Thư Viện
Bài học 119: 3 Nê Phi 8–10


Bài Học 119

3 Nê Phi 8–10

Lời Giới Thiệu

Ba mươi ba năm sau khi thấy điềm triệu về sự giáng sinh của Đấng Cứu Rỗi, dân Nê Phi bắt đầu tìm kiếm điềm triệu mà Sa Mu Ên người La Man đã tiên tri về cái chết của Đấng Cứu Rỗi. Mặc dù có nhiều điềm triệu đã được ban cho nhưng những mối nghi ngờ và những chuyện bàn cãi cũng đã nảy sinh trong dân chúng. Trong vòng năm kế tiếp, lời tiên tri của Sa Mu Ên đã được ứng nghiệm. Sau những cơn bão lớn, động đất và thiên tai khác đã gây ra sự hủy diệt lan tràn, bóng tối bao trùm mặt đất trong ba ngày. Trong bóng tối, những người đã sống sót sau sự hủy diệt nghe tiếng nói của Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài mời họ hối cải và trở về với Ngài. Khi bóng tối tan đi, thì lời than khóc của dân chúng đã chuyển sang niềm vui mừng và lời ngợi khen Chúa Giê Su Ky Tô.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

3 Nê Phi 8:1–18

Sự hủy diệt to lớn báo tin cái chết của Chúa Giê Su Ky Tô, làm ứng nghiệm lời tiên tri của Sa Mu Ên người La Man

Bắt đầu lớp học bằng cách hỏi câu hỏi sau đây:

  • Các em có biết về bất cứ điềm triệu nào đã xảy đến mà cho thấy rằng Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi đang gần kề không? (Các em có thể muốn nêu ra rằng nhiều lời tiên tri, như Sự Phục Hồi phúc âm, sự hiện đến của tiên tri Ê Li, và phúc âm đang được rao giảng khắp thế gian, đã hoặc đang được ứng nghiệm).

  • Các em cảm thấy như thế nào khi nhận ra một điều gì đó là một điềm triệu rõ ràng rằng Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi đang đến gần?

Giải thích rằng chúng ta đang sống trong một thời kỳ tương tự như thời kỳ ngay trước khi Chúa Giê Su Ky Tô đến viếng thăm dân Nê Phi. Cũng như dân Nê Phi trông đợi các điềm triệu mà Sa Mu Ên người La Man đã tiên tri sẽ báo hiệu cái chết và Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta cũng nên trông chờ các điềm triệu về Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi.

Mời học sinh đọc thầm 3 Nê Phi 8:3–4 cùng nhận ra những khác biệt trong cảm nghĩ của một số người Nê Phi về các điềm triệu. Yêu cầu học sinh báo cáo những điều họ tìm thấy. (Mặc dù dân chúng trông đợi các điềm triệu một cách “dốc lòng,” nhưng “vẫn có những sự nghi ngờ và các cuộc cãi vã” ở giữa họ.

  • Tình trạng được mô tả trong 3 Nê Phi 8:3–4 tương tự với tình trạng trong thế giới ngày nay về những phương diện nào?

  • Chúng ta có thể củng cố đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào ngay cả khi nhiều người xung quanh chúng ta bày tỏ nỗi nghi ngờ?

Hỏi học sinh xem họ đã bao giờ trải qua một cơn bão dữ dội, động đất, hoặc thiên tai khác không. Khi học sinh trả lời, hãy mời họ chia sẻ cảm nghĩ của họ trong và sau kinh nghiệm này.

Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 8:5–7. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm điều đã xảy ra trong năm thứ 34 sau khi Chúa Giê Su Ky Tô giáng sinh. Sau đó mời học sinh đọc thầm 3 Nê Phi 8:8–18 cùng tìm kiếm điều đã xảy ra cho dân cư của những thành phố đó. Yêu cầu học sinh báo cáo những điều họ tìm thấy. Nhắc nhở học sinh rằng Sa Mu Ên người La Man đã tiên tri về những điều này (xin xem Hê La Man 14:20–27). Nhấn mạnh rằng lời của các vị tiên tri sẽ được ứng nghiệm và rằng Thượng Đế sẽ bắt những kẻ tà ác chịu trách nhiệm về hành động của họ.

3 Nê Phi 8:19–25

Bóng tối bao trùm mặt đất trong ba ngày

Giải thích rằng sau khi những cơn bão và động đất chấm dứt, bóng tối bao trùm mặt đất trong ba ngày. Tắt đèn trong phòng trong một giây lát. Sau đó hỏi học sinh xem họ có từng ở trong một chỗ hoàn toàn tối không, chẳng hạn như một hang động hay một căn phòng không có cửa sổ.

  • Các em cảm thấy như thế nào khi đang ở nơi đó?

Hãy nêu ra rằng bóng tối bao trùm mặt đất trong ba ngày là khác với bóng tối xảy đến khi chúng ta tắt đèn hoặc đi đến một chỗ không có cửa sổ. Yêu cầu học sinh đọc thầm 3 8:19–23 cùng tìm kiếm các cụm từ mô tả bóng tối mà dân Nê Phi đã trải qua. (Những câu trả lời có thể bao gồm “bóng tối dày đặc,” “hơi ẩm của bóng tối,” “sương mù tối đen,” và “chẳng có một chút ánh sáng nào cả.”)

Yêu cầu học sinh đọc thầm 3 Nê Phi 8:23–25 cùng tìm kiếm ảnh hưởng của bóng tối đối với những người dân Nê Phi đã sống sót sau sự hủy diệt. Yêu cầu học sinh báo cáo những điều họ tìm thấy.

3 Nê Phi 9:1–14

Trong bóng tối, Chúa Giê Su Ky Tô mời gọi những người đã sống sót sau sự hủy diệt nên hối cải và đến cùng Ngài

Viết những câu hỏi sau đây lên trên bảng. Mời học sinh đọc thầm 3 Nê Phi 9:1–12 cùng tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi này.

Tại sao sự hủy diệt này đã xảy đến?

Sa Tan đã phản ứng như thế nào với sự hủy diệt này?

Điều này dạy điều gì về Sa Tan và cách nó đối xử với những người đi theo nó?

Đọc to 3 Nê Phi 9:13–14 cho lớp học nghe. Yêu cầu học sinh dò theo cùng tìm kiếm lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi cho những người đã được dung tha khỏi sự húy diệt. Yêu cầu học sinh tưởng tượng ra những người dân Nê Phi đang lắng nghe tiếng nói của Đấng Cứu Rỗi trong bóng tối dày đặc. Họ đã được “dung tha vì [họ] ngay chính hơn” những người đã bị hủy diệt, nhưng họ vẫn cần phải hối cải và thay đổi (xin xem 3 Nê Phi 9:13; 10:12).

  • Các em nghĩ dân Nê Phi cảm thấy như thế nào khi họ nghe được lời mời gọi này từ Đấng Cứu Rỗi? Tại sao?

Mời một học sinh đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả C. Scott Grow thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi:

“Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Vĩ Đại Chữa Lành tâm hồn của chúng ta. …

“Khi chúng ta phạm tội, Sa Tan nói với chúng ta rằng chúng ta đã bị lạc mất rồi. Trái lại, Đấng Cứu Chuộc ban sự cứu chuộc cho tất cả mọi người, cho cả các anh chị em và tôi nữa—dù chúng ta đã làm điều gì sai trái—” (“Phép Lạ của Sự Chuộc Tội” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2011, 109).

Khẳng định rằng lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi trong 3 Nê Phi 9:13—hãy đến cùng Ngài để được chữa lành—được đưa ra cho mỗi người chúng ta. Để được Đấng Cứu Rỗi chữa lành chúng ta, chúng ta phải chấp nhận lời mời gọi của Ngài để đến cùng Ngài, hối cải tội lỗi của mình, và được cải đạo. Yêu cầu học sinh suy nghĩ về các khía cạnh của cuộc sống của họ mà trong đó họ cần có sự chữa lành của Đấng Cứu Rỗi. Sau đó mời họ trả lời câu hỏi sau đây trong sổ tay hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư:

  • Các em cần phải làm điều gì để có thể nhận được sự chữa lành của Đấng Cứu Rỗi trong cuộc sống của các em?

3 Nê Phi 9:15–22

Đấng Cứu Rỗi đã phán rằng nhờ vào sự hy sinh của Ngài mà luật Môi Se đã được làm tròn

Đọc to 3 Nê Phi 9:19. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm điều mà Chúa Giê Su Ky Tô đã nói là Ngài sẽ không còn chấp nhận từ dân Nê Phi nữa. Có thể là điều cần thiết để nhắc nhở học sinh rằng dân Nê Phi sống theo luật Môi Se vào thời điểm này. Là một phần của luật Môi Se, Chúa tđã ruyền lệnh cho dân Ngài dâng của lễ hy sinh con vật với tính cách là một khuôn mẫu và một biểu tượng về sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi sẽ ban cho qua Sự Chuộc Tội của Ngài.

Mời học sinh đọc thầm 3 Nê Phi 9:20 cùng tìm kiếm điều Đấng Cứu Rỗi đã nói là dân Nê Phi hiện phải dâng lên làm của lễ hy sinh. Yêu cầu học sinh báo cáo những điều họ tìm thấy.

  • Các em nghĩ việc dâng lên của lễ hy sinh về “một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối” có nghĩa là gì?

  • Đấng Cứu Rỗi hứa ban cho các phước lành nào cho những người đến cùng Ngài với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối?

Giải thích rằng Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy một cách để suy nghĩ về hai cụm từ “tấm lòng đau khổ” và “một tâm hồn thống hối.” Đọc lời phát biểu sau đây cùng yêu cầu học sinh lắng nghe những lời mà Anh Cả Christofferson đã sử dụng để giúp chúng ta hiểu những cụm từ này:

Anh Cả  D. Todd Christofferson

“Các em có thể dâng lên Chúa món quà của tấm lòng đau khổ hay hối cải và tâm hồn thống hối hay tuân phục. Thật ra, đó là món quà của bản thân các em—con người hiện tại của các em và con người mà các em sẽ trở thành.

“Có một điều gì đó về các em hoặc trong cuộc sống của các em mà không thanh khiết hay không xứng đáng không? Khi các em loại bỏ được điều đó thì đó là một món quà dâng lên Đấng Cứu Rỗi. Có một thói quen hay đức tính tốt nào thiếu sót trong cuộc sống của các em không? Khi các em đạt được điều đó và làm cho điều đó thành một phần của cá tính mình, thì các em đang dâng lên Chúa một món quà” (“Nếu Khi Ngươi Đã Cải Đạo,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2004, 12).

  • Anh Cả Christofferson đã sử dụng từ nào để giúp chúng ta hiểu cụm từ “tấm lòng đau khổ”? (Hối cải). Các em nghĩ việc có một tấm lòng hối cải có nghĩa là gì?

  • Anh Cả Christofferson đã sử dụng từ nào để giúp chúng ta hiểu được cụm từ “tâm hồn thống hối”? (Biết vâng lời). Các em sẽ mô tả một người có một tâm hồn biết vâng lời như thế nào?

Yêu cầu học sinh đọc thầm 3 Nê Phi 9:21–22 cùng tìm kiếm lời mô tả của Đấng Cứu Rỗi về cách chúng ta nên đến cùng Ngài. Yêu cầu họ báo cáo những điều họ tìm thấy. Giơ lên một tấm hình của một đứa trẻ nhỏ, có lẽ một đứa trẻ nào đó trong gia đình của các anh chị em.

  • Các em tưởng tượng ra một đứa trẻ thơ đến cùng Đấng Cứu Rỗi thì như thế nào? Làm thế nào điều này giúp các em hiểu được cách chúng ta nên đến cùng Đấng Cứu Rỗi?

Viết lời phát biểu sau đây lên trên bảng:

Nếu chúng ta đến cùng Đấng Ky Tô với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối, thì Ngài sẽ …

Yêu cầu học sinh xem lại 3 Nê Phi 9:13–15, 19–22 để nhận ra những cách để hoàn tất lời phát biểu ở trên bảng. Mời họ báo cáo điều họ tìm thấy. Các câu trả lời có thể gồm có việc Ngài sẽ chữa lành chúng ta (xin xem 3 Nê Phi 9:13), ban cho chúng ta cuộc sống vĩnh cửu (xin xem 3 Nê Phi 9:14), và tiếp nhận chúng ta (xin xem 3 Nê Phi 9:22). Sau khi học sinh đã trả lời rồi, hãy hoàn tất lời phát biểu ở trên bảng: Nếu chúng ta đến cùng Đấng Ky Tô với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối, thì Ngài sẽ tiếp nhận chúng ta, chữa lành, và ban cho chúng ta cuộc sống vĩnh cửu.

3 Nê Phi 10

Chúa hứa quy tụ dân Ngài lại như gà mái túc con mình

Tóm lược 3 Nê Phi 10:1–3 bằng cách giải thích rằng sau khi nghe tiếng nói của Đấng Cứu Rỗi, dân chúng đã rất ngạc nhiên đến nỗi họ đã im lặng trong nhiều giờ. Sau đó, Ngài phán cùng dân chúng một lần nữa.

Mời một vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ 3 Nê Phi 10:4–6. Hãy nêu ra rằng trong các câu này, Đấng Cứu Rỗi nói về gia tộc Y Sơ Ra Ên, dân giao ước của Ngài.

  • Trong những phương diện nào Đấng Cứu Rỗi giống như gà mái bảo vệ gà con khỏi cảnh nguy hiểm? Tại sao Đấng Cứu Rỗi đã không quy tụ và bảo vệ tất cả gia tộc Y Sơ Ra Ên? (Họ không chịu đến cùng Ngài).

  • Đấng Cứu Rỗi đã hứa điều gì với những người chịu hối cải và trở lại cùng Ngài? (Ngài sẽ quy tụ họ lại như gà mái túc gà con).

Yêu cầu học sinh trả lời câu hỏi sau đây trong sổ tay hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư. (Các em có thể muốn viết câu hỏi này lên trên bảng hoặc đọc chậm chậm để học sinh có thể viết xuống).

  • Khi nào các em đã cảm nhận được lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi để tiếp nhận sự nuôi dưỡng và bảo vệ của Ngài?

Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 10:9–11. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm điều đã xảy ra sau khi Đấng Cứu Rỗi đã ngỏ lời cùng dân chúng. Các anh chị em có thể muốn kết thúc bằng cách làm chứng rằng Đấng Cứu Rỗi có lòng thương xót đối với tất cả những người đến cùng Ngài với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối. Các anh chị em cũng có thể muốn giải thích rằng trong bài học kế tiếp, học sinh sẽ thảo luận về sự hiện đến của Đấng Cứu Rỗi cùng dân chúng và cách Ngài đã đích thân phục sự mỗi người họ.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

3 Nê Phi 9:2. “Quỷ dữ đang cười và các quỷ sứ của nó đang vui mừng”

Anh Cả Robert D. Hales thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy về phản ứng của kẻ nghịch thù khi chúng ta phạm tội:

A Đam sa ngã để loài người sinh tồn, và loài người có sinh tồn thì họ mới hưởng được niềm vui. [2 Nê Phi 2:25.]

“Đôi khi chúng ta quên rằng Cha Thiên Thượng mong muốn mỗi người chúng ta có được niềm vui này. Chỉ bằng cách nhượng bộ cám dỗ và tội lỗi thì chúng ta mới có thể bị giữ khỏi niềm vui đó. Và việc nhượng bộ chính là điều mà Sa Tan muốn chúng ta làm.

“Có lần tôi có dịp đi cùng Chủ Tịch Spencer W. Kimball đến một vùng đất xa xôi. Chúng tôi được đi tham quan nhiều nơi khác nhau trong vùng, kể cả các hầm mộ dưới lòng đất—nơi chôn cất những người đã bị ngược đãi bởi những Ky Tô hữu cuồng tín. Khi chúng tôi ra khỏi nơi đó, Chủ Tịch Kimball đã dạy cho tôi một bài học khó quên. Ông kéo vạt áo của tôi và nói: ‘Tôi luôn luôn khó chịu trước điều mà kẻ nghịch thù làm khi dùng danh của Đấng Cứu Rỗi chúng ta.’ Rồi ông nói: ‘Robert à, kẻ nghịch thù không bao giờ có thể có được niềm vui trừ khi anh và tôi phạm tội.’

“Khi tôi suy ngẫm về lời phê bình này và học hỏi thánh thư, thì tôi bắt đầu hiểu điều mà Chủ Tịch Kimball có lẽ muốn nói. Chính các tội lỗi của chúng ta là điều làm cho quỷ dữ cười vui, nỗi buồn của chúng ta là điều mang đến niềm vui giả tạo.

“Mặc dù quỷ dữ cười vui, nhưng quyền năng của nó thì giới hạn. Một số các anh chị em có lẽ nhớ một câu châm ngôn xưa: ‘Quỷ dữ làm cho tôi phạm tội.’ Ngày hôm nay, tôi muốn giải thích, bằng lời nói chắc chắn rằng quỷ dữ không thể bắt chúng ta làm bất cứ điều gì. Nó rình đợi ở cửa nhà chúng ta, như thánh thư viết, và nó đi theo chúng ta mỗi ngày. Mỗi khi chúng ta đi ra đường, mỗi quyết định chúng ta làm, thì chúng ta chọn đi theo đường lối của nó hoặc chọn đi theo đường lối của Đấng Cứu Rỗi. Nhưng quỷ dữ phải đi nếu chúng ta đuổi nó đi. Nó không thể ảnh hưởng đến chúng ta trừ khi chúng ta cho phép nó làm như vậy, và nó biết điều đó! Lúc duy nhất mà nó có thể ảnh hưởng đến tâm trí và thể xác của chúng ta—chính là linh hồn của chúng ta—là khi chúng ta cho phép nó làm như vậy. Nói cách khác, chúng ta không cần phải nhượng bộ các cám dỗ của nó!” (“Tự Hành Động: Ân Tứ và Các Phước Lành của Quyền Tự Quyết,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2006, 5–6).

3 Nê Phi 9:19–20. “Một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối”

Anh Cả Neal A. Maxwell thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ mô tả ý nghĩa của việc dâng lên Chúa một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối:

“Sự hy sinh cá nhân thật sự không bao giờ đặt một con vật lên trên bàn thờ. Thay vì thế, đó là một sự sẵn lòng để đặt con thú bên trong chúng ta lên trên bàn thờ và để cho nó bị đốt cháy tiêu! Đó là ‘sự hy sinh lên Chúa …… gồm có một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối’ (GLGƯ 59:8)” (“Deny Yourselves of All Ungodliness,” Ensign, tháng Năm năm 1995, 68).