Lời Giới Thiệu Sách Nê Phi thứ Ba: Sách Nê Phi
Tại sao chúng ta phải học sách này?
Trong việc nghiên cứu sách 3 Nê Phi, học sinh sẽ học về những lời nói và việc làm của Đấng Cứu Rỗi trong thời gian giáo vụ ba ngày của Ngài ở giữa dân Nê Phi. Chủ Tịch Ezra Taft Benson dạy: “Sách 3 Nê Phi có ghi lại một số đoạn cảm động và hùng hồn nhất trong tất cả thánh thư. Sách này làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô, các vị tiên tri của Ngài, và các giáo lý về sự cứu rỗi” (“The Savior’s Visit to America,” Ensign, tháng Năm năm 1987, 6). Khi học sinh thấy được cách Chúa Giê Su Ky Tô đã cho thấy lòng trắc ẩn đối với dân chúng “từng người một,” thì họ có thể biết ơn hơn về mối quan tâm của Ngài đối với họ là những cá nhân (xin xem 3 Nê Phi 11:15; 17:21). Họ có thể học được những bài học quan trọng từ các tấm gương ngay chính của những người đã được chuẩn bị để gặp Đấng Cứu Rỗi. Họ cũng có thể học từ các tấm gương bất chính của những người đã không chuẩn bị để gặp Đấng Cứu Rỗi.
Ai viết sách này?
Mặc Môn đã tóm lược các biên sử từ các bảng khắc lớn của Nê Phi để làm ra sách 3 Nê Phi. Sách này được đặt tên cho Nê Phi (con trai của Nê Phi), mà những việc làm của ông đã trải qua những thời kỳ trước khi, trong khi và sau khi Đấng Cứu Rỗi hiện đến cùng dân chúng. Trong thời gian cực tà ác xảy ra trước khi Chúa Giê Su Ky Tô hiện đến, Nê Phi đã phục sự “với quyền năng và thẩm quyền lớn lao” (3 Nê Phi 7:17). Các nỗ lực của ông báo trước giáo vụ của Chúa Giê Su Ky Tô, mà lời nói và việc làm của Ngài tạo thành trọng tâm của sách 3 Nê Phi. Trong khi tóm lược biên sử của Nê Phi, Mặc Môn cũng gồm vào lời bình luận và chứng ngôn của ông (xin xem 3 Nê Phi 5:8–26; 26:6–12; 29–30).
Sách này viết cho ai và tại sao?
Mặc Môn có ý định viết trong 3 Nê Phi cho hai nhóm người. Trước hết, ông giải thích rằng ông đã viết những bài này cho con cháu của Lê Hi (xin xem 3 Nê Phi 26:8). Thứ hai, Mặc Môn ngỏ lời cùng dân Ngoại trong những ngày sau và ghi lại lời khuyên dạy của Chúa là họ phải đến cùng Ngài và trở thành một phần của dân giao ước của Ngài (xin xem 3 Nê Phi 30). Sách 3 Nê Phi nhấn mạnh đến lời mời này với lời chứng mạnh mẽ về Chúa Giê Su Ky Tô và sự nhấn mạnh về tầm quan trọng của các giao ước.
Sách này được viết ra khi nào và ở đâu?
Các biên sử gốc được sử dụng như là các nguồn tài liệu cho sách 3 Nê Phi có lẽ đã được viết giữa năm 1 Trước Công Nguyên và năm 35 Sau Công Nguyên. Mặc Môn tóm lược các biên sử đó vào khoảng giữa năm 345 Sau Công Nguyên và năm 385 Sau Công Nguyên. Mặc Môn đã không ghi lại ông đang ở đâu khi biên soạn sách này.
Một số đặc điểm nổi bật của sách này là gì?
Sách 3 Nê Phi đưa ra tài liệu về việc ứng nghiệm các lời tiên tri liên quan đến sự giáng sinh, cái chết và Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem 3 Nê Phi 1; 8; 11). Những điều đươc ghi chép trong sách này về sự hiện đến của Đấng Cứu Rỗi cùng dân Nê Phi tượng trưng cho điều mà Anh Cả Jeffrey R. Holland đã gọi là “trung tâm điểm, thời điểm tột bậc, trong toàn thể lịch sử của Sách Mặc Môn” (Christ and the New Covenant: The Messianic Message of the Book of Mormon [1997], 250). Hai mươi trong số ba mươi chương trong 3 Nê Phi chứa đựng những lời dạy của Đấng Cứu Rỗi được ban thẳng cho dân chúng (xin xem 3 Nê Phi 9–28).
Đại Cương
3 Nê Phi 1–5 Nê Phi nhận được các biên sử từ cha của ông. Các điềm triệu về sự giáng sinh của Đấng Ky Tô được ban cho, một âm mưu hủy diệt những người tin bị phá vỡ, và nhiều người được cải đạo. Dân Nê Phi và dân La Man đoàn kết để chiến đấu chống lại bọn cướp Ga Đi An Tôn. Họ hối cải tội lỗi của mình và cuối cùng đánh bại bọn cướp dưới sự lãnh đạo của La Cô Nê và Ghi Ghi Đô Ni. Mặc Môn bình luận về vai trò của ông là một môn đồ của Đấng Ky Tô và là một người gìn giữ biên sử.
3 Nê Phi 6–7 Sự thịnh vượng ở giữa dân Nê Phi dẫn đến tính kiêu ngạo, sự tà ác, và các tập đoàn bí mật. Chính quyền bị lật đổ và dân chúng chia ra thành các chi tộc. Nê Phi phục sự với quyền năng vĩ đại.
3 Nê Phi 8–10 Bão tố, sự hủy diệt, và bóng tối là dấu hiệu về Đấng Cứu Rỗi bị đóng đinh và chết. Dân chúng than khóc về cái chết của những người đã bị giết chết trong sự hủy diệt. Tiếng nói của Chúa Giê Su Ky Tô mời gọi những người sống sót phải hối cải và đến cùng Ngài.
3 Nê Phi 11–18 Chúa Giê Su Ky Tô hiện đến cùng một đám đông dân chúng tại đền thờ và mời gọi mỗi người sờ tay vào những dấu đóng đinh ở tay chân Ngài. Ngài lập lên mười hai môn đồ và ban cho họ thẩm quyền để thực hiện các giáo lễ và điều hành Giáo Hội. Đấng Cứu Rỗi giảng dạy giáo lý của Ngài, đặt ra các luật pháp về sự ngay chính, và giải thích rằng Ngài đã làm trọn luật Môi Se. Ngài chữa lành những sự yếu đuối của dân chúng, cầu nguyện cho họ, và ban phước cho con cái của họ. Sau khi đã lập ra Tiệc Thánh và đưa ra thêm những lời giảng dạy, Ngài ra đi.
3 Nê Phi 19–26 Mười hai môn đồ phục sự dân chúng, và Đức Thánh Linh trút xuống trên họ. Chúa Giê Su Ky Tô hiện đến lần thứ hai và cầu nguyện cho tất cả những người chịu tin nơi Ngài. Ngài thực hiện Tiệc Thánh và giảng dạy cách mà Đức Chúa Cha sẽ làm tròn giao ước của Ngài với Y Sơ Ra Ên. Đấng Cứu Rỗi truyền lệnh cho dân chúng phải tra cứu những lời của Ê Sai và tất cả các vị tiên tri, và Ngài chỉ dẫn Nê Phi cách ghi lại sự ứng nghiệm của các lời tiên tri được Sa Mu Ên người La Man loan báo. Ngài giảng dạy những lời mà Đức Chúa Cha đã ban cho Ma La Chi và giải nghĩa “tất cả mọi việc thứ … từ lúc ban đầu cho đến ngày Ngài đến trong vinh quang” (3 Nê Phi 26:3). Sau đó, Ngài ra đi.
3 Nê Phi 27–28 Chúa Giê Su Ky Tô hiện đến và chỉ thị cho mười hai môn đồ gọi Giáo Hội theo tên của Ngài. Ngài trình bày phúc âm của Ngài và chỉ dẫn các môn đồ của Ngài phải sống giống như Ngài. Chúa Giê Su Ky Tô ban cho mười hai môn đồ điều mà họ mong muốn.
3 Nê Phi 29–30 Mặc Môn giải thích rằng sự ra đời của Sách Mặc Môn là một dấu hiệu cho thấy Thượng Đế đã bắt đầu quy tụ Y Sơ Ra Ên lại trong những ngày sau. Chúa khuyên nhủ dân Ngoại phải hối cải và trở thành một phần của dân giao ước của Ngài.