Bài Học 116
3 Nê Phi 1
Lời Giới Thiệu
Khi thời gian đã gần kề với sự ứng nghiệm lời tiên tri của Sa Mu Ên người La Man về sự giáng sinh của Đấng Cứu Rỗi, thì những người tin trông chờ các điềm triệu mà Sa Mu Ên đã nói là sẽ đến. Những người không tin đe dọa sẽ giết chết những người tin nếu lời tiên tri không được ứng nghiệm vào một ngày nào đó. Nê Phi, một người con trai của Nê Phi và là cháu trai của Hê La Man, khẩn nài với Chúa thay cho những người tin. Để đáp ứng lời cầu nguyện của Nê Phi, tiếng nói của Chúa đến với ông, phán rằng điềm triệu sẽ được ban cho vào đêm đó. Khi mặt trời lặn, không có bóng tối, và một ngôi sao mới hiện ra. Bất kể những cố gắng tiếp tục của Sa Tan để hủy diệt đức tin của dân chúng, đa số dân chúng đã được cải đạo theo Chúa. Nhưng hai năm sau đó, bọn cướp Ga Đi An Tôn bắt đầu dẫn dắt nhiều dân Nê Phi và dân La Man đến sự tà ác.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
3 Nê Phi 1:1–26
Những lời tiên tri về sự giáng sinh của Chúa Giê Su Ky Tô được ứng nghiệm, và nhiều người Nê Phi được cải đạo
Mời học sinh suy nghĩ về những người đã hy sinh mạng sống của mình cho phúc âm. (Một số ví dụ là Chúa Giê Su Ky Tô, A Bi Na Đi, một số người An Ti Nê Phi Lê Hi, Joseph và Hyrum Smith). Yêu cầu học sinh giải thích tại sao họ nghĩ người ta sẵn lòng hy sinh như vậy. Cho học sinh một thời gian để suy ngẫm về việc họ nghĩ rằng họ sẽ phản ứng như thế nào nếu họ đang ở trong một tình huống đòi hỏi họ phải hy sinh mạng sống cho phúc âm. Giải thích rằng năm năm sau khi Sa Mu Ên người La Man thuyết giảng ở Gia Ra Hem La, thì một nhóm người Nê Phi đã gặp phải tình huống có thể xảy ra này.
Tóm lược 3 Nê Phi 1:1–3 bằng cách nói cho học sinh biết rằng con trai Nê Phi của Hê La Man đã đưa các biên sử thiêng liêng cho con trai của ông là Nê Phi và sau đó rời khỏi xứ. Không một ai biết ông đi đâu.
Mời vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ 3 Nê Phi 1:4–9. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm thử thách mà những người Nê Phi trung tín phải đối phó.
-
Những người tin đối phó với thử thách nào?
-
Tại sao một số người có thể gặp khó khăn để tiếp tục trung tín trong tình huống này?
-
Các em có biết những người nào mà các em tin rằng sẽ luôn luôn trung tín trong tình huống này không? Các em nghĩ tại sao những người đó sẽ luôn luôn trung tín?
Mời học sinh đọc thầm 3 Nê Phi 1:10–12 cùng tìm kiếm điều Nê Phi đã làm ở thời điểm quan trọng này.
-
Điều gì gây ấn tượng cho các em về phản ứng của Nê Phi đối với tình huống này? Tại sao?
Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 1:13–14 và yêu cầu lớp học đặc biệt lưu ý đến câu trả lời của Chúa đối với lời cầu nguyện của Nê Phi.
-
Chúa đã phán là Ngài sẽ “tỏ cho thế gian biết” điều gì? (Các câu trả lời của học sinh cần phản ảnh rằng Chúa sẽ làm ứng nghiệm tất cả những lời mà Ngài đã truyền lệnh cho các vị tiên tri của Ngài phải nói ra).
-
Khi Chúa phán về việc đến thế gian để “làm theo ý muốn của cả Đức Chúa Cha lẫn Đức Chúa Con,” Ngài ám chỉ Sự Chuộc Tội của Ngài. Làm thế nào sứ điệp này giúp chúng ta “hãy …… vui vẻ đi”?
Mời học sinh đọc thầm 3 Nê Phi 1:4, 14–15, 19–21 cùng tìm kiếm các cụm từ mà nhấn mạnh rằng Chúa làm ứng nghiệm những lời nói của các vị tiên tri.
-
Các em nghĩ các em sẽ cảm thấy như thế nào nếu đã thuộc vào trong số những người tin khi điềm triệu xảy đến?
-
Việc biết rằng Chúa sẽ làm ứng nghiệm những lời nói của các vị tiên tri có thể giúp đỡ các em như thế nào khi một người nào đó nhạo báng các tiêu chuẩn của các em hoặc ngược đãi các em vì niềm tin của các em?
Mời hai hoặc ba học sinh thay phiên đọc to từ 3 Nê Phi 1:16–18. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm cách phản ứng của kẻ tà ác khi họ thấy các điềm triệu mà đã được tiên tri.
-
Kẻ tà ác đã làm gì sau khi điềm triệu đã được ban cho?
-
Tại sao tội lỗi và sự không tin dẫn đến sợ hãi?
Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 1:22–23. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm điều mà Sa Tan đã làm để thuyết phục mọi người không tin vào các điềm triệu về sự giáng sinh của Chúa.
-
Sa Tan đã làm điều gì? (Nó đã đưa ra những lời dối trá trong dân chúng). Sa Tan đưa ra một số lời dối trá nào ngày nay?
-
Chúng ta có thể học được lẽ thật nào từ phản ứng của dân chúng đối với những lời dối trá của Sa Tan? (Giúp học sinh nhận ra nguyên tắc sau đây: Khi gặp những lời dối trá của Sa Tan, thì chúng ta có thể chọn tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và được cải đạo. (Các anh chị em có thể muốn viết nguyên tắc này lên trên bảng).
Để giúp học sinh cảm nhận được lẽ thật và tầm quan trọng của nguyên tắc này, hãy chia sẻ lời phát biểu sau đây của Giám Trợ Richard C. Edgley thuộc Giám Trợ Đoàn Chủ Tọa. Cân nhắc việc đưa cho học sinh một bản sao của lời phát biểu này mà có thể vừa vặn trong thánh thư của họ.
“Vì những xung đột và thử thách mà chúng ta đối phó trên thế gian ngày nay, tôi xin đề nghị một sự lựa chọn giản dị—một sự lựa chọn để có được sự bình an và bảo vệ và một sự lựa chọn điều gì thích hợp cho tất cả. Sự lựa chọn đó là đức tin. …… Hãy chọn đức tin thay vì nỗi nghi ngờ; hãy chọn đức tin thay vì sợ hãi; hãy chọn đức tin thay vì điều không biết và không thấy; và hãy chọn đức tin thay vì tính bi quan. …
“Khi lý luận, lý lẽ hoặc trí tuệ con người trở thành mâu thuẫn với những điều giảng dạy và giáo lý thiêng liêng, hoặc các thông điệp đầy mâu thuẫn tấn công niềm tin của các anh chị em … , chọn đừng liệng hạt giống ra ngoài vì lòng không tin tưởng [xin xem An Ma 32:28]. Hãy nhớ, chúng ta không nhận được sự làm chứng cho đến khi đức tin của chúng ta đã được thử thách (xin xem Ê The 12:6)” (“Đức Tin—Sự Lựa Chọn Là Của Các Anh Chị Em,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2010, 31, 32–33).
-
Chúng ta có thể làm gì để chọn đức tin thay vì nỗi nghi ngờ, sợ hãi và bi quan? (Các câu trả lời có thể gồm có việc chúng ta có thể chọn cầu nguyện và tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa, học thánh thư, tuân giữ các lệnh truyền, tham dự các buổi họp Giáo Hội, và phục vụ người khác).
Mời học sinh đọc thầm 3 Nê Phi 1:24–25 và nhận ra thêm một thử thách nữa mà một số người tin gặp phải.
-
Một số người đã cố gắng để chứng minh điều gì về luật Môi Se?
-
Điều gì gây ấn tượng cho các em về phản ứng của những người này khi họ biết là họ đã sai lầm?
Viết câu hỏi sau đây lên trên bảng: Khi kẻ nghịch thù cố gắng làm cho tôi nghi ngờ, thì tôi sẽ duy trì đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi của Ngài bằng cách nào? Yêu cầu học sinh chép câu hỏi này trong sổ tay hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư. Cho họ một vài phút để viết câu trả lời của họ.
3 Nê Phi 1:27–30
Những người Nê Phi ly khai và một số giới trẻ La Man nhập bọn với bọn cướp Ga Đi An Tôn
Yêu cầu hai học sinh ra đứng trước phòng. Yêu cầu một học sinh nhắm mắt lại và đứng bằng một chân. Giải thích rằng em học sinh này tượng trưng cho một người nào đó biết lẽ thật nhưng không thực hành đức tin nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô và không siêng năng trong việc sống theo phúc âm.
Giải thích rằng trong cách chứng minh này, em học sinh thứ hai tượng trưng cho các ảnh hưởng có thể dẫn dắt một người nào đó rời xa lẽ thật. Yêu cầu em học sinh thứ hai đẩy nhẹ vào cánh tay của em học sinh thứ nhất cho đến khi em học sinh thứ nhất mất thăng bằng hoặc bắt đầu đứng không vững. Hãy nêu lên rằng khi một người không cố gắng để sống theo phúc âm thì người ấy rất có thể bị lừa gạt bởi những lời dối trá và những cám dỗ của Sa Tan.
-
Em học sinh thứ nhất cần phải làm gì để được đứng vững? (Em học sinh này nên mở mắt ra và đứng bằng hai chân).
Chỉ thị cho em học sinh thứ nhất mở mắt ra và đứng bằng cả hai chân dạng ra theo bề rộng của đôi vai. Giải thích rằng em học sinh này bây giờ tượng trưng cho một người nào đó “rất vững chắc và kiên trì trong đức tin” (Hê La Man 15:8). Sau đó yêu cầu em học sinh thứ hai đẩy nhẹ vào cánh tay của em học sinh thứ nhất một lần nữa. Hãy nêu ra rằng khi một người đang cố gắng nghiên cứu phúc âm và tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế, thì người ấy vẫn đứng vững vàng ngay cả khi sự chống đối xảy đến.
Yêu cầu hai học sinh đó trở về chỗ ngồi. Giải thích rằng một vài năm sau khi có điềm triệu về sự giáng sinh của Chúa Giê Su Ky Tô, thì Sa Tan tiếp tục cố gắng làm cho mọi người nghi ngờ về lẽ trung thực của phúc âm.
Mời một vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ 3 Nê Phi 1:27–29. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm ảnh hưởng của những người không ngay chính đối với giới trẻ La Man.
-
Điều gì đã xảy ra cho một số giới trẻ La Man? (Họ “bị dụ dỗ bởi những lời dối trá phỉnh gạt của một số dân Giô Ram,” và họ đã nhập bọn với bọn cướp Ga Đi An Tôn).
-
Theo 3 Nê Phi 1:29, tại sao một số giới trẻ La Man tin tưởng “những lời dối trá phỉnh gạt” của dân Giô Ram? (Nếu học sinh không đề cập đến lời phát biểu của Mặc Môn rằng giới trẻ “trở thành những thanh niên tự chủ,” thì hãy nêu điểm này ra cho họ thấy).
-
Các em nghĩ rằng cụm từ “trở thành những thanh niên tự chủ” có nghĩa là gì?
Khi học sinh thảo luận câu hỏi này, hãy đọc điều mà Chị Kathleen H. Hughes, một thành viên thuộc chủ tịch đoàn trung ương Hội Phụ Nữ, nói về cụm từ này:
“Câu này đối với tôi ám chỉ rằng họ đã tự buông thả trước và chìm đắm trong những dục vọng mà các vị tiên tri đã cảnh báo họ phải tránh. Họ nhượng bộ những cám dỗ và sức quyến rũ của Sa Tan” (“Grow Up unto the Lord,” Ensign, tháng Hai năm 2010, 18).
Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 1:30. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm ảnh hưởng của “thế hệ đang lên” (giới trẻ) đối với người khác.
-
Thế hệ đang lên này có ảnh hưởng nào đến đức tin của những người xung quanh họ?
Để giúp học sinh liên kết truyện ký này với những tình huống hiện đại ngày nay, hãy hỏi những câu hỏi sau đây:
-
Một số “những lời dối trá phỉnh gạt” cám dỗ giới trẻ ngày nay giao du với các nhóm người bất chính là gì?
-
Khi nào các em đã nhìn thấy giới trẻ có ảnh hưởng tiêu cực đến đức tin của người khác?
Yêu cầu học sinh nói một nguyên tắc tóm lược điều chúng ta có thể học được từ 3 Nê Phi 1:29–30. Họ có thể sử dụng các từ khác nhau để diễn đạt câu trả lời của họ, nhưng hãy chắc chắn rằng họ nhận ra lẽ thật sau đây: Nếu chúng ta nhượng bộ cám dỗ, tấm gương của chúng ta có thể có một ảnh hưởng tiêu cực đến đức tin và sự ngay chính của người khác. Các anh chị em có thể muốn khuyến khích học sinh viết lẽ thật này trong thánh thư của họ.
Hãy nêu ra rằng mặc dù giới trẻ được đề cập trong 3 Nê Phi 1:30 đã có một ảnh hưởng tiêu cực đến đức tin của người khác, nhưng giới trẻ cũng có thể có một ảnh hưởng ngay chính đến những người xung quanh họ. Mời một học sinh lên bảng và làm người ghi chép cho lớp học. Hãy yêu cầu người ghi chép viết câu trả lời của học sinh cho câu hỏi sau đây:
-
Các em có thể có được một ảnh hưởng tích cực đến đức tin của gia đình, tiểu giáo khu hoặc chi nhánh và cộng đồng của mình bằng một số cách nào?
Khuyến khích học sinh chọn một hoặc hai ý kiến ở trên bảng mà họ sẽ hành động theo ngay lập tức. Hãy nói với họ rằng họ có thể củng cố đức tin của người khác qua quyền năng của tấm gương ngay chính của họ.