Thư Viện
Bài Học 40: 2 Nê Phi 31


Bài Học 40

2 Nê Phi 31

Lời Giới Thiệu

Nhiều năm trước khi Chúa Giê Su Ky Tô giáng sinh, Nê Phi đã nhận được một điều mặc khải về phép báp têm của Đấng Cứu Rỗi. Trong khi nói cho dân của mình biết về điều mặc khải này, Nê Phi đã dạy điều ông gọi là “giáo lý của Đấng Ky Tô”—mà để nhận được cuộc sống vĩnh cửu, chúng ta cần phải sử dụng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, hối cải tội lỗi của mình, chịu phép báp têm, tiếp nhận Đức Thánh Linh và kiên trì đến cùng.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

2 Nê Phi 31:1–13

Nê Phi dạy rằng khi chịu phép báp têm, chúng ta noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi

Bắt đầu lớp học bằng cách hỏi các học sinh những câu hỏi sau đây:

  • Các em nhớ điều gì về phép báp têm của mình? Các em cảm thấy như thế nào khi chịu phép báp têm?

Giải thích rằng khi các học sinh chịu phép báp têm, họ đang noi theo mẫu mực mà luôn luôn là một phần phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Nê Phi đã sử dụng một cụm từ nào đó để ám chỉ mẫu mực này. Mời các học sinh tìm kiếm một cụm từ được tìm thấy trong 2 Nê Phi 31:22 Nê Phi 31:21. Sau khi họ đã nhận ra cụm từ “giáo lý của Đấng Ky Tô,” hãy hỏi:

  • Những từ hay cụm từ nào trong 2 Nê Phi 31:2, 21 ám chỉ tầm quan trọng của “giáo lý của Đấng Ky Tô”? (Những câu trả lời có thể gồm có “Tôi cần phải nói về,” “ngoài ra không còn con đường nào khác,” và “giáo lý duy nhất và chân chính”).

Hãy trưng bày hình Giăng Báp Tít Làm Phép Báp Têm cho Chúa Giê Su (62133; Sách Họa Phẩm Phúc Âm [2009], số 35). Mời các học sinh im lặng nghiên cứu 2 Nê Phi 31:5–9, tìm kiếm các cụm từ mà nhận ra lý do tại sao Chúa Giê Su Ky Tô chịu phép báp têm. (Các anh chị em có thể muốn đề nghị họ đánh dấu các cụm từ này). Sau một vài phút, yêu cầu các học sinh đọc các cụm từ họ đã tìm thấy.

Giăng Báp Tít Làm Phép Báp Têm cho Chúa Giê Su
  • Các em nghĩ “làm trọn mọi sự ngay chính” có nghĩa là gì? (Sau khi các học sinh đã trả lời rồi, các anh chị em có thể muốn giải thích ý nghĩa của việc tuân giữ các lệnh truyền. Chủ Tịch Joseph F. Smith nói rằng “làm trọn mọi sự ngay chính” là “thi hành luật pháp” [trong Conference Report, tháng Tư năm 1912, 9]).

Yêu cầu một học sinh đọc to 2 Nê Phi 31:10–12.

  • Các câu này giải thích tầm quan trọng của phép báp têm như thế nào? (Nê Phi dạy rằng phép báp têm là một lệnh truyền từ Cha Thiên Thượng, và cần phải có để tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh, và cần thiết trong các nỗ lực của chúng ta để noi theo Chúa Giê Su Ky Tô).

Yêu cầu các học sinh tóm lược các giáo lý và nguyên tắc mà họ đã học được từ 2 Nê Phi 31:5–12. Trong khi họ chia sẻ những ý kiến của mình, hãy chắc chắn rằng họ hiểu các nguyên tắc sau đây:

Chúa Giê Su Ky Tô nêu tấm gương hoàn hảo về sự vâng lời để cho chúng ta noi theo.

Chúng ta cần phải tuân theo Chúa Giê Su Ky Tô, chịu phép báp têm, và tiếp nhận Đức Thánh Linh.

Chúa Giê Su Ky Tô, mặc dù không có tội, nhưng đã chịu phép báp têm để làm trọn mọi sự ngay chính.

Yêu cầu một học sinh đọc to 2 Nê Phi 31:13. Hướng sự chú ý của các học sinh vào các cụm từ “một cách hết lòng, không hành động giả nghĩa và lừa dối trước mặt Thượng Đế,” và “thực tâm.” Các anh chị em có thể muốn đề nghị họ đánh dấu các cụm từ này.

  • Các cụm từ này có ý nghĩa gì đối với các em? (Các anh chị em có thể muốn nêu lên rằng tất cả ba cụm từ đó ám chỉ sự cần thiết để chân thành trong các nỗ lực của mình để sử dụng đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi, hối cải tội lỗi của chúng ta, và noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi).

Để giúp các học sinh gia tăng sự hiểu biết của họ về cách noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi trong nhiều tình huống, hãy đặt những câu hỏi như sau:

  • Làm thế nào các cụm từ này có thể áp dụng cho những sinh hoạt như vậy với tính cách là việc học thánh thư hằng ngày và tham dự nhà thờ?

  • Sự khác biệt giữa “dâng lời cầu nguyện” và cầu nguyện “một cách hết lòng” là gì?

  • Sự khác biệt giữa việc ăn bánh Tiệc Thánh và dự phần bánh Tiệc Thánh một cách “thực tâm” là gì?

  • Sự khác biệt giữa việc các em nói xin lỗi về một điều gì các em đã làm và việc hối cải “một cách hết lòng” là gì?

2 Nê Phi 31:14–21

Nê Phi dạy rằng sau phép báp têm, chúng ta cần phải tiếp nhận Đức Thánh Linh và tiếp tục noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi

Giải thích rằng Nê Phi đã nói về một cái cổng mở ra một con đường. Yêu cầu một học sinh đọc to 2 Nê Phi 31:17–18. Khi học sinh ấy đã đọc xong, hãy vẽ lên trên bảng một hình minh họa đơn giản giống như hình sau đây:

cổng và con đường
  • Dựa theo 2 Nê Phi 31:17, cái cổng là gì? (Sự hối cải và phép báp têm. Viết Sự hối cải và phép báp têm ở dưới cái cổng). Sự hối cải và phép báp têm giống như một cái cổng như thế nào?

  • Theo như 2 Nê Phi 31:18, con đường dẫn đến điều gì? (Cuộc sống vĩnh cửu. Viết Cuộc Sống Vĩnh Cửu vào cuối con đường. Các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng cụm từ “cuộc sống vĩnh cửu” ám chỉ sự tôn cao trong thượng thiên giới).

  • Nê Phi dạy rằng sau phép báp têm, chúng ta tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh (xin xem 2 Nê Phi 31:13–14). Theo như 2 Nê Phi 31:17–18, Đức Thánh Linh làm điều gì cho chúngta? (Giúp các học sinh hiểu rằng Đức Thánh Linh làm chứng về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử và mang đến một sự xá miễn các tội lỗi).

  • Tại sao chúng ta cần phải nhận một chứng ngôn về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử qua Đức Thánh Linh?

Để giúp các học sinh hiểu vai trò của Đức Thánh Linh trong sự xá miễn các tội lỗi, các anh chị em có thể cần phải giải thích cụm từ “phép báp têm bằng lửa và bằng Đức Thánh Linh” (2 Nê Phi 31:13–14; xin xem thêm câu 17). Mời một học sinh đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Yêu cầu lớp học lắng nghe ý nghĩa của việc chịu phép báp têm bằng lửa và bằng Đức Thánh Linh.

“Cổng báp têm dẫn đến con đường chật và hẹp. …

“Chúng ta được truyền lệnh và được chỉ thị phải sống theo cách mà bản tính bất toàn của mình phải thay đổi qua quyền năng thánh hóa của Đức Thánh Linh. Chủ Tịch Marion G. Romney đã dạy rằng phép báp têm bằng lửa bởi Đức Thánh Linh ′biến đổi [chúng ta] từ trạng thái trần tục đến trạng thái thuộc linh. Phép báp têm này thanh tẩy, chữa lành và làm thanh khiết tâm hồn… Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, sự hối cải, và phép báp têm bằng nước đều là sơ bộ và điều kiện tiên quyết cho phép báp têm này, nhưng [phép báp têm bằng lửa] là sau cùng. Muốn nhận được [phép báp têm bằng lửa này] thì một người phải được tuyên bố là vô tội nhờ vào máu cứu chuộc của Chúa Giê Su Ky Tô’ (Learning for the Eternities, do George J. Romney biên soạn [1977], 133; xin xem thêm 3 Nê Phi 27:19–20).

“Do đó, khi chúng ta được sinh lại và cố gắng có được Thánh Linh của Ngài ở cùng chúng ta, thì Đức Thánh Linh thánh hóa và cải tiến tâm hồn của chúng ta như là bằng lửa (xin xem 2 Nê Phi 31:13–14, 17). Cuối cùng, chúng ta phải đứng không tì vết trước mặt Thượng Đế” (“Tay Trong Sạch và Lòng Thanh Khiết,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2007, 81).

  • Anh Cả Bednar và Chủ Tịch Romney nói “phép báp têm bằng lửa” làm gì cho chúng ta?

  • Các phước lành nào chúng ta có thể nhận được thêm nhờ vào ân tứ Đức Thánh Linh?

  • Bằng cách nào các em “cố gắng luôn luôn để có được Thánh Linh của Ngài” ở cùng các em?

  • Các em cảm thấy Đức Thánh Linh ảnh hưởng đến cuộc sống của các em vào lúc nào?

Giải thích rằng trong 2 Nê Phi 31:18, từ hẹp có nghĩa là chật, nghiêm nhặt, chính xác và không chệch hướng. Nê Phi sử dụng từ này để mô tả con đường chúng ta cần phải đi theo sau phép báp têm để nhận được cuộc sống vĩnh cửu. Yêu cầu các học sinh im lặng suy ngẫm câu hỏi sau đây:

  • Chúng ta cần phải làm gì sau phép báp têm để luôn ở trên con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu?

Trong khi các học sinh suy ngẫm về câu hỏi này, hãy mời họ tìm kiếm những câu trả lời trong 2 Nê Phi 31:15–16, 19–21. Các anh chị em có thể đề nghị họ đánh dấu các từ và cụm từ mà giải thích điều chúng ta cần phải làm để nhận được cuộc sống vĩnh cửu. Sau khi có đủ thời giờ, hãy mời một vài học sinh chia sẻ điều họ đã đánh dấu. Khi họ trả lời, hãy viết câu trả lời của họ lên trên bảng. Hình minh họa của các anh chị em cần phải giống như sau:

Eternal Life Steps

Hãy chắc chắn rằng các học sinh hiểu là nếu sống theo giáo lý của Đấng Ky Tô, thì chúng ta sẽ nhận được cuộc sống vĩnh cửu.

Để kết thúc bài học này, hãy yêu cầu một học sinh đọc to 2 Nê Phi 31:20. Hãy nêu lên rằng 2 Nê Phi 31:19–20 là một đoạn thánh thư thông thạo. Các anh chị em có thể khuyến khích các học sinh đánh dấu đoạn này trong một cách đặc biệt để họ sẽ có thể dễ dàng tìm ra đoạn này. Mời họ trả lời một trong những câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư hoặc sổ ghi chép trong lớp học của họ:

  • Dựa vào điều đã học được trong bài học này, điều gì mang đến cho các em hy vọng rằng các em có thể nhận được cuộc sống vĩnh cửu?

  • Giao ước mà các em đã lập vào lúc chịu phép báp têm đã ảnh hưởng cuộc sống của các em như thế nào?

biểu tượng thông thạo thánh thưThông Thạo Thánh Thư—2 Nê Phi 31:19–20

Chia sẻ lời phát biểu sau đây của Anh Cả Richard G. Scott thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

“Quyền năng lớn lao có thể đến từ việc thuộc lòng thánh thư. Thuộc lòng một câu thánh thư tức là tạo ra một tình bạn mới. Điều đó giống như khám phá ra một người bạn mới là người có thể giúp đỡ trong lúc mình cần, để soi dẫn, an ủi, và là một nguồn động lực khi cần thay đổi” (“Quyền Năng của Thánh Thư,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2011, 6).

Viết lên trên một tấm bích chương (hay một tờ giấy) Tôi đã thuộc lòng 2 Nê Phi 31:19–20. Đặt tấm bích chương vào một nơi mà các học sinh sẽ thấy. Yêu cầu các học sinh tự học thuộc lòng đoạn này hoặc với gia đình của họ. Mời họ ký tên vào tấm bích chương trong những ngày tới sau khi họ đã thuộc lòng đoạn này rồi. Nếu học thuộc lòng đoạn ngày cùng với gia đình của họ, thì họ cũng có thể viết tên của những người trong gia đình lên trên tấm bích chương. Hãy nhớ làm cho lời yêu cầu này thích nghi với khả năng và hoàn cảnh của mỗi học sinh để họ có thể được thành công.

Chia sẻ chứng ngôn của họ về giá trị của việc thuộc lòng thánh thư, chẳng hạn như 2 Nê Phi 31:19–20, trong đó có từ hy vọng.

Xin lưu ý: Vì tính chất và chiều dài của bài học ngày hôm nay, các anh chị em có thể muốn sử dụng sinh hoạt này vào một ngày khác, khi có nhiều thời giờ hơn.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

2 Nê Phi 31:2, 21. “Giáo lý của Đấng Ky Tô”

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ giải thích:

“ ‘Giáo lý của Đấng Ky Tô’ như được Nê Phi dạy trong bài giảng tóm lược quan trọng của ông tập trung vào đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, sự hối cải, phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước, tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh và kiên trì đến cùng. Giáo lý này, trong lời tuyên bố này, không nhằm bao gồm toàn bộ kế hoạch cứu rỗi, tất cả những đức tính của một cuộc sống Ky Tô hữu, hoặc những phần thưởng đang chờ đợi chúng ta trong những mức độ vinh quang khác nhau của thiên thượng. Điều đó không liên quan đến những chức phẩm của chức tư tế, các giáo lễ của đền thờ hoặc nhiều giáo lý chân chính khác. Tất cả những điều này đều quan trọng, nhưng khi được sử dụng trong Sách Mặc Môn, ′giáo lý của Đấng Ky Tô′ là giản dị và rõ ràng minh bạch. Giáo lý này chỉ tập trung vào các nguyên tắc đầu tiên của phúc âm, kể cả một lời khuyến khích để chịu đựng, kiên trì và tiến bước. Quả thật vậy, chính là trong sự rõ ràng và giản dị của ′giáo lý của Đấng Ky Tô′ mà có thể tìm thấy ảnh hưởng của điều đó. Nê Phi biết điều đó sẽ phải là như vậy. Ông viết: ′Tôi sẽ nói với các người một cách minh bạch, dựa theo sự minh bạch của các điều tiên tri của tôi′ [2 Nê Phi 31:2]” (Christ and the New Covenant: The Messianic Message of the Book of Mormon [1997], 49–50).

2 Nê Phi 31:13. “Hành động không giả dối”

Anh Cả Joseph B. Wirthlin thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ nói về hành động không giả dối:

“Quả thật, chúng ta có thật sự sống theo phúc âm, hoặc là chỉ tỏ ra bề ngoài ngay chính để những người xung quanh nghĩ rằng chúng ta là trung tín, khi thật sự trong lòng và các hành động không ai thấy của chúng ta là không đúng theo những điều giảng dạy của Chúa không?

“Chúng ta chỉ theo ′hình thức tin kính′ trong khi chối bỏ ′quyền năng mà nhờ đó′ có được không? [Joseph Smith—Lịch Sử 1:19.]

“Chúng ta có ngay chính thật sự, hoặc chúng ta chỉ giả vờ vâng lời khi nào chúng ta nghĩ rằng người khác đang nhìn không?

“Chúa đã nói rõ rằng Ngài sẽ không để bị lừa bởi diện mạo bề ngoài, và Ngài đã cảnh báo chúng ta là đừng giả dối với Ngài hoặc những người khác. Ngài đã cảnh báo chúng ta là phải thận trọng đối với những người đưa ra một bộ mặt giả dối với một cái cớ chính đáng mà che đậy một thực tế tối tăm hơn” (“True to the Truth,” Ensign, tháng Năm năm 1997, 15–16).”

Khi khuyên bảo các tín hữu nên hành động với chủ ý thật sự và không chỉ hành động suông mà thôi, Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ nói:

“Khi tuân theo những điều giảng dạy cơ bản nhất này, thì những điều kỳ diệu có liên quan đến Đấng Ky Tô sẽ được mở ra cho chúng ta trong nhiều cách thức: cầu nguyện, nhịn ăn, và suy ngẫm về những mục đích của Ngài, thưởng thức các thánh thư, phục vụ những người khác, ‘cứu giúp kẻ yếu, nâng đỡ những bàn tay rũ rượi, …làm vững mạnh những đầu gối suy nhược.’ [GLGƯ 81:5.] Quan trọng hơn hết là yêu thương với ′tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô,′ ân tứ ′không bao giờ hư mất′ đó, ân tứ ′chịu đựng mọi sự, tin tưởng mọi sự, hy vọng mọi sự và nhẫn nại mọi sự′ đó. [Xin xem Mô Rô Ni 7:45–47.] Chẳng bao lâu, với loại tình yêu thương đó, chúng ta ý thức được rằng trong cuộc sống của mình có rất nhiều cách thức khác nhau dẫn đến cùng Đấng Thầy và mỗi lần chúng ta tìm đến Ngài, tuy trong sự yếu đuối, thì chúng ta khám phá ra rằng Ngài đang cố gắng tìm đến chúng ta một cách nồng nhiệt.

“Ước muốn của tôi ngày hôm nay là cho tất cả chúng ta … có thêm kinh nghiệm cá nhân trực tiếp với tấm gương của Đấng Cứu Rỗi. Đôi khi chúng ta tìm kiếm thiên thượng một cách quá quanh co [không trực tiếp], bằng cách chú trọng tới các chương trình, lịch sử, hoặc kinh nghiệm của những người khác. Những điều đó cũng quan trọng nhưng không quan trọng bằng kinh nghiệm cá nhân, vai trò môn đồ chân chính, và sức mạnh có được từ kinh nghiệm trực tiếp với quyền năng của bàn tay Ngài” (“Những Món Đồ Hư Hại để Được Sửa Chữa Lại,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2006, 69).

2 Nê Phi 31:13, 17–18. “Hãy Tiếp Nhận Đức Thánh Linh”

Anh Cả David A. Bednar dạy:

“Giáo lễ xác nhận một tín hữu mới của Giáo Hội và giáo lễ ban cho ân tứ Đức Thánh Linh đều giản dị lẫn sâu sắc. Những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc đặt tay họ lên đầu của một cá nhân và gọi tên người này. Rồi, trong thẩm quyền của chức tư tế thánh và trong danh của Đấng Cứu Rỗi, cá nhân này được xác nhận là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô và cụm từ quan trọng này được thốt ra: “Hãy tiếp nhận Đức Thánh Linh.”

“Vẻ giản dị của giáo lễ này có thể làm cho chúng ta không chú ý tới ý nghĩa của nó. Sáu chữ này—′Hãy tiếp nhận Đức Thánh Linh′—không phải là một lời tuyên bố tiêu cực; thay vì thế, những chữ này cấu thành một mệnh lệnh của chức tư tế—lời khuyên nhủ có thẩm quyền để hành động chứ không phải chỉ bị tác động (xin xem 2 Nê Phi 2:26). Đức Thánh Linh không trở thành tác động trong cuộc sống của chúng ta chỉ vì việc đặt tay lên đầu của chúng ta và sáu chữ quan trọng được nói ra đó. Khi chúng ta tiếp nhận giáo lễ này, mỗi người chúng ta chấp nhận một trách nhiệm thiêng liêng và liên tục để mong muốn, tìm kiếm và sống xứng đáng để chúng ta quả thật ′tiếp nhận Đức Thánh Linh′ cùng các ân tứ thuộc linh đi kèm theo. …

“Cầu nguyện, học hỏi, quy tụ, thờ phượng, phục vụ và vâng lời không phải là những điều riêng biệt và độc lập trên bản liệt kê về những điều phải làm của phúc âm. Thay vì thế, mỗi lối thực hành này là một yếu tố quan trọng trong toàn bộ công cuộc tìm kiếm thuộc linh để làm tròn lệnh truyền: hãy tiếp nhận Đức Thánh Linh. Các lệnh truyền từ Thượng Đế và những lời khuyên đầy soi dẫn từ các vị lãnh đạo Giáo Hội mà chúng ta tuân theo phần lớn đều tập trung vào việc nhận được sự đồng hành của Thánh Linh. Về cơ bản, tất cả những điều giảng dạy và những sinh hoạt của phúc âm đều tập trung vào việc tiếp nhận Đức Thánh Linh vào cuộc sống của chúng ta.” (“Hãy Tiếp Nhận Đức Thánh Linh,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2010, 95, 97).

Lời phát biểu sau đây liệt kê một số phước lành chúng ta có thể nhận được khi chúng ta xứng đáng với sự đồng hành của Đức Thánh Linh:

“[Đức Thánh Linh] có thể hướng dẫn các anh chị em trong những quyết định của mình và bảo vệ các anh chị em khỏi sự nguy hiểm thể xác và thuộc linh.

“Ngài là Đấng An Ủi (Giăng 14:26). … Những lời thì thầm của Thánh Linh có thể trấn an nỗi sợ hãi, dỗ dành những lo âu quấy rầy trong cuộc sống của các anh chị em, và an ủi các anh chị em lúc đau buồn. Đức Thánh Linh có thể làm lòng các anh chị em tràn đầy ′niềm hy vọng và tình thương yêu trọn vẹn′ và ′dạy các anh chị em những điều bình an của vương quốc′ (Mô Rô Ni 8:26; GLGƯ 36:2). …

“Sự vui hưởng ân tứ Đức Thánh Linh một cách trọn vẹn gồm có việc nhận được sự mặc khải và an ủi, phục vụ và ban phước cho những người khác qua các ân tứ thuộc linh, và được thánh hóa khỏi tội lỗi và được làm cho xứng đáng với sự tôn cao trong vương quốc thượng thiên” (Trung Thành với Đức Tin: Tài Liệu Tham Khảo Phúc Âm [2004], 82–83).

2 Nê Phi 31:15–16. “Kiên trì đến cùng”

Cụm từ “kiên trì đến cùng” thường được sử dụng để ám chỉ sự cần thiết phải kiên nhẫn chịu đựng những nỗi gian nan trong suốt cuộc sống của chúng ta. Anh Cả Joseph B. Wirthlin giải thích rằng việc kiên trì đến cùng cũng có nghĩa là tiếp tục trong sự trung tín với Đấng Ky Tô:

“Sự kiên trì đến cùng là giáo lý về việc tiếp tục ở trên con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu sau khi một người đã bước vào con đường đó bằng đức tin, sự hối cải, phép báp têm và tiếp nhận Đức Thánh Linh. Sự kiên trì đến cùng đòi hỏi tấm lòng trọn vẹn của chúng ta, hoặc như tiên tri A Ma Lê Ki của Sách Mặc Môn đã dạy, chúng ta cần phải ′đến cùng Ngài, và hãy dâng tất cả tâm hồn mình như một của lễ hiến dâng lên Ngài, cũng như hãy tiếp tục nhịn ăn và cầu nguyện, và kiên trì đến cùng; và như Chúa là Đấng hằng sống, [chúng ta] sẽ được cứu.′ [Ôm Ni 1:26.]

“Sự kiên trì đến cùng có nghĩa là chúng ta neo chặt cuộc sống của mình lên trên các giáo lý phúc âm, tuân giữ các giáo lý đã được chấp nhận của Giáo Hội, khiêm nhường phục vụ đồng bào của mình, sống giống như cuộc sống của Đấng Ky Tô, và tuân giữ các giao ước của mình. Những người nào kiên trì chịu đựng đều cân nhắc, kiên định, khiêm nhường, liên tục cải tiến và không thủ đoạn. Chứng ngôn của họ không dựa lên trên những lý do của thế gian—mà dựa lên trên lẽ thật, sự hiểu biết, kinh nghiệm và Thánh Linh” (“Hãy Tiếp Tục Dấn Bước,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2004, 101).

2 Nê Phi 31–33. Đức Thánh Linh

Những lời giảng dạy cuối cùng của Nê Phi trong Sách Mặc Môn gồm có nhiều lẽ thật về Đức Thánh Linh. Ví dụ:

  1. Đức Thánh Linh có thể làm cho các em nói bằng “ngôn ngữ của các thiên thần” (xin xem 2 Nê Phi 31:13).

  2. Sự xá miễn tội lỗi đến nhờ vào quyền năng của Đức Thánh Linh (xin xem 2 Nê Phi 31:17).

  3. Đức Thánh Linh làm chứng về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử (xin xem 2 Nê Phi 31:18).

  4. Đức Thánh Linh sẽ cho các em thấy tất cả mọi điều các em nên làm (xin xem 2 Nê Phi 32:5).

  5. Đức Thánh Linh dạy người ta phải cầu nguyện (xin xem 2 Nê Phi 32:8).

  6. Khi một người nói bằng quyền năng của Đức Thánh Linh, thì Đức Thánh Linh mang sứ điệp đến với tấm lòng của những người khác (xin xem 2 Nê Phi 33:1).