Lời Giới Thiệu Sách Ê Nót
Tại sao học sách này?
Sách Ê Nót minh họa quyền năng của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô để thanh tẩy con người khỏi tội lỗi và làm cho họ được trọn lành. Ê Nót phấn đấu trước Thượng Đế trong lời cầu nguyện thiết tha trước khi các tội lỗi của ông được tha thứ. Rồi ông cầu nguyện để có được sự an lạc tinh thần cho dân Nê Phi và dân La Man, và ông dành hết cuộc đời còn lại của mình để lao nhọc vì sự cứu rỗi của họ. Trong khi nghiên cứu sách Ê Nót, các học sinh có thể khám phá ra những bài học quan trọng về sự cầu nguyện, hối cải và mặc khải. Họ cũng có thể biết được rằng khi các cá nhân nhận được các phước lành của Sự Chuộc Tội, thì họ sẽ mong muốn chia sẻ các phước lành đó với những người khác.
Ai viết quyển sách này?
Ê Nót, con trai của Gia Cốp và cháu nội của Lê Hi và Sa Ri A, đã viết quyển sách này. Ê Nót ghi lại rằng cha của ông đã dạy ông ″theo sự dưỡng dục cùng sự khuyên răn của Chúa (Ê Nót 1:1). Gần cuối đời mình, Ê Nót viết rằng ông đã tuyên bố ″lẽ thật hằng có trong Đấng Ky Tô″ trong suốt đời ông (Ê Nót 1:26). Trước khi qua đời, Ê Nót đã truyền giao các bảng khắc nhỏ của Nê Phi cho con trai của ông là Gia Rôm (xin xem Gia Rôm 1:1). Ê Nót kết thúc biên sử của mình bằng cách nói rằng ông hân hoan trong thời kỳ mà ông sẽ đứng trước mặt Đấng Cứu Chuộc. Ông nói: ″Lúc đó tôi sẽ hân hoan nhìn thấy mặt Ngài, và Ngài sẽ phán bảo tôi rằng: Hãy đến cùng ta, hỡi ngươi là kẻ được phước, có một chỗ đã sửa soạn sẵn cho ngươi trong các gian nhà của Cha ta” (Ê Nót 1:27).
Sách này được viết cho ai và tại sao?
Khi Ê Nót nhận được các bảng khắc nhỏ từ cha của ông, ông đã hứa sẽ chỉ khắc những bài mà ông đã xem là quý báu nhất và gồm có những lời giảng dạy, sự mặc khải và lời tiên tri thiêng liêng (xin xem Gia Cốp 1:1–4; 7:27). Ê Nót biết rằng dân của ông, là dân Nê Phi, cuối cùng sẽ bị hủy diệt. Ông đã cầu nguyện rằng Chúa sẽ bảo tồn một biên sử của dân Nê Phi ″để cho đến một ngày nào đó trong tương lai, biên sử này sẽ được truyền đến tay dân La Man, thì may ra, họ có thể sẽ được dẫn đến sự cứu rỗi″ (Ê Nót 1:13).
Sách được viết khi nào và ở đâu?
Ê Nót kết thúc biên sử của mình bằng cách tuyên bố rằng 179 năm đã trôi qua kể từ khi Lê Hi rời bỏ Giê Ru Sa Lem (xin xem Ê Nót 1:25). Điều đó cho biết thời gian ông viết sách này là khoảng giữa năm 544 Trước Công Nguyên (khi Gia Cốp kết thúc biên sử của ông) và 421 Trước Công Nguyên. Ê Nót viết biên sử này trong khi sống ở xứ Nê Phi.
Một số đặc điểm của sách này là gì?
Sách Ê Nót giới thiệu một mẫu mực cho thấy cách cá nhân có thể nhận được các phước lành của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và chia sẻ các phước lành đó với những người khác như thế nào. Trước hết, Ê Nót được giảng dạy về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Ê Nót 1:1, 3). Kế đến, ông nhận ra việc ông cần đến Đấng Cứu Rỗi và cầu nguyện để được tha thứ (xin xem Ê Nót 1:2–4). Sau đó, sau khi nhận ra sự xá miễn các tội lỗi của ông, ông đã cầu nguyện và chuyên tâm lao nhọc để mang những người khác đến sự cứu rỗi (xin xem Ê Nót 1:5–27). Mẫu mực này được thấy trong suốt Sách Mặc Môn. Các ví dụ gồm có An Ma (xin xem Mô Si A 17:1–2; 18:1–2), An Ma Con và các con trai của Mô Si A (xin xem Mô Si A 27–28), và La Mô Ni và dân ông (xin xem An Ma 18–19).
Ngoài ra, sách Ê Nót là quyển sách đầu tiên mô tả chi tiết tình trạng bội giáo của các con cháu La Man và Lê Mu Ên (xin xem Ê Nót 1:20). Sách này cũng nói rằng có ″rất nhiều vị tiên tri″ ở giữa dân Nê Phi, mặc dù đa số dân Nê Phi ″cứng cổ″ là những người phải được liên tục thức tỉnh để ″giữ cho họ luôn luôn trong sự kính sợ Chúa″ (Ê Nót 1:22–23).
Đại cương
Ê Nót 1:1–8 Ê Nót cầu nguyện để được xá miễn các tội lỗi của ông và nhận được sự tha thứ nhờ vào đức tin của ông nơi Chúa Giê Su Ky Tô.
Ê Nót 1:9–18 Ê Nót cầu nguyện cho dân Nê Phi và dân La Man và cầu xin Chúa bảo tồn các biên sử của dân Nê Phi.
Ê Nót 1:19–24 Ê Nót mô tả sự tà ác của dân La Man và bản tính cứng cổ của dân Nê Phi. Ông và các vị tiên tri khác liên tục lao nhọc vì sự cứu rỗi của họ.
Ê Nót 1:25–27 Ê Nót kết thúc biên sử của ông và viết về sự bảo đảm cuộc sống vĩnh cửu mà ông đã nhận được nhờ vào Đấng Cứu Chuộc của ông.