Thư Viện
Bài học 118: 3 Nê Phi 6–7


Bài Học 118

3 Nê Phi 6–7

Lời Giới Thiệu

Tiếp theo sự giải thoát kỳ diệu của họ khỏi bọn cướp Ga Đi An Tôn, dân Nê Phi đã vui hưởng hòa bình trong khoảng ba năm. Nhưng tính kiêu ngạo, sự phân biệt giai cấp, và sự ngược đãi nảy sinh trong dân chúng. Mặc dù một số người vẫn trung tín với Chúa, nhưng nhiều người khác gia nhập các tập đoàn bí mật. Vì những tập đoàn bí mật này, nên vị trưởng phán quan bị ám sát và chính quyền Nê Phi bị lật đổ. Dân chúng chia thành bộ lạc và lập lên các thủ lãnh. Nê Phi phục sự cho những người có quyền hành và thẩm quyền lớn lao.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

3 Nê Phi 6:1–18

Tiếp theo một thời kỳ thịnh vượng, dân Nê Phi trở nên kiêu ngạo và Giáo Hội bị rạn nứt

Viết những câu hỏi sau lên trên bảng trước khi lớp học bắt đầu. Yêu cầu học sinh trả lời những câu hỏi đó và giải thích các câu trả lời của họ.

Có thể nào một người lại …

Giàu có và khiêm nhường không?

Nghèo khó và kiêu ngạo không?

Có học và khiêm nhường không?

Thất học và kiêu ngạo không?

Khuyến khích học sinh tiếp tục suy nghĩ về những câu hỏi này khi họ học 3 Nê Phi 6. Tóm lược 3 Nê Phi 6:1–9 bằng cách giải thích rằng sau khi dân Nê Phi và dân La Man đã đánh bại bọn cướp Ga Đi An Tôn, họ thiết lập nền hòa bình trong xứ và bắt đầu được thịnh vượng. Nhưng sau một thời gian ngắn, nền hòa bình và sự thịnh vượng của họ bị đe dọa.

Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 6:5, 10–12, và yêu cầu lớp học tìm kiếm điều gì đã bắt đầu đe dọa nền hòa bình và sự thịnh vượng của dân chúng.

  • Điều gì đã bắt đầu xảy ra làm đe dọa nền hòa bình và sự thịnh vượng của dân chúng?

  • Các em có thấy sự tích lũy của cải giàu sang hoặc việc học hành dẫn đến những vấn đề tương tự trong trường học, cộng đồng hoặc quốc gia của các em không? Nếu có, bằng cách nào?

Vẽ một đường thẳng ở giữa bảng để chia làm hai cột. Viết Kiêu ngạo ở trên cùng của một cột và Khiêm nhường ở đầu cột kia. Mời học sinh tra cứu 3 Nê Phi 6:13–14 cùng tìm kiếm các từ và cụm từ mô tả cách phản ứng của dân chúng trong khi của cải và học thức bắt đầu chia rẽ họ. (Các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng sỉ nhục hoặc thoá mạ có nghĩa là chỉ trích một cách giận dữ hoặc chửi rủa một người nào đó). Khi học sinh đã đọc xong, thì hãy mời họ viết vào cột thích hợp ở trên bảng các từ hoặc cụm từ mà họ đã tìm thấy.

  • Các em thấy bằng chứng nào trong 3 Nê Phi 6:13 về một số người đang bị kẻ kiêu ngạo ngược đãi đã đáp ứng với tính tình tự kiêu tự đắc của họ?

  • Các em nghĩ tại sao “một số người sỉ nhục lại khi họ bị sỉ nhục” (hoặc chỉ trích lại khi bị chỉ trích) là một biểu hiện về tính kiêu ngạo?

  • Điều gì gây ấn tượng cho các em về cách những người dân La Man được cải đạo đã đáp ứng trong thời gian này?

  • Chúng ta có thể học được các nguyên tắc nào từ 3 Nê Phi 6:13–14? (Các câu trả lời của học sinh có thể khác nhau, nhưng họ cần phải nhận ra nguyên tắc sau đây: Chúng ta có thể chọn để trở nên khiêm nhường và trung tín bất kể hoàn cảnh của chúng ta ra sao đi nữa.

Yêu cầu học sinh tham khảo cột ở trên bảng có liệt kê cách phản ứng khiêm nhường. Hãy hỏi những câu hỏi sau đây:

  • Chúng ta có thể làm các hành động nào để tự giúp mình luôn khiêm nhường và trung tín trong bất cứ hoàn cảnh nào? (Liệt kê các câu trả lời của học sinh ở trên bảng trong cột có ghi chữ Khiêm nhường).

  • Hãy nghĩ về một người mà các em cảm thấy là một tấm gương tốt về việc chọn trở nên khiêm nhường và trung tín, bất kể hoàn cảnh của mình. Người này là một tấm gương khiêm nhường như thế nào?

Giải thích rằng vì hầu hết những người Nê Phi không hối cải về tính kiêu ngạo của họ, nên hoàn cảnh của họ trở nên tồi tệ hơn. Mời một vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ 3 Nê Phi 6:15–18. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm cách làm thế nào tính kiêu ngạo của dân chúng đã cho phép Sa Tan ảnh hưởng đến họ.

  • Những câu này dạy điều gì về mối liên hệ giữa tính kiêu ngạo và quyền năng của Sa Tan để cám dỗ chúng ta? (Khi học sinh trả lời, hãy giúp họ nhận ra lẽ thật sau đây: Khi kiêu ngạo, chúng ta cho phép Sa Tan có quyền năng lớn lao hơn để cám dỗ chúng ta và dẫn chúng ta đến việc phạm tội thêm. Các anh chị em có thể muốn khuyến khích họ viết nguyên tắc này trong thánh thư của họ hoặc trong sổ tay hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư).

  • Theo 3 Nê Phi 6:15–18, những từ và cụm từ nào mô tả sự thay đổi tà ác trong lòng mà những người này đã trải qua vì tính kiêu ngạo? (Họ đã “bị phó mặc … theo sự cám dỗ … để mặc cho [Sa Tan] đưa đi bất cứ nơi đâu và làm bất cứ điều bất chính nào nó muốn họ làm.” Họ sống trong “một trạng thái tà ác đáng ghê sợ” và “họ đã cố tình phản nghịch chống lại Thượng Đế”).

  • Các em nghĩ tại sao tính kiêu ngạo ảnh hưởng tới mức độ Sa Tan có thể ảnh hưởng đến chúng ta?

Chủ Tịch Henry B. Eyring

Ngoài các câu trả lời học sinh đưa ra, hãy cân nhắc việc mời một học sinh đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Henry B. Eyring thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Yêu cầu học sinh lắng nghe điều Chủ Tịch Eyring cảnh báo là một trong những mối nguy hiểm của tính kiêu ngạo.

“Tính kiêu ngạo tạo ra tiếng ồn ào trong chúng ta khiến chúng ta khó có thể nghe được tiếng nói êm nhẹ của Thánh Linh. Và chẳng mấy chốc, trong tính tự đắc của mình, chúng ta không còn lắng nghe tiếng nói đó nữa. Chúng ta có thể nhanh chóng nghĩ rằng mình không cần đến Thánh Linh nữa” (“Sự Cầu Nguyện,” Ensign, tháng Mười Một năm 2001, 16).

  • Tại sao là điều nguy hiểm để không còn lắng nghe tiếng nói của Thánh Linh nữa? (Giúp học sinh hiểu rằng khi chúng ta bỏ qua những lời mách bảo của Đức Thánh Linh, thì chúng ta dễ bị quỷ dữ cám dỗ).

Hãy cho học sinh tham khảo một lần nữa bản liệt kê các câu trả lời khiêm nhường ở trên bảng. Mời họ chọn một câu trả lời khiêm nhường mà họ cảm thấy sẽ hữu ích nhất cho cá nhân họ. Cho họ một vài phút để viết về cách họ ngay lập tức có thể bắt đầu áp dụng đề nghị đó ở trường hay ở nhà.

3 Nê Phi 6:19–7:14

Các tập đoàn bí mật hủy diệt chính quyền Nê Phi, và dân chúng chia ra thành nhiều chi tộc.

Sao chép thời gian biểu sau đây lên trên bảng:

thời gian biểu

Chia lớp học ra thành bốn nhóm, và chỉ định mỗi nhóm một trong những đoạn thánh thư ở trên bảng. Yêu cầu học sinh đọc thầm các đoạn thánh thư được chỉ định cùng tìm kiếm những sự kiện chính đã xảy ra giữa dân Nê Phi. Sau khi học sinh đã có đủ thời gian để đọc, hãy mời một học sinh của mỗi nhóm viết những sự kiện chính từ đoạn thánh thư đã được chỉ định cho mình trong phần tương ứng của thời gian biểu (các học sinh khác trong mỗi nhóm cũng có thể giúp đỡ). Khi họ đã làm xong, hãy giải thích rằng bản liệt kê các sự kiện cho thấy các tập đoàn bí mật dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Nê Phi như thế nào và sự tan rã của dân chúng thành các chi tộc.

Mời một vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ 3 Nê Phi 6:27–30. Yêu cầu lớp học dò theo và nhận ra người thành lập và mục đích của các tập đoàn bí mật. Khi học sinh đã nhận ra người thành lập các tập đoàn bí mật (quỷ dử), hãy hỏi:

  • Những từ và cụm từ nào mô tả mục đích của các tập đoàn bí mật? (Các câu trả lời có thể gồm có “liên kết chống lại mọi điều ngay chính,” “hủy diệt” dân của Chúa, “bất chấp luật pháp và quyền lợi của tổ quốc họ,” và “làm cho xứ sở không còn được tự do nữa.”)

  • Làm thế nào những kẻ đã giết chết các vị tiên tri thoát khỏi sự trừng phạt? (Bạn bè và gia đình của họ, cũng là các thành viên của tập đoàn bí mật, liên kết để giúp họ giữ bí mật các hành động của họ và tránh hậu quả do các hành động của họ gây ra).

  • Hãy tưởng tượng các em có một số bạn bè muốn tránh những hậu quả của các hành động của họ. Thay vì thế các em có thể giúp họ sống theo phúc âm và các tiêu chuẩn của phúc âm bằng cách nào?

Mời một vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ 3 Nê Phi 7:1–8. Yêu cầu học sinh dò theo cùng tìm kiếm ảnh hưởng của các tập đoàn bí mật này giữa dân Nê Phi. Giải thích rằng quỷ dữ cám dỗ dân chúng gia nhập các tập đoàn bí mật trong một nỗ lực để hủy diệt sự ngay chính và gia tăng sự bất chính. Giúp học sinh hiểu rằng các phương pháp và động cơ của các tập đoàn bí mật thường tinh vi và không phải luôn luôn dễ dàng để khám phá. Khuyến khích họ tránh giao du với bất cứ nhóm hoặc cá nhân nào tương tự như các tập đoàn bí mật trong bất cứ hình thức nào.

3 Nê Phi 7:15–26

Trong một thời gian mà có rất ít người trung tín, Nê Phi tiếp tục phục sự, và một số người được cải đạo

  • Các em nghĩ mình sẽ cảm thấy như thế nào nếu các em đã sống ở giữa dân Nê Phi sau khi chính quyền của họ bị lật đổ? Tại sao?

  • Các em nghĩ rằng mình sẽ tìm kiếm sự lãnh đạo và hướng dẫn ở đâu?

Yêu cầu một vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ 3 Nê Phi 7:15–20. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm lý do tại sao họ có thể muốn theo Nê Phi trong những hoàn cảnh này. Cân nhắc việc học sinh tạm dừng lại sau mỗi câu hoặc hai câu để các anh chị em có thể yêu cầu học sinh giải thích lý do tại sao họ có thể đã được soi dẫn để noi theo Nê Phi.

  • Sứ điệp của Nê Phi đưa ra cho dân chúng vào thời gian này là gì? (Xin xem 3 Nê Phi 7:16).

  • Các vị lãnh đạo Giáo Hội ngày nay giống Nê Phi như thế nào?

  • Khi nào các em đã nhìn thấy một vị lãnh đạo Giáo Hội “thuyết giảng với quyền năng và thẩm quyền lớn lao”? (3 Nê Phi 7:17).

Yêu cầu học sinh đọc thầm 3 Nê Phi 7:21–26 và nhận ra việc những người đã được cải đạo được ban phước như thế nào vì noi theo Nê Phi và hối cải tội lỗi của họ. Mời vài học sinh giải thích điều họ đã tìm ra được.

  • Chúng ta có thể học được các nguyên tắc nào từ tấm gương của những người hối cải và noi theo Nê Phi?

Học sinh có thể chia sẻ một loạt các lẽ thật, nhưng họ cần phải nhận ra nguyên tắc sau đây: Nếu chúng ta hối cải và noi theo các tôi tớ của Chúa, thì chúng ta sẽ nhận được ảnh hưởng của Đức Thánh Linh.

  • Tại sao sự hối cải là thiết yếu để chúng ta có được Đức Thánh Linh ở với mình?

  • Các em nghĩ tại sao việc noi theo các tôi tớ của Chúa giúp chúng ta trở nên dễ lãnh hội hơn với sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh?

Đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch James E. Faust thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn:

Chủ Tịch James E. Faust

“Tôi đã kết luận rằng sự hướng dẫn thuộc linh phần lớn tùy thuộc vào việc được hòa hợp với Chủ Tịch Giáo Hội, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai—tất cả những người này đã được tán trợ với tư cách là các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải. Tôi không biết làm thế nào chúng ta có thể kỳ vọng được hòa hợp trọn vẹn với Thánh Linh của Chúa nếu chúng ta không hòa hợp với Vị Chủ Tịch Giáo Hội và các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải khác” (“Được Kêu Gọi và Chọn Lựa,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2005, 53).

  • Khi nào các em đã cảm thấy ảnh hưởng của Đức Thánh Linh vì các em đã chọn vâng lời các tôi tớ của Chúa?

Khuyến khích học sinh viết xuống những ấn tượng họ đã nhận được về điều họ có thể làm để áp dụng các lẽ thật mà họ đã học được ngày hôm nay. Nhấn mạnh rằng ngay cả khi những người khác chọn sống trái với các lệnh truyền của Chúa, như là trường hợp ở giữa dân Nê Phi, thì chúng ta cũng có thể khiêm nhường chọn noi theo Thượng Đế và các tôi tớ đã được chọn của Ngài.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

3 Nê Phi 6:10–18. Những hậu quả của tính kiêu ngạo

Trong 3 Nê Phi 6:10–18, chúng ta đọc về tính kiêu ngạo có thể gây ra cảnh chia rẽ trong dân chúng như thế nào. Chủ Tịch Ezra Taft Benson đã dạy rằng khuynh hướng để tự so sánh mình với những người khác có thể là một biểu hiệu về tính kiêu ngạo. Ông cũng cảnh báo về tính kiêu ngạo ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ với Thượng Đế và những người khác:

“Những người kiêu ngạo làm cho mỗi người thành kẻ thù nghịch của họ bằng cách đưa trí tuệ, ý kiến, việc làm, của cải, tài năng, hay bất cứ thiết bị đo lường khác của họ ra đọ sức với những người khác. Theo lời của C. S. Lewis: ‘Tính kiêu ngạo không hề vui mừng gì vì có được một điều gì đó, chỉ khi nào có nhiều hơn người bên cạnh. Đó chính là sự so sánh khiến cho bạn kiêu ngạo: vui mừng vì được hơn mọi người khác. Một khi yếu tố tranh đua không còn nữa, thì tính kiêu ngạo cũng mất đi.’(Mere Christianity,, New York: Macmillan, 1952, trang 109–10.) …

“Tính kiêu ngạo ảnh hưởng xấu đến tất cả các mối quan hệ của chúng ta—mối quan hệ của chúng ta với Thượng Đế và các tôi tớ của Ngài, giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái, chủ nhân và công nhân, giáo sinh và học sinh, và tất cả nhân loại. Mức độ kiêu ngạo của chúng ta xác định cách chúng ta đối xử với Thượng Đế và các anh chị em của mình” (“Beware of Pride,” Ensign, tháng Năm năm 1989, 4, 6).