Bài Học 50
Gia Rôm và Ôm Ni
Lời Giới Thiệu
Sách Gia Rôm và sách Ôm Ni chứa đựng những bài viết cuối cùng trong các bảng khắc nhỏ của Nê Phi. Gia Rôm nhận được các bảng khắc nhỏ từ cha của mình là Ê Nót, rồi ghi lại những khó khăn và phước lành của dân Nê Phi trong một thời kỳ khoảng 60 năm. Sau đó ông trao các bảng khắc này cho con trai của ông là Ôm Ni. Sách Ôm Ni chứa đựng các bài viết của năm người Nê Phi khác nhau lưu giữ biên sử và bao gồm khoảng 230 năm. A Ma Lê Ki, tác giả cuối cùng trong sách Ôm Ni, kết thúc biên sử của mình với một lời mời “hãy đến cùng Đấng Ky Tô … và hãy dâng tất cả tâm hồn mình như một của lễ hiến dâng lên Ngài” (Ôm Ni 1:26).
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
Gia Rôm 1:1–15
Gia Rôm mô tả cách dân Nê Phi được thịnh vượng khi họ tuân giữ các lệnh truyền của Chúa
Đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Nếu có thể, hãy trưng bày một tấm ảnh của Chủ Tịch Uchtdorf trong khi các anh chị em đọc:
“Tôi còn nhớ khi đang chuẩn bị để được huấn luyện làm người phi công chiến đấu. Chúng tôi đã dành ra rất nhiều thời giờ cho cuộc huấn luyện quân sự dự bị về thể dục. Tôi vẫn không biết chắc tại sao việc chạy bộ liên tục lại được xem là phần chuẩn bị thiết yếu để trở thành một phi công. Tuy nhiên, chúng tôi đã chạy rất nhiều và chạy thêm nhiều nữa.
“Trong khi chạy, tôi bắt đầu thấy rằng một điều gì đó thật sự làm tôi băn khoăn. Nhiều lần trong khi chạy, tôi bị vượt qua mặt bởi những người hút thuốc, uống rượu cũng như làm tất cả những điều khác trái với phúc âm và nhất là Lời Thông Sáng.
“Tôi nhớ đã nghĩ: ‘Xem nào! Chẳng phải tôi có thể chạy mà không mệt mỏi sao?’ Nhưng tôi đã bị mệt mỏi, và tôi đã bị vượt qua bởi những người dứt khoát không tuân theo Lời Thông Sáng. Tôi thú nhận rằng ý nghĩ đó làm tôi băn khoăn vào lúc ấy. Tôi tự hỏi lời hứa đó có thật hay không?” (“Tiếp Tục Kiên Nhẫn,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2010, 58).
Mời học sinh suy nghĩ xem họ có bao giờ cảm thấy khó khăn tương tự như vậy không, tự hỏi liệu Chúa sẽ làm tròn lời hứa của Ngài như thế nào nhằm ban phước cho họ để tuân giữ các lệnh truyền của Ngài.
Viết từ ứng nghiệm lên trên bảng, và yêu cầu học sinh giải thích ý nghĩa của từ này (xác nhận hoặc chứng minh rằng một điều gì đó là có thật). Giải thích rằng Gia Rôm, là con trai của Ê Nót, đã sử dụng từ ứng nghiệm khi ông viết về một lời hứa được ban cho tổ tiên của ông. Yêu cầu học sinh im lặng đọc Gia Rôm 1:9 nhận ra lời hứa của Chúa đã được ứng nghiệm. (Các anh chị em có thể muốn đề nghị cho học sinh nên tô đậm lời hứa này trong quyển thánh thư của họ). Xác nhận rằng học sinh đã nhận ra lời phán “Chừng nào các ngươi còn biết tuân giữ các lệnh truyền của ta, thì các ngươi sẽ được thịnh vượng trong xứ.”
Viết các đoạn tham khảo thánh thư và những câu hỏi sau đây lên trên bảng. (Để tiết kiệm thời gian, các anh chị em có thể muốn viết những điều này lên trên bảng trước khi lớp học bắt đầu).
Một số ví dụ nào về cách dân Nê Phi đã vâng lời và cách họ đã được ban phước? | |
Các vị lãnh đạo và các vị tiên tri đã giúp dân Nê Phi vâng lời và được thịnh vượng như thế nào? | |
Làm thế nào lời hứa của Thượng Đế sau này được ứng nghiệm trong một cách khác biệt? |
Chia học sinh thành từng nhóm ba người. Chỉ định một trong những đoạn tham khảo thánh thư ở trên bảng cho một người trong mỗi nhóm. Yêu cầu học sinh im lặng đọc các đoạn thánh thư đã được chỉ định, tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi tương ứng. Sau đó cho mỗi người trong nhóm một hoặc hai phút để tóm lược điều mà người ấy đã đọc và trả lời câu hỏi đã được chỉ định. Mời một hoặc hai học sinh tóm lược cho lớp học nghe một lẽ thật mà họ đã học được từ việc nghiên cứu và thảo luận các đoạn thánh thư này. Khi học sinh đưa ra câu trả lời của họ, hãy bảo đảm rằng họ hiểu là khi tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế, thì chúng ta sẽ được thịnh vượng.
-
Dựa trên điều các em đã học được từ kinh nghiệm của dân Nê Phi, trong một số cách nào Thượng Đế sẽ ban phước cho những người tuân theo các giáo lệnh của Ngài?
Để củng cố nguyên tắc này, hãy nhắc nhở lớp học về kinh nghiệm của Chủ Tịch Uchtdorf khi ông tự hỏi lời hứa của Chúa đã được đưa ra trong Lời Thông Sáng có được ứng nghiệm không. Sau đó đọc phần còn lại của lời phát biểu của ông:
“Câu trả lời không đến ngay lập tức. Nhưng cuối cùng, tôi biết được rằng những lời hứa của Thượng Đế không phải luôn luôn được làm tròn một cách nhanh chóng hoặc theo cách chúng ta có thể hy vọng; những lời hứa này đến theo kỳ định và cách thức của Ngài. Nhiều năm sau, tôi có thể thấy rõ bằng chứng của các phước lành thể chất đến với những người nào tuân theo Lời Thông Sáng—ngoài các phước lành thuộc linh đến ngay lập tức từ việc tuân theo bất cứ luật pháp nào của Thượng Đế. Khi nhìn lại, tôi biết chắc rằng những lời hứa của Chúa, có lẽ không luôn luôn được làm tròn nhanh chóng, nhưng đều luôn luôn là chắc chắn” (“Tiếp Tục Kiên Nhẫn,” 58).
Mời học sinh suy ngẫm những câu hỏi sau đây:
-
Khi nào Chúa đã ban phước, hoặc làm cho các em được thịnh vượng, vì đã tuân giữ các giáo lệnh của Ngài? Từ kinh nghiệm của mình, các em có thể chia sẻ chứng ngôn nào về Chúa và những lời hứa của Ngài?
Ôm Ni 1:1–30
Những người lưu giữ biên sử kể lại lịch sử của dân Nê Phi
Hãy vắn tắt giới thiệu sách Ôm Ni bằng cách giải thích rằng sách này được con cháu của Gia Rôm viết và bao gồm khoảng 230 năm. Mời học sinh đọc lướt qua sách Ôm Ni để nhận ra tên của những người đã lưu giữ các bảng khắc nhỏ sau Gia Rôm. Để giúp học sinh tìm ra những cái tên này một cách nhanh chóng, hãy cân nhắc việc cung cấp các đoạn tham khảo thánh thư sau đây: Ôm Ni 1:1, 4, 8, 10, 12, 25.
Giải thích rằng sách Ôm Ni mô tả vài sự kiện quan trọng trong lịch sử của những người dân trong Sách Mặc Môn. Sách đề cập đến dân Gia Ra Hem La (cũng còn được gọi là dân Mu Léc) và Cô Ri An Tum Rơ (người Gia Rết cuối cùng), và sách cũng thuật lại ngắn gọn cách dân Nê Phi di chuyển tới Gia Ra Hem La và kết hợp với dân Mu Léc. Các anh chị em có thể muốn nhắc học sinh về bảng niên đại trên dụng cụ đánh dấu Sách Mặc Môn (danh mục số 32336) và giúp họ nhận ra việc dân Nê Phi và dân Mu Léc sáp nhập với nhau. Cũng yêu cầu học sinh tìm kiếm trên dụng cụ đánh dấu tên của Cô Ri An Tum Rơ dưới tiêu đề “Dân Gia Rết.”
Vẽ lên trên bảng bản đồ được cho thấy trên trang này, nhưng hãy bỏ qua các mũi tên. Khuyến khích học sinh sao chép lại bản đồ trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư hoặc sổ tay ghi chép trong lớp của họ.
Nhắc nhở học sinh rằng trong thời kỳ của Nê Phi, dân Nê Phi đã tách khỏi dân La Man và định cư ở một nơi mà họ gọi là xứ Nê Phi. Vẽ trên bản đồ một mũi tên từ xứ thừa hưởng đầu tiên đến xứ Nê Phi. Yêu cầu học sinh im lặng đọc Ôm Ni 1:12–13 và nhận ra cách mà dân Nê Phi đến sống trong xứ Gia Ra Hem La. Khi học sinh cho biết điều họ đã tìm thấy, hãy vẽ một mũi tên từ xứ Nê Phi đến xứ Gia Ra Hem La. Hãy nêu ra rằng Ôm Ni 1:12–13 dạy rằng Chúa cung cấp sự hướng dẫn cho người ngay chính.
Mời một học sinh đọc to Ôm Ni 1:14–19. Yêu cầu lớp học tìm kiếm những điểm giống nhau và khác nhau giữa dân Nê Phi và những người mà họ khám phá ra trong xứ Gia Ra Hem La. Mời một vài học sinh cho biết điều họ đã học được.
Tóm lược Ôm Ni 1:20–22 bằng cách giải thích rằng dân ở xứ Gia Ra Hem La đã gặp Cô Ri An Tum Rơ, là một trong hai người cuối cùng còn sống sót của dân tộc Gia Rết (người kia là tiên tri Ê The). Trên bản đồ, hãy chỉ ra Xứ Hoang Vu, và giải thích rằng đây là đất miền bắc mà “những nắm xương tàn của họ đã nằm rải rác” sau khi họ bị hủy diệt (Ôm Ni 1:22). Cho học sinh biết rằng họ sẽ học về dân Gia Rết khi họ nghiên cứu sách Ê The. Các anh chị em có thể muốn khuyến khích học sinh viết Dân Gia Rết trong quyển thánh thư của họ bên cạnh Ôm Ni 1:20–22.
Vẽ một mũi tên kéo dài từ xứ Gia Ra Hem La đến xứ Nê Phi và sau đó quay lại Gia Ra Hem La. Vẽ một mũi tên khác từ xứ Gia Ra Hem La kéo dài theo một hướng đến xứ Nê Phi. Hỏi học sinh xem họ có thể giải thích hai mũi tên này tượng trưng cho điều gì không. Nếu họ cần được giúp đỡ, hãy tóm lược Ôm Ni 1:27–30 bằng cách giải thích rằng hai nhóm người từ Gia Ra Hem La đã cố gắng trở lại xứ Nê Phi. Nhóm đầu tiên đã thất bại và trở lại Gia Ra Hem La. Khi A Ma Lê Ki kết thúc biên sử của mình, ông đã nói rằng ông không biết số phận của nhóm thứ hai. Nói cho học sinh biết rằng họ sẽ học về nhóm này, dân Giê Níp, khi họ học sách Mô Si A. Các anh chị em có thể muốn khuyến khích học sinh viết dân Giê Níp trong quyển thánh thư của họ bên cạnh Ôm Ni 1:29–30.
Giải thích rằng Sách Mặc Môn không tự cho là biên sử của tất cả các dân cư ngụ tại châu Mỹ thời xưa. Ngoài dân Gia Rết, dân Mu Léc, và nhóm người của Lê Hi ra, thì có lẽ cũng có các nhóm người khác đã đến lục địa châu Mỹ.
Giải thích rằng như A Ma Lê Ki đã kết thúc biên sử của mình, ông viết một lời mời gọi quan trọng cho những người sẽ đọc lời của ông. Yêu cầu học sinh im lặng đọc lời mời gọi của A Ma Lê Ki trong Ôm Ni 1:25–26, tìm kiếm một ý nghĩ mà ông đã lặp đi lặp lại ba lần. (Các em có thể muốn khuyến khích học sinh tô đậm điều họ tìm thấy).
-
Đến cùng Đấng Ky Tô có ý nghĩa gì đối với các em?
Hãy nêu ra rằng cũng là một phần của lời mời gọi của A Ma Lê Ki để đến cùng Đấng Ky Tô, ông khuyên chúng ta nên làm những việc cụ thể. Viết những điều sau đây lên trên bảng:
Yêu cầu học sinh tham khảo một lần nữa Ôm Ni 1:25–26. Mời một vài người trong số họ hoàn tất câu ở trên bảng bằng cách sử dụng các cụm từ trong các câu này.
-
Theo Ôm Ni 1:26, chúng ta sẽ được ban phước như thế nào để làm những việc này? (Giúp học sinh hiểu rằng nếu chúng ta đến cùng Đấng Ky Tô và kiên trì đến cùng, thì chúng ta sẽ được cứu. Các anh chị em có thể muốn viết nguyên tắc này lên trên bảng).
Yêu cầu học sinh chọn một trong các cụm từ ở trên bảng. Mời họ viết hoặc phác thảo trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của họ một bài nói chuyện ngắn mà họ có thể đưa ra trong buổi lễ Tiệc Thánh về cách họ có thể đến cùng Đấng Ky Tô theo đường lối đó. Đề nghị rằng những bài nói chuyện của họ có thể bao gồm việc: (1) đọc Ôm Ni 1:25–26 và giải thích bằng lời riêng của họ cụm từ mà họ đã chọn, (2) đọc thêm các đoạn thánh thư mà làm sáng tỏ hoặc thêm vào ý nghĩa cho cụm từ đó, (3) chia sẻ một kinh nghiệm liên quan từ cuộc sống của họ hoặc từ cuộc sống của những người mà họ biết, hoặc (4) chia sẻ những ý nghĩ, cảm tưởng, và chứng ngôn của họ. (Các anh chị em có thể muốn viết những đề nghị này lên trên bảng, viết những đề nghị này trên một tờ giấy phát tay, hoặc đọc to để học sinh có thể viết những đề nghị này trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của họ).
Cho học sinh sáu đến bảy phút để chuẩn bị bài nói chuyện của họ. Mời một vài học sinh chia sẻ bài nói chuyện của họ trước lớp học. (Nếu không có thời gian cho việc này, hãy cân nhắc việc yêu cầu một vài người chia sẻ bài nói chuyện của họ vào phần đầu của bài học kế tiếp hoặc là một phần của các buổi họp đặc biệt devotional của lớp học trong tương lai. Các anh chị em cũng có thể khuyến khích họ chia sẻ bài nói chuyện của họ trong buổi họp tối gia đình hoặc trong những cuộc trò chuyện với những người trong trong gia đình hoặc bạn bè). Để kết thúc, hãy chia sẻ chứng ngôn của các anh chị em rằng nếu chúng ta đến cùng Đấng Ky Tô và kiên trì đến cùng, thì chúng ta sẽ được cứu.