Bài Học 133
3 Nê Phi 27
Lời Giới Thiệu
Ngay sau khi giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi ở giữa dân Nê Phi, mười hai môn đồ Nê Phi mới được kêu gọi đã nhóm họp lại với nhau trong lời cầu nguyện mạnh mẽ và sự nhịn ăn. Chúa Giê Su Ky Tô hiện đến cùng họ và trả lời câu hỏi của họ về cái tên họ nên đặt cho Giáo Hội. Ngài đã dạy họ về phúc âm của Ngài và truyền lệnh cho họ phải được giống như Ngài.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
3 Nê Phi 27:1–12
Chúa Giê Su Ky Tô dạy mười hai môn đồ rằng Giáo Hội của Ngài cần phải mang tên Ngài
Chia lớp học ra thành các nhóm ba hoặc bốn người. Nếu các anh chị em có lớp học ít người, hãy yêu cầu mỗi học sinh làm việc một mình. Yêu cầu mỗi nhóm (hoặc cá nhân) tưởng tượng rằng họ sẽ lập lên một câu lạc bộ hay đội thể thao mới. Yêu cầu mỗi nhóm quyết định loại câu lạc bộ hoặc đội thể thao nào mà họ sẽ thành lập, chẳng hạn như một câu lạc bộ khoa học hay một đội bóng, và sau đó yêu cầu họ chọn một cái tên cho tổ chức của họ. Yêu cầu mỗi nhóm viết tên của họ trên một tờ giấy. Sau đó thu góp các tờ giấy của các nhóm. (Sinh hoạt này cần phải ngắn gọn. Không nên để mất quá nhiều thời gian hay sự chú ý xa khỏi các giáo lý và nguyên tắc trong 3 Nê Phi 27).
Đọc to tên trên mỗi tờ giấy. Sau khi các anh chị em đọc mỗi tên, yêu cầu lớp học đoán xem đó là loại câu lạc bộ hay đội gì.
-
Một cái tên có thể truyền đạt điều gì về một tổ chức và những người ở trong tổ chức đó?
Giải thích rằng ngay sau Chúa Giê Su Ky Tô hiện đến cùng dân Nê Phi, mười hai môn đồ Nê Phi của Ngài đoàn kết trong việc nhịn ăn và cầu nguyện (xin xem 3 Nê Phi 27:1). Mời một vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ 3 Nê Phi 27:2–7. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm câu hỏi của các môn đồ và câu trả lời của Đấng Cứu Rỗi.
-
Đấng Cứu Rỗi đã nói Giáo Hội của Ngài phải được gọi là gì?
-
Ngài đã đưa ra các lý do nào để đặt tên cho Giáo Hội theo danh Ngài?
Mời học sinh tra cứu thầm 3 Nê Phi 27:8–12 cùng tìm kiếm phần mô tả của Đấng Cứu Rỗi về Giáo Hội chân chính của Ngài. Trong khi họ nghiên cứu, hãy viết lời phát biểu còn dở dang sau đây lên trên bảng:
Sau khi học sinh đã có đủ thời gian để tìm kiếm những câu này, hãy hỏi họ làm thế nào họ sẽ hoàn tất câu này ở trên bảng dựa vào điều họ đã đọc. (Học sinh nên có thể nhận ra lẽ thật sau đây: Giáo Hội chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô cần phải được gọi theo danh của Ngài và được xây dựng trên phúc âm của Ngài).
-
Các em nghĩ tại sao là điều quan trọng để Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi phải mang danh của Ngài?
-
Các em nghĩ việc được “xây dựng trên phúc âm [của Ngài]” có nghĩa là gì? (3 Nê Phi 27:10). Các em nghĩ tại sao là điều quan trọng để Giáo Hội được xây dựng trên phúc âm của Ngài thay vì trên những công việc của loài người?
Mời học sinh hoàn tất câu sau đây trong sổ tay hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư: “Việc làm một tín hữu của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô là quan trọng đối với tôi vì …”
3 Nê Phi 27:13–22
Chúa Giê Su Ky Tô định nghĩa phúc âm của Ngài và dạy điều chúng ta cần phải làm để đứng vô tội trước mặt Ngài và Cha Ngài
Yêu cầu học sinh suy nghĩ về cảm nghĩ của họ khi bị bắt gặp đang làm điều sai trái. (Đừng yêu cầu họ chia sẻ những kinh nghiệm này). Sau đó yêu cầu họ tưởng tượng ra sẽ như thế nào khi đứng trước mặt Chúa để được phán xét. Khuyến khích họ suy ngẫm câu hỏi sau đây:
-
Các em sẽ cảm thấy như thế nào trước mặt Chúa nếu các em phạm tội?
Giải thích rằng từ phúc âm có nghĩa là “tin lành.” Mời một vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ 3 Nê Phi 27:13–16 và yêu cầu lớp học tìm kiếm tin lành trong các câu này. Cũng yêu cầu họ suy xét cách tin lành này liên quan đến cái ngày mà họ sẽ đứng trước mặt Thượng Đế để được phán xét.
-
Đấng Cứu Rỗi đã làm chứng rằng Ngài đến thế gian để làm theo ý muốn của Cha Ngài. Theo 3 Nê Phi 27:14, Cha Thiên Thượng sai Chúa Giê Su Ky Tô đến thế gian để làm điều gì?
-
Dựa vào 3 Nê Phi 27:13–14, nền tảng của phúc âm là gì? (Mặc dù học sinh có thể sử dụng các từ khác nhau, nhưng họ cần nhận ra lẽ thật sau đây: Nền tảng của phúc âm là Chúa Giê Su Ky Tô đã làm theo ý muốn của Cha Ngài trong việc hoàn thành Sự Chuộc Tội. Các anh chị em có thể muốn mời học sinh viết lẽ thật này trong quyển thánh thư của họ bên cạnh 3 Nê Phi 27:13–14).
-
Vì Đấng Cứu Rỗi đã làm tròn ý muốn của Cha Ngài, nên điều gì sẽ xảy ra cho tất cả nhân loại? (Chúng ta sẽ được nâng lên trước mặt Ngài để được phán xét về những việc làm của chúng ta).
Mời học sinh im lặng tìm kiếm 3 Nê Phi 27:16 cùng tìm kiếm công việc chúng ta phải làm để nhận được tất cả các phước lành của Sự Chuộc Tội và chuẩn bị cho sự phán xét. Yêu cầu học sinh báo cáo điều họ tìm thấy. Mời một học sinh viết những câu trả lời của họ lên trên bảng.
-
Theo câu này, các phước lành nào sẽ đến với những người hối cải, chịu phép báp têm, và kiên trì đến cùng? (Câu trả lời của học sinh cần phản ảnh lẽ thật sau đây: Nếu hối cải, chịu phép báp têm, và kiên trì đến cùng, chúng ta sẽ là vô tội khi đứng trước mặt Thượng Đế để được phán xét).
Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 27:17–19. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm điều sẽ xảy ra cho những người không hối cải hoặc kiên trì đến cùng.
-
Từ điều các em đã đọc rồi, tại sao tất cả con cái của Cha Thiên Thượng cần Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô?
-
Các tin lành nào dành cho chúng ta khi chúng ta nghĩ về việc đứng trước mặt Chúa để được phán xét?
Mời một học sinh đọc to lời phát biểu sau đây của Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:
“‘Tin lành’ [là] cái chết và ngục giới [có thể] thoát được, những lỗi lầm và tội lỗi [có thể] khắc phục được, có hy vọng, có sự giúp đỡ, điều không giải quyết [được] giải quyết, kẻ nghịch thù [đã] bị đánh bại. Tin lành [là] mộ phần của mọi người [sẽ] trống rỗng một ngày nào đó, linh hồn của mọi người [có thể] một lần nữa được thanh khiết, mà mỗi người con của Thượng Đế [có thể] một lần nữa trở lại với Đức Chúa Cha là Đấng đã ban cho họ sự sống” (“Missionary Work and the Atonement,” Ensign, tháng Ba năm 2001, 8, 10).
Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 27:20–21, và yêu cầu lớp học tìm kiếm lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi cho chúng ta.
-
Lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi trong những câu này là gì?
Để giúp học sinh suy nghĩ về những nỗ lực của họ để chấp nhận lời mời gọi này, hãy mời họ trả lời các câu hỏi sau đây trong sổ tay hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư. (Các anh chị em có thể muốn viết những câu hỏi này lên trên bảng trước khi lớp học bắt đầu hoặc đọc từ từ để học sinh có thể viết xuống).
-
Tại sao Đấng Cứu Rỗi muốn các em phải hối cải và đến cùng Ngài?
-
Trong những phương diện nào các em đã chấp nhận lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi trong 3 Nê Phi 27:20–21?
-
Các em có thể làm điều gì ngày nay để chuẩn bị đứng không tì vết trước mặt Chúa?
Mời một học sinh đọc to Giáo Lý và Giao Ước 76:40–42. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm thêm những hiểu biết về lý do tại sao phúc âm là tin lành. (Các em có thể muốn đề nghị học sinh viết GLGƯ 76:40–42 trong quyển thánh thư của họ bên cạnh 3 Nê Phi 27:13).
Lúc đầu trong bài học này, các anh chị em đã yêu cầu học sinh suy ngẫm việc họ sẽ cảm thấy như thế nào trước mặt Chúa nếu họ đã phạm tội. Vào thời điểm này trong bài học, hãy mời họ suy ngẫm việc họ có thể cảm thấy như thế nào trước mặt Đấng Cứu Rỗi nếu họ biết là họ đã được làm cho trong sạch nhờ vào Sự Chuộc Tội của Ngài và bằng cách tuân theo các nguyên tắc, giáo lệnh và giáo lễ của phúc âm.
-
Nếu các em có thể nói chuyện với Đấng Cứu Rỗi vào lúc đó, thì các em sẽ nói gì?
-
Dựa trên những điều các em đã học được ngày hôm nay, các em sẽ giải thích tin lành về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô cho một người bạn của mình như thế nào?
3 Nê Phi 27:23–33
Chúa Giê Su Ky Tô chỉ thị cho các môn đồ của Ngài trở thành giống như Ngài
Tóm lược 3 Nê Phi 27:23–26 bằng cách giải thích rằng Đấng Cứu Rỗi đã đưa ra những lời chỉ dẫn cho mười hai môn đồ Nê Phi của Ngài và dạy họ về các trách nhiệm của họ. Mời học sinh đọc thầm 3 Nê Phi 27:27 cùng tìm kiếm lệnh truyền Ngài đã ban cho các môn đồ để giúp họ làm tròn vai trò của họ với tư cách là các phán quan của dân chúng.
-
Tại sao là điều quan trọng để cho các phán quan của dân chúng phải được giống như Đấng Cứu Rỗi?
Yêu cầu học sinh xem lại 3 Nê Phi 27:21.
-
Đấng Cứu Rỗi đã truyền lệnh cho các môn đồ phải làm gì?
-
Mối quan hệ giữa việc thực hiện các công việc của Đấng Cứu Rỗi và trở nên giống như Ngài là gì?
Khi học sinh thảo luận câu hỏi này, hãy viết nguyên tắc sau đây lên trên bảng: Chúa kỳ vọng các môn đồ của Ngài phải làm công việc của Ngài và trở nên giống như Ngài.
-
Một số cách nào chúng ta có thể giống như Đấng Cứu Rỗi? Chúng ta có thể làm một số công việc nào khi chúng ta noi theo gương của Ngài?
-
Trong những cách nào các em đã được ban phước khi cố gắng noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi?
Kết thúc lớp học bằng cách làm chứng về các phước lành đến khi chúng ta cố gắng để trở nên giống như Chúa Giê Su Ky Tô.