Bài Học Tự Học ở Nhà
Học Thánh Thư–Phần Khái Quát của Sách Mặc Môn (Đơn Vị 1)
Lời Giới Thiệu
Bài học tuần này nhấn mạnh đến trách nhiệm mà mỗi học sinh có về việc học hỏi phúc âm của mình. Bài học này cũng nhấn mạnh đến vai trò chính yếu của Sách Mặc Môn trong việc giúp các học sinh xây đắp một chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô và Giáo Hội của Ngài. Trong khi các anh chị em giảng dạy, hãy giúp các học sinh hiểu về tầm quan trọng của việc chuyên cần học quyển thánh thư này và các phước lành làm chan hòa cuộc sống của họ khi làm như vậy.
Đề Nghị Cách Giảng Dạy
Học Hỏi Thánh Thư
Các anh chị em có thể muốn bắt đầu bằng cách đặt ra những câu hỏi sau đây cho các học sinh:
-
Sự khác biệt giữa một người đọc Sách Mặc Môn và đạt được một chứng ngôn với một người đọc sách ấy và không đạt được một chứng ngôn là gì? (Một số người chỉ đọc những chữ trong sách; những người khác đọc với đức tin, với chủ ý thật sự, và với tấm lòng mở rộng cho Đức Thánh Linh).
-
Một người học các lẽ thật thuộc linh bằng cách nào? (Hãy cân nhắc việc liệt kê những câu trả lời của các học sinh lên trên bảng. Đề cập lại bản liệt kê này sau khi đọc lời phát biểu của Anh Cả David A. Bednar dưới đây).
Viết lời phát biểu sau đây lên trên bảng, bỏ ra những chữ đã được gạch dưới: “Hãy tìm kiếm sự hiểu biết, ngay cả bằng cách học hỏi và cũng bằng đức tin.”
Ôn lại điều các học sinh đã học trong tuần này bằng cách mời họ điền vào những chỗ trống. Nếu họ cần giúp đỡ, hãy yêu cầu họ đọc Giáo Lý và Giao Ước 88:118. Hỏi họ ý nghĩa của việc tìm kiếm sự hiểu biết bằng cách học hỏi và bằng đức tin. Trong khi các anh chị em thảo luận điều này, hãy chắc chắn rằng họ hiểu là việc hiểu biết bằng cách học hỏi và bằng đức tin đòi hỏi nỗ lực cá nhân.
Để giúp các học sinh hiểu lý do tại sao cần phải có nỗ lực và cố gắng để học hỏi phúc âm, yêu cầu một học sinh đọc lời giải thích sau đây của Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Mời các học sinh lắng nghe và tìm hiểu điều gì xảy ra khi chúng ta bỏ ra nỗ lực vào việc học hỏi điều thuộc linh.
“Một người học hỏi sử dụng quyền tự quyết bằng cách hành động theo các nguyên tắc đúng thì mở rộng lòng mình cho Đức Thánh Linh và mời gọi điều giảng dạy, quyền năng làm chứng và sự làm chứng khẳng định của Ngài. Việc học hỏi bằng đức tin đòi hỏi việc sử dụng phần tinh thần, trí tuệ và thể chất chứ không phải chỉ thụ động tiếp nhận” (“Seek Learning by Faith,” Ensign, tháng Chín năm 2007, 64).
Hỏi các học sinh: Anh Cả Bednar đã nói điều gì sẽ xảy ra cho một người học hỏi tập trung nỗ lực vào việc học hỏi phần thuộc linh?
Mời các học sinh chia sẻ những kinh nghiệm họ đã có khi thực hiện một nỗ lực đặc biệt về phần thuộc linh và do đó đã cảm nhận nhiều hơn sự đồng hành Đức Thánh Linh. Các anh chị em có thể muốn thêm vào chứng ngôn của mình rằng các nỗ lực của chúng ta để thành tâm học hỏi phúc âm sẽ mời gọi Đức Thánh Linh vào tiến trình học hỏi.
Hỏi các học sinh: Các anh chị em có thể làm những điều cụ thể nào trong năm nay để “tìm kiếm sự hiểu biết … bằng cách học hỏi và cũng bằng đức tin”?
Kế Hoạch Cứu Rỗi
Xem lại những danh hiệu khác nhau của kế hoạch cứu rỗi bằng cách yêu cầu các học sinh viết lên trên bảng những danh hiệu mà họ ghi vào nhật ký ghi chép việc học thánh thư cho sự chỉ định số 1 của bài học vào ngày thứ 2 của họ. Nếu họ cần giúp đỡ, hãy yêu cầu họ giở lại trang tương ứng trong sách hướng dẫn học tập của họ.
Các anh chị em có thể muốn hỏi: Những danh hiệu này giảng dạy các em điều gì về mục đích của kế hoạch cứu rỗi? (Kế hoạch của Cha Thiên Thượng là nhằm mang sự cứu rỗi và hạnh phúc vĩnh cửu đến cho con cái của Ngài).
Giải thích rằng sẽ có nhiều cơ hội trong suốt năm để học hỏi cách về các lẽ thật chúng ta học từ Sách Mặc Môn phù hợp như thế nào với kế hoạch hạnh phúc của Cha Thiên Thượng. Các anh chị em có thể yêu cầu các học sinh tìm kiếm và đánh dấu trong thánh thư của họ các nguyên tắc liên quan đến kế hoạch cứu rỗi trong khi họ học năm nay. Cân nhắc việc cung ứng một vài ví dụ về điều họ có thể tìm thấy trong khi học. Khuyến khích các học sinh chia sẻ những điều họ tìm thấy với lớp học trong năm học.
Trang Tựa, Lời Giới Thiệu, và Chứng Ngôn của Các Nhân Chứng
Mời các học sinh tham gia vào việc đóng diễn vai bằng cách tưởng tượng rằng họ đang tặng một quyển Sách Mặc Môn cho một người nào đó không phải là tín hữu của Giáo Hội.
Chia lớp học ra thành hai nhóm, và yêu cầu mỗi nhóm chuẩn bị cho việc đóng diễn vai trò bằng cách thảo luận những câu hỏi đã được chỉ định cho nhóm của họ. Có lẽ hữu ích để viết những câu hỏi lên trên bảng trước khi lớp học bắt đầu hoặc để cung ứng cho mỗi học sinh một bản gồm có các câu hỏi. Khuyến khích các học sinh tìm kiếm và đánh dấu chi tiết nào họ cảm thấy là sẽ quan trọng để chia sẻ khi giảng dạy về Sách Mặc Môn.
Câu Hỏi cho Nhóm 1:
-
Sách Mặc Môn là gì? (Xin xem lời giới thiệu, các đoạn 1–3).
-
Mục đích của Sách Mặc Môn là gì? (Xin xem trang tựa, đoạn 2).
-
Các phước lành nào đến từ việc sống theo những lời giáo huấn hay nguyên tắc Sách Mặc Môn giảng dạy? (Xin xem lời giới thiệu, đoạn 6).
Câu Hỏi cho Nhóm 2:
-
Sách Mặc Môn ra đời bằng cách nào? (Xin xem lời giới thiệu, các đoạn 4–5).
-
Làm thế nào chúng ta có thể tiến dần đến việc biết rằng Sách Mặc Môn là chân chính? (Xin xem lời giới thiệu, đoạn–8).
-
Chúng ta có thể biết được điều gì khác nữa bởi quyền năng của Đức Thánh Linh? (Xin xem lời giới thiệu, đoạn cuối).
Sau khi đã để cho các học sinh thời gian chuẩn bị, hãy chọn ra một học sinh để đóng vai một người không phải là tín hữu của Giáo Hội. Yêu cầu một người tình nguyện từ mỗi nhóm để trao tặng một quyển Sách Mặc Môn cho người đó. Khuyến khích các học sinh nên sử dụng câu trả lời cho những câu hỏi mà nhóm của họ đã nghiên cứu để giảng dạy học sinh đầu tiên về Sách Mặc Môn.
Khi họ đã làm xong phần đóng diễn vai trò, hãy cân nhắc việc hỏi những người khác trong lớp là họ có thể đã chia sẻ thêm thông tin nào nếu họ là người trao tặng quyển Sách Mặc Môn. Các anh chị em cũng có thể muốn hỏi: trong sinh hoạt này, các em đã học được hay ghi nhớ điều gì về Sách Mặc Môn?
Trong khi các học sinh trả lời, hãy chắc chắn họ hiểu rằng Sách Mặc Môn là một chứng thư rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc lưu ý đến cách Sách Mặc Môn làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào. Ngoài ra, hãy giải thích rằng việc học Sách Mặc Môn sẽ giúp họ hiểu giáo lý và nguyên tắc phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và củng cố chứng ngôn của họ về Giáo Hội của Ngài.
Nhắc các học sinh rằng các tác giả của Sách Mặc Môn đã nhìn thấy thời kỳ chúng ta và viết điều mà sẽ hữu ích nhất cho chúng ta (xin xem Mặc Môn 8:35).
Hỏi các học sinh: Các em đã học được điều gì trong tuần này mà sẽ ảnh hưởng đến cách các em học Sách Mặc Môn?
Mời vài học sinh chia sẻ cách họ hoạch định việc hoàn thành trách nhiệm của họ về việc đọc Sách Mặc Môn trong niên học. Hãy kết thúc bằng cách chia sẻ những cảm nghĩ và chứng ngôn của các anh chị em về Sách Mặc Môn và cách học sách ấy đã ảnh hưởng đến cuộc sống của các anh chị em như thế nào.
Đơn Vị Kế Tiếp (1 Nê Phi 1–6, 9)
Hỏi các học sinh xem họ có từng biết có một điều gì đó là đúng, nhưng việc làm điều đó thì dường như khó hoặc thậm chí còn không thể làm được nữa không. Giải thích rằng trong tuần tới, họ sẽ khám phá ra rằng Nê Phi cũng gặp phải loại thử thách đó, và họ sẽ học cách mà ông tin cậy vào Thượng Đế để hoàn thành điều dường như không thể nào thực hiện được.