Thư Viện
Bài Học 78: An Ma 13


Bài Học 78

An Ma 13

Lời Giới Thiệu

Lúc đầu khi An Ma dạy dân Am Mô Ni Ha phản nghịch thì họ tranh luận với ông, hỏi: “Ông là ai?” và chất vấn đặt câu hỏi về thẩm quyền của ông (xin xem An Ma 9:1–6). Họ đang ở trong một tình trạng bội giáo, đã chấp nhận lệnh của Nê Hô—mưu chước tăng tế, với mục tiêu là trục lợi cá nhân (xin xem An Ma 1:2–15; 15:15; 16:11). Trái với lời dạy của Nê Hô, An Ma đã dạy cho họ về “chức tư tế thượng phẩm theo thánh ban của Thượng Đế,” với mục tiêu của mình để giúp đỡ những người khác hối cải và bước vào chốn an nghỉ của Chúa (xin xem An Ma 13:6). Ông trích dẫn tấm gương của Mên Chi Xê Đéc, là người thuyết giảng về đức tin và sự hối cải và giúp dân chúng của mình sống trong hòa bình. An Ma cũng dạy về cuộc sống tiền dương thế và sự tiền sắc phong. Ông kết thúc bài giảng của mình bằng cách mời dân chúng lắng nghe lời nói của ông để họ có thể chuẩn bị bước vào chốn an nghỉ của Chúa.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

An Ma 13:1–12

An Ma dạy dân Am Mô Ni Ha về sự kêu gọi của các thầy tư tế thượng phẩm

Giải thích rằng An Ma 13 chứa đựng những lời dạy của An Ma về một nhóm người và họ là một lợi ích lớn cho Giáo Hội. Trong thực tế, tất cả các tín hữu của Giáo Hội đã được ban phước qua sự phục vụ của những người này.

Cho học sinh biết rằng họ biết những người thuộc nhóm này. Sau đó yêu cầu học sinh im lặng đọc An Ma 13:1 để xác định những người này là ai. Sau khi họ đã có thời gian để đọc câu này rồi, hãy đề nghị họ cũng đọc An Ma 13:10, 14Giáo Lý và Giao Ước 107:1–3. Các anh chị em có thể muốn đề nghị họ viết những phần tham khảo này ở bên lề trang cạnh An Ma 13:1.

Hãy nêu ra rằng An Ma nói về các thầy tư tế theo thánh ban của Vị Nam Tử của Thượng Đế, tức là Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Nói cách khác, ông nói về những người nắm giữ chức phẩm thầy tư tế thượng phẩm trong Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Mời một học sinh đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Bruce R. McConkie thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

“Dân Nê Phi này, là những người trung tín và chân thành trong việc tuân giữ luật Môi Se, đã có Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, có nghĩa là họ đã có phúc âm trọn vẹn. … Một số thông tin đúng nhất của chúng ta về Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc được tìm thấy trong An Ma 13” (The Promised Messiah [1978], 421).

  • Các phước lành nào đã đến với cuộc sống của các em qua Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc? (Học sinh có thể đề cập đến ân tứ Đức Thánh Linh, phước lành tộc trưởng, các phước lành khác của chức tư tế, sự lãnh đạo của Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương, sự lãnh đạo của các vị lãnh đạo địa phương như các giám trợ hay chủ tịch chi nhánh, và các phước lành mà họ nhận được qua các giao ước mà cha mẹ của họ đã lập trong đền thờ. Họ cũng có thể đề cập đến phép báp têm và Tiệc Thánh do thẩm quyền của Chức Tư Tế A Rôn thực hiện, nhưng dưới sự hướng dẫn của các vị lãnh đạo Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc).

Trưng bày lên trên bảng các câu hỏi sau đây, hay gồm chúng vào trong một tờ giấy phát tay. Cho học sinh thời gian để đọc An Ma 13:2–10 và tìm câu trả lời cho các câu hỏi này.

Khi nào những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc được kêu gọi và chuẩn bị lần đầu tiên? (Xin xem An Ma 13:3–5).

Tất cả những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc có bổn phận gì? (Xin xem An Ma 13:6.).

Những cụm từ nào trong An Ma 13:7 mô tả Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc?

Một số tiêu chuẩn nào cần có để được sắc phong Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc? (Xin xem An Ma 13:10).

Khi học sinh đã có thời gian để tìm câu trả lời cho các câu hỏi, hãy yêu cầu họ báo cáo về các câu trả lời của họ. Các anh chị em có thể muốn viết lên trên bảng những câu trả lời của họ.

Để giúp học sinh hiểu thêm và thảo luận về điều họ đã đọc, hãy cân nhắc việc hỏi các câu hỏi sau đây:

  • Trong những phương diện nào sự phục vụ của những người nắm giữ chức tư tế giúp chúng ta biết cách trông cậy Chúa Giê Su Ky Tô để được cứu chuộc? (Xin xem An Ma 13:2, 8, 16. Qua tấm gương và những lời giảng dạy của họ và qua các giáo lễ mà họ thực hiện, họ chỉ cho chúng ta con đường đến với Đấng Cứu Rỗi).

  • An Ma đã có ý nói gì khi nói rằng các thầy tư tế thượng phẩm đã được “kêu gọi và chuẩn bị từ lúc thế gian mới được tạo dựng”? (An Ma 13:3). (Ông có ý nói rằng một số người đã được tiền sắc phong để nhận được các chức phẩm chức tư tế nào đó).

Để giúp học sinh hiểu được sự tiền sắc phong và điều đó được áp dụng như thế nào trong cuộc sống của họ, các anh chị em có thể muốn yêu cầu một học sinh đọc những lời phát biểu sau đây.

Tiên Tri Joseph Smith dạy: “Mỗi người nào có sự kêu gọi để phục sự các dân cư trên thế gian đều đã được sắc phong cho chính mục đích đó trong Đại Hội trên thiên thượng trước khi sáng thế. Tôi tin rằng tôi đã được sắc phong cho chính chức phẩm này ở trong Đại Hội đó” (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [2007], 511).

Chủ Tịch Spencer W. Kimball nói: “Trong thế giới trước khi chúng ta đến đây, các phụ nữ trung thành đã được ban cho những chỉ định nào đó trong khi những người đàn ông trung thành đã được tiền sắc phong cho các nhiệm vụ nào đó của chức tư tế. Bây giờ mặc dù chúng ta không nhớ những điều cụ thể, nhưng điều này không làm thay đổi thực tế vinh quang của điều chúng ta đã từng đồng ý nghe theo” (Teachings of Presidents of the Church: Spencer W. Kimball [2006], 215–16).

  • An Ma 13:3 dạy gì về điều chúng ta cần phải làm để hoàn thành sứ mệnh đã được tiền sắc phong của mình?

  • Khi một người đàn ông được sắc phong chức phẩm trong chức tư tế, thì sự sắc phong đó nên có ý nghĩa gì đối với người ấy? (Xin xem An Ma 13:8. Xin lưu ý rằng câu hỏi này có thể được các em thiếu nữ cũng như các em thiếu niên trả lời. Các thiếu niên có thể được hưởng lợi ích từ việc nghe những câu trả lời của các thiếu nữ).

Yêu cầu học sinh im lặng đọc An Ma 13:11–12 cùng tìm kiếm những cách những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc mà An Ma đã đề cập đến đã được thay đổi như thế nào nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Các em nghĩ “y phục của [một người nào đó] được tẩy trắng nhờ máu của Chiên Con” có nghĩa là gì?

  • Các em nghĩ tại sao những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc cần phải được thay đổi nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô? Chúng ta có thể noi theo gương của họ về những phương diện nào?

Nhắc nhở học sinh rằng An Ma đã dạy những lẽ thật này cho dân chúng ở Am Mô Ni Ha. Nhiều người trong số những người này “có tín ngưỡng theo kiểu Nê Hô” (An Ma 14:18; 15:15), có nghĩa là họ đã chấp nhận lời giảng dạy của Nê Hô. Nê Hô là một người đàn ông đã thiết lập một chế độ sai lầm mà An Ma gọi là “mưu chước tăng tế” (xin xem An Ma 1:12–15).

  • Những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc trung tín khác biệt như thế nào với những người tuân theo những lời giảng dạy của Nê Hô? (Các anh chị em có thể muốn mời học sinh xem lại An Ma 1:2–6, cùng tìm kiếm sự trái ngược giữa mưu chước tăng tế của Nê Hô và Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc).

  • Trước đây dân Am Mô Ni Ha đã được giảng dạy về Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và nhận được các phước lành qua Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc (xin xem An Ma 9:21; 13:1). Các em nghĩ tại sao là điều quan trọng cho dân chúng ở Am Mô Ni Ha để được nhắc nhở về điều họ đã học được trước đây về Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc?

  • Cho đến bây giờ các em đã học được gì về chức tư tế trong bài học này? (Trong khi học sinh có thể đề nghị một số lẽ thật, câu trả lời của họ nên cho biết rằng các giáo lễ của chức tư tế và sự phục vụ của những người nắm giữ chức tư tế giúp chúng ta biết cách trông cậy vào Chúa Giê Su Ky Tô để được cứu chuộc).

Các anh chị em có thể muốn đề nghị học sinh viết vào cuốn sổ tay hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư nguyên tắc này và các nguyên tắc khác mà họ đã nhận ra. Nếu thời gian cho phép, hãy yêu cầu họ viết về những nguyên tắc này có thể ảnh hưởng như thế nào đến cách họ nhìn quyền năng và các phước lành của chức tư tế.

An Ma 13:13–20

An Ma giảng dạy về Mên Chi Xê Đéc, một thầy tư tế thượng phẩm đã thiết lập hòa bình giữa dân ông

Viết lên trên bảng những từ và cụm từ sau đây: thầy tư tế thượng phẩm, nhà vua, đã thực hành đức tin vững mạnh, thuyết giảng sự hối cải, thiết lập hòa bình, hoàng tử bình an, đã trị vì dưới quyền phụ thân của mình. Tạm dừng lại sau khi viết mỗi từ hoặc cụm từ để cho học sinh đoán xem An Ma đã mô tả ai với những từ và cụm từ này, mà không nhìn vào trong quyển thánh thư của họ. (Ông đã mô tả Mên Chi Xê Đéc). Nếu học sinh không đoán được đúng khi các anh chị em đã viết lên trên bảng tất cả các từ và cụm từ, thì hãy yêu cầu họ đọc An Ma 13:14.

Nếu một số học sinh đoán rằng An Ma đang nói về Chúa Giê Su Ky Tô, thì hãy hỏi họ tại sao phần mô tả về một thầy tư tế thượng phẩm ngay chính lại nhắc họ nhớ tới Đấng Cứu Rỗi. Giúp họ hiểu rằng những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc là “theo ban của Vị Nam Tử, Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha” (An Ma 13:9; xin xem thêm GLGƯ 107:2–4). Hãy nêu ra rằng những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc cần phải cố gắng noi theo gương của Chúa Giê Su Ky Tô trong sự phục vụ và những lời giảng dạy của họ. Cũng nhắc học sinh rằng các giáo lễ được thẩm quyền của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc thực hiện giúp chúng ta đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn.

Yêu cầu một học sinh đọc to An Ma 13:14–19. Khuyến khích lớp học nghĩ về những người tà ác ở Am Mô Ni Ha có thể đã được hưởng lợi như thế nào từ việc học hỏi về Mên Chi Xê Đéc.

  • Trong An Ma 13:17, những từ nào mô tả dân của Mên Chi Xê Đéc? Những người này giống những người dân ở Am Mô Ni Ha như thế nào? (Xin xem An Ma 8:9; 9:8).

  • Mên Chi Xê Đéc đã làm gì với tư cách là vị lãnh đạo của dân ông? Sự lãnh đạo của ông đã ảnh hưởng như thế nào đến dân chúng? Ảnh hưởng này khác như thế nào với ảnh hưởng của những người ở Am Mô Ni Ha đã tuân theo những lời giảng dạy của Nê Hô? (Xin xem An Ma 8:17; 10:27, 32).

Mời học sinh tóm lược An Ma 13:16–18, cho biết về những lẽ thật mà những câu này dạy về trách nhiệm của các vị lãnh đạo chức tư tế. Khi họ tóm lược, hãy chắc chắn rằng họ nói rằng các vị lãnh đạo chức tư tế giúp chúng ta trông cậy vào Chúa Giê Su Ky Tô, hối cải, và sống trong cảnh yên bình. (Các anh chị em có thể muốn khuyến khích học sinh viết phần tóm lược của họ trong quyển thánh thư của họ bên cạnh An Ma 13:16–18). Hãy nêu ra rằng các vị lãnh đạo khác trong Giáo Hội, như các vị lãnh đạo Hội Phụ Nữ và Hội Thiếu Nữ, là những người tham gia chủ yếu vào nỗ lực này. Khi phục vụ với các vị lãnh đạo chức tư tế, họ giúp hướng dẫn các cá nhân và gia đình đến cùng Đấng Ky Tô.

  • Các anh chị em đã được ban phước như thế nào qua sự phục vụ của các vị lãnh đạo trong Giáo Hội?

An Ma 13:21–31

An Ma mời dân chúng lắng nghe tiếng nói của Chúa và bước vào chốn an nghỉ của Ngài

Mời học sinh tìm kiếm một ý tưởng đã được lặp đi lặp lại trong An Ma 13:12, 13, 16, 29. Họ cần tìm kiếm từ an nghỉ và cụm từ “chốn an nghỉ của Chúa.” Các anh chị em có thể muốn khuyến khích họ tô đậm ý tưởng này trong mỗi câu. Để giúp học sinh hiểu được ý nghĩa của việc bước vào nơi an nghỉ của Chúa trong cuộc sống này và sau khi chúng ta chết, hãy đọc những lời phát biểu sau đây:

“Các vị tiên tri thời xưa nói về việc ‘bước vào chốn an nghỉ của Thượng Đế’ [xin xem An Ma 12:34; GLGƯ 84:23–24]; câu này có nghĩa là gì? Theo tôi nghĩ, câu này có nghĩa là bước vào sự hiểu biết và tình yêu thương của Thượng Đế, có đức tin ở mục đích và kế hoạch của Ngài, đến một mức độ mà chúng ta biết rằng mình đúng, và không tìm kiếm một điều gì khác” (Joseph F. Smith, Teachings of Presidents of the Church: Joseph F. Smith [1998], 56).

“Các thánh hữu chân chính bước vào chốn an nghỉ của Chúa trong khi trong cuộc sống này, và bằng cách tuân theo lẽ thật, họ tiếp tục trong trạng thái được phước đó cho đến khi họ an nghỉ với Chúa trên thiên thượng. … Chốn an nghỉ của Chúa, trong thời vĩnh cửu, là để thừa hưởng cuộc sống vĩnh cửu, để đạt được vinh quang trọn vẹn của Chúa” (Bruce R. McConkie, Mormon Doctrine, ấn bản thứ hai [1966], 633).

Giải thích rằng An Ma khuyên nhủ dân chúng ở Am Mô Ni Ha nên hối cải và chuẩn bị cho sự giáng lâm của Đấng Ky Tô (xin xem An Ma 13:21–26). Sau đó, ông đã chia sẻ các nguyên tắc mà họ cần phải tuân theo để bước vào chốn an nghỉ của Chúa.

Yêu cầu học sinh im lặng đọc An Ma 13:27.

  • Các từ nào trong An Ma 13:27 cho thấy An Ma cảm thấy như thế nào về dân chúng và về sứ điệp của ông?

Mời một vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ An Ma 13:27–29. Yêu cầu lớp học tìm kiếm các nguyên tắc mà An Ma đã hy vọng dân chúng sẽ noi theo. Sau đó yêu cầu học sinh liệt kê các nguyên tắc mà họ đã tìm thấy. Ví dụ, họ có thể nói rằng khi chúng ta đáp ứng một cách khiêm nhường với lời mời gọi phải hối cải, Thánh Linh sẽ dẫn dắt chúng ta vào chốn an nghỉ của Chúa.

Mời học sinh viết các mục tiêu về cách họ sẽ tuân theo lời khuyên bảo trong An Ma 13:27–29. Làm chứng rằng chúng ta có thể bước vào chốn an nghỉ của Chúa trong cuộc đời này và đời sau khi chúng ta tuân theo các nguyên tắc mà An Ma dạy.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

An Ma 13:1. “Tôi muốn nhắc nhở cho các người nhớ lại”

Học sinh có thể tự hỏi tại sao An Ma đã nói: “Tôi muốn nhắc nhở cho các người nhớ lại” và sau đó nói về những sự kiện đã xảy ra rồi (xin xem An Ma 13:1). Là điều hữu ích để nhớ rằng An Ma 13 là một sự tiếp nối của một bài giảng mà cũng ở trong An Ma 11 và 12. Phần kết luận của An Ma 12 chứa đựng những lời của An Ma về Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va (xin xem An Ma 12:22–23, 30–32). Vào phần đầu của An Ma 13, An Ma tiếp tục câu chuyện của ông, yêu cầu dân chúng “nhớ lại” một thời gian sau khi Sự Sa Ngã khi Chúa sắc phong các thầy tư tế để giảng dạy các lệnh truyền của Ngài.

An Ma 13:3. Quyền tự quyết trong tiền dương thế

Khi nói về những người nắm giữ chức tư tế và sự tiền sắc phong trên tiền dương thế của họ, An Ma đã dạy rằng “thoạt tiên họ được tự do lựa chọn điều thiện hay điều ác” (An Ma 13:3). Chủ Tịch Joseph Fielding Smith giải thích sâu hơn về lẽ thật này:

“Thượng Đế đã ban cho con cái của Ngài quyền tự quyết của họ ngay cả trong thế giới linh hồn [tiền dương thế] mà qua đó các linh hồn cá nhân có đặc ân, cũng giống như con người ở đây, để chọn điều tốt và chối bỏ điều tà ác, hoặc tham gia vào việc làm điều tà ác để gánh chịu những hậu quả của tội lỗi của mình. Nhờ vào điều này, thậm chí một số người ở đó còn trung tín hơn những người khác trong việc tuân giữ các lệnh truyền của Chúa.

“Các linh hồn của con người đã có quyền tự quyết của họ. Các linh hồn của con người đã không bằng nhau. Họ có thể đã có một sự khởi đầu như nhau, và chúng ta biết rằng tất cả họ đều vô tội lúc ban đầu; nhưng quyền tự quyết được ban cho họ đã làm cho một số người vượt trội những người khác, và do đó, qua suốt thời vĩnh cửu bất diệt, để trở nên thông minh hơn, trung tín hơn, vì họ được tự do hành động cho bản thân họ, tự nghĩ cho bản thân họ, để nhận được lẽ thật hay phản nghịch chống lại” (Doctrines of Salvation, do Bruce R. McConkie biên soạn, 3 tập [1954–56], 1:58–59).

An Ma 13:3-5. Cuộc sống tiền dương thế và sự tiền sắc phong

Chủ Tịch Boyd K. Packer thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

“Không còn có lẽ thật sâu xa nào nữa đã được truyền đạt cho chúng ta trong sự phục hồi hơn sự hiểu biết về cuộc sống tiền dương thế của chúng ta. Không có giáo hội nào khác biết hoặc giảng dạy lẽ thật này. Giáo lý này chỉ được đưa ra trong hình thức tóm lược, nhưng các sự kiện quan trọng được lặp đi lặp lại đủ thường xuyên trong những điều mặc khải để bảo đảm chúng ta về các lẽ thật cơ bản nhất định.

“… Một vài sự kiện quan trọng chúng ta biết về trạng thái của mình trong cuộc sống tiền dương thế là như sau: ‘Lúc khởi đầu, loài người đã ở cùng Thượng Đế.’ (GLGƯ 93:29.) Chúng ta đã sống nơi hiện diện của Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu của chúng ta; chúng ta là con cái của Ngài. Thực thể tri thức, hay là linh hồn, đã được tổ chức như thể linh trước khi sáng thế. (Xin xem Áp Ra Ham 3:22.) Mỗi người trong chúng ta được ban cho quyền tự quyết. Thẩm quyền đã được truyền ban và các vị lãnh đạo đã được chọn.Alma 13:1–4.)” (Our Father’s Plan [1984], 14–15).

Trung Thành với Đức Tin gồm có lời giải thích sau đây về sự tiền sắc phong:

″Trong thế giới linh hồn tiền dương thế, Thượng Đế chọn ra một số linh hồn để làm tròn những sứ mệnh cụ thể trong cuộc sống trên trần thế của họ. Điều này gọi là sự tiền sắc phong.

″Sự tiền sắc phong không bảo đảm rằng các cá nhân sẽ nhận được những sự kêu gọi hoặc trách nhiệm nào đó. Các cơ hội như thế đến trong cuộc sống này do việc sử dụng quyền tự quyết một cách ngay chính, cũng giống như sự tiền sắc phong có được do sự ngay chính trong cuộc sống tiền dương thế.

“Giáo lý tiền sắc phong áp dụng cho tất cả các tín hữu của Giáo Hội, không phải chỉ dành cho Đấng Cứu Rỗi và các vị tiên tri của Ngài mà thôi. Trước khi thế gian được tạo dựng, các phụ nữ trung tín đã được ban cho những trách nhiệm nào đó và những người nam trung tín được tiền sắc phong cho những bổn phận chức tư tế nào đó. Mặc dù các anh chị em không nhớ được thời điểm đó, nhưng chắc chắn các anh chị em đã ưng thuận làm tròn những nhiệm vụ quan trọng trong sự phục vụ Đức Chúa Cha của mình. Khi các anh chị em tự chứng tỏ mình xứng đáng, các anh chị em sẽ được ban cho cơ hội để làm tròn những nhiệm vụ mà các anh chị em đã nhận được lúc bây giờ” (Trung Thành với Đức Tin: Sách Tham Khảo Phúc Âm [2004], 69 70).

Anh Cả Neal A. Maxwell thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai đã dạy:

“Tiền dương thế không phải là một giáo lý dễ hiểu. Đối với mỗi người chúng ta, có những điều được lựa chọn, những công việc liên tục và khó khăn cần phải được thực hiện, những điều trớ trêu và nghịch cảnh cần phải được trải qua, thời gian phải được sử dụng hữu hiệu, tài năng và ân tứ phải được sử dụng môt cách hiệu quả. Chỉ vì chúng ta đã được lựa chọn ′ở đó và lúc ấy,′ thì chắc chắn không có nghĩa là chúng ta có thể thờ ơ ′nơi đây và bây giờ.′ Cho dù nam giới đã được tiền sắc phong, hoặc phụ nữ đã được tiền chỉ định, thì những người được kêu gọi và chuẩn bị cũng cần phải chứng tỏ là đã ′được chọn và trung tín.′ (Xin xem Khải Huyền 17:14; GLGƯ 121:34–36.)” (“Premortality, a Glorious Reality,” Ensign, tháng Mười Một năm 1985, 17).