Bài Học 3
Kế Hoạch Cứu Rỗi
Lời Giới Thiệu
Chủ Tịch Boyd K. Packer thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã chỉ dẫn các giảnh sinh lớp giáo lý nên trình bày một phần khái niệm tóm lược về kế hoạch cứu rỗi vào lúc bắt đầu mỗi niên học:
“Một phần khái quát tóm lược về ‘kế hoạch hạnh phúc’ … nếu được đưa ra vào lúc khởi đầu và thỉnh thoảng trở lại, sẽ có giá trị lớn lao cho các học sinh của mình. …
“Những người trẻ tuổi tự hỏi ‘tại sao?’—Tại sao chúng ta được truyền lệnh phải làm một số điều nào đó, và tại sao chúng ta được truyền lệnh không được làm những điều khác? Một sự hiểu biết về kế hoạch hạnh phúc, ngay cả trong phần tóm lược, có thể cho những đầu óc trẻ mang đến một ‘lý do cho câu hỏi tại sao chúng ta phải làm một số điều và tại sao lại không được làm một số điều khác.’ …
“… Đưa ra một cảm nghĩ cơ bản cho toàn bộ kế hoạch, thậm chí chỉ với một vài chi tiết. … Hãy để cho họ biết điều đó là gì, rồi họ sẽ có lý do cho câu hỏi tại sao chúng ta phải làm một số điều và tại sao lại không được làm một số điều khác.’ …
“… Nếu các anh chị em đang cố gắng để đưa ra cho họ lý do cho câu hỏi tại sao chúng ta phải làm một số điều và tại sao lại không được làm một số điều khác, thì hãy tuân theo khuôn mẫu [này]: ‘Thượng Đế ban cho họ các giáo lệnh, sau khi đã cho họ biết về kế hoạch cứu chuộc.’ [An Ma 12:32; những chữ nghiêng được thêm vào.]” (“The Great Plan of Happiness” [Hội Nghị CES về Sách Giáo Lý và Giao Ước/Lịch Sử Giáo Hội, ngày 10 tháng Tám năm 1993], 2–3, si.lds.org).
Để đáp ứng với lời khuyên của Chủ Tịch Packer, bài học này cung ứng một phần khái quát tóm lược về kề hoạch cứu rỗi như đã được giảng dạy trong thánh thư. Bài học này tập trung vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, tức là “sự kiện chính yếu, nền tảng thiết yếu, và giáo lý chính của kế hoạch cứu rỗi vĩ đại và vĩnh cửu” (Jeffrey R. Holland, “Missionary Work and the Atonement,” Ensign, tháng Ba năm 2001, 8). Khi các học sinh tiến đến việc hiểu biết kế hoạch cứu rỗi, đức tin của họ nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô sẽ gia tăng. Họ sẽ tăng trưởng trong quyết tâm của họ để tuân giữ các giáo lệnh, tiếp nhận các giáo lễ cứu rỗi và trung thành với các giao ước của họ.
Đề Nghị Cách Giảng Dạy
Kế hoạch cứu rỗi trong Sách Mặc Môn
Giải thích rằng trong thế giới linh hồn tiền dương thế, chúng ta đã học hỏi về kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành cho sự cứu rỗi của mình (xin xem Môi Se 4:1–2; Áp Ra Ham 3:22–28). Qua kế hoạch này, chúng ta sẽ có thể trở thành giống như Ngài và vĩnh viễn ở nơi hiện diện của Ngài.
Viết lên trên bảng Kế hoạch cứu rỗi gồm có …
Yêu cầu các học sinh hoàn tất ý tưởng này trong nhật ký ghi chép việc học hỏi thánh thư hay sổ tay ghi chép trong lớp của họ.
Sau khi các học sinh đã có thời giờ để viết rồi, hãy chia sẻ định nghĩa sau đây về kế hoạch cứu rỗi. Các anh chị em có thể muốn viết định nghĩa đó lên trên bảng hoặc một tấm bích chương trước khi lớp bắt đầu.
Kế hoạch cứu rỗi là “phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô, nhằm mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu của con người. Kế hoạch này gồm có Sự Sáng Tạo, Sự Sa Ngã, và Sự Chuộc Tội, cùng với tất cả các luật pháp, giáo lễ và giáo lý do Thượng Đế ban cho. Kế hoạch này làm cho tất cả mọi người đều có thể được tôn cao và sống vĩnh viễn với Thượng Đế” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Kế Hoạch Cứu Chuộc,” scriptures.lds.org).
Yêu cầu các học sinh giơ tay lên nếu những từ họ viết xuống giống với định nghĩa này trong bất cứ phương diện nào. Rồi hướng những câu hỏi sau đây đến một số học sinh đã giơ tay lên:
-
Định nghĩa của các em có điều gì giống với định nghĩa này? Tại sao các em gồm điểm này vào trong định nghĩa của mình?
Chỉ định các học sinh làm việc theo từng cặp. Yêu cầu một học sinh trong mỗi cặp đọc An Ma 22:12–14 và học sinh khác đọc 2 Nê Phi 2:25–28. (Các chị em có thể muốn viết những đoạn tham khảo này lên trên bảng). Yêu cầu các học sinh tìm những phần trong kế hoạch cứu rỗi đã được đề cập đến trong các đoạn đã được chỉ định của họ. Sau khi các học sinh đã có thời giờ để đọc, hãy yêu cầu học sinh trong nhóm thay phiên nhau chia sẻ điều họ đã tìm ra.
Viết xuống các đoạn tham khảo thánh thư lên trên bảng: 2 Nê Phi 9:6; 2 Nê Phi 11:5; An Ma 12:25; An Ma 24:14; An Ma 42:8; An Ma 42:15. (Các anh chị em có thể muốn viết các đoạn này lên trên bảng trước khi lớp bắt đầu).
Giải thích rằng trong Sách Mặc Môn, các vị tiên tri sử dụng những cái tên khác nhau để ám chỉ kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Mời các học sinh giở đến 2 Nê Phi 9:6, và yêu cầu một học sinh đọc to câu đó.
-
Trong câu này, cụm từ nào ám chỉ kế hoạch của Thượng Đế? (“Kế hoạch thương xót của Đấng Sáng Tạo vĩ đại.” Viết câu này lên trên bảng cạnh bên 2 Nê Phi 9:6).
Yêu cầu các học sinh đọc thầm các đoạn thánh thư khác được liệt kê trên bảng, bằng cách tìm kiếm các cụm từ ám chỉ kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Khi một học sinh tìm ra một cụm từ ám chỉ kế hoạch của Cha Thiên Thượng, thì hãy mời em đó viết cụm từ đó lên trên bảng cạnh bên phần tham khảo thánh thư nơi cụm từ đó đã được tìm thấy. Bảng liệt kê hoàn tất ở trên bảng cần phải trông giống như sau:
(Để giúp các học sinh gia tăng lòng biết ơn về những điều giảng dạy trong Sách Mặc Môn, các anh chị em có thể muốn nêu ra rằng các cụm từ như “kế hoạch cứu rỗi,” “kế hoạch hạnh phúc,” và “kế hoạch cứu chuộc” được đề cập tới nhiều lần trong Sách Mặc Môn chứ không phải trong Kinh Thánh).
-
Những cái tên này nhấn mạnh điều gì về kế hoạch của Cha Thiên Thượng? (Hãy bảo đảm rằng các học sinh hiểu rằng kế hoạch của Cha Thiên Thượng là nhằm mang đến sự cứu rỗi và hạnh phúc vĩnh cửu cho con cái của Ngài.)
Làm chứng rằng chúng ta không thể trở lại nơi hiện diện của Thượng Đế và nhận được sự cứu rỗi vĩnh cửu mà không có sự giúp đỡ thiêng liêng. Mời mỗi học sinh đọc Mô Si A 3:17, bằng cách tìm ra nhân vật chính trong kế hoạch cứu rỗi. Sau khi họ báo cáo điều họ đã tìm ra, hãy yêu cầu một học sinh đọc to 2 Nê Phi 2:8. Nhấn mạnh rằng Chúa Giê Su Ky Tô là nhân vật chính trong kế hoạch cứu rỗi, và Sự Chuộc Tội của Ngài là điều làm cho kế hoạch đó tác động đến tất cả con cái của Thượng Đế. Yêu cầu một học sinh đọc lời phát biểu sau đây của Tiên Tri Joseph Smith:
“Các nguyên tắc cơ bản của tôn giáo chúng ta là chứng ngôn của Các Vị Sứ Đồ và Tiên Tri về Chúa Giê Su Ky Tô rằng Ngài đã chết, được chôn cất và sống lại vào ngày thứ ba và thăng lên trời; và tất cả những điều khác liên quan đến tôn giáo chúng ta chỉ là phần phụ vào chứng ngôn đó mà thôi”(Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch của Giáo Hội: Joseph Smith [2007], 49).
Các anh chị em có thể muốn giải thích rằng từ phần phụ ám chỉ một đồ vật hay khái niệm liên hệ đến một điều gì đó có tầm quan trọng lớn lao hơn, như một cành cây là một phần của cái cây. Một cái cây có thể sống mà không có một cái cành cây, nhưng cái cành cây không thể nào sống nếu bị tách rời khỏi rễ và thân cây. Chủ Tịch Boyd K. Packer thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy rằng: “Giáo lý về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô chính là nguồn gốc của giáo lý của Ky Tô giáo. Các anh chị em có thể biết nhiều về phúc âm vì các giáo lý của phúc âm được rao truyền từ đó, nhưng nếu các anh chị em chỉ biết các giáo lý phúc âm, và cả giáo lý đó không có nền tảng, và bị tách rời ra khỏi lẽ thật, thì sẽ không có sự sống cũng như sự cứu chuộc trong các giáo lý đó” (“The Mediator,” Ensign, tháng Năm năm 1977, 56).
Giải thích rằng kế hoạch của Cha Thiên Thượng thường được gọi là kế hoạch cứu rỗi vì nó bao hàm việc cứu rỗi chúng ta. Là một Đấng đã làm cho công việc cứu rỗi chúng ta có thể thực hiện được nhờ vào Sự Chuộc Tội, Chúa Giê Su Ky Tô được gọi là Đấng Cứu Rỗi.
Viết lên trên bảng Chúng ta cần phải được cứu khỏi …
Yêu cầu một học sinh đọc to 2 Nê Phi 9:6–10, và rồi yêu cầu một học sinh khác đọc to 3 Nê Phi 9:21–22. Mời các học sinh khác dò theo, tìm cách hoàn tất câu viết ở trên bảng. Các anh chị em có thể đề nghị rằng họ nên đánh dấu những kết quả tìm kiếm trong thánh thư của họ.
Yêu cầu các học sinh chia sẻ điều họ đã tìm ra, và viết những câu trả lời của họ lên trên bảng. Hãy chắc chắn họ hiểu rằng nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, nên tất cả mọi người đều sẽ được cứu khỏi cái chết thể xác. Cũng nói rõ rằng nhờ vào Sự Chuộc Tội, chúng ta có thể được cứu khỏi tội lỗi của mình, mà nếu không có Sự Chuộc Tội thì chúng ta không thể nào ở nơi hiện diện của Thượng Đế.
Đọc lời nói sau đây của tiên tri Gia Cốp: “Ôi, vĩ đại thay tấm lòng nhân từ của Thượng Đế chúng ta” (2 Nê Phi 9:10). “Ôi vĩ đại thay kế hoạch của Thượng Đế chúng ta!” 2 Nê Phi 9:13.
-
Làm thế nào những lời của Gia Cốp trong 2 Nê Phi 9:6–10 giúp các em hiểu lý do tại sao ông nói những lời này?
-
Theo như 2 Nê Phi 9:7, 9, điều gì sẽ xảy ra nếu không có Sự Chuộc Tội? (Thể xác của chúng ta sẽ chết và không bao giờ sống lại, và linh hồn của chúng ta sẽ nên lệ thuộc quỷ dữ).
Hãy nhắc đến câu cuối cùng trong định nghĩa của kế hoạch cứu rỗi mà các anh chị em đã chia sẻ trước đó trong bài học: “Kế hoạch này làm cho tất cả mọi người đều có thể được tôn cao và sống vĩnh viễn với Thượng Đế”
-
Tại sao là điều quan trọng để hiểu được rằng kế hoạch đó làm cho sự tôn cao của chúng ta có thể thực hiện được nhưng không chắc chắn? (Khi các học sinh trả lời câu hỏi này, hãy chắc chắn họ hiểu rằng chúng ta có quyền tự quyết, khả năng để lựa chọn và tự hành động. Sự tôn cao của chúng ta tùy thuộc một phần vào cách chúng ta đáp ứng với các phước lành Thượng Đế đã ban cho chúng ta).
Hãy viết những phần tham khảo thánh thư sau đây lên trên bảng: 2 Nê Phi 2:25–28; 2 Nê Phi 31:17–20; An Ma 34:15–16. Yêu cầu các học sinh nghiên cứu thầm các đoạn này và liệt kê trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của họ những điều mà các câu thánh thư này nói chúng ta cần phải làm để nhận được tất cả những gì Thượng Đế ban cho chúng ta qua kế hoạch cứu rỗi của Ngài.
Khi các học sinh đã có đủ thời gian để hoàn tất chỉ định này, thì hãy mời họ chia sẻ với nhau những câu trả lời của họ. Trong khi họ làm như vậy, thì hãy nêu ra các tấm gương tuân theo “các luật pháp, giáo lễ và giáo lý do Thượng Đế ban cho” mà đã được đề cập đến trong định nghĩa các anh chị em đã chia sẻ trước đây. (Những ví dụ từ các câu này gồm có việc sử dụng đức tin để hối cải, chịu phép báp têm, và tiếp nhận Đức Thánh Linh). Sau khi các học sinh báo cáo xong, hãy cân nhắc việc đặt ra những câu hỏi sau đây:
-
Những hành động của chúng ta ảnh hưởng đến khả năng nhận được các phước lành của Sự Chuộc Tội như thế nào? (Trong khi các học sinh trả lời, hãy tìm cơ hội để làm chứng rằng khi chọn sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và tuân theo kế hoạch của Thượng Đế, thì chúng ta chuẩn bị để tiếp nhận cuộc sống vĩnh cửu nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi.)
-
Việc thông hiểu kế hoạch cứu rỗi có thể giúp chúng ta tuân giữ các giáo lệnh như thế nào?
Yêu cầu một học sinh đọc to 2 Nê Phi 2:25.
-
Việc tuân theo kế hoạch cứu rỗi đã mang đến niềm vui cho các anh chị em trong những phương diện nào?
Để kết thúc bài học, hãy giải thích rằng khi học Sách Mặc Môn, các học sinh sẽ biết thêm nhiều giáo lý liên quan đến kế hoạch cứu rỗi; bài học này chỉ trình bày một phần khái quát tóm lược mà thôi. Khuyến khích các học sinh trong khi học nên lưu ý đến tất cả những gì Thượng Đế đã làm cho họ như là một phần kế hoạch cứu rỗi của ngài và lưu ý đến tất cả những gì họ cần làm để nhận được các phước lành trọn vẹn mà Thượng Đế đã dự định cho họ. Làm chứng về các lẽ thật đã được thảo luận trong bài học này.