Thư Viện
Lời Mặc Môn


Lời Giới Thiệu Lời Mặc Môn

Tại sao chúng ta phải học sách này?

Qua việc học sách Lời Mặc Môn, học sinh có thể gia tăng đức tin của họ rằng “Chúa hiểu hết mọi điều” (Lời Mặc Môn 1:7) và Ngài chỉ dẫn cho các tôi tớ của Ngài để mang lại các mục đích của Ngài. Là một thiên ký thuật lịch sử, sách này là một sự kết nối giữa các bảng khắc nhỏ của Nê Phi (1 Nê Phi–Ôm Ni) và phần tóm lược các bảng khắc lớn của Nê Phi (Mô Si A–4 Nê Phi). Sách này có thể giúp học sinh hiểu rõ hơn các biên sử nào Mặc Môn đã tóm lược trong khi ông biên soạn Sách Mặc Môn. Nó cũng giới thiệu học sinh với đức tin và những thành tích của Vua Bên Gia Min.

Ai viết sách này?

Mặc Môn viết sách này. Ông là một vị tiên tri, lưu giữ biên sử, và tóm lược cùng biên soạn Sách Mặc Môn. Ông cũng là một người cha chân chính và một nhà lãnh đạo quân sự ở giữa dân Nê Phi. Tiên tri Mô Rô Ni là con trai của ông.

Sách này viết cho ai và tại sao?

Mặc Môn ngỏ lời cùng các độc giả tương lai, với hy vọng rằng các bài viết của ông và của con trai ông là Mô Rô Ni “sẽ mang lại lợi ích cho họ” (Lời Mặc Môn 1:2). Một cách cụ thể ông đã viết vì lợi ích của dân La Man. Ông đã nói về họ: “Lời cầu nguyện của tôi dâng lên Thượng Đế có liên quan đến đồng bào của tôi, để cầu mong cho họ một lần nữa trở nên hiểu biết được Thượng Đế, phải, hiểu biết được sự cứu chuộc của Đấng Ky Tô, ngõ hầu họ có thể trở thành một dân tộc khả ái như trước” (Lời Mặc Môn 1:8).

Sách này được viết ra khi nào và ở đâu?

Mặc Môn đã viết sách này vào khoảng năm 385 Sau Công Nguyên, sau khi “đã chứng kiến hầu hết tất cả sự hủy diệt của dân [ông] là dân Nê Phi” (Lời Mặc Môn 1:1). Mặc Môn đã không ghi lại nơi ông đang ở khi viết sách này.

Một số đặc điểm nổi bật của sách này là gì?

Cuốn sách ngắn này làm gián đoạn thứ tự thời gian của các sách ở phần đầu của Sách Mặc Môn. Mặc Môn đã viết sách này hơn 500 năm sau khi A Ma Lê Ki kết thúc sách Ôm Ni. Trong sách này, Mặc Môn giải thích vắn tắt về việc ông biên soạn và tóm lược các biên sử về dân của ông. Để hiểu được lời giải thích của ông, thì điều hữu ích là phải nhớ rằng Chúa đã truyền lệnh cho Nê Phi làm ra hai bộ bảng khắc vì một mục đích “đặc biệt” và “thông sáng” (xin xem 1 Nê Phi 9:3, 5). Một bộ bảng khắc, thường được gọi là các bảng khắc lớn, ghi chép lịch sử thế tục của dân Nê Phi, trong khi bộ bảng khắc kia, thường được gọi là các bảng khắc nhỏ, ghi chép một biên sử thiêng liêng về sự thuyết giảng, những điều mặc khải và những lời tiên tri của dân Nê Phi (xin xem 1 Nê Phi 9:2–4; Gia Cốp 1:3–4).

Mặc Môn đã khám phá ra các bảng khắc nhỏ của Nê Phi sau khi ông đã tóm lược một phần của các bảng khắc lớn (xin xem Lời Mặc Môn 1:3). Được Thánh Linh của Chúa hướng dẫn nên Mặc Môn gồm vào các bảng khắc nhỏ phần tóm lược các bảng khắc lớn. Ông đã làm điều này “vì mục đích thông sáng,” theo ý muốn của Chúa (xin xem Lời Mặc Môn 1:4–7).

Nhiều năm sau, một lý do cho sự soi dẫn này trở nên rõ ràng. Khi Joseph Smith bắt đầu phiên dịch Sách Mặc Môn, ông đã bắt đầu với phần tóm lược của Mặc Môn về các bảng khắc lớn của Nê Phi—lịch sử thế tục. Martin Harris là người ghi chép của Vị Tiên Tri về phần này của bản dịch. Ông đã làm mất 116 trang bản thảo. Chúa đã mặc khải cho Joseph Smith rằng kẻ tà ác đã có được các trang này và thay đổi các lời (xin xem GLGƯ 10:8–10). Nếu Joseph phiên dịch tài liệu này một lần nữa, thì những người đó có thể cho rằng ông không phải là một vị tiên tri vì không thể phiên dịch sách này giống như vậy hai lần (xin xem {GLGƯ 10:11–19). Chúa phán bảo Joseph không được phiên dịch phần đó một lần nữa nhưng phải phiên dịch các bảng khắc nhỏ của Nê Phi mà Mặc Môn đã gồm vào với phần tóm lược của ông về các bảng khắc lớn (xin xem GLGƯ 10:30–45). Như vậy, sách Lời Mặc Môn giúp chúng ta thấy Chúa đã chuẩn bị một cách để làm thất bại kế hoạch của những kẻ tà ác như thế nào và gồm vào thánh thư mà không những bao hàm cùng khoảng thời gian của bản thảo đã bị mất mà còn cung cấp “những quan điểm rộng lớn hơn về phúc âm [của Chúa]” (GLGƯ 10:45). Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ dạy: “Rõ ràng sẽ là điều phấn khởi nếu một ngày nào đó, một người nào đó tìm ra được 116 trang bản thảo gốc đã mất của Sách Mặc Môn. Nhưng cho dù các trang đó chứa đựng điều gì đi nữa thì cũng không thể quan trọng hoặc cơ bản đối với mục đích của Sách Mặc Môn hơn là những lời dạy … ghi trên các bảng khắc nhỏ” (Christ and the New Covenant: The Messianic Message of the Book of Mormon [1997], 35–36).

Ngoài việc chia sẻ những hiểu biết về việc biên soạn các biên sử thiêng liêng của dân ông, Mặc Môn còn cung cấp một phần mô tả ngắn gọn về sự phục vụ của Vua Bên Gia Min (xin xem Lời Mặc Môn 1:10–18). Phần mô tả này giúp liên kết các bảng khắc nhỏ của Nê Phi với phần tóm lược các bảng khắc lớn của Mặc Môn. Vua Bên Gia Min được đề cập ở phần kết thúc của sách Ôm Ni, tức là cuốn sách cuối cùng trong các bảng khắc nhỏ (xin xem Ôm Ni 1:23–25). Sách Mô Si A, cuốn sách đầu tiên mà trong đó chúng ta có phần tóm lược các bảng khắc lớn của Mặc Môn, bắt đầu bằng việc thuật lại sự kết thúc của triều đại và giáo vụ của Vua Bên Gia Min (xin xem Mô Si A 1:1, 9).

Đại cương

Lời Mặc Môn 1:1–9 Mặc Môn khám phá ra các bảng khắc nhỏ của Nê Phi và gồm chúng vào với phần tóm tắt các bảng khắc lớn của ông.

Lời Mặc Môn 1:10–18 Mặc Môn tóm lược triều đại của Vua Bên Gia Min.