Thư Viện
Bài Học 159: Mô Rô Ni 10:1–7, 27–29


Bài Học 159

Mô Rô Ni 10:1–7, 27–29

Lời Giới Thiệu

Mô Rô Ni khuyên nhủ dân La Man và tất cả những người khác mà đọc chứng ngôn của ông nên cầu vấn Thượng Đế để xác nhận lẽ thật của lời ông. Ông dạy rằng Thượng Đế sẽ biểu lộ lẽ thật của Sách Mặc Môn và sự thực tế của Chúa Giê Su Ky Tô bởi quyền năng của Đức Thánh Linh. Mô Rô Ni cũng tuyên bố rằng ông sẽ gặp chúng ta trước rào phán xét của Thượng Đế, nơi mà chính Chúa sẽ xác nhận lẽ thật của những lời nói của Mô Rô Ni. (Lưu ý: Các anh chị em có thể muốn dành lại thời gian ở cuối bài học để các học sinh chia sẻ chứng ngôn của họ về Sách Mặc Môn. Để bảo đảm rằng có đủ thời gian, hãy thành tâm chọn ra những phần của bài học này mà sẽ có lợi ích nhất cho các học sinh của các anh chị em).

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Mô Rô Ni 10:1–7

Mô Rô Ni khuyên nhủ chúng ta nên có được một chứng ngôn về Sách Mặc Môn và về Chúa Giê Su Ky Tô

Trước khi lớp học bắt đầu, hãy vẽ lên trên bảng hình một vòm với một đá đỉnh vòm (các anh chị em có thể muốn tham khảo hình minh họa được sử dụng trong bài học số 4). Bắt đầu bài học bằng cách nói đến tấm hình này.

  • Mục đích của đá đỉnh vòm trong một cái vòm là gì?

  • Một đá đỉnh vòm liên quan đến Sách Mặc Môn như thế nào? (Nếu các học sinh cần được giúp trả lời câu hỏi này, thì các anh chị em có thể muốn đề nghị rằng họ đọc lời phát biểu của Tiên Tri Joseph Smith trong đoạn thứ sáu của lời giới thiệu Sách Mặc Môn).

Mời các học sinh đọc thầm đoạn cuối cùng của lời giới thiệu Sách Mặc Môn. Trước khi họ đọc, hãy yêu cầu họ tìm kiếm ba lẽ thật mà một người có thể tiến đến việc biết được bằng cách có được một chứng ngôn về Sách Mặc Môn.

  • Cũng giống như một cái vòm được gắn chặt với nhau bởi một đá đỉnh vòm, những phần nào khác của chứng ngôn chúng ta được củng cố bởi việc đạt được một chứng ngôn về Sách Mặc Môn?

  • Tại sao là điều quan trọng để mỗi cá nhân đạt được chứng ngôn của mình về Sách Mặc Môn?

Tóm tắt Mô Rô Ni 10:1–2 bằng cách giải thích rằng khoảng 1.400 năm trước khi Tiên Tri Joseph Smith nhận được các bảng khắc bằng vàng, Mô Rô Ni kết thúc biên sử của cha mình bằng cách viết lời khuyên nhủ cuối cùng của ông cho những người sẽ nhận được Sách Mặc Môn trong những ngày sau. (Có thể là điều hữu ích để giải thích rằng từ khuyên nhủ có nghĩa là khuyến khích mạnh mẽ hoặc thúc giục một người nào đó. Từ này xuất hiện tám lần trong Mô Rô Ni 10).

Giải thích rằng Mô Rô Ni khuyên nhủ tất cả mọi người nhận được Sách Mặc Môn nên tìm kiếm một chứng ngôn về lẽ thật và sự thiêng liêng của sách đó. Mời các học sinh đọc thầm Mô Rô Ni 10:3–4, tìm kiếm các cụm từ mô tả những điều kiện để có được một chứng ngôn về Sách Mặc Môn qua Đức Thánh Linh. Các anh chị em có thể muốn đề nghị họ đánh dấu những cụm từ này khi họ khám phá ra chúng. Trong khi các học sinh báo cáo các cụm từ mà họ đã nhận ra, thì hãy viết các cụm từ này lên trên bảng. Những câu trả lời của họ nên bao gồm những điều sau đây:

“Đọc được những điều này”

“Hãy nhớ Chúa đã thương xót … biết bao”

“Suy ngẫm trong lòng”

“Cầu vấn với một tấm lòng chân thành, với chủ ý thật sự cùng có đức tin nơi Đấng Ky Tô”

Để giúp các học sinh hiểu rõ hơn về điều một người nào đó phải làm để nhận được một sự làm chứng từ Đức Thánh Linh rằng Sách Mặc Môn là chân chính, hãy sử dụng những ý kiến giảng dạy sau đây để thảo luận mỗi một điều kiện mà Mô Rô Ni đã dạy.

1. “Đọc được những điều này”

Mô Rô Ni mời chúng ta hãy “đọc những điều này,” hay là đọc Sách Mặc Môn. Mời một học sinh đọc to câu chuyện sau đây do Anh Cả Tad R. Callister thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi kể về một thiếu nữ đã được hưởng lợi ích như thế nào từ việc đọc Sách Mặc Môn:

“Một bé gái 14 tuổi … nói rằng em ấy đã thảo luận về tôn giáo với một trong số những người bạn học ở trường. Bạn của em ấy nói với em ấy: “Bạn theo đạo nào?”

“Em ấy đáp: ‘Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, hay là Mặc Môn.’

“Người bạn của em ấy đáp: ‘Tôi biết Giáo Hội đó rồi, và tôi cũng biết là Giáo Hội đó không chân chính.’

“‘Em ấy hỏi: “Làm sao bạn biết được?’”

Bạn em ấy nói: “Vì tôi đã tìm tòi nghiên cứu Giáo Hội đó.”

“‘Vậy bạn đã đọc Sách Mặc Môn chưa?’

“Câu trả lời là: ‘Chưa, tôi chưa đọc sách đó.’

“Rồi bé gái tuyệt vời này đáp: ‘Vậy thì bạn chưa tìm tòi nghiên cứu về Giáo Hội của tôi đâu vì tôi đã đọc mỗi trang Sách Mặc Môn và tôi biết Giáo Hội này là chân chính’” (“Sách Mặc Môn—một Quyển Sách từ Thượng Đế,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2011, 76).

  • Tại sao việc đọc Sách Mặc Môn là bí quyết để có được một chứng ngôn về lẽ trung thực của sách?

  • Việc đọc Sách Mặc Môn trong năm nay đã củng cố chứng ngôn của các em về sách đó và về các lẽ thật mà sách đó giảng dạy như thế nào?

2. “Hãy nhớ Chúa đã thương xót … biết bao”

Mô Rô Ni dạy rằng những người đọc Sách Mặc Môn và mong muốn hiểu biết về lẽ trung thực của sách thì “hãy nhớ Chúa đã thương xót … biết bao” (Mô Rô Ni 10:3). Giải thích rằng việc nhận ra và ghi nhớ các ví dụ về lòng thương xót của Chúa có thể làm mềm lòng chúng ta và chuẩn bị cho chúng ta để cảm nhận được ảnh hưởng của Đức Thánh Linh. Một nghĩa của từ thương xót là trắc ẩn. Mời các học sinh suy ngẫm trong một lát về khi nào họ đã có được kinh nghiệm về lòng thương xót hay trắc ẩn của Chúa đối với họ hoặc nhận ra nó trong cuộc sống của một người nào đó mà họ biết.

Mời các học sinh chia sẻ những ví dụ về lòng thương xót của Chúa trong Sách Mặc Môn mà đã có ý nghĩa đối với họ.

  • Các em nghĩ việc ghi nhớ lòng thương xót của Chúa có thể giúp một người nào đó tiếp nhận Đức Thánh Linh và nhận được một chứng ngôn về Sách Mặc Môn như thế nào?

  • Các em đã thấy được bằng chứng nào về lòng thương xót của Chúa trong cuộc sống của mình?

  • Các em có những cảm nghĩ nào khi ghi nhớ lòng thương xót của Chúa trong cuộc sống của mình?

3. “Suy ngẫm trong lòng [về lòng thương xót của Chúa]”

Mô Rô Ni dạy rằng chúng ta cần phải suy ngẫm trong lòng về lòng thương xót của Chúa. Giải thích rằng việc suy ngẫm về những cách Chúa đã thương xót những người khác và chúng ta sẽ chuẩn bị cho chúng ta để nhận được ảnh hưởng của Đức Thánh Linh. Để giúp các học sinh hiểu được cách để được như vậy, hãy mời một học sinh đọc lời giải thích sau đây của Anh Cả Marvin J. Ashton thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

Anh Cả Marvin J. Ashton

“Tự điển nói rằng suy ngẫm có nghĩa là cân nhắc trong đầu, suy nghĩ sâu xa, suy xét kỹ càng, ngẫm nghĩ, trù tính. …

“Bằng cách suy ngẫm, chúng ta cho Thánh Linh một cơ hội để gây ấn tượng và hướng dẫn. Suy ngẫm là một liên kết mạnh mẽ giữa tâm hồn và tâm trí. Khi chúng ta đọc thánh thư, tâm hồn và tâm trí của chúng ta được ảnh hưởng. Nếu sử dụng ân tứ để suy ngẫm, chúng ta có thể lấy được các lẽ thật vĩnh cửu và nhận biết cách chúng ta có thể kết hợp chúng thành hành động hàng ngày của mình. …

“Suy ngẫm là một sự theo đuổi không ngừng của trí tuệ. Đó là một ân tứ tuyệt vời cho những người đã học được cách sử dụng nó. Chúng ta tìm thấy sự hiểu biết, nhận thức, và áp dụng thực tiễn nếu chúng ta chịu sử dụng ân tứ về sự suy ngẫm” (“There Are Many Gifts,” Ensign, tháng Mười Một năm 1987, 20).

  • Trong khi các em học Sách Mặc Môn, khi nào việc suy ngẫm đã giúp các em cảm nhận được ảnh hưởng của Đức Thánh Linh?

  • Chúng ta có thể làm gì để suy ngẫm một cách kiên định hơn khi học thánh thư?

4. “Cầu vấn với một tấm lòng chân thành, với chủ ý thật sự cùng có đức tin nơi [Chúa Giê Su] Ky Tô”

Mô Rô Ni dạy rằng nếu chúng ta muốn nhận được một sự làm chứng về lẽ trung thực của Sách Mặc Môn, thì chúng ta phải cầu vấn Thượng Đế “với một tấm lòng chân thành, với chủ ý thật sự cùng có đức tin nơi [Chúa Giê Su] Ky Tô.” Giải thích rằng việc cầu nguyện chân thành và với chủ ý thật sự có nghĩa rằng chúng ta “có ý định hành động theo sự đáp ứng [chúng ta] nhận được từ Thượng Đế” (Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Công Việc Phục Vụ Truyền Giáo [2004], 111). Hãy cân nhắc việc chia sẻ câu chuyện sau đây, trong đó một người đã cầu nguyện với chủ ý thực sự để có được một sự làm chứng về lẽ trung thực của Sách Mặc Môn:

“Thỉnh thoảng, tôi cầu nguyện để biết điều gì là đúng, nhưng điều đó là một ý nghĩ thoáng qua nhiều hơn là một câu hỏi chân thành. Rồi một buổi tối nọ, tôi đã quyết định phải cầu nguyện với ‘chủ ý thật sự.’

“Tôi thưa với Cha Thiên Thượng rằng tôi muốn biết Ngài và làm một phần tử của Giáo Hội chân chính của Ngài. Tôi hứa: ‘Nếu Ngài chịu để cho con biết Joseph Smith có phải là một vị tiên tri thật sự và Sách Mặc Môn có chân chính không, thì con sẽ làm bất cứ điều gì Ngài muốn con làm. Nếu Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là Giáo Hội chân chính thì con sẽ đi theo và không bao giờ từ bỏ Giáo Hội đó.’

“Tôi không nhận được một sự biểu hiện ngoạn mục nào nhưng tôi cảm thấy bình an và đi ngủ. Vài giờ sau, tôi thức giấc với một ý nghĩ rõ ràng: ‘Joseph Smith là vị tiên tri chân chính, và Sách Mặc Môn là chân chính.’ Ý nghĩ đó được kèm theo với cảm giác bình an không thể tả được. Tôi ngủ thiếp đi một lần nữa, rồi thức giấc sau đó với cùng một ý nghĩ và cảm nghĩ giống y như trước.

“Kể từ lúc đó, tôi không bao giờ nghi ngờ về việc Joseph Smith là vị tiên tri chân chính nữa. Tôi biết rằng đây là công việc của Đấng Cứu Rỗi và Cha Thiên Thượng sẽ đáp ứng những lời cầu xin chân thành của chúng ta” (Rodolfo Armando Pérez Bonilla, “Làm Thế Nào Tôi Biết Được,” Ensign, tháng Mười năm 2011, 64).

Mời các học sinh tra cứu Mô Rô Ni 10:4 và nhận ra điều Thượng Đế sẽ làm cho những người tuân theo tiến trình mà Mô Rô Ni đã vạch ra.

  • Mô Rô Ni đã hứa điều gì với những người tìm kiếm một chứng ngôn về Sách Mặc Môn theo cách mà ông đã quy định?

  • Trong những cách nào Đức Thánh Linh có thể làm chứng cho chúng ta biết về lẽ trung thực của Sách Mặc Môn? (Hãy chắc chắn rằng các học sinh hiểu là hầu hết sự mặc khải không đến bằng một cách ngoạn mục. Trong khi một số người có thể có đầy dẫy những kinh nghiệm thuộc linh, nhưng hầu hết sẽ có được kinh nghiệm về một điều gì đó yên tĩnh và tinh vi, như một cảm nghĩ ấm áp, bình yên hoặc một sự bảo đảm. Các anh chị em cũng có thể muốn giải thích rằng khi chúng ta học thánh thư, thì Thánh Linh có thể làm chứng về lẽ thật của điều chúng ta đang đọc. Sau đó, khi chúng ta cầu vấn một cách cụ thể để biết được lẽ thật của Sách Mặc Môn, thì Thánh Linh sẽ xác nhận sự làm chứng mà chúng ta đã nhận được rồi).

Mời một học sinh đọc to Mô Rô Ni 10:5–7. Yêu cầu lớp học dò theo và nhận ra Mô Rô Ni đã hứa điều gì khác mà chúng ta có thể biết được qua Đức Thánh Linh. Hãy nêu lên rằng Mô Rô Ni 10:4–5 là một đoạn thánh thư thông thạo. Các anh chị em có thể muốn khuyến khích các học sinh đánh dấu đoạn này một cách đặc biệt để họ sẽ có thể dễ dàng tìm ra đoạn đó.

  • Chúng ta có thể học được điều gì từ Mô Rô Ni 10:3–7? (Các học sinh có thể sử dụng các từ khác nhau, nhưng họ cần phải nhận ra nguyên tắc sau đây: Nếu cầu vấn Thượng Đế trong đức tin và với chủ ý thực sự thì chúng ta có thể nhận được một chứng ngôn về Sách Mặc Môn và về Chúa Giê Su Ky Tô qua Đức Thánh Linh).

Mời các học sinh viết trong sổ tay hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư một mục tiêu liên quan đến điều họ sẽ làm để nhận được hoặc củng cố chứng ngôn của họ về Sách Mặc Môn. Khuyến khích họ áp dụng nguyên tắc đã được Mô Rô Ni 10:4 dạy.

Mô Rô Ni 10:27–29

Mô Rô Ni làm chứng rằng ông sẽ gặp chúng ta tại rào phán xét của Thượng Đế

Mời một học sinh đọc to Mô Rô Ni 10:27–29. Yêu cầu lớp học suy nghĩ về cách họ có thể trả lời câu hỏi được tìm thấy trong Mô Rô Ni 10:27. Làm chứng rằng những người đã nhận được Sách Mặc Môn sẽ chịu trách nhiệm trước Thượng Đế về cách đáp ứng với sách này.

Cho phép có đủ giờ ở cuối của bài học này để mời các học sinh chia sẻ chứng ngôn của họ về Sách Mặc Môn. Hãy cân nhắc việc các anh chị em làm chứng về Sách Mặc Môn. Bảo đảm với các học sinh rằng khi họ tiếp tục học Sách Mặc Môn trong suốt cuộc đời của họ, đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài sẽ phát triển.

biểu tượng thông thạo thánh thưThông Thạo Thánh Thư—Mô Rô Ni 10:4–5

Các học sinh nào thuộc lòng Mô Rô Ni 10:4–5 sẽ được sẵn sàng hơn để chia sẻ sứ điệp của Sách Mặc Môn với những người khác. Hãy viết đoạn này lên trên bảng và yêu cầu các học sinh cùng nhau đọc to lên. Xoá bỏ sáu từ, và sau đó yêu cầu lớp học đọc đoạn này một lần nữa, điền vào các từ còn thiếu khi họ đọc. Tiếp tục tiến trình này cho đến khi hầu hết hoặc tất cả đoạn này được xoá bỏ hoàn toàn.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

Mô Rô Ni 10:3. “Suy ngẫm trong lòng”

Khi đề cập tới Mô Rô Ni 10:3, Anh Cả Gene R. Cook giải thích:

“Bốn từ cuối của câu này đưa ra một lời khuyên quan trọng— ‘suy ngẫm trong lòng.’ Tiền đề của ‘điều gì’—tức là điều chúng ta phải suy ngẫm trong lòng là gì? Đó là: ‘Chúa đã thương xót con cái loài người biết bao, kể từ lúc sáng tạo ra A Đam cho đến khi các người nhận được những điều này.’ Chúng ta cần phải ghi nhớ Cha Thiên Thượng đã nhân từ, lo xa, tốt lành, luôn tha thứ biết bao đối với chúng ta” (“Moroni’s Promise,” Ensign, tháng Tư năm 1994, 12).

Lời khuyên này ở gần cuối Sách Mặc Môn về việc phải ghi nhớ và suy ngẫm về lòng thương xót của Chúa là một kết thúc thích hợp cho lời tuyên bố của Nê Phi rằng “tôi, Nê Phi, sẽ cho các người thấy rằng, tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa được dành cho tất cả những người được Ngài chọn lựa” (1 Nê Phi 1:20).

Ngoài việc suy ngẫm về bản tính thương xót của Chúa ra, những người đọc Sách Mặc Môn còn nên suy ngẫm về các lẽ thật vĩnh cửu mà họ khám phá ra ở bên trong các trang sách này (xin xem lời giới thiệu Sách Mặc Môn).

Mô Rô Ni 10:4. Đức Thánh Linh sẽ mặc khải lẽ thật của Sách Mặc Môn cho những người cầu vấn Thượng Đế trong đức tin với “chủ ý thật sự”

Anh Cả Dallin H. Oaks thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã bình luận về lời khuyên nhủ của Mô Rô Ni là chúng ta cầu vấn Thượng Đế với “chủ ý thực sự” về lẽ thật của Sách Mặc Môn:

“Mô Rô Ni đã không hứa về một biểu hiện của Đức Thánh Linh với những người cố gắng để biết về lẽ thật của Sách Mặc Môn cho các lý do giả thuyết hoặc học tập, ngay cả khi họ ‘cầu vấn với một tấm lòng chân thành.’ Lời hứa của Mô Rô Ni là dành cho những người cam kết trong lòng họ để hành động theo sự biểu hiện nếu nhận được. Những lời cầu nguyện dựa trên bất cứ lý do nào khác cũng không có lời hứa vì những lời cầu nguyện đó không được dâng lên ‘với chủ ý thực sự’” (Pure in Heart [1988], 19–20).

Mô Rô Ni 10:27–29. Sự cứu rỗi của chúng ta tùy thuộc vào cách chúng ta nhận được Sách Mặc Môn

Chủ Tịch Ezra Taft Benson đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Sách Mặc Môn khi ông đưa ra lời khuyên nhủ sau đây cho tất cả các tín hữu của Giáo Hội:

“Thưa các anh chị em, tôi hết lòng khẩn nài các anh chị em hãy hết sức nghiêm chỉnh cân nhắc về tầm quan trọng của Sách Mặc Môn đối với riêng cá nhân mình và đối với toàn thể Giáo Hội.

“Cách đây hơn 10 năm, tôi đã đưa ra lời phát biểu sau đây về Sách Mặc Môn: …

“‘Mỗi Thánh Hữu Ngày Sau cần phải đặt việc học Sách Mặc Môn làm một sự đeo đuổi suốt đời. Nếu không thì người ấy đặt linh hồn mình vào cảnh hiểm nguy cũng như xao lãng điều có thể mang đến sự kết hợp tinh thần và trí tuệ với suốt cuộc sống của người ấy. Một người cải đạo xây nhà trên đá Ky Tô qua Sách Mặc Môn và bám chặt thanh sắt đó thì khác với một người không làm như vậy’ (Ensign, tháng Năm năm 1975, trang 65).

“Ngày hôm nay tôi khẳng định lại những lời đó với các anh chị em. Chúng ta đừng tiếp tục ở trong cảnh bị kết tội với tai họa và sự đoán phạt của nó, bằng cách xem nhẹ ân tứ vĩ đại và kỳ diệu mà Chúa đã ban cho chúng ta. [Xin xem GLGƯ 84:54-58.] Thay vì thế, chúng ta hãy đạt được những lời hứa kết hợp với việc trân quý ân tứ đó trong lòng chúng ta” (“The Book of Mormon—Keystone of Our Religion,” Ensign, tháng Mười Một năm 1986, 7).