Lời Giới Thiệu Sách Mô Si A
Tại sao chúng ta phải học sách này?
Trong khi học sách Mô Si A, học sinh sẽ đọc những lời chứng hùng hồn về sứ mệnh của Chúa Giê Su Ky Tô. Họ cũng sẽ học về những người mà Chúa giải thoát khỏi vòng nô lệ của tội lỗi hoặc khỏi sự áp bức thể xác. Ngoài ra, học sinh cũng sẽ học về các nỗ lực ngay chính của các cá nhân như Vua Bên Gia Min, A Bi Na Đi, và An Ma đã mang lại các phước lành lớn lao cho những người khác như thế nào. Ngược lại, học sinh cũng sẽ thấy những sự lựa chọn sai của các cá nhân như Giê Níp và con trai của ông là Vua Nô Ê đã mang đến những hậu quả tiêu cực như thế nào đối với bản thân họ và dân của họ.
Ai viết sách này?
Mặc Môn biên soạn và tóm lược các biên sử của vài tác giả khác để làm thành sách Mô Si A. Sách này được đặt tên là Mô Si A, là một người con trai của Vua Bên Gia Min. Mô Si A là một vị tiên tri, tiên kiến, mặc khải, và là vua cai trị ở Gia Ra Hem La từ khoảng năm 124 Trước Công Nguyên đến năm 91 Trước Công Nguyên. Ông được đặt tên theo tên ông nội của ông là Mô Si A, cũng là một vị vua ở Gia Ra Hem La (xin xem Ôm Ni 1:12–13, 19).
Mặc Môn đã sử dụng một số biên sử để biên soạn sách Mô Si A. Ông tóm lược và trích dẫn từ biên sử do Mô Si A lưu giữ trên các bảng khắc lớn của Nê Phi, trong đó có trình bày chi tiết về lịch sử của dân Nê Phi ở xứ Gia Ra Hem La (xin xem Mô Si A 1–7; 25–29). Ông cũng đã sử dụng biên sử của Giê Níp, là biên sử thuật lại lịch sử của dân Giê Níp từ thời gian họ rời Gia Ra Hem La cho đến khi họ trở lại (xin xem Mô Si A 7–22). Ngoài ra, Mặc Môn trích dẫn từ và tóm lược các phần trong các bài viết của An Ma, là người bảo tồn những lời của A Bi Na Đi và giữ một biên sử về dân của ông (xin xem Mô Si A 17:4; 18; 23–24).
Sách này viết cho ai và tại sao?
Mặc Môn đã không viết sách Mô Si A cho một đối tượng cụ thể hoặc nêu lý do tại sao ông viết sách này. Tuy nhiên, sách Mô Si A góp phần đáng kể vào các mục đích bao quát của Sách Mặc Môn—để làm chứng rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, và để cho biết về các giao ước của Chúa (xin xem trang tựa của Sách Mặc Môn). Sách Mô Si A gồm có hai bài giảng hùng hồn về sứ mệnh của Chúa Giê Su Ky Tô: những lời của Vua Bên Gia Min trong Mô Si A 2–5 và những lời của A Bi Na Đi trong Mô Si A 12–16. Ngoài ra, sách Mô Si A cũng nhiều lần minh họa tầm quan trọng của việc lập và tuân giữ các giao ước với Chúa (xin xem Mô Si A 5:5–9; 18:5–10; 21:31–32; 24:13–15; 25:16–18; 26:20).
Sách này được viết ra khi nào và ở đâu?
Các biên sử gốc được sử dụng làm nguồn tài liệu cho sách Mô Si A có thể được viết giữa năm 200 Trước Công Nguyên và năm 91 Trước Công Nguyên. Mặc Môn đã tóm lược các biên sử đó khoảng thời gian giữa năm 345 Sau Công Nguyện và năm 385 Sau Công Nguyên. Mặc Môn đã không ghi lại nơi ông đang ở khi biên soạn cuốn sách này.
Một số đặc điểm nổi bật của sách này là gì?
Mô Si A là cuốn sách đầu tiên trong Sách Mặc Môn. Sách này là một phần tóm lược từ các bảng khắc lớn của Nê Phi. Sách này cung cấp những lời giảng dạy về khả năng của một vị tiên kiến (xin xem Mô Si A 8:13–18; 28:10–17). Ngoài ra, sách Mô Si A cũng là độc đáo trong việc tường thuật về những kinh nghiệm và cuộc hành trình của riêng các nhóm dân Nê Phi—những người trong xứ Gia Ra Hem La; những người do Giê Níp, Nô Ê, và Lim Hi cai trị trong xứ Nê Phi; và những người trốn khỏi xứ Nê Phi với An Ma. Để tìm hiểu thêm về các nhóm này, các anh chị em có thể muốn tham khảo phần khái quát của các cuộc hành trình trong Mô Si A 7–24, được tìm thấy trong phần phụ lục ở cuối sách học này.
Sách Mô Si A mô tả sự hợp nhất của những người do Lim Hi và An Ma lãnh đạo với dân Nê Phi ở xứ Gia Ra Hem La (xin xem Mô Si A 25:1–13). Sách này cũng cung cấp các chi tiết về sự điều hành của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô ở khắp xứ Gia Ra Hem La (xin xem Mô Si A 25:14–24; 26). Cuối cùng, sách Mô Si A giới thiệu triều đại của các phán quan (xin xem Mô Si A 29).
Đại cương
Mô Si A 1–5 Vua Bên Gia Min bổ nhiệm con trai của ông là Mô Si A làm người kế vị của mình và đưa ra lời tường thuật về triều đại của ông. Bên Gia Min giảng dạy về Chúa Giê Su Ky Tô và mời gọi dân của ông lập một giao ước với Thượng Đế.
Mô Si A 6–8 Mô Si A bắt đầu triều đại của ông. Am Môn và 15 người khác tìm kiếm các con cháu của dân Giê Níp ở xứ Nê Phi. Am Môn gặp Vua Lim Hi, một cháu trai của Giê Níp, và biết được dân chúng đã bị mang vào vòng nô lệ như thế nào.
Mô Si A 9–17 Một lịch sử của dân Giê Níp được đưa ra. Sau khi Giê Níp qua đời, con trai ông là Nô Ê trị vì trong sự tà ác. A Bi Na Đi làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô và khuyên Vua Nô Ê và dân của ông phải hối cải. A Bi Na Đi bị hành hình bằng lửa.
Mô Si A 18–20 An Ma, một thầy tư tế của Vua Nô Ê, hối cải. Ông giảng dạy phúc âm và trốn đi với những người đi theo ông vào vùng hoang dã. Dân Nê Phi ở xứ Nê Phi bị dân La Man tấn công và đặt họ vào vòng nô lệ. Nô Ê bị dân ông giết chết và con trai của ông là Lim Hi kế vị.
Mô Si A 21–22 Lim Hi và dân ông hối cải. Chúa mang họ ra khỏi cảnh nô lệ, và Am Môn dẫn họ đến xứ Gia Ra Hem La.
Mô Si A 23–24 An Ma và những người đi theo ông thiết lập thành phố Hê Lam. Họ bị dân La Man bắt làm nô lệ và bị A Mu Lôn và anh em của hắn, các thầy tư tế trước kia của Vua Nô Ê ngược đãi. Chúa giải thoát An Ma và dân của ông và dẫn dắt họ tới xứ Gia Ra Hem La.
Mô Si A 25–29 Dân Nê Phi đoàn kết dưới sự trị vì của Mô Si A, và An Ma điều hành Giáo Hội. Con trai của An Ma là An Ma (thường được gọi là An Ma Con) và các con trai của Mô Si A trở nên được cải đạo. Trước khi qua đời, Mô Si A thành lập triều đại các thẩm phán.