Bài Học 134
3 Nê Phi 28
Lời Giới Thiệu
Khi Chúa Giê Su Ky Tô hỏi mỗi vị trong mười hai môn đồ của Ngài họ mong muốn điều gì nơi Ngài, thì chín vị đã yêu cầu được nhanh chóng trở lại cùng Ngài khi giáo vụ của họ trên thế gian đã hoàn tất. Ba vị yêu cầu được ở lại trên thế gian để mang lại những người khác đến cùng Ngài cho đến Ngày Tái Lâm của Ngài. Chúa tôn trọng cả hai ước muốn ngay chính này. Mặc Môn cung cấp một số chi tiết về giáo vụ của Ba Người Nê Phi, và ông cũng chia sẻ điều mà Chúa đã mặc khải cho ông về sự thay đổi thể xác mà Ba Người Nê Phi đã trải qua để họ có thể vẫn còn ở trên thế gian.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
3 Nê Phi 28:1–11
Chúa Giê Su Ky Tô chấp thuận những ước muốn của các môn đồ Nê Phi của Ngài
Mời học sinh suy ngẫm về cách phản ứng của họ nếu Chúa Giê Su Ky Tô hiện đến cùng họ và hỏi: “Các ngươi mong muốn điều gì ở ta? ” Yêu cầu họ viết câu trả lời của họ trong sổ tay hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư. Cho họ cơ hội để chia sẻ điều họ đã viết nếu họ cảm thấy thoải mái khi làm như vậy.
Mời học sinh đọc thầm 3 Nê Phi 28:1–3 cùng tìm kiếm câu trả lời của chín môn đồ Nê Phi khi Chúa hỏi họ câu hỏi này. Sau khi học sinh báo cáo điều họ đã học được, hãy hỏi:
-
Đấng Cứu Rỗi đã cảm thấy như thế nào về ước muốn của chín môn đồ này?
Mời học sinh đọc thầm 3 Nê Phi 28:4–9 cùng tìm kiếm điều mà ba môn đồ còn lại mong muốn nơi Đấng Cứu Rỗi. Yêu cầu học sinh báo cáo điều họ tìm thấy. (Có thể là điều hữu ích để thu hút sự chú ý của học sinh đến lời phát biểu sau đây trong 3 Nê Phi 28:9: “Các ngươi mong muốn đem nhiều linh hồn loài người về với ta.”)
-
Đấng Cứu Rỗi đã cảm thấy như thế nào về ước muốn của ba môn đồ này?
-
Theo 3 Nê Phi 28:8–9, Đấng Cứu Rỗi đã hứa điều gì với Ba Người Nê Phi để ước muốn chân chính của họ có thể được làm tròn?
Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 28:10, và yêu cầu lớp học tìm kiếm các phước lành mà Chúa đã hứa với Ba Người Nê Phi.
-
Chúa đã hứa điều gì với Ba Người Nê Phi? Khi nào các em đã thấy rằng sự phục vụ cho người khác dẫn đến niềm vui?
-
Chúng ta có thể học được điều gì về Chúa từ 3 Nê Phi 28:1–10? (Những câu trả lời của học sinh cho câu hỏi này có thể bao gồm việc Chúa ban phước cho chúng ta theo những ước muốn chân chính của chúng ta và Chúa hài lòng khi chúng ta mong muốn giúp người khác đến cùng Ngài).
Để giúp học sinh hiểu được tầm quan trọng của những ước muốn ngay chính, hãy đọc những lời phát biểu sau đây:
Anh Cả Neal A. Maxwell thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai đã nói:
“Điều chúng ta khăng khăng mong muốn, theo thời gian, là con người mà chúng ta cuối cùng sẽ trở thành và điều chúng ta sẽ nhận được trong thời vĩnh cửu. …
“Do đó, những ước muốn ngay chính cần phải được liên tục không ngừng” (“According to the Desire of [Our] Hearts,” Ensign, tháng Mười Một năm 1996, 21–22).
Chủ Tịch Brigham Young đã dạy:
“Những người nam và người nữ mong muốn có được chỗ ngồi trong thượng thiên giới, sẽ thấy rằng họ cần phải chiến đấu với kẻ thù của tất cả sự ngay chính mỗi ngày” (“Remarks,” Deseret News, ngay 28 tháng Mười Hai năm 1864, 98).
-
Các em nghĩ tại sao chúng ta phải chiến đấu mỗi ngày để những ước muốn ngay chính của chúng ta được làm tròn?
-
Khi nào các em đã cảm thấy rằng Chúa đã ban phước cho các em vì những ước muốn ngay chính của các em?
Hãy nhắc nhở học sinh về những ước muốn họ đã viết ra lúc bắt đầu lớp học. Mời họ viết một vài câu về điều họ sẽ bắt đầu làm ngày hôm nay để chắc chắn rằng những ước muốn ngay chính đó có thể được làm tròn.
3 Nê Phi 28:12–35
Mặc Môn mô tả giáo vụ của Ba Người Nê Phi
Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 28:12–16. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm điều đã xảy ra cho các môn đồ Nê Phi sau khi Đấng Cứu Rỗi rời khỏi họ. Giải thích rằng các môn đồ này đã trải qua sự biến hình—một sự thay đổi tạm thời trong thể xác của họ.
-
Theo 3 Nê Phi 28:15 một lý do mà các môn đồ này cần phải được biến hình là gì? (Vì vậy “họ có thể nhìn thấy những sự việc của Thượng Đế. ”)
Giải thích điều đó bắt đầu với 3 Nê Phi 28:17, chúng ta đọc phần mô tả của Mặc Môn về giáo vụ Ba Người Nê Phi. Mời học sinh đọc thầm 3 Nê Phi 28:17 cùng tìm kiếm điều mà Mặc Môn không biết về trạng thái thể xác của Ba Người Nê Phi khi ông viết truyện ký này. (Các anh chị em có thể muốn nói cho học sinh biết rằng về sau trong bài học này, họ sẽ học thêm về sự thay đổi mà Ba Người Nê Phi đã trải qua).
Mời một vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ 3 Nê Phi 28:18–23. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm cách Chúa đã ban phước cho Ba Người Nê Phi để họ có thể thực hiện những ước muốn ngay chính của họ.
-
Ba Người Nê Phi đã làm gì để làm tròn ước muốn của họ là mang những người khác đến cùng Đấng Cứu Rỗi?
-
Trong những cách nào Chúa đã ban cho họ để họ có thể làm tròn ước muốn của họ?
Mời học sinh đọc thầm 3 Nê Phi 28:25–32 cùng nhận ra những người đã được hưởng lợi và sẽ còn được hưởng lợi từ giáo vụ của Ba Người Nê Phi. Các anh chị em có thể muốn đề nghị học sinh đánh dấu những điều họ tìm thấy. (Hãy lưu ý rằng 3 Nê Phi 28: 27-28 cho thấy một lý do tại sao chúng ta nên thận trọng về việc tin tưởng và chia sẻ những câu chuyện của những người cho là đã gặp Ba Người Nê Phi: Mặc Môn nói rằng những người mà Ba Người Nê Phi phục vụ đều “không nhận biết họ.”)
3 Nê Phi 28:36–40
Mặc Môn học về tính chất của các nhân vật được chuyển hoá
Hỏi học sinh xem họ có câu hỏi nào về phúc âm hoặc họ có đọc một điều gì đó trong thánh thư mà họ không hiểu không. Nhắc nhở họ rằng khi Mặc Môn viết trước hết về sự biến hình của Ba Người Nê Phi, ông nói rằng ông đã không hiểu rõ sự thay đổi trong trạng thái thể xác của họ trong thời gian giáo vụ của họ trên thế gian (xin xem 3 Nê Phi 28:17).
-
Các em thường tìm đến ai khi có thắc mắc về phúc âm hoặc về các đoạn thánh thư? Tại sao?
Mời học sinh đọc thầm 3 Nê Phi 28:36–37 để khám phá ra điều Mặc Môn đã làm để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi của mình.
-
Chúng ta có thể học được nguyên tắc nào từ Mặc Môn về cách nhận được thêm sự hiểu biết? (Mặc dù học sinh có thể trả lời câu hỏi này theo những cách khác nhau, nhưng hãy chắc chắn họ nhận ra nguyên tắc sau đây: Khi thiếu hiểu biết, chúng ta nên cầu vấn Cha Thiên Thượng và chúng ta sẽ nhận được sự hướng dẫn).
-
Một số ví dụ nào minh họa nguyên tắc này?
-
Chúng ta có thể cần phải cầu xin Cha Thiên Thượng để có được sự hiểu biết lớn lao hơn trong một số tình huống nào?
Đọc lời phát biểu sau đây, trong đó Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã nhấn mạnh đến một số trường hợp chúng ta nên cầu nguyện để xin sự giúp đỡ:
“Mỗi chúng ta cần rất nhiều sự giúp đỡ của Ngài khi chúng ta tìm cách học hỏi các lẽ thật phúc âm và sau đó sống theo các lẽ thật này, khi chúng ta tìm kiếm sự giúp đỡ của Ngài trong các quyết định quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, các quyết định gồm có việc học hành, kết hôn, làm việc, nơi cư trú, nuôi dạy gia đình mình, phục vụ lẫn nhau trong công việc của Chúa, và tìm kiếm sự tha thứ, sự hướng dẫn liên tục và sự bảo vệ của Ngài trong tất cả những gì chúng ta làm. Bản liệt kê về nhu cầu của chúng ta thì dài, có thực và chân thành. …
“Sau khi đã cầu nguyện suốt cả cuộc đời, tôi biết về tình yêu thương, quyền năng và sức mạnh đến từ lời cầu nguyện chân thành và khẩn thiết. Tôi biết về sự sẵn sàng của Đức Chúa Cha để phụ giúp chúng ta trong kinh nghiệm trần thế của mình, để dạy chúng ta, hướng dẫn và chỉ dẫn chúng ta. Như vậy, với tình yêu thương bao la, Đấng Cứu Rỗi đã phán: ‘Những gì ta nói với một người tức là ta nói với tất cả mọi người; hãy luôn cầu nguyện.’ (GLGƯ 93:49.)” (“Pray Always,” Ensign, tháng Mười năm 1981, 3, 6).
-
Bằng cách nào các em có thể gia tăng đức tin của mình trong quyền năng của sự cầu nguyện? Khi nào các em và gia đình của mình đã nhận được sự đáp ứng cho lời cầu nguyện của mình?
Khuyến khích học sinh đi đến Cha Thiên Thượng trong lời cầu nguyện khi họ tìm cách hiểu phúc âm và đương đầu với những thử thách của cuộc sống. Làm chứng về các phước lành mà đã đến với cuộc sống của mình khi các anh chị em đã mang những thử thách và thắc mắc của mình đến với Cha Thiên Thượng.
Giải thích rằng sự thay đổi do Ba Người Nê Phi đã trải qua được gọi là sự biến hóa. Một số tôi tớ trung tín của Chúa đã được biến hóa để họ có thể tiếp tục giáo vụ của họ trên thế gian. Khi Mặc Môn tiếp tục cầu vấn về sự thay đổi này, ông đã học được về tính chất của các nhân vật được chuyển hoá.
Viết Những Nhân Vật Được Chuyển Hóa lên trên bảng. Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 28:37–38. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm điều Mặc Môn đã học được về sự thay đổi đã xảy ra trong thể xác của Ba Người Nê Phi.
-
Mặc Môn đã học được gì về các nhân vật được chuyển hóa? (Yêu cầu một học sinh làm người ghi chép và viết câu trả lời của học sinh khác lên trên bảng. Các câu hỏi nên gồm có việc các nhân vật được chuyển hóa không “nếm sự chết,” họ không cảm thấy đau đớn, và họ không trải qua nỗi buồn ngoại trừ nỗi buồn họ cảm thấy vì tội lỗi của thế gian).
-
Tại sao sự thay đổi này đối với thể xác là cần thiết? (Các anh chị em có thể muốn yêu cầu học sinh xem lại 3 Nê Phi 28:6–7. Sự thay đổi này là cần thiết để họ có thể làm tròn ước muốn ngay chính của họ là vẫn ở lại trên thế gian và tiếp tục mang những người khác đến cùng Đấng Ky Tô cho đến Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi).
Mời học sinh đọc thầm 3 Nê Phi 28:39–40 cùng tìm kiếm thêm thông tin về các nhân vật được chuyển hóa. Khi học sinh báo cáo, hãy yêu cầu một người ghi chép khác viết những điều họ tìm thấy ở trên bảng. (Câu trả lời nên gồm có việc các nhân vật được chuyển hóa không thể bị Sa Tan cám dỗ, họ được thánh hóa và thánh thiện, và “những quyền lực của thế gian [không thể] nắm giữ họ được.”) Các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng mặc dù các nhân vật được chuyển hóa không phải chịu đựng những đau đớn của cái chết, nhưng họ không được phục sinh. Họ sẽ không nhận được “sự thay đổi thật lớn lao” đó cho đến Ngày Phán Xét, khi họ sẽ được thay đổi từ sự hữu diệt đến bất diệt một cách nhanh chóng—“trong nháy mắt” (xin xem 3 Nê Phi 28:8, 40).
Kết luận bằng cách làm chứng về các nguyên tắc và giáo lý đã được thảo luận trong lớp học. Mời học sinh hành động theo những thúc giục họ đã nhận được từ Thánh Linh.