Thư Viện
Bài Học Tự Học ở Nhà: 3 Nê Phi 11:18–16:20 (đơn vị 25)


Bài Học Tự Học ở Nhà

3 Nê Phi 11:18–16:20 (đơn vị 25)

Tài Liệu Chuẩn Bị dành cho Giảng Viên Chương Trình Lớp Giáo Lý Tự Học ở Nhà

Tóm Lược Các Bài Học Tự Học ở Nhà Hằng Ngày

Phần tóm lược sau đây về các giáo lý và nguyên tắc mà học sinh đã học trong khi họ nghiên cứu 3 Nê Phi 11:18–16:20 (đơn vị 25) không nhằm được giảng dạy như là một phần bài học của các anh chị em. Bài học các anh chị em giảng dạy chỉ tập trung vào một số ít giáo lý và nguyên tắc này. Tuân theo những thúc giục của Đức Thánh Linh trong khi các anh chị em cân nhắc các nhu cầu của học sinh.

Ngày 1 (3 Nê Phi 11:18–12:48)

Học sinh đã học được rằng phép báp têm cần phải được thực hiện bởi một người nắm giữ thẩm quyền thích hợp và cần phải được thực hiện theo đúng như cách do Chúa quy định. Họ cũng đã nghiên cứu giáo lý của Đấng Ky Tô và biết được rằng Đức Thánh Linh làm chứng về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Trong khi họ học Những Lời Chúc Phước và lời giải thích của Đấng Cứu Rỗi về luật pháp cao hơn, họ đã học được rằng nếu chúng ta sống theo lời dạy của Chúa Giê Su Ky Tô, thì chúng ta sẽ được ban phước và chuẩn bị để bước vào vương quốc thiên thượng. Họ cũng đã học được rằng khi chúng ta đến cùng Đấng Ky Tô và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài, thì chúng ta có thể trở thành giống như Ngài và Cha Thiên Thượng chúng ta, là Đấng toàn thiện.

Ngày 2 (3 Nê Phi 13)

Từ lời dạy của Đấng Cứu Rỗi về các động cơ cho việc bố thí, cầu nguyện, và nhịn ăn, học sinh đã học được rằng nếu chúng ta làm việc ngay chính để làm hài lòng Cha Thiên Thượng, thì Ngài sẽ tưởng thưởng cho chúng ta một cách rộng rãi. Khi họ học lời dạy của Đấng Cứu Rỗi về việc không thể phục vụ hai chủ, thì họ đã học được các nguyên tắc sau đây: Để có được Thượng Đế là chủ của mình, thì chúng ta phải yêu thương và phục vụ Ngài trên hết tất cả những sự việc của thế gian. Nếu chúng ta tìm kiếm vương quốc của Thượng Đế trước hết thì Ngài sẽ giúp chúng ta lo liệu cho các nhu cầu của mình.

Ngày 3 (3 Nê Phi 14)

Những lời dạy của Đấng Cứu Rỗi về việc xét đoán ngay chính đã giúp học sinh hiểu rằng chúng ta sẽ được xét đoán theo như cách chúng ta xét đoán người khác. Họ cũng đã học được rằng Cha Thiên Thượng ban phước cho chúng ta khi chúng ta cầu nguyện xin sự giúp đỡ của Ngài. Học sinh đã vẽ các tấm hình mô tả những lời dạy của Đấng Cứu Rỗi và đã học được rằng chúng ta cần phải làm theo ý muốn của Cha Thiên Thượng để được vào vương quốc thiên thượng.

Ngày 4 (3 Nê Phi 15–16)

Học sinh đã học được rằng Chúa Giê Su Ky Tô là nguồn gốc của tất cả các luật pháp và lệnh truyền của phúc âm. Nếu chúng ta hướng tới Ngài bằng cách tuân giữ các lệnh truyền của Ngài và kiên trì đến cùng, thì Ngài sẽ ban cho chúng ta cuộc sống vĩnh cửu. Khi học sinh nghiên cứu những lời của Đấng Cứu Rỗi về “chiên khác” (3 Nê Phi 15:21), họ đã học được rằng Thượng Đế chăm sóc tất cả con cái của Ngài và tự biểu hiện cho họ thấy. Họ cũng đã học được rằng Thượng Đế ban cho chúng ta sự hiểu biết và lẽ thật tùy theo đức tin và sự vâng lời của chúng ta.

Lời Giới Thiệu

Trong bài học này, học sinh sẽ xem xét về sự tranh chấp ảnh hưởng như thế nào đến khả năng của họ để cảm nhận được Thánh Linh. Họ cũng sẽ có thể suy nghĩ về những người đã từng là các tấm gương tích cực cho họ và xem xét cách họ có thể phục vụ tốt hơn với tư cách là tấm gương cho những người khác.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

3 Nê Phi 11:18–41

Chúa Giê Su Ky Tô quy định cách báp têm, kết án sự tranh chấp, và tuyên bố giáo lý của Ngài

Viết từ sự tranh chấp lên trên bảng và yêu cầu học sinh nhận ra từ này (tranh cãi, xung đột hay tranh luận).

Mời học sinh vắn tắt liệt kê ở trên bảng một số tình huống hay sinh hoạt mà trong đó họ có thể trải qua sự tranh chấp. (Các anh chị em có thể yêu cầu một học sinh đóng vai người ghi chép trong khi lớp học đưa ra những câu trả lời). Trong khi làm sinh hoạt này, hãy tránh điều mà Anh Cả Dallin H. Oaks thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã gọi là “kỹ thuật do kẻ nghịch thù sử dụng” mà có thể khuyến khích “cuộc tranh luận và tranh cãi” (The Lord’s Way [1991], 139).

Nhắc nhở học sinh rằng trong 3 Nê Phi 11 họ đọc được rằng Chúa Giê Su Ky Tô hiện đến cùng với dân Nê Phi đang quy tụ tại đền thờ. Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 11:28, và yêu cầu lớp học nhận ra đề tài mà một số người dân Nê Phi đã tranh luận. (Để giúp học sinh hiểu rõ câu này hơn, các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng từ những cuộc tranh cãi có nghĩa là những cuộc tranh luận hay bất hòa).

Hỏi: Các em nghĩ tại sao là điều quan trọng để tránh những cuộc tranh luận hay tranh cãi khi thảo luận phúc âm với những người khác?

Viết điều sau đây lên trên bảng: Tinh thần tranh chấp không phải là của Thượng Đế, nhưng  … Mời học sinh đọc to 3 Nê Phi 11:29–30, và yêu cầu học sinh nhận ra tinh thần tranh chấp từ đâu mà đến. Lẽ thật họ thấy là có thể được bày tỏ như sau: Tinh thần tranh chấp không phải là của Thượng Đế, mà là của quỷ dữ. Các anh chị em có thể muốn đề nghị rằng học sinh nên đánh dấu lẽ thật này trong thánh thư của họ.

Hỏi: Việc ghi nhớ những lời dạy của Đấng Cứu Rỗi trong 3 Nê Phi 11:29–30 có thể giúp các em như thế nào khi các em đang ở trong một tình huống mà có thể gây tranh cãi? (Các anh chị em có thể nêu ra các tình huống cụ thể được viết ở trên bảng hoặc yêu cầu học sinh suy nghĩ về một tình huống trong đó một người muốn tranh luận về các điểm của phúc âm).

Để giúp học sinh hiểu được một hậu quả quan trọng của sự tranh chấp, đọc hoặc trưng bày lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch James E. Faust thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn: “Khi có tranh chấp, Thánh Linh của Chúa sẽ rút lui, bất kể người nào có lỗi” (“What I Want My Son to Know before He Leaves on His Mission,” Ensign, tháng Năm năm 1996, 41).

Các anh chị em có thể muốn đề nghị học sinh viết lời phát biểu này trong quyển thánh thư của họ hoặc trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của họ.

Hỏi: Có bao giờ các em cảm thấy Thánh Linh của Chúa rút lui vì sự tranh chấp không? Các em đã cảm thấy điều đó như thế nào?

Hãy nêu ra những lời của Đấng Cứu Rỗi về sự tranh chấp trong 3 Nê Phi 11:30: “Này, đây là giáo lý của ta là những việc như vậy phải được hủy bỏ.” Rồi hỏi những câu hỏi sau đây:

  • Chúng ta có thể hủy bỏ sự tranh chấp và những cuộc tranh luận như thế nào?

  • Chúng ta có thể không đồng ý với những người khác và tránh tranh chấp như thế nào?

  • Trong những cách nào các em đã cảm thấy được phước vì những nỗ lực của các em để tránh hoặc khắc phục sự tranh chấp?

Các em có thể muốn chia sẻ một kinh nghiệm mà các em đã có khi cảm thấy được phước vì các nỗ lực của mình để tránh hoặc khắc phục sự tranh chấp. Mời học sinh tham khảo bản liệt kê ở trên bảng và chọn một tình huống trong đó họ có thể thường xuyên cảm thấy muốn tranh chấp. Hãy cho họ thời gian để viết xuống một mục tiêu về cách họ sẽ tìm cách tránh hoặc khắc phục tình trạng tranh chấp trong tình huống đó.

3 Nê Phi 12–16

Chúa Giê Su Ky Tô dạy các nguyên tắc mà giúp con cái của Ngài tiến tới sự toàn thiện

Mời học sinh đứng lên và đọc thuộc lòng 3 Nê Phi 12:48. Các anh chị em có thể cần phải yêu cầu họ tập một vài lần để họ có thể đọc thuộc lòng cả câu thánh thư thông thạo này. Yêu cầu học sinh sử dụng quyển thánh thư của họ để nêu ra một số thuộc tính về sự toàn thiện đã được đề cập trong 3 Nê Phi 12:1–12 mà họ hy vọng sẽ phát triển trong phạm vi rộng lớn hơn.

Để một chút muối trên một cái muỗng, và yêu cầu học sinh đoán xem chất đó là gì. Sau đó mời một học sinh tiến về phía trước và nhận ra chất đó bằng cách nếm thử. Sau khi học sinh đã nhận ra chất đó là muối, hãy yêu cầu lớp học liệt kê những lợi ích của muối. Khi họ trả lời, hãy chắc chắn là rõ ràng rằng ngoài việc làm tăng gia vị của thức ăn, muối còn được sử dụng như là một chất bảo quản để ngăn chặn thịt bị hư hỏng.

Yêu cầu học sinh đọc 3 Nê Phi 12:13 để khám phá ra Đấng Cứu Rỗi so sánh ai với muối. Khi học sinh trả lời xong, hãy giải thích rằng Ngài không những nói đến đám đông dân chúng ở đền thờ vào ngày hôm đó mà còn ám chỉ tất cả những người chịu báp têm vào giao ước của Ngài.

Hỏi: Trong những cách nào chúng ta có thể với tư cách là những tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, giống như muối? (Chúng ta phải giúp bảo vệ hoặc cứu vớt người khác và cải thiện thế giới qua việc ảnh hưởng tốt đến những người khác).

Giải thích rằng trong 3 Nê Phi 12:13 từ mùi vị không những ám chỉ đến vị mặn của muối, mà còn ám chỉ đến chức năng của nó như là một chất bảo quản.

Yêu cầu một học sinh đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Carlos E. Asay thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi về muối có thể bị mất mùi vị như thế nào:

“Với thời gian, muối sẽ không bị mất đi vị mặn. Vị mặn bị mất khi bị trộn lẫn và bị ô nhiễm. Tương tự như vậy … mùi vị và chất lượng rời bỏ một người khi người này làm ô nhiễm tâm trí của mình với những ý nghĩ đen tối, làm ô uế miệng của mình bằng cách nói ít hơn sự thật, và dùng sai sức mạnh của mình trong việc làm các hành vi xấu xa” (“Salt of the Earth: Savor of Men and Saviors of Men,” Ensign, tháng Năm năm 1980, 42).

Hỏi: Tại sao chúng ta phải cố gắng để được thanh sạch nhằm ảnh hưởng tốt đến người khác?

Cho học sinh thấy một cây đèn pin. Bật cây đèn đó lên, và mời học sinh đọc 3 Nê Phi 12:14–16 và tìm kiếm cách Đấng Cứu Rỗi đã sử dụng ánh sáng để giảng dạy thêm về vai trò của dân giao ước của Ngài trên thế gian. Trước khi họ đọc, có thể là điều hữu ích để giải thích rằng một cái đấu có nghĩa là cái thúng.

Hỏi: Các tín hữu Giáo Hội tuân giữ các giao ước của họ có thể là một ánh sáng cho những người khác bằng cách nào?

Dùng một cái rổ hoặc cái khăn để che ánh sáng, và hỏi những câu hỏi sau đây:

  • Một số cách nào chúng ta có thể bị cám dỗ để che lại ánh sáng của mình?

  • Theo 3 Nê Phi 12:16, tại sao Đấng Cứu Rỗi muốn chúng ta nêu gương ngay chính cho những người khác? (Khi nêu gương ngay chính, chúng ta có thể giúp những người khác tôn vinh Cha Thiên Thượng. Các anh chị em có thể muốn đề nghị học sinh viết nguyên tắc này ở ngoài lề trang quyển thánh thư của họ).

  • Tấm gương ngay chính của ai đã giúp em đến gần với Cha Thiên Thượng hơn hoặc đã củng cố ước muốn của các em để sống theo phúc âm một cách trọn vẹn hơn?

Khuyến khích học sinh được giống như muối và giống như ánh sáng cho thế gian bằng cách chọn làm tấm gương ngay chính.

Giải thích rằng Đấng Cứu Rỗi tiếp tục giảng dạy dân Nê Phi rằng phần thưởng thực sự cho sự tuân thủ các lệnh truyền một cách ngay chính sẽ đến khi họ thờ phượng mà không phải là đạo đức giả và không đặt lòng họ vào những kho tàng hay phần thưởng của thế gian. Viết các đoạn tham khảo thánh thư sau đây ở trên bảng: 3 Nê Phi 13:22; 13:31–33; 14:7–8; 15:9; 16:13. Mời học sinh tra cứu những đoạn này và nhận ra một số phần thưởng mà Cha Thiên Thượng đã hứa với chúng ta nếu lòng chúng ta tập trung vào việc sống cuộc sống ngay chính. Sau khi đủ thời gian rồi, hãy mời họ báo cáo điều họ đã tìm thấy.

Chia sẻ với học sinh chứng ngôn rằng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô sẽ giúp đỡ và ban phước cho họ trong các nỗ lực của họ để hủy bỏ sự tranh chấp và làm một tấm gương ngay chính cho thế gian.

(3 Nê Phi 17–22)

Nói cho học sinh biết rằng khi họ nghiên cứu 3 Nê Phi 17–22, họ sẽ đọc được rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã khóc khi Ngài đang ở với các trẻ em Nê Phi. Khuyến khích họ tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi sau đây: Ngài đã làm gì cho họ? Chúa Giê Su đã thực hiện các phép lạ nào khác trong khi phục sự cho dân Nê Phi?