Bài Học 152
Mô Rô Ni 1–3
Lời Giới Thiệu
Sau khi hoàn tất phần tóm lược của mình về các bảng khắc Ê The, Mô Rô Ni nghĩ rằng ông sẽ không còn viết thêm nữa. Tuy nhiên, ông được soi dẫn để “lại viết thêm vài điều, mà có lẽ sẽ có giá trị đối với các đồng bào của [ông] là dân La Man, một ngày nào đó trong tương lai, theo ý muốn của Chúa” (Mô Rô Ni 1:4). Những lời của ông khẳng định lòng trung tín của ông đối với Chúa Giê Su Ky Tô, và những lời đó cũng phác thảo ra các giáo lễ quan trọng của phúc âm.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
Mô Rô Ni 1
Mô Rô Ni đi lang thang vì sự an toàn của mạng sống của ông và tiếp tục viết sách
Mời một học sinh đọc to câu chuyện sau đây do một thiếu nữ kể lại. Em này là người đã đứng lên bênh vực cho niềm tin của mình ở trường học:
″Giáo viên của tôi đứng trước lớp học, nói về một đoạn ngắn của một cuốn phim mà chúng tôi sắp xem. …Giáo viên của tôi … thờ ơ giải thích rằng … cuốn phim đó dành cho người lớn. Tôi rất kinh ngạc. … Tôi không bao giờ nghĩ điều này sẽ xảy ra.
“Tôi ngồi trên ghế và suy nghĩ mình phải làm gì. Một ý nghĩ cứ lẩn vẩn trong đầu tôi: Chúng ta đã được yêu cầu không được xem phim thiếu đứng đắn. Tôi đã cố gắng suy luận rằng bởi vì tôi đang ở trong trường, thì một phần của cuốn phim chúng tôi sắp xem sẽ là thích hợp. Nhưng ý nghĩ không xem phim thiếu đứng đắn trở nên mãnh liệt hơn đối với suy luận của tôi.
“Tôi bình tĩnh giơ tay lên, và trước cả lớp học, tôi đã xin được ngồi bên ngoài lớp học trong khi chiếu phim. Tôi cảm thấy mắt của mọi người đổ dồn về phía tôi khi tôi đẩy ghế ra và chụp lấy cuốn sách của mình. Tôi thấy vẻ mặt của họ; họ hoàn toàn không hiểu.
“Trong khi ngồi ở hành lang, tôi cảm thấy rất vui. Tôi biết tôi đã làm điều đúng, cho dù các bạn hoặc giáo viên của tôi có nói gì đi nữa. Tôi cũng cảm thấy vững mạnh hơn. Tôi biết rằng tôi không cần phải xem một đoạn phim không thích hợp chỉ vì giáo viên của tôi đã chiếu cho chúng tôi xem.
“… Tôi tin rằng khi chúng ta có những lúc gặp phải nghịch cảnh và chúng ta vẫn đứng vững, thì chúng ta được làm cho vững mạnh hơn là chỉ ngồi xuống và để cho những nghịch cảnh đó xảy ra.
“Đây là một sức mạnh nội tâm được tìm thấy qua Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Nếu tập trung vào Ngài trong những lúc khó khăn, thì chúng ta sẽ được làm cho vững mạnh. Đức tin của chúng ta nơi Ngài có thể giúp chúng ta đối phó với nghịch cảnh” (Catherine Hall, “Standing Up, Standing Out,” New Era, tháng Hai năm 2012, 11).
Mời học sinh đọc thầm Mô Rô Ni 1:1–3, tìm kiếm xem Mô Rô Ni đã một mình đứng vững trong đức tin của ông như thế nào. Yêu cầu học sinh báo cáo điều họ tìm được. Hãy cân nhắc việc đặt ra những câu hỏi sau đây:
-
“Không chối bỏ Đấng Ky Tô” có nghĩa là gì đối với các em?
-
Khi nào các em hoặc một người nào đó các em quen biết đã cho thấy một quyết tâm tuân theo Chúa Giê Su Ky Tô trong khi đang ở giữa nghịch cảnh?
Giải thích rằng mặc dù tấm gương của Mô Rô Ni và người thiếu nữ trong câu chuyện là những tấm gương tuyệt vời về việc không chối bỏ Chúa Giê Su Ky Tô, nhưng mỗi người chúng ta có thể đưa ra các quyết định nhỏ mỗi ngày để cho thấy cùng một đức tin, sự vâng lời, và ước muốn để “không chối bỏ Đấng Ky Tô.”
-
Các em có thể noi theo tấm gương của Mô Rô Ni bằng một số cách nào? (Các học sinh có thể gợi ý rằng họ có thể không xấu hổ về phúc âm và các tiêu chuẩn của phúc âm, tuân theo các giáo lệnh, nêu gương ngay chính, và luôn luôn vững vàng trong chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô, cho dù những người khác thì không làm như thế).
Mời một học sinh đọc to Mô Rô Ni 1:4. Yêu cầu lớp học dò theo, tìm kiếm các lý do tại sao Mô Rô Ni đã chọn để tiếp tục viết. Sau khi học sinh báo cáo điều họ đã tìm thấy, hãy nêu lên rằng Mô Rô Ni đã viết vì lợi ích của con cháu của những người tìm cách lấy mạng sống của ông.
-
Chúng ta có thể học được điều gì từ ước muốn của Mô Rô Ni để giúp đỡ dân La Man? (Chúng ta có thể cho thấy sự cam kết của mình để noi theo Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách chọn cho thấy tình yêu thương đối với kẻ thù của mình).
Giải thích rằng sự cam kết của Mô Rô Ni đối với Chúa Giê Su Ky Tô đã khiến ông viết về một vài khía cạnh chính yếu của Giáo Hội mà ông cảm thấy là “có giá trị” (Mô Rô Ni 1:4). Mời học sinh suy nghĩ xem Mô Rô Ni 2–3 có thể có giá trị đối với họnhư thế nào khi họ học các chương này.
Mô Rô Ni 2
Mô Rô Ni ghi lại những chỉ dẫn của Chúa Giê Su Ky Tô về việc truyền giao ân tứ Đức Thánh Linh
Mời một thiếu niên ra trước lớp. Yêu cầu lớp học tưởng tượng ra thiếu niên này trong tương lai là một người truyền giáo toàn thời gian. Người này và người bạn đồng hành của mình đang giảng dạy phúc âm cho một người nào đó, và người đó đã quyết định chịu phép báp têm. Người thiếu niên trong lớp học của các anh chị em được mời thực hiện giáo lễ xác nhận, mà gồm có việc ban cho ân tứ Đức Thánh Linh. Hỏi thiếu niên đó câu hỏi sau đây:
-
Em có thể làm điều gì để chuẩn bị thực hiện giáo lễ này? (Sau khi thiếu niên ấy trả lời, hãy mời các học sinh còn lại trong lớp cũng chia sẻ những ý nghĩ của họ).
Giải thích rằng khi Đấng Cứu Rỗi phục sinh hiện đến cùng dân Nê Phi, ″Ngài đưa tay rờ những môn đồ Ngài đã lựa chọn″ và ″ban cho họ quyền năng để ban truyền Đức Thánh Linh” (3 Nê Phi 3 Nê Phi 18:36–37). Mô Rô Ni gồm vào trong biên sử của ông một số chỉ dẫn của Đấng Cứu Rỗi cho mười hai môn đồ Nê Phi về cách truyền giao Đức Thánh Linh. Mời một học sinh đọc to Mô Rô Ni 2:1–3, và yêu cầu lớp học tìm kiếm thông tin sau đây.
-
Người thực hiện giáo lễ nên làm điều gì để chuẩn bị
-
Giáo lễ sẽ được thực hiện như thế nào
Sau khi học sinh đọc các câu này, hãy hỏi một số hoặc tất cả các câu hỏi sau đây:
-
Theo cước chú b về Mô Rô Ni 2:2, chức tư tế nào là cần thiết để truyền giao ân tứ Đức Thánh Linh? (Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc).
-
Một người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc nên làm gì để chuẩn bị truyền ban ân tứ Đức Thánh Linh? (Người này nên “kêu cầu Đức Chúa Cha trong danh [của Chúa Giê Su Ky Tô], trong lời cầu nguyện mạnh mẽ”).
-
Các em nghĩ rằng lời cầu nguyện có thể giúp một người chuẩn bị để thực hiện một giáo lễ chức tư tế như thế nào?
-
Giáo lễ xác nhận được thực hiện bằng cách nào? (Bằng phép đặt tay và trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô. Giải thích rằng đối với một phần của giáo lễ này, những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc phải sử dụng một số từ nhất định. Những người truyền giáo toàn thời gian nhận được quyển sổ tay nhỏ với các chỉ dẫn về cách thực hiện các giáo lễ và các phước lành của chức tư tế).
Các anh chị em có thể muốn tóm tắt điều học sinh đã học được cho đến nay bằng cách viết lẽ thật sau đây lên bảng: những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc ban ân tứ Đức Thánh Linh cho các tín hữu Giáo Hội đã được báp têm bằng phép đặt tay.
Mô Rô Ni 3
Mô Rô Ni ghi lại những chỉ dẫn của Chúa Giê Su Ky Tô về việc sắc phong các thầy tư tế và thầy giảng
Một hoặc hai ngày trước khi giảng dạy bài học này, các anh chị em có thể cân nhắc việc yêu cầu một thiếu niên chuẩn bị để đọc hệ thống thẩm quyền chức tư tế của em ấy cho lớp học nghe. (Hoặc các anh chị em có thể chuẩn bị để đọc hệ thống thẩm quyền hoặc hệ thống thẩm quyền của một người trong gia đình hoặc một người lãnh đạo chức tư tế trong tiểu giáo khu hoặc chi nhánh của các anh chị em). Giải thích rằng một hệ thống thẩm quyền chức tư tế truy nguyên thẩm quyền của một người nắm giữ chức tư tế ngược lại đến Chúa Giê Su Ky Tô. Những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc có thể yêu cầu một hồ sơ về hệ thống thẩm quyền của họ bằng cách liên lạc với trụ sở Giáo Hội hoặc văn phòng hành chính trong khu vực của họ. Giáo Hội không cung cấp hồ sơ về hệ thống thẩm quyền cho những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn. Tuy nhiên, nếu một người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn được một người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc sắc phong, thì người này có thể tìm hiểu về hệ thống thẩm quyền của người đã sắc phong cho mình).
Yêu cầu em học sinh đọc hệ thống thẩm quyền của mình cho lớp học nghe (hoặc đọc hệ thống thẩm quyền mà các anh chị em đã đem đến lớp học). Mời em ấy chia sẻ ý nghĩa của việc biết được rằng em ấy có thể truy nguyên hệ thống thẩm quyền chức tư tế của mình trực tiếp ngược lại đến Chúa Giê Su Ky Tô (hoặc chia sẻ cảm nghĩ của các anh chị em về những người nắm giữ chức tư tế có thể truy nguyên thẩm quyền của họ ngược lại đến Đấng Cứu Rỗi).
Để giúp học sinh hiểu rằng thẩm quyền để thực hiện tất cả các bổn phận của chức tư tế đến từ Chúa Giê Su Ky Tô và Cha Thiên Thượng, hãy mời một học sinh đọc bài phát biểu sau đây của Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Đồ:
“Hành động với thẩm quyền thiêng liêng đòi hỏi nhiều hơn chỉ là tờ hợp đồng giữa con người với nhau. Thẩm quyền này không thể do quá trình huấn luyện thần học hoặc một sự ủy quyền từ giáo đoàn mà có. Không, trong công việc do Thượng Đế cho phép làm, thì cần phải có quyền năng lớn lao hơn quyền năng đã có của những người trong giáo đường, ngoài đường, hoặc trong các trường dạy giáo lý—một sự kiện mà nhiều người chân thành đi tìm tôn giáo đã biết và đã công khai nhìn nhận trong suốt nhiều thế hệ dẫn đến Sự Phục Hồi. …
“…Trong Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể truy nguyên hệ thống thẩm quyền của chức tư tế mà được người thầy trợ tế mới nhất sử dụng trong tiểu giáo khu, vị giám trợ là người chủ tọa thầy trợ tế ấy, và vị tiên tri là người chủ tọa tất cả chúng ta. Hệ thống đó đi ngược lại trong một chuỗi hệ thống liên tục đến các thiên sứ phục sự là những người đến từ chính Vị Nam Tử của Thượng Đế, mang ân tứ có một không hai này từ thiên thượng” (“Điểm Nổi Bật Nhất của Chúng Ta,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2005, 44).
-
Tại sao là điều quan trọng để các em biết rằng mỗi người giữ chức tư tế trong Giáo Hội này có thể truy nguyên thẩm quyền của mình ngược lại đến Chúa Giê Su Ky Tô?
Mời một học sinh đọc to Mô Rô Ni 3:1–4. Yêu cầu lớp học dò theo, tìm hiểu cách các cá nhân được sắc phong chức phẩm chức tư tế.
-
Các cá nhân được sắc phong chức phẩm chức tư tế bằng cách nào? (Các cá nhân được sắc phong chức phẩm chức tư tế bằng phép đặt tay bởi những người có thẩm quyền).
-
Tại sao là điều cần thiết để một cá nhân được sắc phong chức phẩm chức tư tế bởi một người hiện đang nắm giữ chức phẩm đó, hoặc một chức phẩm lớn hơn, trong chức tư tế?
Yêu cầu những người nắm giữ chức tư tế trong lớp học giải thích vắn tắt các bổn phận của chức tư tế của họ. Hỏi lớp học:
-
Các em đã được ban phước nhờ vào một người nắm giữ chức tư tế làm tròn trách nhiệm của mình là khi nào?
Mời một vài học sinh chia sẻ những cảm nghĩ của họ về chức tư tế đã ban phước cho cuộc sống của họ như thế nào. Các anh chị em cũng có thể muốn chia sẻ cuộc sống của mình đã được ban phước như thế nào nhờ vào chức tư tế.