Thư Viện
Bài Học 67: Mô Si A 27


Bài Học 67

Mô Si A 27

Lời Giới Thiệu

An Ma Con và các con trai của Vua Mô Si A đã phản nghịch chống lại cha của họ và Chúa và cố gắng phá hoại Giáo Hội của Thượng Đế. Những nỗ lực của họ đã kết thúc khi một thiên sứ được gửi đến để đáp ứng cho những lời cầu nguyện của người ngay chính, kêu gọi họ phải hối cải. Do kết quả kinh nghiệm kỳ diệu này, nên họ được tái sinh qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, và họ đi khắp xứ Gia Ra Hem La để thuyết giảng phúc âm và sửa chữa các thiệt hại họ đã gây ra.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Mô Si A 27:1–22

Một thiên sứ kêu gọi An Ma Con và các con trai của Mô Si A phải hối cải

Để cung cấp bối cảnh cho bài học này, hãy tóm lược Mô Si A 27:1–7 bằng cách giải thích rằng nhiều người không tin ở Gia Ra Hem La đã bắt đầu ngược đãi những người thuộc vào Giáo Hội. Sau khi Vua Mô Si A công bố một bản tuyên ngôn nghiêm cấm những hành động như vậy, thì đa số dân chúng tuân theo và hòa bình được lập lại. Tuy nhiên, một số người vẫn tiếp tục cố gắng phá hoại Giáo Hội. Năm trong số những người đó là con trai của An Ma là An Ma và các con trai của vua Mô Si A là Am Môn, A Rôn, Ôm Nê, và Him Ni. Con trai của An Ma là An Ma thường được gọi tắt là An Ma Con.

Mời một học sinh đọc to Mô Si A 27:8–10. Yêu cầu lớp học nhận ra các từ hoặc cụm từ mô tả An Ma Con và các con trai của Mô Si A.

  • Phần mô tả nào về An Ma và các con trai của Mô Si A là nổi bật nhất đối với các em? Tại sao? (Hãy liệt kê lên trên bảng các từ và cụm từ trong khi học sinh nhận ra chúng. Chừa lại chỗ trống ở trên bảng để lập ra một bản liệt kê thứ hai sau này trong bài học).

Yêu cầu học sinh im lặng suy ngẫm câu hỏi sau đây:

  • Nếu các em đã sống ở Gia Ra Hem La vào thời gian này, các em nghĩ mình có lẽ đã phản ứng như thế nào với những hành động của An Ma và các con trai của Mô Si A?

Conversion of Alma the Younger

Trưng bày tấm hình Sự Cải Đạo của An Ma Con (Sách Họa Phẩm Phúc Âm [2009], số 77). Yêu cầu học sinh im lặng đọc Mô Si A 27:11–13, tức là câu chuyện mô tả trong bức tranh này. Sau đó mời một học sinh đọc to Mô Si A 27:14. Yêu cầu lớp học tìm kiếm những lý do mà vị thiên sứ đã hiện đến cùng An Ma và các con trai của Mô Si A.

  • Câu này giảng dạy điều gì về cách chúng ta có thể giúp đỡ những người khác đang gặp khó khăn? (Bảo đảm rằng học sinh hiểu là Chúa đáp ứng những lời cầu nguyện trung tín của chúng ta cho những người khác. Các anh chị em có thể muốn viết nguyên tắc này lên trên bảng và đề nghị học sinh viết nó trong quyển thánh thư của họ bên cạnh Mô Si A 27:14. Các anh chị em có thể cũng muốn đề nghị họ thêm một câu thánh thư tham khảo chéo vào Giăng 5:16. Nêu ra rằng Chúa đáp ứng cho lời cầu nguyện của chúng ta không chỉ cho những người đang gặp khó khăn về mặt thuộc linh mà còn đối với những người có các loại thử thách và nhu cầu khác nữa).

  • Có khi nào lời cầu nguyện của một người nào khác đã tạo ra một sự khác biệt trong cuộc sống của các em không?

  • Có khi nào các em đã cảm thấy rằng những lời cầu nguyện của mình đã tạo ra một sự khác biệt trong cuộc sống của một người nào đó không?

Khuyến khích học sinh tiếp tục cầu nguyện cho những người khác. Làm chứng rằng câu chuyện về An Ma Con và các con trai của Mô Si A là bằng chứng rằng Chúa nghe lời cầu nguyện của chúng ta thay cho những người khác. Ngài sẽ không gạt ra quyền tự quyết của những người mà chúng ta cầu nguyện cho, nhưng Ngài sẽ nghe lời cầu nguyện của chúng ta, và Ngài sẽ đáp ứng theo cách thức và kỳ định của Ngài.

Mời một học sinh ra đứng trước lớp học và đọc to Mô Si A 27:15–16. Giải thích rằng đây là những lời của vị thiên sứ nói cùng An Ma và các con trai của Mô Si A. Nhấn mạnh rằng vị thiên sứ đã “cất lời nói với họ như tiếng sấm sét, khiến cho đất nơi họ đang đứng phải rung chuyển” (Mô Si A 27:11).

  • Điều gì gây ấn tượng cho các em về những gì vị thiên sứ đã làm và nói? Tại sao điều này gây ấn tượng cho các em?

Tóm lược Mô Si A 27:19–22 bằng cách giải thích rằng sau khi vị thiên sứ đã chia sẻ sứ điệp của mình rồi thì An Ma không thể nói được, trở nên yếu đuối, bất động và được khiêng đến cha của ông (xin xem Mô Si A 27:19). Khi cha của An Ma nghe được điều đã xảy ra, ông “rất vui mừng vì cha ông biết đó là quyền năng của Thượng Đế” (Mô Si A 27:20). Ông tập hợp dân chúng lại “để chứng kiến những gì Chúa đã làm cho con trai mình” (Mô Si A 27:21). Ông cũng đã yêu cầu các thầy tư tế quy tụ lại, và họ nhịn ăn và cầu nguyện rằng con trai của ông có thể nhận được sức mạnh và có thể nói được (xin xem Mô Si A 27:22).

Mô Si A 27:23–31

An Ma Con hối cải và được tái sinh

Trở lại với bản liệt kê mô tả An Ma và các con trai của Mô Si A mà các anh chị em đã viết ở trên bảng trước đó. Viết Trước trên bản liệt kê đó. Viết Sau ở phía bên kia của tấm bảng. Mời học sinh đọc Mô Si A 27:23–24, 28–29, cùng tìm kiếm các từ và cụm từ mà cho thấy An Ma đã thay đổi như thế nào. Cho một vài học sinh cơ hội để viết lên trên bảng những từ và cụm từ này.

  • Theo Mô Si A 27:24 và 28, An Ma đã làm điều gì để dẫn đến sự thay đổi này? Chúa đã làm gì? Khi chúng ta tìm cách thay đổi và tuân theo Đấng Cứu Rỗi, thì tại sao là điều quan trọng để hiểu được điều chúng ta phải làm? Tại sao là điều quan trọng để hiểu điều Chúa sẽ làm cho chúng ta?

  • Làm thế nào việc học hỏi về kinh nghiệm của An Ma có thể giúp một người nào đó nghĩ rằng người ấy không thể được tha thứ?

Mời một học sinh đọc to Mô Si A 27:25–26. Yêu cầu lớp học nhận ra giáo lý mà Chúa đã dạy cho An Ma. (Mặc dù học sinh có thể sử dụng các từ khác nhau, nhưng hãy chắc chắn rằng họ hiểu là mỗi người chúng ta cần phải được tái sinh nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Các anh chị em có thể muốn viết lên trên bảng lẽ thật này).

Giải thích rằng việc được tái sinh có nghĩa là có được Thánh Linh của Chúa tạo ra một thay đổi lớn lao trong lòng của một người để người đó không còn có ước muốn để làm điều ác mà thay vì thế mong muốn tìm kiếm những sự việc của Thượng Đế (xin xem Mô Si A 5:2).

Các anh chị em cũng có thể muốn giải thích rằng mặc dù sự thay đổi lớn lao trong lòng đã hiển nhiên xảy ra một cách nhanh chóng đối với An Ma và các con trai của Mô Si A, nhưng hầu hết chúng ta đều được thay đổi dần dần nhiều hơn nhờ vào Sự Chuộc Tội. Đó là một tiến trình nhiều hơn là một sự kiện. Để giúp học sinh hiểu rõ hơn về giáo lý này, hãy mời một người trong số họ đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Ezra Taft Benson:

“Chúng ta phải cẩn thận, khi chúng ta tìm cách càng ngày càng trở nên tin kính hơn, để chúng ta không trở nên chán nản và mất hy vọng. Việc trở thành giống như Đấng Ky Tô là một sự theo đuổi suốt đời và thường gồm có sự tăng trưởng và thay đổi rất chậm, hầu như không thể nhận thấy được. Thánh thư ghi lại các câu chuyện phi thường về những người mà cuộc sống của họ đã thay đổi một cách đáng kể, ngay lập tức, như đối với những người như: An Ma Con, Phao Lô trên đường đi đến thành Đa Mách, Ê Nót cầu nguyện đến khuya, Vua La Mô Ni. Các ví dụ đáng kinh ngạc như vậy về khả năng để thay đổi ngay cả những người chìm đắm trong tội lỗi mang đến sự tin tưởng rằng Sự Chuộc Tội có thể đến được ngay cả những người vô cùng tuyệt vọng nhất.

“Nhưng chúng ta phải thận trọng khi thảo luận những ví dụ phi thường này. Mặc dù những ví dụ này có thật và hùng hồn nhưng chúng cũng là trường hợp ngoại lệ hơn là quy luật. Đối với mỗi người như Phao Lô, mỗi người như Ê Nót, và mỗi người như Vua La Mô Ni, thì có hàng trăm và hàng ngàn người thấy rằng tiến trình của sự hối cải tinh tế hơn nhiều, không thể nhận thấy hơn nhiều. Ngày qua ngày, họ đến gần với Chúa hơn, không hề biết rằng họ đang xây dựng một cuộc sống tin kính. Họ sống một cuộc sống yên tĩnh với lòng nhân từ, sự phục vụ, và cam kết” (“A Mighty Change of Heart,” Ensign, tháng Mười năm 1989, 5).

Sau khi học sinh chia sẻ điều họ đã học được từ lời phát biểu này, hãy mời họ dành ra một vài phút để trả lời một trong những câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của họ. (Các anh chị em có thể muốn viết lên trên bảng những câu hỏi này trước khi lớp học bắt đầu, hay chuẩn bị một tờ giấy phát tay với các câu hỏi, hoặc đọc từ từ các câu hỏi để học sinh có thể viết trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của họ).

  • Các em đã thay đổi như thế nào nhờ vào Sự Chuộc Tội khi các em đã hối cải và làm hết sức mình để noi theo Đấng Cứu Rỗi?

  • Có một điều mà các em có thể làm để đến với Chúa một cách trọn vẹn hơn để các em có thể được thay đổi nhờ vào Sự Chuộc Tội là điều gì?

Mời một vài học sinh chia sẻ điều họ đã viết và nói về sự thay đổi mà có thể xảy ra bên trong chúng ta khi chúng ta hối cải và thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài. (Nhắc nhở học sinh rằng họ không cần phải chia sẻ bất cứ điều gì quá cá nhân hoặc riêng tư. Hãy chắc chắn rằng họ hiểu là họ không nên nói về tội lỗi trong quá khứ của họ).

Mô Si A 27:32–37

An Ma Con và các con trai của Mô Si A đi khắp xứ, cố gắng sửa chữa những thiệt hại mà họ đã gây ra và củng cố Giáo Hội

Giải thích rằng sự hối cải chân thành là một sự thay đổi trong lòng, không phải chỉ là một quyết định để ngừng làm một điều gì đó sai lầm. Hãy mời một học sinh đọc to Mô Si A 27:32–37. Yêu cầu lớp học nhận ra điều An Ma và các con trai của Mô Si A đã làm mà vượt xa quá việc chỉ ngừng làm điều họ đã làm sai.

  • Các em thấy bằng chứng nào cho thấy rằng An Ma và các con trai của Mô Si A đã thực sự thay đổi?

  • Chúng ta có thể học được điều gì từ tấm gương của họ?

Những câu trả lời của học sinh có thể bao gồm điều sau đây:

Ngay cả những người phản nghịch chống lại Chúa và những lời giảng dạy của Ngài cũng có thể được tha thứ.

Để thực sự hối cải, một người phải làm mọi điều có thể làm được để sửa chữa thiệt hại mà người ấy đã tạo ra. (Các anh chị em có thể giải thích rằng đôi khi chúng ta dùng từ bồi thường để ám chỉ hành động sửa chữa thiệt hại đã gây ra và sửa chỉnh những lựa chọn dại dột của chúng ta.)

Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, nên chúng ta có thể được thay đổi sang một trạng thái ngay chính.

Hãy kết thúc bằng cách làm chứng rằng câu chuyện về An Ma và các con trai của Mô Si A là một ví dụ về quyền năng của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô để thay đổi chúng ta. Làm chứng về ước muốn của Đấng Cứu Rỗi để tha thứ cho tất cả mọi người, giống như các thanh niên này, thực hành đức tin nơi Ngài và tìm cách tuân theo Ngài.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

Mô Si A 27:25. Được tái sinh

Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã mô tả tiến trình của sự tái sinh:

“Chúng ta bắt đầu tiến trình được sinh lại qua việc sử dụng đức tin nơi Đấng Ky Tô, hối cải tội lỗi của chúng ta, và chịu phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước để được xá miễn các tội lỗi bởi một người có thẩm quyền chức tư tế.

“… Sau khi chúng ta ra khỏi nước báp têm, tâm hồn của chúng ta cần phải được tiếp tục thấm nhuần và tràn đầy lẽ thật và ánh sáng của phúc âm của Đấng Cứu Rỗi. Sự thỉnh thoảng và hời hợt trong việc học hỏi tra cứu giáo lý của Đấng Ky Tô và cùng tham gia một cách tiêu cực trong Giáo Hội phục hồi của Ngài thì không thể tạo ra sự cải đổi phần thuộc linh mà có thể cho chúng ta sống trong cuộc đời mới. Thay vì thế, cần có sự trung thành với các giao ước, sự trung tín với cam kết của mình và việc dâng trọn tâm hồn mình lên Thượng Đế nếu chúng ta muốn nhận được các phước lành vĩnh cửu.

“Việc đắm mình trong sự tra cứu phúc âm của Đấng Cứu Rỗi là các giai đoạn thiết yếu trong tiến trình được sinh lại” (“Các Ngươi Phải Được Tái Sinh,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2007, 21).

Anh Cả Bruce R. McConkie, cũng thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, giải thích:

“Chúng ta được tái sinh khi chúng ta chết vì liên quan đến sự bất chính và khi chúng ta sống theo những sự việc của Thánh Linh. Nhưng điều đó không xảy ra ngay lập tức, một cách bất ngờ. Sự tái sinh đó … là một tiến trình. Việc được tái sinh là một điều xảy ra dần dần, ngoại trừ một ít trường hợp cá biệt kỳ diệu đến mức được viết vào thánh thư. Theo như mối quan tâm của phần đông các tín hữu Giáo Hội, thì chúng ta được tái sinh dần dần, và chúng ta được tái sinh với thêm ánh sáng, thêm kiến thức và thêm ước muốn cho sự ngay chính khi chúng ta tuân giữ các giáo lệnh.

“Là tín hữu của Giáo Hội, nếu chúng ta vạch ra một hướng đi dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu; nếu chúng ta bắt đầu tiến trình tái sinh về phần thuộc linh, và đang đi đúng hướng; nếu chúng ta vạch ra một hướng đi để thánh hóa linh hồn mình, và dần dần đi theo hướng đó; nếu chúng ta vạch ra một hướng đi để trở nên toàn thiện, và từng bước một và từng giai đoạn một, đang hoàn thiện linh hồn chúng ta bằng cách thắng thế gian, sau đó điều đó được bảo đảm tuyệt đối—không hề có thắc mắc về bất cứ điều gì đối với điều đó—thì chúng ta sẽ đạt được cuộc sống vĩnh cửu. Mặc dù chúng ta có được sự tái sinh về phần thuộc linh ở trước mặt, sự toàn thiện ở trước mặt, mức độ thánh hóa trọn vẹn ở phía trước, nếu chúng ta vạch ra một hướng đi và đi theo với hết khả năng của mình trong cuộc sống này, thì khi ra khỏi cuộc đời này chúng ta sẽ tiếp tục theo đúng hướng đi đó” (“Jesus Christ and Him Crucified,” Brigham Young University 1976 Speeches, ngày 5 tháng Chín năm 1976, 5–6, speeches.byu.edu).