Bài Học 125
3 Nê Phi 15–16
Lời Giới Thiệu
Khi Chúa Giê Su Ky Tô tiếp tục giảng dạy dân chúng tại đền thờ ở Xứ Phong Phú, thì Ngài phán rằng luật Môi Se đã được làm tròn và rằng Ngài là ánh sáng và luật pháp mà mọi người nên hướng vào. Sau đó Ngài giải thích với mười hai môn đồ rằng dân chúng ở châu Mỹ là “chiên khác” mà Ngài đã nói đến ở Giê Ru Sa Lem (xin xem Giăng 10:14–16). Ngài cũng hứa rằng những người hối cải và trở lại cùng Ngài sẽ được tính vào số dân giao ước của Ngài.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
3 Nê Phi 15:1–10
Đấng Cứu Rỗi phán rằng Ngài đã làm tròn luật Môi Se
Trước khi lớp học bắt đầu, hãy viết những câu hỏi sau đây lên trên bảng:
Để bắt đầu bài học, hãy chỉ ra các câu hỏi ở trên bảng và hỏi:
-
Một số người có thể thắc mắc tại sao Chúa ban cho các lệnh truyền. Các em có thể giải thích mục đích của các lệnh truyền như thế nào?
Nói cho học sinh biết rằng khi Chúa Giê Su Ky Tô chỉ dẫn cho dân Nê Phi, Ngài dạy họ rằng một mục đích của các lệnh truyền của Ngài là để chỉ cho dân chúng đến với Ngài. Mời học sinh tìm kiếm mục đích này khi họ nghiên cứu 3 Nê Phi 15.
Giải thích rằng khi Đấng Cứu Rỗi phán với đám đông dân chúng, thì Ngài nhận biết rằng một số họ đã có thắc mắc. Yêu cầu học sinh đọc lướt 3 Nê Phi 15:1–2 để tìm kiếm điều những người này muốn biết. (Họ tự hỏi Đấng Cứu Rỗi muốn họ làm gì “về luật pháp Môi Se.” Sự thờ phượng, nghi lễ của dân Nê Phi, và tổ chức của Giáo Hội đã được xây dựng trên luật Môi Se để chuẩn bị cho dân chúng về sự giáng lâm của Chúa Giê Su Ky Tô và để giúp họ trông đợi sự hy sinh chuộc tội của Ngài. Hiển nhiên, một số người đã hoang mang về điều họ nên làm thay vì giữ luật Môi Se).
Yêu cầu một học sinh đọc to 3 Nê Phi 15:3–5, 9. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm các cụm từ trong lời giải thích của Đấng Cứu Rỗi mà có thể đã trấn an dân Nê Phi rằng đức tin của họ không cần phải thay đổi. Yêu cầu một vài học sinh chia sẻ các cụm từ mà họ nhận ra. Yêu cầu họ giải thích lý do tại sao họ nghĩ rằng những cụm từ này có thể hữu ích cho dân Nê Phi.
-
Các em nghĩ Chúa Giê Su đã dạy điều gì khi Ngài phán rằng Ngài là “luật pháp”? (3 Nê Phi 15:9).
Học sinh có thể đưa ra một loạt các câu trả lời. Khi họ trả lời rồi, hãy giúp họ nhận ra các lẽ thật sau đây (viết những lẽ thật này lên trên bảng): Chúa Giê Su Ky Tô là nguồn gốc của luật pháp. Tất cả các luật pháp của phúc âm chỉ cho chúng ta đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài. Nếu tuân theo các lệnh truyền của Ngài, thì chúng ta sẽ nhận được cuộc sống vĩnh cửu.
-
Tại sao những lẽ thật này lại quan trọng đối với dân Nê Phi để hiểu vào lúc này? (Các anh chị em có thể muốn nêu ra rằng giống như luật Môi Se, luật pháp mới chỉ đến Đấng Cứu Rỗi và Sự Chuộc Tội của Ngài. Trong khi một số phương pháp thờ phượng của dân chúng sẽ thay đổi, thì họ sẽ tiếp tục sử dụng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và thờ phượng Đức Chúa Cha trong danh của Ngài).
Tóm lược 3 Nê Phi 15:6–8 bằng cách giải thích rằng Đấng Cứu Rỗi đã trấn an dân chúng rằng cũng giống như những lời của các vị tiên tri về một Đấng Cứu Chuộc đã được làm tròn nơi Ngài, những lời tiên tri của họ về các sự kiện tương lai rồi cũng sẽ xảy ra. Ngài cũng giải thích rằng giao ước Ngài đã lập với dân Ngài vẫn còn hiệu lực và sẽ được làm tròn.
Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 15:9–10. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm điều Đấng Cứu Rỗi muốn dân Ngài phải làm với sự hiểu biết của họ về các lẽ thật được viết ở trên bảng.
-
“Hướng về” Đấng Ky Tô có nghĩa là gì đối với các em?
Yêu cầu học sinh xem lại 3 Nê Phi 15:9–10 và tóm lược cách Chúa muốn chúng ta tiếp cận với cách chúng ta sống theo phúc âm và phước lành có được do kết quả từ việc làm như thế. (Học sinh có thể tóm lược đoạn này theo những cách khác nhau, nhưng câu trả lời của họ nên phản ảnh nguyên tắc sau đây: Nếu chúng ta hướng về Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách tuân giữ các lệnh truyền và kiên trì đến cùng, Ngài sẽ ban cho chúng ta cuộc sống vĩnh cửu).
-
Có thể nào noi theo Chúa Giê Su Ky Tô mà không tuân giữ các lệnh truyền của Ngài không? Tại sao không?
Mời học sinh xem xét các câu hỏi mà các anh chị em đã viết ở trên bảng trước khi lớp bắt đầu học.
-
Có thể nào một người tuân giữ các lệnh truyền bề ngoài mà không hướng về Chúa Giê Su Ky Tô không?
-
Một số lý do nào mà một người có thể tuân theo các lệnh truyền bề ngoài mà không hướng về Chúa Giê Su Ky Tô? (Các câu trả lời có thể gồm có bổn phận, sợ bị trừng phạt, một ước muốn để thích nghi hoặc để làm ra vẻ ngay chính hoặc một sự yêu thích các luật lệ).
-
Điều gì nên là các lý do để chúng ta tuân theo các lệnh truyền? (Chúng ta nên tuân giữ các lệnh truyền vì chúng ta yêu mến Chúa, chúng ta mong muốn làm đẹp lòng Ngài, và chúng ta muốn đến cùng Ngài).
-
Các em đã được ban phước như thế nào khi đã tuân giữ các lệnh truyền với chủ ý thực sự?
Mời học sinh nghĩ về một lệnh truyền hay tiêu chuẩn phúc âm mà đã rất khó cho họ hiểu và tuân theo. Mời họ xem xét những cảm nghĩ của họ về lệnh truyền hay tiêu chuẩn này có thể thay đổi như thế nào nếu tình yêu mến của họ đối với Chúa trở thành lý do của họ để tuân theo. Khuyến khích họ tuân giữ các lệnh truyền vì tình yêu mến đối với Chúa. Chia sẻ những cách mà các lệnh truyền đã giúp các anh chị em đến gần với Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi hơn.
3 Nê Phi 15:11–16:5
Chúa Giê Su Ky Tô phán với các môn đồ của Ngài về các chiên khác của Ngài
Yêu cầu học sinh giơ tay lên nếu họ đã từng cảm thấy ít quan trọng hơn một người khác. Yêu cầu họ suy xét xem họ có bao giờ cảm thấy bị lãng quên hoặc bị bỏ mặc một mình hay họ có bao giờ tự hỏi Cha Thiên Thượng có biết họ là ai không.
Viết lời phát biểu sau đây trên bảng: Thượng Đế quan tâm đến tất cả con cái của Ngài, và Ngài tự biểu hiện cho họ thấy. Bảo đảm với học sinh về lẽ thật của lời phát biểu này, và mời họ trông chờ bằng chứng về lẽ thật của lời phát biểu đó khi họ học phần còn lại của 3 Nê Phi 15 và phần đầu 3 Nê Phi 16.
Mời một học sinh đọc 3 Nê Phi 15:11–17, và yêu cầu học sinh nhận ra điều mà Chúa phán với dân chúng ở Giê Ru Sa Lem về dân Ngài ở châu Mỹ. Các anh chị em có thể cũng muốn yêu cầu học sinh đọc Giăng 10:14–16. (Giúp học sinh hiểu rằng “chiên khác” là nói đến các tín đồ khác của Đấng Chăn Chiên, Chúa Giê Su Ky Tô. Từ đàn chiên có thể ám chỉ một chuồng chiên, nhưng cũng có nghĩa là một nhóm người có chung một niềm tin).
-
Theo 3 Nê Phi 15:17, Chúa đã hứa sẽ tự biểu hiện cho đàn chiên hoặc các tín đồ khác? (Họ sẽ nghe được tiếng nói của Ngài).
Yêu cầu một học sinh đọc to 3 Nê Phi 15:18–19. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm lý do tại sao Cha Thiên Thượng đã truyền lệnh cho Chúa Giê Su Ky Tô phải giữ lại sự hiểu biết của đàn chiên khác của Ngài về dân chúng ở Giê Ru Sa Lem. Sau khi học sinh báo cáo điều họ đã tìm thấy, hãy hỏi:
-
Chúng ta có thể học được nguyên tắc nào từ điều này? (Các câu trả lời của học sinh nên phản ảnh nguyên tắc sau đây: Thượng Đế ban cho chúng ta sự hiểu biết và lẽ thật theo đức tin và sự vâng lời của chúng ta).
Tóm lược 3 Nê Phi 15:21–23 bằng cách giải thích rằng Chúa phán với dân Nê Phi rằng họ là những con chiên khác mà Ngài đã nói tới; tuy nhiên, dân Do Thái ở Giê Ru Sa Lem đã nghĩ rằng Ngài đang phán về dân Ngoại, hoặc không phải là dân Y Sơ Ra Ên. Họ đã không hiểu rằng dân Ngoại sẽ không trực tiếp nghe tiếng nói của Ngài.
Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 15:24, và yêu cầu lớp học lắng nghe Chúa đã bảo đảm với dân Nê Phi về mối quan tâm của Ngài đối với họ. Các anh chị em có thể hỏi học sinh về cảm nghĩ của họ có thể như thế nào nếu họ nghe Chúa phán những lời này với họ.
Yêu cầu học sinh đọc thầm 3 Nê Phi 16:1–3 và nhận ra người nào khác sẽ nghe tiếng nói của Đấng Cứu Rỗi. Giải thích rằng chúng ta không có phần ghi chép về những nơi chốn và những người khác mà Đấng Cứu Rỗi đã đến thăm viếng, nhưng rõ ràng là Ngài đã đến thăm viếng các nhóm khác hay “đàn chiên.”
Để giới thiệu ý kiến rằng Đấng Cứu Rỗi cũng tự biểu hiện cho những người không nghe tiếng nói của Ngài, hãy hỏi những câu hỏi sau đây trước khi mời học sinh tra cứu thánh thư để trả lời:
-
Còn những người không được nghe tiếng nói của Đấng Cứu Rỗi thì sao? Ngài cho họ thấy rằng Ngài quan tâm đến họ như thế nào?
Mời học sinh tra cứu 3 Nê Phi 15:22–23 và 3 Nê Phi 16:4 cùng tìm kiếm cách mà Chúa đã phán là Ngài sẽ tự biểu hiện cùng cho dân Ngoại (qua việc thuyết giảng của người khác, qua sự làm chứng của Đức Thánh Linh, và qua các bài viết của các vị tiên tri).
-
Những sự biểu hiện này cho thấy rằng Thượng Đế quan tâm đến tất cả con cái của Ngài như thế nào?
-
Chúa tự biểu hiện cho các em và gia đình của các em trong những cách nào?
-
Bằng cách nào các em có thể phụ giúp trong nỗ lực của Chúa để tự biểu hiện cho tất cả dân Ngài thấy?
3 Nê Phi 16:6–20
Chúa Giê Su Ky Tô tuyên phán các phước lành và những lời cảnh báo cho dân Ngoại là những người sẽ tiếp nhận phúc âm trong những ngày sau
Hỏi học sinh xem họ có bao giờ muốn trở thành một phần tử của một nhóm, đội hoặc câu lạc bộ không. Hỏi những điều kiện nào là cần thiết để trở thành một thành sinh của nhóm mà họ đã muốn trở thành một phần tử của nhóm đó. Đề nghị rằng nhóm vĩ đại nhất mà chúng ta có thể trở thành các thành viên của nhóm là thuộc vào dân giao ước của Chúa.
Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 16:6–7. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm điều Chúa đã phán sẽ xảy ra trong những ngày sau cùng vì dân Ngoại sẽ tin vào Ngài và gia tộc Y Sơ Ra Ên sẽ không tin vào Ngài. (Các anh chị em có thể muốn giải thích rằng các vị tiên tri của Sách Mặc Môn sử dụng từ dân Ngoại để ám chỉ những người không phải từ Đất Thánh. Vì vậy từ đó có thể ám chỉ các tín hữu của Giáo Hội cũng như những người không tin và các tín hữu của các tín ngưỡng khác). Sau khi học sinh trả lời rồi, hãy tóm lược 3 Nê Phi 16:8–9 bằng cách giải thích rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã tiên tri rằng cũng sẽ có những người dân Ngoại không tin trong những ngày sau cùng là những người sẽ phân tán và ngược đãi những người thuộc gia tộc Y Sơ Ra Ên. Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 16:10. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm điều sẽ xảy ra cho những người dân Ngoại không tin này.
-
Chúa đã phán rằng những người dân Ngoại không tin sẽ mất điều gì?
-
Điều này có thể áp dụng như thế nào cho những người biết được lẽ thật nhưng trở nên kiêu ngạo?
Giải thích rằng Chúa hứa sẽ giữ giao ước của Ngài với gia tộc Y Sơ Ra Ên bằng cách mang phúc âm đến cho họ (xin xem 3 Nê Phi 16:11–12). Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 16:13. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm xem một người cần phải có điều gì để trở thành một dân giao ước của Chúa. Viết câu sau đây lên trên bảng: “Nếu chúng ta … , thì chúng ta …” Yêu cầu học sinh sử dụng 3 Nê Phi 16:13 để hoàn tất lời phát biểu này. Học sinh sẽ có thể nhận ra lẽ thật sau đây: Nếu chúng ta hối cải và trở về cùng Chúa Giê Su Ky Tô, thì chúng ta sẽ được tính vào trong số dân Ngài.
-
Tại sao để được tính vào số dân của Chúa là một phước lành?
Kết thúc bằng cách chia sẻ chứng ngôn của các anh chị em về các lẽ thật đã được giảng dạy trong bài học ngày hôm nay.