhọc đó khi chúng ta chán nản hoặc thấy mình bị khước từ bởi những người chúng ta phải phục vụ.
Mô Rô Ni 9:21–26
Mặc Môn khuyến khích Mô Rô Ni phải trung tín
Mời các học sinh liệt kê ra bất cứ sự kiện nào gần đây trong cộng đồng hay quốc gia của họ hoặc trên thế giới mà có thể làm cho dân chúng cảm thấy nản lòng.
Mời các học sinh đọc thầm Mô Rô Ni 9:21–22, 25–26. Yêu cầu họ tìm kiếm lời khuyên dạy của Mặc Môn đưa ra cho Mô Rô Ni về điều Mô Rô Ni nên làm trong hoàn cảnh chán nản của ông. Để giúp các học sinh phân tích các câu này, hãy hỏi những câu hỏi sau đây:
-
Trong những câu này, những từ và cụm từ nào chỉ rõ cảm nghĩ của Mặc Môn đối với con trai Mô Rô Ni của ông?
-
Mặc Môn đã đề nghị điều gì mà có thể “sẽ tồn tại mãi mãi trong tâm trí [Mô Rô Ni]”? (Mô Rô Ni 9:25). Việc tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi và Sự Chuộc Tội của Ngài có thể giúp đỡ chúng ta như thế nào khi chúng ta chán nản hoặc khi bị sự tà ác vây quanh?
-
Chúng ta có thể học được gì từ những câu này về cách đối phó với những khó khăn và sự tà ác mà có thể vây quanh chúng ta? (Mặc dù các học sinh có thể sử dụng các từ khác nhau, nhưng họ phải bày tỏ rằng nếu chúng ta trung tín trong Chúa Giê Su Ky Tô, thì Ngài sẽ nâng chúng ta lên ngay cả khi những khó khăn và tà ác vây quanh chúng ta. Các anh chị em có thể muốn viết nguyên tắc này lên trên bảng và đề nghị rằng các học sinh viết vào trong thánh thư của họ).
-
Những kinh nghiệm nào trong cuộc sống của các em hoặc trong cuộc sống của những người gần gũi với các em cho thấy rằng nguyên tắc này là chân chính?
Khuyến khích các học sinh suy ngẫm về những cách họ có thể trung tín hơn và lưu tâm nhiều hơn đến Chúa Giê Su Ky Tô, ngay cả khi họ đang chán nản hoặc bị sự tà ác vây quanh. Hãy làm chứng về sức mạnh các anh chị em đã nhận được từ việc trung tín nơi Chúa Giê Su Ky Tô.