Bài Học 64
Mô Si A 23–24
Lời Giới Thiệu
Sau khi An Ma và dân của ông chạy trốn quân đội của Vua Nô Ê, họ thành lập một thành phố ngay chính. Mặc dù họ đã trở nên được cải đạo theo phúc âm, họ đã trải qua những hoạn nạn và thử thách. Dân La Man đem họ vào vòng nô lệ. Khi An Ma và dân của ông thực hành đức tin và tính kiên nhẫn, Chúa đã làm giảm nhẹ gánh nặng của họ và cuối cùng giải thoát họ khỏi vòng nô lệ. (Hãy lưu ý rằng Mô Si A 23–24 cũng bao gồm cùng khoảng thời gian như trong Mô Si A 19–22).
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
Mô Si A 23:1–20
Chúa giúp đỡ An Ma và dân của ông thoát khỏi quân đội của Vua Nô Ê và thành lập một thành phố ngay chính
Cho học sinh thấy hình An Ma Làm Phép Báp Têm trong Dòng Suối Mặc Môn (62332; Sách Họa Phẩm Phúc Âm [2009], số 76). Mời một học sinh nói cho lớp học biết điều em ấy biết về người đàn ông đang làm phép báp têm cho những người khác trong hình. (Nếu học sinh gặp khó khăn khi trả lời, thì các anh chị em có thể đề nghị họ đọc phần tóm lược chương cho Mô Si A 18 để nhắc nhở họ câu chuyện về An Ma và dân của ông tại Dòng Suối Mặc Môn).
Chia học sinh ra thành từng cặp. Mời mỗi cặp học sinh thay phiên đọc cho nhau nghe từ Mô Si A 23:1–5, 19. Yêu cầu họ tìm kiếm các cụm từ cho thấy cách thức Chúa đã ban phước cho An Ma và dân của ông như thế nào khi họ hối cải và chọn để sống ngay chính. (Các anh chị em có thể muốn đề nghị họ tô đậm các cụm từ này). Yêu cầu học sinh báo cáo điều họ đã tìm thấy.
Mời học sinh nhìn vào biểu đồ của họ mà cho thấy phần khái quát về những cuộc hành trình trong Mô Si A 7–24. Chỉ dẫn họ vẽ xứ Hê Lam trên biểu đồ của họ ở vị trí thích hợp. Cũng yêu cầu họ vẽ một mũi tên từ Dòng Suối Mặc Môn đến xứ Hê Lam, và yêu cầu họ viết trên mũi tên này “An Ma và dân của ông ra đi.” (Để có biểu đồ đầy đủ, xin xem phần phụ lục ở cuối bài học này).
Vắn tắt giải thích rằng trong Mô Si A 23:6–14, chúng ta đọc rằng An Ma từ chối lời yêu cầu của dân chúng muốn ông trở thành vua của họ. Mời một học sinh đọc to Mô Si A 23:9–10, 12. Yêu cầu lớp học tìm kiếm phần mô tả của An Ma về ảnh hưởng Vua Nô Ê đối với ông và dân của ông. Yêu cầu học sinh báo cáo điều họ đã tìm thấy.
-
Các cụm từ “bị rơi vào cạm bẫy” và “bị trói buộc bằng những sợi dây của điều bất chính” dạy điều gì về những ảnh hưởng của tội lỗi?
-
Tại sao là điều hữu ích đối với chúng ta để nhận ra những ảnh hưởng đã dẫn chúng ta phạm tội trong quá khứ?
-
Sau khi chúng ta hối cải, tại sao có thể là điều quan trọng để nhớ sự hối hận “vô cùng” có thể như thế nào?
Yêu cầu một học sinh đọc to Mô Si A 23:13. Nêu ra lời khuyên dạy của An Ma phải “cương quyết đứng vững trong sự tự do này mà nhờ nó đồng bào đã được buông tha.”
-
Lời khuyên dạy này áp dụng đối với tiến trình hối cải như thế nào? (Giúp học sinh hiểu rằng một khi Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và chúng ta có được tự do của sự tha thứ, thì chúng ta cần phải có những lựa chọn ngay chính để duy trì sự tự do đó).
Mời học sinh im lặng tra cứu Mô Si A 23:14–18 cùng tìm kiếm một số điều mà An Ma đã dạy dân chúng phải làm để duy trì sự tự do của họ. Yêu cầu một vài học sinh báo cáo điều họ tìm thấy.
Mời một học sinh đọc to Mô Si A 23:19–20. Yêu cầu lớp học nhận ra cụm từ nào cho thấy rằng Chúa đã ban phước cho dân chúng khi họ chọn sống ngay chính (“hết sức thịnh vượng”).
-
Các em sẽ tóm lược điều các em đã học được từ kinh nghiệm của An Ma và dân của ông như thế nào? (Trong số các lẽ thật khác, học sinh có thể nói rằng khi chúng ta hối cải và chọn sống ngay chính, thì Chúa sẽ ban phước cho chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi những dây trói buộc của điều bất chính).
-
Các em đã thấy nguyên tắc này ứng nghiệm trong cuộc sống của mình hoặc trong cuộc sống của một người bạn hoặc người trong gia đình vào lúc nào? (Nhắc nhở học sinh rằng họ không cần phải chia sẻ những kinh nghiệm quá cá nhân hoặc riêng tư).
Mô Si A 23:21–29
Một quân đội La Man và các thầy tư tế tà ác của Nô Ê đưa An Ma và dân của ông vào vòng nô lệ
Để giúp học sinh hiểu rằng những người ngay chính vẫn phải trải qua những thử thách, hãy yêu cầu học sinh nghĩ về một thời gian trong cuộc sống của họ khi họ có thể hiểu lời phát biểu sau đây của Anh Cả Richard G. Scott thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:
“Thử thách … là cần thiết cho dù khi các anh chị em đang sống một cuộc sống xứng đáng, ngay chính và tuân theo các giáo lệnh [của Thượng Đế]. Vừa khi tất cả mọi việc dường như ổn thỏa thì những thử thách thường liên tục dồn dập xảy đến” (“Trust in the Lord,” Ensign, tháng Mười Một năm 1995, 16).
Yêu cầu học sinh tra cứu Mô Si A 23:21–22 để khám phá ra lý do tại sao Chúa để cho những người đang chọn sống ngay chính phải trải qua những thử thách và nghịch cảnh. Khi học sinh báo cáo điều họ đã tìm thấy, thì hãy giúp họ hiểu rằng Chúa sẽ thử thách lòng kiên nhẫn và đức tin của chúng ta để giúp chúng ta tin cậy nhiều hơn nơi Ngài.
Mời học sinh viết các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư hoặc sổ tay ghi chép trong lớp của họ. Yêu cầu họ suy ngẫm những câu hỏi này khi họ học phần còn lại của Mô Si A 23. Họ không nên viết câu trả lời của họ cho đến khi các anh chị em nhắc nhở họ làm như vậy về sau trong bài học.
-
Các em hiện đang trải qua những thử thách nào?
-
Làm thế nào các em có thể thực hành đức tin và sự tin cậy nơi Thượng Đế trong khi đang gặp thử thách của mình?
Yêu cầu học sinh đọc Mô Si A 23:23–29. Mời họ tìm kiếm những phương diện mà An Ma và dân của ông đã bị thử thách và điều họ đã làm để cho thấy sự tin cậy của họ nơi Thượng Đế.
-
Làm thế nào việc cầu nguyện và tuân theo lời khuyên dạy của một vị tiên tri có thể giúp chúng ta trong một thử thách? (Họ có thể giúp chúng ta gia tăng lòng kiên nhẫn và đức tin. Họ cũng có thể giúp chúng ta nhận được sức mạnh, sự mặc khải cá nhân, sự bình an, và tin tưởng để chúng ta có thể chịu đựng các thử thách của mình hoặc tìm kiếm sự giải cứu khỏi những thử thách đó).
Mô Si A 23:30–24:25
An Ma và dân của ông bị ngược đãi, nhưng Chúa giúp làm giảm nhẹ gánh nặng của họ và giải cứu họ một cách kỳ diệu
Để giúp học sinh hiểu được mối quan hệ của A Mu Lôn với dân La Man và vua của họ, hãy tóm lược Mô Si A 23:30–39 và 24:1–7. Giải thích rằng A Mu Lôn là người lãnh đạo của các thầy tư tế tà ác của Vua Nô Ê, là người đã đuổi An Ma ra vì ủng hộ A Bi Na Đi. A Mu Lôn, cùng với các thầy tư tế tà ác khác và những người vợ dân La Man của họ, đã nhập bọn với dân La Man. A Mu Lôn nhận được sự ủng hộ của vua La Man, là người sau đó bổ nhiệm hắn để cai trị tất cả dân Nê Phi ở xứ Hê Lam, kể cả dân của An Ma.
Mời một học sinh ra phía trước căn phòng, và yêu cầu em ấy đeo lên một cái túi đeo lưng trống rỗng. (Em học sinh ấy sẽ cần quyển thánh thư của mình). Hỏi em học sinh ấy là sẽ dễ dàng như thế nào để vác theo túi đeo lưng trống rỗng trong thời gian còn lại của ngày. Mời em học sinh ấy đọc to Mô Si A 24:8–11. Mỗi lần em ấy đọc về một điều gì đó mà là một thử thách đối với An Ma và dân của ông, thì hãy đặt một hòn đá hoặc vật nặng khác vào túi đeo lưng. Khi em ấy đã đọc xong, hỏi em ấy là sẽ dễ dàng như thế nào để vác túi đeo lưng nặng nề trong thời gian còn lại của ngày. (Em học sinh ấy vẫn cần đứng ở phía trước lớp và đeo túi đeo lưng nặng cho đến khi được bảo ngồi xuống). Hỏi lớp học:
-
Các tảng đá hoặc các vật nặng trong túi đeo lưng có thể tượng trưng cho điều gì trong cuộc sống của chúng ta?
-
Các loại gánh nặng này ảnh hưởng như thế nào đến chúng ta?
Yêu cầu một học sinh đọc to Mô Si A 24:10–12. Mời lớp học tìm kiếm điều mà dân của An Ma đã làm để nhận được sự giúp đỡ với gánh nặng của họ. Mời học sinh giải thích điều họ tìm thấy.
-
Việc cầu nguyện có thể giúp đỡ chúng ta như thế nào khi chúng ta có những gánh nặng khó khăn?
-
Khi chúng ta trải qua những thử thách, tại sao là điều an ủi để biết rằng Thượng Đế “hiểu thấu những ý nghĩ trong lòng [chúng ta]”?
Mời học sinh đọc Mô Si A 24:13–15 để tìm hiểu điều gì đã xảy ra với dân của An Ma khi họ tiếp tục cầu nguyện để được giúp đỡ.
-
Chúa đã hứa sẽ làm điều gì cho dân của An Ma? (Khi học sinh trả lời xong, các anh chị em có thể yêu cầu một hoặc hai học sinh khác nâng đáy túi đeo lưng lên để làm nhẹ gánh nặng của em học sinh đang đeo túi —để tượng trưng cho cách mà Chúa có thể làm nhẹ gánh nặng của chúng ta). Lời hứa này liên quan như thế nào đến giao ước mà họ đã lập tại Dòng Suối Mặc Môn? (Xin xem Mô Si A 18:8–10).
-
Tại sao là điều hữu ích để biết rằng Chúa không phải lúc nào cũng loại bỏ ngay lập tức các gánh nặng của chúng ta hoặc cất đi những thử thách của chúng ta?
-
Chúng ta có thể học được điều gì từ cách mà An Ma và dân của ông đáp ứng với những thử thách của họ?
-
Khi nào các em đã cảm thấy rằng Chúa đã ban cho các em sức mạnh để chịu đựng một thử thách hoặc mang một gánh nặng?
Mời học sinh im lặng đọc Mô Si A 24:16–17, 21. Yêu cầu họ tìm kiếm các từ và cụm từ mô tả thêm về cách phản ứng của dân chúng đối với những thử thách của họ và cách Chúa đã giúp đỡ họ. Mời một hoặc hai học sinh giải thích bằng lời riêng của họ bất cứ mối liên hệ nào họ thấy giữa các hành động của con người và những hành động của Chúa. Viết nguyên tắc sau đây lên trên bảng: Khi chúng ta kiên nhẫn tuân phục theo ý muốn của Chúa, thì Ngài sẽ củng cố và giải cứu chúng ta khỏi những thử thách của chúng ta theo kỳ định riêng của Ngài.
Mời em học sinh đứng ở phía trước của lớp học bỏ túi đeo lưng xuống. Yêu cầu em ấy mô tả cảm nghĩ của mình khi được thoát khỏi gánh nặng. Mời em học sinh ấy đọc Mô Si A 24:21–22. Các anh chị em có thể yêu cầu em học sinh ấy chia sẻ cách em ấy có thể hiểu được điều dân chúng đã làm trong các câu này.
Tóm lược Mô Si A 24:18–25 bằng cách giải thích rằng An Ma và dân của ông đã có thể trốn thoát vì Chúa đã làm cho dân La Man ngủ mê. Sau đó, Chúa dẫn An Ma và dân của ông đến Gia Ra Hem La, nơi mà Vua Mô Si A chào đón họ với niềm vui. An Ma và dân của ông “đã dâng lời tạ ơn lên Thượng Đế,” vì biết rằng “chẳng một ai có thể giải thoát được cho họ ngoại trừ Chúa, Thượng Đế” (Mô Si A 24:21; xin xem thêm Mô Si A 25:16).
Trên biểu đồ của họ mô tả phần khái quát về các cuộc hành trình trong Mô Si A 7–24, yêu cầu học sinh vẽ một mũi tên từ xứ Hê Lam đến xứ Gia Ra Hem La. Chỉ dẫn họ viết chỗ hành trình này “dân của An Ma trốn thoát.”
Để kết thúc, hãy mời học sinh viết câu trả lời cho hai câu hỏi mà họ đã viết trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của họ trước đó trong bài học. Yêu cầu họ phản ảnh về những thử thách của họ và làm thế nào họ có thể thực hành đức tin và sự tin cậy vào Thượng Đế để giúp họ kiên trì chịu đựng. Chia sẻ chứng ngôn của các anh chị em rằng nếu chúng ta kiên nhẫn tuân phục theo ý muốn của Chúa, thì Ngài sẽ củng cố chúng ta và giải cứu chúng ta khỏi những thử thách theo kỳ định riêng của Ngài. Các anh chị em cũng có thể muốn mời học sinh chia sẻ các ví dụ về cách Chúa đã củng cố họ trong những thử thách của họ.
Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình
Mô Si A 21–24. So sánh vòng nô lệ của dân của Lim Hi với vòng nô lệ của dân của An Ma
Dân của Lim Hi |
Dân của An Ma |
---|---|
Họ bị đem vào vòng nô lệ sau nhiều cảnh đổ máu (xin xem Mô Si A 21:5–13). |
Họ bị đem vào vòng nô lệ mà không có đổ máu (xin xem Mô Si A 23:35–38). |
Chúa đã chậm nghe tiếng kêu khóc của họ vì sự bất chính của họ (xin xem Mô Si A 21:15). |
Chúa nhanh chóng đáp ứng lời cầu nguyện của họ (xin xem Mô Si A 23:10–13). |
Gánh nặng của họ đã được làm cho vơi nhẹ vì Chúa làm mềm lòng dân La Man (xin xem Mô Si A 21:15). |
Chúa củng cố họ để họ có thể mang gánh nặng một cách dễ dàng Mô Si A 24:14–15). |
Ghê Đê Ôn đã nghĩ ra một kế hoạch trốn thoát (xin xem Mô Si A 21:36; 22:1–9). |
Chúa phán với họ: “Hãy vui vẻ lên, vì ngày mai ta sẽ giải thoát các ngươi khỏi vòng nô lệ” (Mô Si A 24:16). |
Họ phục rượu các lính canh say sưa (xin xem Mô Si A 22:10). |
Chúa làm cho các lính canh ngủ (xin xem Mô Si A 24:19). |
Mô Si A 23:21. Những thử thách của chúng ta có thể là một lợi ích cho chúng ta như thế nào?
Mặc dù những người đi theo An Ma đã hối cải và trung thành, nhưng Chúa để cho họ bị dân La Man áp bức tạm thời như là một thử thách về lòng kiên nhẫn và đức tin của họ.
Anh Cả Orson F. Whitney thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy rằng tất cả mọi điều chúng ta trải qua đều dạy cho chúng ta các bài học quý giá:
“Không có nỗi đau khổ nào mà chúng ta chịu đựng, không có thử thách nào mà chúng ta trải qua là lãng phí cả. Điều đó giúp vào việc giáo dục của chúng ta, sự phát triển của các đức tính như lòng kiên nhẫn, đức tin, sức chịu đựng và lòng khiêm nhường. Tất cả những gì chúng ta chịu đau khổ và tất cả những gì chúng ta chịu đựng, nhất là khi chúng ta chịu đựng điều đó một cách kiên nhẫn, xây đắp cá tính, thanh tẩy tâm hồn, mở rộng tâm hồn, và làm cho chúng ta dịu dàng và bác ái hơn, xứng đáng hơn để được gọi là con cái của Thượng Đế … và chính là qua nỗi buồn rầu và đau khổ, cực nhọc và khổ sở, mà chúng ta mới đạt được sự giáo dục là điều chúng ta đến đây để nhận được và sẽ làm cho chúng ta giống như Cha Mẹ ở trên trời của chúng ta” (trong Spencer W. Kimball, Faith Precedes the Miracle [1972], 98).
Anh Cả Richard G. Scott thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ giải thích thêm về giá trị và mục đích của những thử thách:
“Khi những thử thách đó không phải là hậu quả của sự bất tuân của các anh chị em, thì chúng là bằng chứng rằng Chúa cảm thấy là các anh chị em được chuẩn bị để tăng trưởng thêm (xin xem Châm Ngôn 3:11–12). Do đó, Ngài ban cho các anh chị em những kinh nghiệm nhằm khơi dậy sự tăng trưởng, sự hiểu biết và lòng trắc ẩn để cải thiện các anh chị em vì lợi ích trường cửu của các anh chị em. Việc giúp các anh chị em đi từ nơi các anh chị em đang ở đến nơi Ngài muốn các anh chị em đến cần có rất nhiều thay đổi, và thường đòi hỏi sự khó chịu và đau đớn” (“Trust in the Lord,” Ensign, tháng Mười Một năm 1995, 16–17).
Mô Si A 24:15–16. Thái độ của chúng ta ảnh hưởng như thế nào đến sự tăng trưởng cá nhân của chúng ta qua những thử thách?
Anh Cả Richard G. Scott thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ khuyến khích chúng ta phải trông cậy vào Chúa khi gặp phải thử thách:
“Chúa chú trọng vào sự tăng trưởng và phát triển cá nhân của các anh chị em. Sự tiến bộ đó tăng nhanh khi các anh chị em sẵn lòng để cho Ngài dẫn dắt qua mọi kinh nghiệm tăng trưởng mà các anh chị em gặp phải, cho dù ban đầu cá nhân của các anh chị em có thích hay không. Khi các anh chị em tin cậy nơi Chúa, khi sẵn lòng để cho tâm trí của mình tập trung vào ý muốn của Ngài, khi các anh chị em cầu xin được Thánh Linh dẫn dắt để làm theo ý muốn của Ngài, thì các anh chị em được bảo đảm có được hạnh phúc lớn nhất trong suốt cuộc sống và đạt được một kinh nghiệm trần thế này một cách hoàn chỉnh nhất. Nếu các anh chị em nghi ngờ mọi điều các anh chị em được yêu cầu phải làm, hoặc chống lại một cách mãnh liệt mọi thử thách không dễ chịu, thì các anh chị em làm cho Chúa khó ban phước cho các anh chị em hơn” (“Finding Joy in Life,” Ensign, tháng Năm năm 1996, 25).