Bài Học 54
Mô Si A 4
Lời Giới Thiệu
Vì cảm động trước những lời giảng dạy của Vua Bên Gia Min, nên dân chúng hối cải và nhận được sự xá miễn tội lỗi của họ. Họ được “tràn đầy hân hoan” và đã có được “sự yên ổn trong lương tâm” (Mô Si A 4:3). Vua Bên Gia Min tiếp tục giảng dạy cho họ, giúp họ hiểu điều họ phải làm để “luôn luôn được xá miễn các tội lỗi của mình” (Mô Si A 4:12). Khi làm như vậy, ông đã so sánh họ với những kẻ hành khất, tùy thuộc vào Thượng Đế để được cứu. Ông cũng cảnh báo họ về mối nguy hiểm của việc không kiểm soát tư tưởng, lời nói và việc làm của họ.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
Mô Si A 4:1–8
Dân của Vua Bên Gia Min nhận được sự xá miễn tội lỗi của họ và được tràn đầy hân hoan và bình an
Yêu cầu học sinh suy nghĩ về những câu hỏi sau đây:
-
Làm thế nào chúng ta có thể biết được rằng chúng ta đã được tha thứ tội lỗi của mình?
Đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Harold B. Lee:
“Nếu đến lúc các anh chị em đã làm hết sức để hối cải tội lỗi của mình rồi, thì dù các anh chị em là ai đi nữa, đang ở bất cứ nơi nào, và đã sửa đổi những sai sót và đền bồi với khả năng tốt nhất của mình; nếu có một điều gì đó mà sẽ ảnh hưởng đến hiện trạng của các anh chị em trong Giáo Hội và các anh chị em đã đi đến các vị thẩm quyền thích hợp rồi, thì các anh chị em sẽ muốn có câu trả lời khẳng định là Chúa đã chấp nhận các anh chị em hay không. Khi tự vấn lương tâm, nếu các anh chị em tìm kiếm và tìm thấy sự yên ổn của lương tâm đó, thì bởi sự yên ổn đó các anh chị em có thể biết rằng Chúa đã chấp nhận sự hối cải của các anh chị em” (“Stand Ye in Holy Places,” Ensign, tháng Bảy năm 1973, 122).
Nhắc nhở học sinh rằng Vua Bên Gia Min đã chia sẻ những lời của một thiên sứ về cách nhận được sự xá miễn tội lỗi. Các anh chị em có thể nhắc họ nhớ một cách cụ thể lời nói của vị thiên sứ về con người thiên nhiên là một kẻ thù của Thượng Đế và về những hậu quả đang chờ đợi những người chết mà đã không hối cải tội lỗi của họ (xin xem Mô Si A 3:19, 23–27).
Yêu cầu học sinh im lặng đọc Mô Si A 4:1–2, tìm kiếm các cụm từ chỉ rõ cách phản ứng của dân Vua Bên Gia Min đối với lời nói của vị thiên sứ. Yêu cầu một vài học sinh chia sẻ các cụm từ mà họ tìm thấy. Nếu học sinh cần giúp đỡ để hiểu cụm từ “trạng thái trần tục,” thì hãy giải thích rằng từ trần tục là ngược lại với thuộc linh. Cụm từ này ám chỉ những ham muốn vật chất của chúng ta thay vì ước muốn thuộc linh của chúng ta để được đến gần Chúa hơn. Các anh chị em có thể yêu cầu học sinh đọc An Ma 41:11 và sau đó giải thích cụm từ “trạng thái trần tục” bằng lời riêng của họ. Để giúp học sinh hiểu cụm từ “còn kém hơn bụi đất thế gian,” hãy mời họ đọc Hê La Man 12:4–8. Sau đó yêu cầu họ giải thích bằng lời riêng một người từ chối tuân theo lời dạy của Chúa có thể được mô tả là còn kém hơn bụi đất thế gian như thế nào. Bảo đảm rằng họ hiểu là Cha Thiên Thượng không coi con cái của Ngài là kém hơn bụi đất thế gian.
Nêu ra rằng khi dân chúng đã nhận ra tình trạng phạm tội của họ, thì họ hối cải, bày tỏ đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài. Mời một học sinh đọc to Mô Si A 4:3. Yêu cầu lớp học chú ý đến việc dân chúng biết rằng họ đã được tha thứ tội lỗi như thế nào.
-
Theo như Mô Si A 4:3, những cảm nghĩ nào đến với những người đã được Chúa tha thứ?
-
Dân chúng đã nhận được sự xá miễn tội lỗi của họ nhờ “họ có đức tin mãnh liệt nơi Chúa Giê Su Ky Tô.” Những hành động nào cho thấy đức tin của họ? (Xin xem Mô Si A 4:1–2).
-
Bằng lời riêng của các em, chúng ta có thể học được gì từ Mô Si A 4:1–3 về việc nhận được một sự xá miễn tội lỗi của chúng ta? (Một câu trả lời có thể là khi chúng ta thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và chân thành hối cải thì chúng ta nhận được sự xá miễn tội lỗi của mình. Các anh chị em có thể muốn mời học sinh tô đậm các từ và cụm từ chính yếu trong Mô Si A 4:1–3 mà nhấn mạnh đến nguyên tắc này).
Đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, tóm lược điều chúng ta cần phải làm để nhận được sự xá miễn tội lỗi:
“Khi thành thật thú nhận các tội lỗi của mình, phục hồi lại những gì có thể phục hồi cho người bị xúc phạm và từ bỏ tội lỗi bằng cách tuân giữ các giáo lệnh, thì chúng ta đang ở trong tiến trình tiếp nhận sự tha thứ. Với thời gian, chúng ta sẽ cảm thấy nỗi thống khổ buồn phiền của mình lắng xuống, khi ‘cất bỏ tội lỗi khỏi trái tim của chúng ta’ (An Ma 24:10) và mang đến ‘sự yên ổn trong lương tâm’ (Mô Si A 4:3).
“Đối với những người thật sự hối cải, nhưng dường như không thể cảm thấy thanh thản được: hãy tiếp tục tuân giữ các giáo lệnh. Tôi hứa với các anh chị em rằng sự thanh thản sẽ đến theo kỳ định của Chúa. Sự chữa lành cũng đòi hỏi phải có thời gian” (“Hối Cải … Để Ta Có Thể Chữa Lành cho Các Ngươi,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2009, 42).
Mời học sinh viết trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư hoặc sổ tay ghi chép trong lớp của họ về điều họ đã học được về sự hối cải như họ đã thảo luận Mô Si A 4:1–3. Cũng yêu cầu họ viết về cách họ có thể thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô khi họ tìm kiếm sự xá miễn tội lỗi của họ.
Giải thích rằng sau khi chứng kiến thái độ hối cải của dân chúng, Vua Bên Gia Min nhắc nhở họ về sự phụ thuộc của họ vào Chúa. Yêu cầu vài học sinh lần lượt đọc to từ Mô Si A 4:4–8. Yêu cầu lớp học tìm kiếm điều mà Vua Bên Gia Min muốn dân của ông phải hiểu sau khi họ đã nhận được sự xá miễn tội lỗi của họ.
-
Theo những câu này, thì chỉ các “điều kiện nào … để [chúng ta] được cứu”?
Sau khi học sinh đã trả lời cho câu hỏi này rồi, thì hãy mời họ im lặng xem xét Mô Si A 4:4–8, tìm kiếm các cụm từ mô tả những người nhận được sự cứu rỗi. Các anh chị em có thể muốn đề nghị họ tô đậm các cụm từ này. Hãy cân nhắc việc đặt ra những câu hỏi sau đây:
-
Các em nghĩ “chuyên tâm tuân giữ những lệnh truyền của [Chúa]” có nghĩa là gì?
-
Một số hành động nào cho thấy rằng một người đã “biết đặt lòng tin cậy của mình nơi Chúa”?
-
Các em đã thấy “lòng nhân từ của Thượng Đế và quyền năng vô song của Ngài” trong các cách thức nào?
Nêu ra rằng sự hối cải và vâng lời đòi hỏi nhiều việc làm và nỗ lực từ phía chúng ta. Tuy nhiên, cho dù chúng ta có làm việc khó nhọc đến đâu đi nữa thì chúng ta cũng không bao giờ có thể nhận được sự tha thứ tội lỗi của mình và ân tứ về sự cứu rỗi nếu không có Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.
Mô Si A 4:9–30
Vua Bên Gia Min dạy cách gìn giữ sự xá miễn tội lỗi
Viết lên trên bảng gìn giữ sự xá miễn tội lỗi của chúng ta. Báo cho học sinh biết rằng sau khi dân chúng đã nhận được sự xá miễn tội lỗi của họ, Vua Bên Gia Min dạy họ cách gìn giữ, hoặc giữ lại, tình trạng trong sạch và thanh khiết đó.
-
Tại sao đây cũng là điều quan trọng để mỗi người chúng ta phải biết?
Mời học sinh im lặng tra cứu Mô Si A 4:9–11, tìm kiếm điều chúng ta phải làm để gìn giữ sự xá miễn tội lỗi của mình. Sau khi đã cho học sinh đủ thời gian rồi, yêu cầu học sinh chia sẻ điều họ đã tìm thấy. Cân nhắc việc viết lên trên bảng các câu trả lời của họ. Các câu trả lời có thể gồm vào điều mà chúng ta cần phải nhớ tới sự vĩ đại của Thượng Đế, hạ mình, cầu nguyện hàng ngày, và đứng vững vàng trong đức tin.
Cân nhắc việc đặt ra các câu hỏi sau đây để giúp học sinh hiểu rõ hơn và áp dụng điều họ đã đọc:
-
Vua Bên Gia Min dạy rằng chúng ta phải “tin nơi Thượng Đế” (Mô Si A 4:9). Ông cũng nói về việc nếm được tình yêu thương của Thượng Đế và luôn luôn ghi nhớ “sự vĩ đại của Thượng Đế” (Mô Si A 4:11). Những kinh nghiệm nào đã giúp các em nhận biết rằng Thượng Đế là có thật và đầy quyền năng và rằng Ngài yêu thương các em?
-
Việc ghi nhớ quyền năng, lòng nhân từ, và tình yêu thương của Thượng Đế ảnh hưởng như thế nào đến sự sẵn lòng của chúng ta để vâng lời Ngài?
Đọc to Mô Si A 4:12 cho học sinh nghe. Yêu cầu họ nhận ra trong câu này các phước lành đến với những người làm theo điều được giảng dạy trong Mô Si A 4:5–11.
Giải thích rằng Mô Si A 4:13–16 chứa đựng phần mô tả của Vua Bên Gia Min về những người đã gìn giữ sự xá miễn tội lỗi của họ. Chia lớp ra thành ba nhóm. Yêu cầu nhóm đầu tiên tra cứu Mô Si A 4:13, nhóm thứ hai tra cứu Mô Si A 4:14–15, và nhóm thứ ba tra cứu Mô Si A 4:16. Yêu cầu mỗi học sinh đọc câu hoặc các câu thánh thư đã được chỉ định của họ và nhận ra các thái độ và đức tính mà Vua Bên Gia Min đã mô tả về những người tìm cách giữ lại sự xá miễn tội lỗi của họ.
Sau khi đã cho học sinh đủ thời gian rồi, hãy mời học sinh báo cáo điều họ đã tìm thấy. Khi họ làm như vậy, hãy nhấn mạnh lẽ thật rằng nếu chúng ta hạ mình trước mặt Thượng Đế và cố gắng phát huy các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô, thì chúng ta có thể giữ gìn sự xá miễn tội lỗi của mình. Giúp học sinh áp dụng điều họ đang học bằng cách hỏi một hoặc cả hai câu hỏi sau đây khi mỗi thái độ hay đức tính được đề cập đến:
-
Tại sao các em nghĩ rằng thái độ (hoặc đức tính) này là hữu ích trong việc giữ gìn sự xá miễn tội lỗi của chúng ta?
-
Khi nào các em đã thấy những ví dụ về thái độ (hoặc đức tính) này?
Vua Bên Gia Min đã sử dụng một phép loại suy rất mạnh mẽ mà có thể giúp học sinh biết ơn các phước lành họ đã nhận được từ Chúa và làm động cơ thúc đẩy họ để phát huy các thuộc tính mà họ đã học trong Mô Si A 4:13–16. Yêu cầu học sinh im lặng đọc Mô Si A 4:16–23.
-
Theo Vua Bên Gia Min, làm sao chúng ta đều là những người hành khất?
-
Sự hiểu biết này có thể giúp chúng ta trở nên trắc ẩn hơn đối với những người khác như thế nào?
-
Đối với những người không thể bố thí cho những người hành khất, hoặc đối với những người bố thí rất ít thì Vua Bên Gia Min chia sẻ lời khuyên dạy nào trong Mô Si A 4:24–26?
-
Trong Giáo Hội ngày nay, việc đóng góp của lễ nhịn ăn giúp chúng ta noi theo lời khuyên dạy trong Mô Si A 4:26như thế nào? Bằng cách nào giới trẻ có thể tham gia vào các của lễ nhịn ăn? (Câu trả lời có thể gồm có việc họ có thể nhịn ăn, một số người có thể đóng góp của lễ nhịn ăn, và những người nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn ở một số nơi trên thế giới đi thu góp của lễ nhịn ăn từ các tín hữu trong tiểu giáo khu hoặc chi nhánh).
Hãy nêu ra rằng với tất cả những điều tốt đẹp chúng ta được yêu cầu làm, thì đôi khi có thể rất khó khăn để tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống của chúng ta. Yêu cầu một học sinh đọc to Mô Si A 4:27.
-
Các em nghĩ rằng làm tất cả mọi điều “một cách sáng suốt và có trật tự” có nghĩa là gì?
-
Lời khuyên dạy này có thể giúp các em như thế nào?
Mời một học sinh đọc to Mô Si A 4:29–30. Nêu ra rằng Mô Si A 4:30 là một đoạn thánh thư thông thạo. Các anh chị em có thể khuyến khích học sinh tô đậm đoạn này trong một cách đặc biệt để họ có thể tìm ra dễ dàng.
-
Mối quan hệ giữa ý nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta là gì? Chúng ta có thể làm gì để tự kiểm soát lấy mình? Chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau trong những cách nào?
Cân nhắc việc cho học sinh một vài phút để viết trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của họ về cách các nguyên tắc trong Mô Si A 4: 9-30 có thể giúp đỡ họ khi họ cố gắng giữ gìn sự xá miễn tội lỗi của họ. Làm chứng về tình yêu thương của Chúa dành cho mỗi người trong số họ và về ước muốn của Ngài để cho họ hối cải và gìn giữ sự xá miễn tội lỗi của họ.