Thư Viện
Bài Học 96: An Ma 39


Bài Học 96

An Ma 39

Lời Giới Thiệu

An Ma đã khiển trách con trai Cô Ri An Tôn ương ngạnh của mình là người đã từ bỏ giáo vụ và phạm tội tình dục. An Ma đã dạy ông mức độ nghiêm trọng của hành động của ông và bày tỏ nỗi thất vọng rằng Cô Ri An Tôn đã phạm một tội nghiêm trọng như vậy. An Ma ra lệnh cho con trai của ông phải ngừng theo đuổi những thèm khát của đôi mắt mình và phải hối cải. (Lời khuyên dạy của An Ma cho Cô Ri An Tôn về các vấn đề khác tiếp tục trong các chương 40–42).

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

An Ma 39:1–8

An Ma giải thích cho con trai Cô Ri An Tôn của ông về sự nghiêm trọng của tội tình dục

Viết câu hỏi sau đây lên trên bảng: Tại sao một số tội lỗi lại nghiêm trọng hơn các tội lỗi khác?

Mời học sinh im lặng cân nhắc các câu trả lời cho câu hỏi này. Đề nghị rằng lời khuyên dạy của An Ma được ghi lại trong An Ma 39 có thể giúp chúng ta hiểu được tính chất nghiêm trọng của các tội lỗi nào đó.

Mời học sinh nhìn vào phần ghi chú ở ngay trên phần tiêu đề của chương 39. Yêu cầu họ nhận ra ai đang nói chuyện trong chương này và đang nói chuyện với người nào (An Ma đang nói chuyện với con trai Cô Ri An Tôn của ông). Giải thích rằng Cô Ri An Tôn đã đi cùng với anh trai Síp Lân của mình và An Ma để thuyết giảng phúc âm ở giữa dân Giô Ram, nhưng ông đã sa vào tội lỗi. Hãy nêu ra rằng việc hiểu điều Cô Ri An Tôn đã làm sai sẽ giúp học sinh hiểu rõ hơn lời khuyên dạy của An Ma của cho ông trong chương này và ba chương kế tiếp.

Mời một học sinh đọc to An Ma 39:1–5. Yêu cầu lớp học tìm kiếm xem Cô Ri An Tôn đã làm điều gì sai. (Các em có thể cần phải giải thích rằng từ gái điếm trong câu 3 ám chỉ một người phụ nữ vô đạo đức hoặc gái mại dâm).

  • Cô Ri An Tôn đã làm điều gì sai? Những tội lỗi nào của ông là nghiêm trọng nhất? (Sự vô luân về mặt tình dục).

  • Cô Ri An Tôn đã khoe khoang về sức mạnh và sự khôn ngoan của ông ở giữa những người dân Giô Ram (xin xem An Ma 39:2). Về những phương diện nào một thái độ kiêu ngạo có thể dẫn đến các tội lỗi nghiêm trọng chẳng hạn như sự vô luân về mặt tình dục? Một số ví dụ hiện đại của thái độ kiêu ngạo dẫn dắt người ta đến việc phạm tội tình dục là gì? (Khi học sinh thảo luận các câu hỏi này, hãy nêu ra rằng khi người ta khoe khoang, thì họ thường đánh giá quá cao sức mạnh của mình, kể cả khả năng của họ để chống lại sự cám dỗ. Một số ví dụ hiện đại về điều này là hẹn hò quá sớm và hẹn hò chỉ với một người).

Yêu cầu học sinh im lặng đọc An Ma 39:5 cùng tìm kiếm xem An Ma đã giải thích như thế nào về mức độ nghiêm trọng của tội tình dục. (Có thể là hữu ích để giải thích rằng từ khả ố ám chỉ một điều gì đó là tội lỗi, tà ác, hoặc khủng khiếp).

  • Chúa cảm thấy như thế nào về tội lỗi tình dục? (Khi học sinh trả lời, hãy giúp họ nhận ra lẽ thật rằng tội tình dục là một điều khả ố trước mắt của Chúa).

  • Các em nghĩ tại sao tội gian dâm và ngoại tình được đặt cạnh tội giết người theo mức độ nghiêm trọng?

Để giúp học sinh hiểu được các tiêu chuẩn và những lời hứa của Chúa liên quan đến sự trong sạch về mặt tình dục, hãy mời họ đọc thầm hai đoạn văn đầu tiên của phần có tiêu đề “Sự Trong Sạch về Mặt Tình Dục” trong sách Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ. Yêu cầu họ tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi sau đây khi đọc. (Các anh chị em có thể muốn viết câu hỏi này lên trên bảng). Các anh chị em có thể muốn đề nghị rằng học sinh tô đậm trong tập sách nhỏ các câu trả lời họ tìm thấy).

  • Việc luôn luôn trong sạch về mặt tình dục mang lại những lời ích nào?

Sau khi học sinh đã có thời gian để đọc và báo cáo các câu trả lời họ đã tìm thấy, hãy yêu cầu họ im lặng đọc phần còn lại của phần “Sự Trong Sạch về Mặt Tình Dục” cùng tìm kiếm các câu trả lời cho câu hỏi sau đây:

  • Chúa đã đặt ra các tiêu chuẩn nào cho chúng ta để vẫn luôn được trong sạch về mặt tình dục?

Mời học sinh suy ngẫm sứ điệp nào họ cảm thấy Chúa sẽ muốn họ học hỏi từ điều họ vừa đọc. Làm chứng về mức độ nghiêm trọng của tội lỗi tình dục và về các phước lành đến từ việc trở nên trong sạch về mặt tình dục.

Hãy nêu ra rằng bằng cách khuyên dạy con trai của mình về một vấn đề nhạy cảm, An Ma đã làm tròn bổn phận của mình với tư cách là một người cha. Yêu cầu học sinh cân nhắc cách họ có thể đáp ứng với lời khuyên dạy từ cha mẹ hoặc những người lãnh đạo Giáo Hội của họ liên quan đến sự trong sạch về mặt tình dục. Mời họ im lặng đọc An Ma 39:7–8 cùng tìm kiếm mục đích của An Ma trong việc giảng dạy Cô Ri An Tôn về mức độ nghiêm trọng của tội lỗi tình dục.

  • Lý do của An Ma để giảng dạy Cô Ri An Tôn về mức độ nghiêm trọng của tội lỗi của ông là gì? (Để giúp Cô Ri An Tôn hối cải để ông sẽ không phải bị kết tội trước mặt Thượng Đế).

  • Chúng ta nên trả lời như thế nào khi một người nào đó mời chúng ta hối cải?

Để giúp học sinh hiểu được lý do tại sao cha mẹ, như An Ma, sẽ mời con cái họ hối cải, hãy đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

Anh Cả  D. Todd Christofferson

“Lời mời để hối cải là một cách biểu lộ tình yêu thương. … Nếu chúng ta không mời những người khác thay đổi hoặc không tự đòi hỏi mình phải hối cải, thì chúng ta không làm tròn bổn phận cơ bản đối với nhau và đối với bản thân mình. Một người cha hay mẹ để cho con cái mình phạm tội, một người bạn quá khoan dung đối với lỗi lầm của bạn mình, một vị lãnh đạo Giáo Hội thường sợ sệt đều thật sự quan tâm đến bản thân họ hơn là sự an lạc và hạnh phúc của những người mình có thể giúp đỡ. Vâng, đôi khi sự kêu gọi hối cải được xem như là cố chấp hay xúc phạm, và thậm chí căm ghét, nhưng khi được Thánh Linh hướng dẫn, thì trên thực tế đó là một hành động quan tâm thật lòng” (“Ân Tứ Thiêng Liêng về Sự Hối Cải,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2011, 39).

An Ma 39:9–19

An Ma khuyến khích Cô Ri An Tôn nên hối cải

Để giới thiệu lời khuyên dạy An Ma đã đưa ra cho con trai của ông về cách hối cải và tìm đến Chúa, hãy viết câu sau đây lên trên bảng: Sự hối cải gồm có …

Mời một vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ An Ma 39:9–13. Tạm ngừng lại giữa mỗi câu để hỏi học sinh các câu hỏi sau đây:

An Ma 39:9

  • “Từ bỏ các tội lỗi của mình” có nghĩa là gì? (Ngừng phạm tội).

  • Các cụm từ “chớ đi theo sự thèm khát của mắt mình nữa” và “tránh xa những điều này” có liên quan gì đến việc từ bỏ tội lỗi? (Có thể là điều hữu ích để giải thích rằng trong thời kỳ của chúng ta cụm từ “đi theo sự thèm khát của mắt mình” có thể ám chỉ những hình ảnh và thú giải trí khiêu dâm trong bất cứ phương diện nào. Để nhấn mạnh đến mối nguy hiểm của hình ảnh sách báo khiêu dâm, hãy cân nhắc việc yêu cầu học sinh đọc lời khuyên dạy về vấn đề này ở trang 12 của sách Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ. Các anh chị em cũng có thể giải thích rằng cụm từ “tránh xa” có nghĩa là thực hành sự tự kiềm chế hay tự chủ; xin xem cước chú 9b).

  • Một số cách nào Các Thánh Hữu Ngày Sau trẻ tuổi có thể thực hành tính tự chủ trong các vấn đề về sự trong sạch về mặt tình dục và tránh đi theo sự thèm khát của mắt mình? (Để giúp học sinh thảo luận câu hỏi này một cách chi tiết hơn, các anh chị em có thể muốn mô tả một số tình huống có liên quan đến văn hóa và hoàn cảnh của các học sinh của mình. Ví dụ, các anh chị em có thể nói một điều gì đó như sau: Một thiếu nữ Thánh Hữu Ngày Sau đã quyết định “tránh xa,” nhưng sau đó một thanh niên mà em ấy ngưỡng mộ mời em ấy đến dự một buổi tiệc liên hoan không thích hợp. Em ấy nên trả lời như thế nào?)

Hãy nêu ra rằng An Ma 39:9 là một đoạn thánh thư thông thạo. Các anh chị em có thể muốn đề nghị học sinh tô đậm đoạn này trong quyển thánh thư của họ để họ sẽ có thể tìm ra đoạn đó dễ dàng.

An Ma 39:10

  • Về những phương diện nào việc tìm cách nuôi dưỡng phần thuộc linh—có thể từ cha mẹ, các vị lãnh đạo Giáo Hội, các anh chị em ruột, hoặc bạn bè tin cậy được—có thể giúp chúng ta hối cải?

An Ma 39:11

  • “Chớ để cho bị lôi cuốn” có nghĩa là gì? (Các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng từ để cho có nghĩa là cho phép).

  • Các em nhìn thấy người khác bị lôi cuốn bởi một số điều “vô bổ và điên rồ” nào ngày nay?

An Ma 39:12

  • Dằn lại những điều bất chính có nghĩa là gì? (Tránh phạm tội).

An Ma 39:13

Giải thích rằng hối cải có nghĩa là “hướng tấm lòng và ý muốn về Thượng Đế” (xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Hối Cải”). Trong thánh thư, cụm từ “hướng tới Chúa” thường có nghĩa là sự hối cải.

  • Các em nghĩ “quay về với Chúa với tất cả tâm trí, năng lực, và sức mạnh của mình” có nghĩa là gì?

Nhắc nhở học sinh rằng trong lúc truyền giáo cho dân Giô Ram, cách cư xử của Cô Ri An Tôn đã khiến cho một số người không tin vào lời nói của An Ma (xin xem An Ma 39:11).

  • Khi tội lỗi của chúng ta ảnh hưởng đến những người khác, thì để hối cải, chúng ta phải làm gì? (Thừa nhận hoặc thú nhận những lỗi lầm của chúng ta với những người chúng ta đã làm tổn thương và tìm cách sửa chỉnh sự tổn thương đó).

Viết lẽ thật sau đây lên trên bảng: Sự hối cải gồm có việc thừa nhận và từ bỏ tội lỗi và quay về với Chúa với tất cả tâm trí, năng lực và sức mạnh của chúng ta. Các anh chị em có thể muốn để nghị học sinh viết lời phát biểu này trong quyển thánh thư của họ gần bên An Ma 39:13. Mời học sinh viết trong sổ tay ghi chép hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư về điều họ cảm thấy Chúa muốn họ phải làm để hướng tấm lòng và ý muốn của họ tới Ngài một cách trọn vẹn hơn.

Để nhấn mạnh vai trò của Đấng Cứu Rỗi trong tiến trình hối cải, hãy yêu cầu một học sinh đọc to An Ma 39:15–16, 19. Yêu cầu lớp học tìm kiếm một cụm từ được lặp đi lặp lại ba lần trong các câu này. (Cụm từ này là “tin lành,” mà các anh chị em có thể muốn giải thích rằng có nghĩa là “tin vui.”)

  • An Ma đã dạy “tin mừng” nào cho con trai của mình? (Trong số các câu trả lời học sinh đưa ra nên là lẽ thật rằng Chúa Giê Su Ky Tô đến để cất đi tội lỗi của thế gian. Các anh chị em có thể muốn viết lẽ thật này lên trên bảng).

  • Tại sao sự giáng lâm của Chúa Giê Su Ky Tô là tin mừng cho Cô Ri An Tôn? (Khi học sinh trả lời câu hỏi này, các anh chị em có thể muốn cho họ biết rằng về sau Cô Ri An Tôn hối cải tội lỗi của mình và trở lại làm một người truyền giáo [xin xem An Ma 49:30].)

Hãy cân nhắc việc chia sẻ với lớp học về việc làm thế nào sứ điệp về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô đã là “tin lành” cho các anh chị em hoặc những người mà các anh chị em quen biết. Thêm chứng ngôn của các anh chị em về các nguyên tắc mà lớp học đã thảo luận từ An Ma 39. Khuyến khích học sinh tuân theo những thúc giục mà họ có thể đã nhận được trong lúc học bài học này để bảo vệ sự trong sạch của họ và hướng tới Chúa qua sự hối cải.

biểu tượng thông thạo thánh thưThông Thạo Thánh Thư—An Ma 39:9

Chia lớp học ra thành các nhóm bốn hoặc năm người. Đưa cho mỗi nhóm một con xúc xắc có sáu mặt và một cây bút chì. (Nếu không có sẵn con xúc xắc, hãy cân nhắc việc thích ứng sinh hoạt này bằng cách đặt sáu mảnh giấy nhỏ vào một phong bì hoặc vật chứa khác, mỗi mảnh giấy có ghi trên đó một con số từ 1 đến 6. Mỗi học sinh cũng sẽ cần một tờ giấy trắng. Yêu cầu mỗi nhóm học sinh ngồi gần lại xung quanh một cái bàn hoặc trong một vòng tròn. Mời họ mở quyển thánh thư của họ tới An Ma 39:9.

Giải thích rằng mục đích của sinh hoạt này là để người đầu tiên trong nhóm viết ra cả câu An Ma 39:9. Tuy nhiên, vì chỉ có một cây bút chì cho mỗi nhóm, nên một lần chỉ có một người trong nhóm có thể viết mà thôi. Một người hội đủ điều kiện để sử dụng bút chì bằng cách lăn con xúc xắc ra số 1.

Yêu cầu những người trong mỗi nhóm thay phiên nhau lăn con xúc xắc (hoặc lấy một tờ giấy và sau đó trả tờ giấy lại). Khi một người lăn (hoặc chọn) ra con số 1 thì người ấy lấy cây bút chì và bắt đầu viết, nói to lên mỗi từ trong khi viết. Trong khi đó, những người khác trong nhóm thay phiên nhau lăn con xúc xắc để hội đủ điều kiện được sử dụng cây bút chì. Khi một học sinh khác trong nhóm lăm ra con số 1, thì em đó lấy bút chì từ người viết trước đó và bắt đầu viết câu thánh thư lên trên tờ giấy của mình trong khi nói to lên những từ đó. Người viết trước đó cùng với phần còn lại của nhóm vẫn lăn con xúc xắc. Khi học sinh hội đủ điều kiện có được cây bút chì và đã viết một phần của câu thánh thư trên tờ giấy của họ rồi thì họ phải đọc to phần mà họ đã viết trước khi viết thêm những lời của câu thánh thư. (Việc này bắt phải lặp đi lặp lại mà sẽ giúp học sinh thuộc lòng câu thánh thư). Sinh hoạt này kết thúc khi một học sinh từ mỗi nhóm viết cả câu An Ma 39:9 .

Yêu cầu lớp học cùng nhau lặp lại câu thánh thư sau cuộc sinh hoạt.

Ghi Chú: Vì tính chất và thời gian của bài học ngày hôm nay, các anh chị em có thể muốn sử dụng sinh hoạt này vào một ngày khác, khi các anh chị em có nhiều thời gian hơn.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

An Ma 39:3. Hậu quả của tội lỗi tình dục

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói về mức độ nghiêm trọng và hậu quả của tội lỗi tình dục:

“Bằng cách ấn định mức độ nghiêm trọng như vậy cho một sự thèm khát xác thịt đã được ban cho tất cả mọi người, Thuợng Đế đang cố gắng phán bảo điều gì với chúng ta về vị trí của điều này trong kế hoạch của Ngài dành cho tất cả những người đàn ông và phụ nữ? Tôi xin trân trọng trình bày với các anh chị em là Ngài đang làm đúng như vậy—dẫn giải về chính kế hoạch của cuộc sống. Rõ ràng trong số các mối quan tâm lớn nhất của Ngài về cuộc sống hữu diệt là việc một người đi vào thế gian này như thế nào và một người ra khỏi thế gian này như thế nào. Ngài đã quy định những giới hạn rất nghiêm ngặt trong những vấn đề này.

Thân thể là một phần thiết yếu của linh hồn. Giáo lý đặc biệt và rất quan trọng này của Thánh Hữu Ngày Sau nhấn mạnh lý do tại sao tội lỗi tình dục là rất nghiêm trọng. Chúng ta tuyên bố rằng người nào sử dụng thân thể mà Thượng Đế ban cho người khác mà không có sự chấp thuận của Ngài thì lạm dụng chính linh hồn của cá nhân đó, lạm dụng mục đích chính yếu và tiến trình của sự sống, ‘rất thiết yếu’ cho sự sống, như Chủ Tịch Boyd K. Packer đã từng gọi như vậy [xin xem Ensign, tháng Bảy năm 1972, 113]. Khi lạm dụng thân thể của một người khác—có nghĩa là lạm dụng linh hồn của người đó—thì một người làm mất tính thiêng liêng của Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô mà đã cứu rỗi linh hồn đó và làm cho ân tứ của cuộc sống vĩnh cửu có thể đạt được. Và khi một người chế nhạo Vị Nam Tử Ngay Chính, thì người đó bước vào một vinh quang nóng rực và thiêng liêng hơn ánh mặt trời vào lúc giữa trưa. Các anh chị em không thể làm như vậy mà không bị tổn thương.

“Xin đừng bao giờ nói: ‘Điều đó làm tổn thương ai? Tại sao tôi không có một chút tự do chứ? Tôi có thể phạm tội bây giờ và hối cải sau này.’ Xin đừng rồ dại và tàn nhẫn như vậy. Các anh chị em không thể không bị trừng phạt ‘đóng đinh Đấng Ky Tô lại lần nữa.’ [Xin xem Hê Bơ Rơ 6:6.] ‘Hãy tránh sự dâm dục,’ Phao Lô kêu lên [xin xem 1 Cô Rinh Tô 6:18], và tránh ‘làm bất cứ điều gì tương tự điều này,’ sách Giáo Lý và Giao Ước thêm vào [xin xem GLGƯ 59:6; sự nhấn mạnh được thêm vào]. Tại sao? Vâng, một lý do là vì nỗi đau đớn khôn lường trong thể xác lẫn tinh thần mà Đấng Cứu Rỗi của thế gian đã chịu đựng để chúng ta có thể trốn thoát được [đặc biệt hãy xem GLGƯ 19:15–20]. Chúng ta nợ Ngài một cái gì đó về điều đó. Thật vậy, chúng ta nợ Ngài tất cả mọi thứ về điều đó. Phao Lô nói, ‘Anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao. ‘Vì chưng anh em [đã được] chuộc bằng giá cao rồi: vậy hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời.’ [1 Cô Rinh Tô 6:19–20; sự nhấn mạnh được thêm vào; xin xem thêm các câu 13–18.] Trong tội lỗi tình dục linh hồn đang bị lâm nguy—thể xác và tinh thần. …

Trong vấn đề gần gũi xác thịt, các anh chị em phải chờ! Các anh chị em phải đợi cho đến khi mình có thể cho đi tất cả mọi thứ, và các anh chị em không thể cho đi tất cả mọi thứ cho đến khi các anh chị em kết hôn một cách hợp thức và hợp pháp. Việc cho đi một cách bất hợp pháp điều mà không thuộc vào các anh chị em để cho (nhớ câu ‘anh em chẳng phải thuộc về chính mình’ chứ?) và việc chỉ cho đi một phần của con người mình mà không thể kèm theo sự cho đi cả con người của mình chính là một sự mạo hiểm hủy diệt tình cảm. Nếu kiên trì theo đuổi sự hài lòng về vật chất mà không có sự chấp nhận của thiên thượng, thì các anh chị em có nguy cơ khủng khiếp về sự tổn hại tinh thần, tâm lý đến mức các anh chị em có thể làm suy yếu cả nỗi khao khát để được gần gũi xác thịt lẫn khả năng của các anh chị em để hết lòng dâng hiến cho một tình yêu đích thực hơn về sau. Các anh chị em có thể đi đến giây phút thật sự hơn của tình yêu đã được quy định, của sự kết hợp thật sự, chỉ để kinh hoàng khám phá ra rằng mình nên gìn giữ điều mà mình đã đánh mất, và rằng chỉ có ân điển của Thượng Đế mới có thể dần dần phục hồi được đức hạnh mà các anh chị em đã tùy tiện cho đi. Vào ngày cưới của các anh chị em, món quà quý giá nhất các anh chị em có thể tặng cho người bạn đời vĩnh cửu của mình là con người tốt nhất của mình—trong sạch, thanh khiết và xứng đáng với sự thanh khiết được đền đáp lại ” (“Personal Purity,” Ensign, tháng Mười Một năm 1998, 76–77).

An Ma 39:6. Tội lỗi không thể nào tha thứ được là gì?

Tiên Tri Joseph Smith đã đưa ra thêm sự hiểu biết về tội lỗi không thể nào tha thứ được:

“Tất cả những tội lỗi sẽ được tha thứ, ngoại trừ tội lỗi chống lại Đức Thánh Linh; Chúa Giê Su sẽ cứu tất cả mọi người ngoại trừ những đứa con trai diệt vong. Một người phải làm gì để phạm tội không thể nào tha thứ được? Người ấy cần phải nhận được Đức Thánh Linh, có được các tầng trời mở rộng cho mình, và biết Thượng Đế, nhưng rồi phạm tội chống lại Ngài. Sau khi một người đã phạm tội chống lại Đức Thánh Linh, thì không có sự hối cải cho người ấy nữa. Người ấy đã nói rằng mặt trời không còn chiếu sáng nữa trong khi người ấy vẫn còn nhìn thấy mặt trời; người ấy đã chối bỏ Chúa Giê Su Ky Tô khi các tầng trời mở rộng cho người ấy, và chối bỏ kế hoạch cứu rỗi với đôi mắt mở ra nhìn thấy lẽ thật của kế hoạch đó; và từ lúc đó trở đi, người ấy trở thành một kẻ thù” (Teachings of the Prophet Joseph Smith, do Joseph Fielding Smith tuyển chọn [1976], 358). Đây là trường hợp xảy đến với nhiều người bội giáo của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô” (trong History of the Church,, 6:314).

Một người nhận được một sự làm chứng của Đức Thánh Linh và sau đó sa ngã hoặc trở nên kém tích cực trong Giáo Hội thì không phạm tội không thể nào tha thứ được.

An Ma 39:13. Sự hối cải: “quay về với Thượng Đế”

Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã mô tả sự hối cải là việc quay về hoặc trở lại với Thượng Đế:

“Khi phạm tội, chúng ta lánh xa Thượng Đế. Khi hối cải, chúng ta quay về với Thượng Đế.

“Lời mời gọi hối cải hiếm khi là khiển trách, mà thay vì thế là một lời khẩn khoản âu yếm để quay lại và trở về với Thượng Đế” (“Hối Cải … Để Ta Có Thể Chữa Lành cho Các Ngươi,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2009, 40).

An Ma 39:15. Chúa Giê Su Ky Tô sẽ đến để cất bỏ tội lỗi của thế gian

Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích cách chúng ta có quyền nhận được các phước lành của Sự Chuộc Tội:

“Chỉ có sự hối cải mới dẫn đến một cuộc sống tốt hơn. Và, dĩ nhiên, chỉ qua sự hối cải, chúng ta mới nhận được ân điển chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô và sự cứu rỗi. Sự hối cải là một ân tứ thiêng liêng và cần phải tươi cười khi nói về ân tứ đó. Ân tứ này hướng chúng ta đến với tự do, sự tự tin và bình an. Ân tứ về sự hối cải là nguyên nhân để vui mừng thật sự, chứ không làm gián đoạn niềm vui.

“Sự hối cải chỉ có thể có được nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô mà thôi. Chính là sự hy sinh vô hạn của Ngài ‘đem lại cho loài người một phương tiện để họ có được đức tin đưa đến sự hối cải’ (An Ma 34:15). Sự hối cải là điều kiện cần thiết và ân điển của Đấng Ky Tô là quyền năng để nhờ đó “lòng thương xót có thể thỏa mãn được sự đòi hỏi của công lý” (An Ma 34:16). …

“… Sự hối cải đòi hỏi con người phải có ý định nghiêm chỉnh và sẵn lòng kiên trì, thậm chí phải đau khổ. Đối với một số người, việc cố gắng lập ra một bản liệt kê những bước cụ thể để hối cải cũng có thể hữu ích, nhưng việc này cũng có thể đưa đến một phương pháp máy móc không cần suy nghĩ hay thay đổi thực sự, vì đó chỉ là một bản liệt kê những bước để làm theo mà thôi. Chân thành hối cải không phải là việc làm hời hợt. Chúa đưa ra cho chúng ta hai đòi hỏi bao quát: ‘Qua cách thức này, các người có thể biết được một người có hối cải tội lỗi của mình không—này, kẻ đó sẽ thú tội và từ bỏ những tội lỗi đó’ (GLGƯ 58:43)” (“Ân Tứ Thiêng Liêng về Sự Hối Cải,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2011, 38, 40).