Thư Viện
Bài học 142: Mặc Môn 9


Bài Học 142

Mặc Môn 9

Lời Giới Thiệu

Mô Rô Ni hoàn tất biên sử của cha ông bằng cách kêu gọi những người không tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô nên quay về với Chúa qua sự hối cải. Ông dạy rằng Thượng Đế là một Thượng Đế có phép lạ là Đấng không thay đổi và rằng các phép lạ ngừng lại chỉ vì sự vô tín ngưỡng. Ông khuyến khích mọi người hãy tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và hết lòng cầu nguyện lên Đức Chúa Cha trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô để nhận được những điều họ cần.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Mặc Môn 9:1–6

Mô Rô Ni kêu gọi những người không tin vào Chúa Giê Su Ky Tô nên hối cải

Yêu cầu học sinh nghĩ về một tình huống trong đó họ cảm thấy không thoải mái. Mời một vài học sinh cho biết về kinh nghiệm của họ và giải thích tại sao họ cảm thấy không thoải mái. Các anh chị em cũng có thể hỏi họ điều gì sẽ làm cho họ cảm thấy thoải mái hơn trong những tình huống đó.

Mời học sinh đọc thầm Mặc Môn 9:1–5 cùng tìm kiếm tình huống không thoải mái mà Mô Rô Ni đã mô tả. (Các anh chị em cũng có thể muốn mời học sinh đọc An Ma 12:12–15 và viết phần tham khảo này bên cạnh Mặc Môn 9:1–5).

  • Trong Ngày Phán Xét Cuối Cùng, người tà ác sẽ cảm thấy như thế nào trong sự hiện diện của Thượng Đế Đức Chúa Cha và Chúa Giê Su Ky Tô? Tại sao họ sẽ cảm thấy như vậy?

Mời một học sinh đọc to lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Joseph Fielding Smith:

Chủ Tịch Joseph Fielding Smith

“Không thể có sự cứu rỗi mà không có sự hối cải. Một người không thể vào vương quốc của Thượng Đế trong tội lỗi của mình. Thật là không thích hợp nếu một người đi vào nơi hiện diện của Đức Chúa Cha và ở trong sự hiện diện của Thượng Đế trong tội lỗi. …

“Tôi nghĩ rằng có rất nhiều người trên thế gian, nhiều người trong số họ có lẽ trong Giáo Hội—ít nhất là một số người trong Giáo Hội—nghĩ là họ có thể sống cuộc sống này và làm điều họ thích, vi phạm các lệnh truyền của Chúa nhưng cuối cùng họ sẽ đi vào nơi hiện diện của Ngài. Họ nghĩ rằng họ sẽ hối cải, có lẽ trong thế giới linh hồn.

“Họ phải đọc những lời này của Mô Rô Ni [trích dẫn Mặc Môn 9:3–5].

“Các anh chị em có nghĩ rằng một người có cuộc sống tràn đầy đồi bại, là người đã chống lại Thượng Đế, là người đã không có tinh thần hối cải, lại sẽ được hạnh phúc hay thoải mái nếu được cho phép đi vào nơi hiện diện của Thượng Đế chăng?” (Doctrines of Salvation, do Bruce R. McConkie biên tập, 3 quyển. [1954–56], 2:195–96; những chữ nghiêng trong nguyên bản đã được xóa).

  • Tại sao chúng ta cần phải hối cải tội lỗi của mình hôm nay chứ không chờ cho đến Ngày Phán Xét? (Để giúp học sinh trả lời câu hỏi này, các anh chị em có thể muốn mời họ đọc An Ma 34:33–38).

Mời một học sinh đọc to Mặc Môn 9:6. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm điều mà những người không tin cần phải làm để họ có thể cảm thấy thoải mái trong sự hiện diện của Thượng Đế. Sau khi học sinh báo cáo điều họ đã tìm thấy, hãy yêu cầu họ nhận ra các từ và cụm từ trong Mặc Môn 9:6 mà mô tả những người đã trở về cùng Chúa và cầu nguyện để được tha thứ. Các anh chị em có thể muốn đề nghị học sinh nên đánh dấu các từ và cụm từ họ tìm ra.

Mời học sinh viết trong sổ tay hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư một nguyên tắc tóm lược Mặc Môn 9:6. Yêu cầu hai hoặc ba học sinh đọc điều họ đã viết ra. Mặc dù học sinh có thể sử dụng những từ khác nhau, nhưng những câu trả lời của họ nên cho thấy lẽ thật sau đây: Nếu hối cải, chúng ta sẽ được thấy không tì vết khi chúng ta đi vào nơi hiện diện của Thượng Đế.

Làm chứng rằng qua sự hối cải và sống ngay chính, chúng ta có thể chuẩn bị để được thoải mái trong sự hiện diện của Chúa. Mời học sinh suy ngẫm về điều gì họ nên làm bây giờ để được sẵn sàng gặp Chúa.

Mặc Môn 9:7–20

Mô Rô Ni tuyên bố rằng Thượng Đế thực hiện phép lạ và đáp ứng những lời cầu nguyện của người trung tín

Viết từ phép lạ lên trên bảng. Hỏi học sinh họ sẽ định nghĩa từ này như thế nào. Sau khi một vài học sinh đã trả lời, hãy mời lớp học tra tìm phép lạ trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư. Yêu cầu họ đọc mục mở đầu và tìm kiếm chi tiết mà có thể làm sáng tỏ hơn hoặc thêm vào các định nghĩa họ đã đề nghị.

  • Các em nghĩ tại sao một số người không tin vào phép lạ?

Tóm lược Mặc Môn 9:7–8 bằng cách giải thích rằng Mô Rô Ni ngỏ lời cùng những người trong những ngày sau cùng mà sẽ cho rằng sự mặc khải, lời tiên tri, các ân tứ thuộc linh, và các phép lạ không còn xảy ra nữa.

Chia học sinh ra thành từng cặp. Mời một em trong cặp học sinh đã được chỉ định chung với nhau đọc thầm Mặc Môn 9:9–11 trong khi em kia đọc thầm Mặc Môn 9:15–19. Yêu cầu mỗi học sinh viết những điểm chính Mô Rô Ni đã đưa ra để thuyết phục mọi người tin vào phép lạ. Khi học sinh đã có đủ thời gian để hoàn tất, hãy mời họ nói cho người bạn trong cặp của họ biết điều họ đã viết.

Ở phía bên trái của tấm bảng, viết Phép lạ chấm dứt khi chúng ta …

Ở bên phải của tấm bảng, viết Phép lạ có thể xảy ra khi chúng ta …

Mời một học sinh đọc to Mặc Môn 9:20, và yêu cầu lớp học tìm ra ba lý do tại sao Thượng Đế có thể ngừng làm phép lạ ở giữa con cái của Ngài. Mời một học sinh viết những lý do này lên trên bảng để hoàn tất lời phát biểu ở bên trái của tấm bảng, như đã được cho thấy trong biểu đồ sau đây.

Yêu cầu học sinh nói lại cho rõ nghĩa mỗi lời phát biểu về việc tại sao các phép lạ chấm dứt theo cách mà có thể biểu lộ một điều kiện làm cho phép lạ có thể xảy ra được. Những câu trả lời của họ phải tương tự như các ví dụ ở bên phải của biểu đồ.

Phép lạ chấm dứt khi chúng ta …

Phép lạ có thể xảy ra khi chúng ta …

Sa vào vòng vô tín ngưỡng

Gia tăng đức tin của chúng ta

Rời khỏi con đường ngay chính

Sống một cách đúng đắn, hoặc tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế

Không biết Thượng Đế là Đấng mà chúng ta cần phải tin cậy

Hãy đến để biết và tin cậy nơi Thượng Đế

Mời học sinh xem lướt qua Mặc Môn 9:9, 19, cùng tìm kiếm những lời dạy của Mô Rô Ni về thiên tính của Thượng Đế. Sau khi học sinh báo cáo điều họ đã tìm được, hãy hỏi:

  • Vì chúng ta biết Thượng Đế là bất biến và Ngài thực hiện các phép lạ ở giữa con cái của Ngài trong thời xưa, nên chúng ta có thể biết về sự sẵn lòng của Ngài để thực hiện các phép lạ trong cuộc sống của chúng ta ngày nay? (Mặc dù học sinh có thể sử dụng nhiều từ khác nhau, nhưng họ nên bày tỏ nguyên tắc sau đây: Thượng Đế đã luôn luôn thực hiện các phép lạ, và vì Ngài là bất biến nên Ngài vẫn làm các phép lạ tùy theo đức tin của chúng ta. Các anh chị em có thể muốn viết nguyên tắc này lên trên bảng và đề nghị học sinh viết nguyên tắc này bên cạnh Mặc Môn 9:19–20 trong thánh thư của họ).

Giải thích rằng chúng ta có thể cảm nhận được quyền năng kỳ diệu của Thượng Đế trong cuộc sống của chúng ta theo nhiều cách. Để giúp học sinh xem xét những cách mà trong đó Thượng Đế vẫn là Thượng Đế có nhiều phép lạ, hãy mời một học sinh đọc lời phát biểu sau đây của Chị Sydney S. Reynolds thuộc chủ tịch đoàn trung ương Hội Thiếu Nhi:

“Tôi đã học biết được … rằng Chúa sẽ giúp chúng ta trong mọi phương diện của cuộc sống khi chúng ta cố gắng phục vụ Ngài và làm theo ý Ngài.

“Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có thể làm chứng về những phép lạ nhỏ này. Chúng ta biết trẻ em cầu nguyện để được giúp đỡ tìm kiếm một món đồ bị mất và tìm được nó. Chúng ta biết về những người trẻ tuổi thu hết can đảm để đứng lên làm nhân chứng cho Thượng Đế và cảm nhận được sự giúp đỡ của Ngài. Chúng ta biết những bạn bè đóng tiền thập phân của họ với số tiền còn lại cuối cùng và rồi, qua một phép lạ, thấy mình có thể trả được tiền học hay tiền thuê nhà hay bằng một các nào đó có được thực phẩm cho gia đình mình. Chúng ta có thể chia sẻ những kinh nghiệm về những lời cầu nguyện được đáp ứng và các phước lành chức tư tế mang đến sự can đảm, an ủi, hay hồi phục sức khỏe. Các phép lạ thường ngày này giúp chúng ta được quen thuộc với ảnh hưởng của Chúa trong cuộc sống của chúng ta” (“Một Thượng Đế Có Nhiều Phép Lạ,” Liahona, tháng Năm năm 2001, 12).

  • Các em đã có những kinh nghiệm nào mà xác nhận rằng Thượng Đế vẫn là một Thượng Đế có nhiều phép lạ?

Mặc Môn 9:21–37

Mô Rô Ni khuyên nhủ những người không tin nên tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và cầu nguyện trong danh của Ngài

Mời một học sinh đọc to Mặc Môn 9:21. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm điều Mô Rô Ni đã dạy về việc cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng.

  • Mô Rô Ni đã đưa ra lời hứa gì? (Các câu trả lời của học sinh cần phản ảnh nguyên tắc sau đây: Nếu chúng ta cầu nguyện trong đức tin và qua danh Đấng Ky Tô thì Cha Thiên Thượng sẽ ban cho chúng ta bất cứ điều gì chúng ta cầu xin).

Để giúp học sinh hiểu được ý nghĩa của việc cầu nguyện “qua danh Đấng Ky Tô,” hãy mời một học sinh đọc lời phát biểu sau đây:

“Chúng ta cầu nguyện trong danh của Đấng Ky Tô khi ý định của chúng ta là ý định của Đấng Ky Tô, và những ước muốn của chúng ta là những ước muốn của Đấng Ky Tô—khi những lời Ngài ở trong chúng ta (Giăng 15:7). Rồi thì chúng ta cầu xin những điều có thể được Thượng Đế ban cho. Có một số lời cầu nguyện không được trả lời vì không hề được dâng lên qua danh Đấng Ky Tô; những lời cầu nguyện này không hề tiêu biểu cho sự mong muốn của Đấng Ky Tô, mà lại phát sinh từ lòng ích kỷ của con người” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Cầu Nguyện”).

Các anh chị em có thể muốn hỏi những câu hỏi sau đây:

  • Làm thế nào chúng ta có thể chắc chắn rằng những điều chúng ta cầu nguyện phản ảnh điều Chúa muốn dành cho chúng ta?

  • Khi nào các em đã nhìn thấy lời hứa ban cho trong Mặc Môn 9:21 được ứng nghiệm? (Các anh chị em có thể cần phải cho học sinh thời gian để suy nghĩ về câu hỏi này trước khi họ trả lời).

Tóm lược Mặc Môn 9:22–25 bằng cách giải thích rằng Đấng Cứu Rỗi đã hứa với các môn đồ của Ngài các phước lành khi Ngài sai họ ra đi giảng dạy phúc âm. Yêu cầu học sinh xem lướt qua Mặc Môn 9:22–25 và nhận ra một số các phước lành đó.

  • Việc Đấng Cứu Rỗi sẽ “xác nhận tất cả lời nói của [Ngài]” có nghĩa gì đối với các em? (Mặc Môn 9:25).

Mời học sinh đọc thầm Mặc Môn 9:27–29 cùng tìm kiếm những thái độ và hành động mà sẽ giúp họ hội đủ điều kiện và nhận được sự giúp đỡ của Thượng Đế. Các anh chị em có thể muốn yêu cầu học sinh viết những phần tóm lược của các câu này trong sổ tay hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư.

Để kết thúc bài học này, hãy tóm lược Mặc Môn 9:30–34 bằng cách nói cho học sinh biết rằng Mô Rô Ni đã lo lắng rằng một số người trong những ngày sau cùng sẽ từ chối sứ điệp của Sách Mặc Môn vì sự không hoàn hảo của những người viết sách và lời lẽ được viết trong đó. Mời một học sinh đọc to Mặc Môn 9:35–37. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm các lý do tại sao Mô Rô Ni và những người khác đã cầu nguyện rằng Sách Mặc Môn sẽ ra đời trong những ngày sau. (Để con cháu của các anh em của họ, là dân La Man, có thể được phục hồi “về với sự hiểu biết Đấng Ky Tô” và các giao ước mà Thượng Đế đã lập với gia tộc Y Sơ Ra Ên).

Để giúp học sinh tóm lược những điều họ đã học được ngày hôm nay, hãy hỏi những câu hỏi sau đây:

  • Sách Mặc Môn là bằng chứng như thế nào về việc Thượng Đế là một Thượng Đế có nhiều phép lạ và Ngài đáp ứng những lời cầu nguyện?

  • Các em đã học được các lẽ thật nào ngày hôm nay mà sẽ ảnh hưởng đến những lời cầu nguyện riêng của các em?

Xem Lại Sách Mặc Môn

Hãy dành ra một chút thời gian để giúp học sinh xem lại sách Mặc Môn. Yêu cầu họ suy nghĩ về những điều họ đã học được từ sách này, cả trong lớp giáo lý lẫn trong việc học thánh thư riêng của họ. Mời họ nhanh chóng ôn lại một số phần tóm tắt chương trong Mặc Môn để giúp họ ghi nhớ. Yêu cầu một vài học sinh chia sẻ điều gì đó từ Mặc Môn mà đã soi dẫn họ hoặc đã giúp họ có được đức tin lớn hơn nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

Mặc Môn 9:9–10. “Ngài là Đấng hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi”

Mô Rô Ni tuyên bố rằng Thượng Đế là một Đấng “hôm qua, ngày nay và cho đến đời đời không hề thay đổi” (Mặc Môn 9:9). Theo Giáo Lý và Giao Ước 20:11–12, sự ra đời của Sách Mặc Môn chứng tỏ rằng Thượng Đế tiếp tục “cảm ứng loài người và kêu gọi họ làm công việc thánh thiện của Ngài” trong thời kỳ của chúng ta như Ngài đã làm trong thời xưa, “chứng tỏ rằng Thượng Đế hôm qua, ngày nay và cho đến đời đời không hề thay đổi.”

Sách Lectures on Faith (Các Bài Giảng về Đức Tin) nói rằng để có được đức tin hoàn hảo nơi Thượng Đế, một người phải có “ý nghĩ đúng đắn về các đặc tính, sự toàn hảo và các thuộc tính của Thượng Đế” (Lectures on Faith [1985], 38). Một trong các đặc tính của Thượng Đế là Ngài sẽ không thay đổi: “Thượng Đế không thay đổi, cũng như không có tính chất thay đổi trong Ngài; nhưng Ngài không hề thay đổi từ trường cửu này đến trường cửu khác, hôm qua, ngày nay và cho đến đời đời; và con đường của Ngài là một một vòng tròn vĩnh cửu, không thay đổi” (Lectures on Faith,41).

Hãy xem xét các phước lành về việc biết rằng Thượng Đế vẫn tiếp tục công việc thiêng liêng của Ngài trong thời kỳ chúng ta và sẽ vẫn như vậy hôm qua, hôm nay và mãi mãi.

Mặc Môn 9:10–26. Phép Lạ

Mô Rô Ni đã đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy các phép lạ của Thượng Đế—sự tạo dựng trời đất, sự sáng tạo con người, và các phép lạ do Chúa Giê Su và Các Vị Sứ Đồ thực hiện (xin xem Mặc Môn 9:17–18). “Thượng Đế có nhiều phép lạ” được Mô Rô Ni mô tả vẫn còn được nhìn thấy trong ngày nay. Anh Cả Dallin H. Oaks thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy rằng nhiều phép lạ xảy ra trong thời kỳ chúng ta và hiện hữu trong Giáo Hội chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô:

“Nhiều phép lạ xảy ra hàng ngày trong công việc của Giáo Hội chúng ta và trong đời sống của các tín hữu của chúng ta. Nhiều người trong số các anh chị em đã chứng kiến các phép lạ, có lẽ còn nhiều hơn là các anh chị em nhận thức được.

“Một phép lạ đã được định nghĩa là ‘một sự kiện đầy lợi ích được mang đến qua quyền năng thiêng liêng mà con người không hiểu được và không thể tự bắt chước được.’ [Trong Daniel H. Ludlow, biên soạn, Encyclopedia of Mormonism, 5 tập (1992), 2:908.] Ý nghĩ cho rằng những sự kiện được mang đến qua quyền năng thiêng liêng bị đa số những người không tín ngưỡng và thậm chí cả một số người có tín ngưỡng bác bỏ. …

“… Các phép lạ được thực hiện bởi quyền năng của chức tư tế luôn luôn hiện hữu trong Giáo Hội chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô. [Xin xem George Q. Cannon, Gospel Truth (1987), do Jerreld L. Newquist tuyển chọn, 151–52.] Sách Mặc Môn dạy rằng ‘Thượng Đế đã cung ứng một phương tiện để loài người, qua đức tin, có thể làm được những phép lạ vĩ đại’ (Mô Si A 8:18). ‘Phương tiện’ được cung ứng là quyền năng chức tư tế (xin xem Gia Cơ 5:14–15; GLGƯ 42:43–48), và quyền năng đó làm phép lạ qua đức tin (xin xem Ê The 12:12; Mô Rô Ni 7:37))” (“Miracles,” Ensign, tháng Sáu năm 2001, 6, 8).

Mặc Môn 9:32–34. Mô Rô Ni đã viết bằng tiếng Ai Cập cải cách

Mô Rô Ni đã nói rằng ông có khả năng để viết ít nhất bằng hai ngôn ngữ: tiếng Hê Bơ Rơ và tiếng Ai Cập cải cách. Ông cho biết rằng nếu các “bảng khắc … đủ lớn,” thì ông đã viết bằng tiếng Hê Bơ Rơ; tuy nhiên, những người cất giữ biên sử đều sử dụng “tiếng Ai Cập cải cách” vì không đủ chỗ (xin xem Mặc Môn 9:32–33). Trước đó trong Sách Mặc Môn, cả Nê Phi lẫn Vua Bên Gia Min thừa nhận đã sử dụng tiếng Ai Cập. Nê Phi nói rằng ông đã viết bằng “ngôn ngữ của người Ai Cập” khi ông ghi khắc các bảng khắc nhỏ (1 Nê Phi 1:2). Khi nói chuyện với các con trai của ông về tầm quan trọng của các bảng khắc bằng đồng, Vua Bên Gia Min lưu ý rằng Lê Hi đã có thể đọc biên sử vì ông đã “được dạy dỗ bằng ngôn ngữ của người Ai Cập” (Mô Si A 1:4). Do đó, chúng ta hiểu rằng Lê Hi đã dạy cả phúc âm lẫn tiếng Ai Cập “cho con cháu ông, và nhờ thế mà họ lại giảng dạy cho con cháu họ” (Mô Si A 1:4). Rõ ràng, mẫu mực này tiếp tục qua các thế hệ của những người cất giữ biên sử đã tuân theo cho đến khi Mô Rô Ni học ngôn ngữ đó từ cha của mình. Tuy nhiên, Mô Rô Ni thừa nhận rằng ông đã viết bằng “tiếng Ai Cập cải cách” mà đã được “lưu truyền và bị thay đổi … theo lối nói của họ” (Mặc Môn 9:32), chỉ ra rằng một số phần được sửa lại cho thích nghi trong việc sử dụng ngôn ngữ đã xảy ra hơn một ngàn năm từ thời Lê Hi. Điều này có thể giải thích lý do tại sao Mô Rô Ni kết luận với lời nhận xét rằng “chẳng có một dân tộc nào khác biết được ngôn ngữ của chúng tôi” nhưng Thượng Đế đã “chuẩn bị phương tiện cho” việc thông dịch và phiên dịch cuối cùng của biên sử này (Mặc Môn 9:34). Tiếng Ai Cập đã được sử dụng một cách phổ biến trong thời Lê Hi, nhất là bởi các thương gia và các nhà buôn hành trình khắp nơi trong khắp khu vực và xung quanh Giê Ru Sa Lem. Như một số người đã gợi ý, nếu nghề nghiệp của Lê Hi đòi hỏi ông phải hành trình khắp khu vực, thì có lẽ ông đã phải chắc chắn rằng các con trai của ông phải học tiếng của người Ai Cập để hỗ trợ công việc buôn bán của gia đình.