Thư Viện
Bài Học 126: 3 Nê Phi 17


Bài Học 126

3 Nê Phi 17

Lời Giới Thiệu

Khi ngày đầu tiên của Đấng Cứu Rỗi với dân Nê Phi sắp kết thúc, Ngài đã nhận thấy rằng nhiều người đã không hoàn toàn hiểu những lời của Ngài. Ngài dạy họ cách nhận thêm sự hiểu biết, và Ngài đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cầu nguyện và suy ngẫm. Dân chúng đã khóc khi Ngài loan báo rằng Ngài sẽ đi. Lòng đầy trắc ẩn, Đấng Cứu Rỗi ở lại thêm một chút nữa để chữa lành người bệnh, cầu nguyện cho dân chúng, và ban phước cho con cái của họ. Dân Nê Phi tràn đầy niềm vui.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

3 Nê Phi 17:1–3

Chúa Giê Su đã chỉ thị cho dân Nê Phi phải suy ngẫm những lời của Ngài và cầu nguyện để có được sự hiểu biết

Mời học sinh tự tưởng tượng ra trong tình huống sau đây: Em và một người bạn có chỗ ngồi ở hàng đầu tại đại hội trung ương hoặc tại một đại hội giáo vùng nơi vị tiên tri đang ngỏ lời. Trong khi đang ở đó, cả hai em đều gặp được vị ấy. Khi đại hội kết thúc, em và người bạn của mình đi về nhà.

  • Các em nghĩ mình và bạn mình sẽ nói gì sau buổi họp?

Nhắc nhở học sinh rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã dạy cho dân Nê Phi về điều đã được đề cập nhiều nhất trong một ngày. Khi chuẩn bị đi, Ngài đã nhận thấy rằng dân chúng đã không hoàn toàn hiểu điều Ngài đã dạy. Mời học sinh đọc thầm 3 Nê Phi 17:1–3 cùng tìm kiếm điều Đấng Cứu Rỗi đã phán với dân Nê Phi là họ nên làm gì để đạt thêm sự hiểu biết. (Các anh chị em có thể muốn đề nghị rằng học sinh nên đánh dấu điều họ tìm thấy). Sau khi học sinh báo cáo điều họ đã được tìm thấy, hãy hỏi:

  • Suy ngẫm có nghĩa là gì?

Mời một học sinh đọc to lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Henry B. Eyring thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Yêu cầu lớp học lắng nghe điều ông đã dạy về ý nghĩa của việc suy ngẫm.

Chủ Tịch Henry B. Eyring

“Việc đọc, học và suy ngẫm thánh thư thì không giống nhau. Chúng ta đọc những từ và chúng ta có lẽ hiểu được khái niệm. Chúng ta học và khám phá ra mẫu mực và những điều liên quan trong thánh thư. Nhưng khi suy ngẫm, chúng ta mời gọi sự mặc khải qua Thánh Linh. Đối với tôi, suy ngẫm là suy nghĩ và cầu nguyện sau khi tôi đã đọc và học kỹ thánh thư rồi” (“Phục Vụ với Thánh Linh,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2010, 60).

  • Các em nghĩ việc suy ngẫm và cầu nguyện có thể tác động với nhau để giúp chúng ta hiểu được những điều chúng ta học được trong nhà thờ hay lớp giáo lý như thế nào?

Hãy nêu ra lời chỉ thị của Đấng Cứu Rỗi trong 3 Nê Phi 17:3 rằng dân Nê Phi cần phải “chuẩn bị tâm trí mình cho ngày mai,” khi Ngài sẽ trở lại để dạy cho họ một lần nữa.

  • Một người có thể làm gì để chuẩn bị tâm trí mình trước khi đi nhà thờ hay lớp giáo lý?

  • Điều này tạo ra sự khác biệt nào khi chúng ta chuẩn bị tâm trí mình cho các cơ hội học tập như vậy?

Để giúp học sinh nhận ra một nguyên tắc được dạy trong 3 Nê Phi 17:1–3, hãy viết lời phát biểu còn dở dang sau đây lên trên bảng và yêu cầu học sinh hoàn tất lời phát biểu đó dựa trên điều họ đã học được.

Bằng cách suy ngẫm và cầu nguyện lên Đức Chúa Cha, chúng ta có thể …

Mặc dù học sinh có thể sử dụng các từ khác nhau, nhưng họ cần nhận ra nguyên tắc sau đây: Bằng cách suy ngẫm và cầu nguyện lên Đức Chúa Cha, chúng ta có thể nhận được sự hiểu biết lớn lao hơn.

Viết lời phát biểu sau đây lên trên bảng:

Chuẩn bị tâm trí của tôi trước khi đi nhà thờ hay lớp giáo lý

Suy ngẫm điều tôi nghe trong nhà thờ hay lớp giáo lý

Cầu nguyện về điều tôi nghe trong nhà thờ hay lớp giáo lý

Mời học sinh chọn một trong các hành động được viết ở trên bảng. Cho họ thời gian để suy nghĩ về (1) cách họ đã làm hành động đó và (2) bằng cách nào hành động đó đã giúp họ tìm hiểu thêm từ kinh nghiệm ở nhà thờ hay lớp giáo lý. Mời một vài học sinh chia sẻ những ý nghĩ của họ với lớp học. Khuyến khích học sinh cân nhắc cách họ có thể cải thiện một trong ba lãnh vực và hoạch định về cách họ sẽ làm như vậy. Các anh chị em có thể đề nghị họ viết các kế hoạch của họ trong sổ tay hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư. Nói cho học sinh biết rằng phần tiếp theo của bài học sẽ mang đến một cơ hội cho họ để tập suy ngẫm.

3 Nê Phi 17:4–25

Đấng Cứu Rỗi chữa lành người bệnh trong số dân Nê Phi, cầu nguyện lên Đức Chúa Cha cho dân chúng, và ban phước cho con cái của họ

Chúa Giê Su Giảng Dạy ở Tây Bán Cầu

Trưng bày hình Chúa Giê Su ở Tây Bán Cầu (62380; Sách Họa Phẩm Phúc Âm [2009], số 82). Mời một học sinh đọc 3 Nê Phi 17:4. Nêu ra cụm từ “Giờ đây, ta phải đi đến với Đức Chúa Cha.” Yêu cầu học sinh tưởng tượng rằng họ vừa trải qua một ngày với Đấng Cứu Rỗi và Ngài đã loan báo rằng đã đến lúc Ngài rời đi. Mời một vài học sinh chia sẻ cảm nghĩ họ có thể có trong tình huống này. Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 17:5, và yêu cầu lớp học nhận ra cách dân Nê Phi đã phản ứng khi Đấng Cứu Rỗi đã bày tỏ ý định của Ngài để rời đi.

Giải thích rằng nếu không vì ước muốn ngay chính của dân Nê Phi, các sự kiện được ghi lại trong 3 Nê Phi 17 và 18 có thể chưa bao giờ xảy ra. Sinh hoạt sau đây là nhằm giúp học sinh hiểu hoàn toàn hơn tình yêu thương mà Chúa Giê Su Ky Tô dành cho dân Ngài và giúp họ tự tìm ra các lẽ thật trong thánh thư về cá tính của Chúa Giê Su Ky Tô. Viết các đoạn tham khảo thánh thư sau đây lên trên bảng và yêu cầu học sinh sao chép lại các đoạn này trong sổ tay hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư:

3 Nê Phi 17:6–10

3 Nê Phi 17:11–18

3 Nê Phi 17:19–25

Đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Ezra Taft Benson:

Chủ Tịch Ezra Taft Benson

“Người đó vĩ đại nhất và được phước và vui vẻ nhất; cuộc sống của người đó tiếp cận gần gũi nhất với mẫu mực của Đấng Ky Tô. Điều này không liên quan gì với sự giàu có, quyền lực hoặc uy tín của thế gian. Cuộc thử nghiệm duy nhất thực sự về tính chất vĩ đại, phước lành, niềm vui là một cuộc sống có thể gần giống như Đức Thầy, Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài là con đường đúng, lẽ thật trọn vẹn, và cuộc sống phong phú” (“Jesus Christ—Gifts and Expectations,” Ensign, tháng Mười Hai năm 1988, 2).

Cho học sinh 5 đến 10 phút để yên lặng học từng đoạn thánh thư các anh chị em đã viết ở trên bảng. Mời họ nhận ra các lẽ thật về cá tính của Đấng Cứu Rỗi. Trong khi học, họ nên tìm ra ít nhất một lẽ thật cho mỗi đoạn thánh thư. Yêu cầu họ viết xuống các lẽ thật mà họ tìm thấy.

Khi học sinh đã học xong, hãy mời một vài em trong số họ viết lên trên bảng, dưới đoạn tham khảo thánh thư tương ứng, một lẽ thật mà họ đã học được về Đấng Cứu Rỗi. Khi học sinh đã hoàn tất sinh hoạt này, hãy hỏi những câu hỏi sau đây:

  • Tại sao là điều quan trọng để chúng ta biết những lẽ thật này về Đấng Cứu Rỗi?

  • Các em đã tìm thấy bằng chứng nào rằng Đấng Cứu Rỗi nhạy cảm với nhu cầu và ước muốn của chúng ta?

  • Những phần nào của truyện ký này để lại ấn tượng nhiều nhất cho các em? Tại sao?

  • Các em nghĩ tại sao dân chúng tràn ngập niềm vui? (Xin xem 3 Nê Phi 17:18).

  • Các em nghĩ tại sao niềm vui của Đấng Cứu Rỗi được trọn vẹn vào ngày hôm đó? (Xin xem 3 Nê Phi 17:20).

Yêu cầu học sinh tóm lược những điều họ đã học được từ 3 Nê Phi 17:6–25. Học sinh có thể đưa ra một loạt các câu trả lời. Một lẽ thật mà họ có thể nhận ra là Đấng Cứu Rỗi cảm thấy có lòng trắc ẩn lớn lao đối với chúng ta. Viết lẽ thật này lên trên bảng. Các anh chị em có thể muốn đề nghị học sinh viết lẽ thật này, hoặc một lẽ thật khác mà họ đã nhận ra, ở bên lề trang của thánh thư bên cạnh 3 Nê Phi 17:6.

Để giúp học sinh nhận thức sự hiểu biết về cá tính của Chúa Giê Su Ky Tô giúp chúng ta gia tăng đức tin của chúng ta như thế nào, hãy đọc lời phát biểu sau đây:

“Các anh chị em có thể thực hành đức tin nơi Đấng Ky Tô khi các anh chị em có được một sự bảo đảm rằng Ngài hiện hữu, một ý nghĩ đúng đắn về cá tính của Ngài, và sự hiểu biết rằng các anh chị em đang cố gắng sống theo ý muốn của Ngài” (Trung Thành với Đức Tin: Tài Liệu Tham Khảo Phúc Âm [2004], 54).

  • Việc hiểu được bản tính đầy lòng trắc ẩn của Đấng Cứu Rỗi giúp các em thực hành đức tin nơi Ngài như thế nào?

Hãy nêu ra cụm từ “bị đau đớn về mọi thể cách khác” trong 3 Nê Phi 17:9.

  • Những loại bệnh nào có thể được gồm vào trong những nỗi khổ sở của “mọi thể cách khác”? (Tất cả các loại bệnh về thể chất, tình cảm, trí tuệ và tinh thần).

Yêu cầu học sinh suy ngẫm về những cách họ có thể “bị đau đớn” và điều họ sẽ cầu xin Đấng Cứu Rỗi chữa lành cho họ nếu Ngài đích thân ban phước cho họ. Nhắc nhở họ rằng mặc dù Đấng Cứu Rỗi không có ở đây để đích thân phục sự cho chúng ta, nhưng quyền năng của Ngài để ban phước và chữa lành đều có sẵn qua chức tư tế.

  • Các em đi đến ai để xin các phước lành của chức tư tế?

  • Lần cuối cùng các em cảm thấy ảnh hưởng chữa lành của Đấng Cứu Rỗi trong cuộc sống của các em là khi nào?

Nhắc nhở học sinh về nguyên tắc về việc suy ngẫm mà họ đã thảo luận lúc bắt đầu lớp học. Đề nghị rằng một cách mà họ có thể suy ngẫm là bằng cách tự hình dung trong các tình huống được mô tả trong các truyện ký trong thánh thư mà họ đã đọc. Mời học sinh tự hình dung mình ở giữa dân Nê Phi vào lúc các sự kiện được thuật lại trong 3 Nê Phi 17. Cho học sinh thời gian để viết trong sổ tay hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư về những điều họ có thể đã nghe thấy, cảm thấy, và học được nếu họ ở giữa dân Nê Phi và giao tiếp với Đấng Cứu Rỗi vào dịp đó. Các anh chị em có thể đề nghị họ viết về một nỗi đau đớn họ có thể đã cầu xin Đấng Cứu Rỗi chữa lành. Khi họ viết xong, hãy cân nhắc việc mời một vài học sinh đọc những điều họ đã viết cho lớp học nghe. Hãy chắc chắn rằng họ hiểu rằng họ không nên cảm thấy bắt buộc phải chia sẻ bất cứ điều gì đó quá riêng tư.

Sau khi một vài học sinh đã chia sẻ những điều họ viết, thì các anh chị em có thể muốn mời một hoặc hai em trong số họ chia sẻ cách họ đã tiến đến việc biết được rằng Chúa Giê Su Ky Tô yêu thương và có lòng trắc ẩn đối với họ. Khuyến khích học sinh suy ngẫm về bài học này và tin cậy ở lòng trắc ẩn của Đấng Cứu Rỗi khi họ trông cậy vào Ngài để giúp đỡ những ước muốn, yếu kém, nỗi đau lòng, và thử thách của họ.