Thư Viện
Bài Học 59: Mô Si A 12:18–14:12


Bài Học 59

Mô Si A 12:18–14:12

Lời Giới Thiệu

Khi Vua Nô Ê và các thầy tư tế của ông chất vấn A Bi Na Đi, thì vị tiên tri quở trách họ vì đã không giảng dạy hoặc tuân giữ các giáo lệnh. Vua Nô Ê ra lệnh cho các thầy tư tế của ông phải giết chết A Bi Na Đi, nhưng Thượng Đế đã bảo vệ A Bi Na Đi và đã ban cho ông quyền năng để tiếp tục sứ điệp của ông. Khi trích dẫn Ê Sai, A Bi Na Đi đã làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Mô Si A 12:18–13:26

A Bi Na Đi quở trách Vua Nô Ê và các thầy tư tế của vua vì từ chối tuân thủ và giảng dạy các giáo lệnh

Để bắt đầu bài học này, hãy viết những lời phát biểu sau đây lên trên bảng:

Tôi BIẾT ý nghĩa của việc sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Tôi SỐNG theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Yêu cầu học sinh im lặng xem xét xem những lời phát biểu mô tả đúng với họ như thế nào, bằng cách sử dụng thang điểm từ 1 đến 10 (với số 10 là lời phát biểu mô tả họ đúng nhất).

  •  Các em nghĩ tại sao là điều quan trọng để có thể thành thật đưa ra cả hai lời phát biểu này?

Giải thích rằng khi học sinh thảo luận về những lời của A Bi Na Đi, thì họ sẽ học được thêm về tầm quan trọng của việc hiểu biết và sống theo phúc âm. Nhắc nhở họ rằng trong bài học trước, họ đã thảo luận câu chuyện về Vua Nô Ê và các thầy tư tế của hắn ném A Bi Na Đi vào tù vì những lời tiên tri của ông chống lại họ (xin xem Mô Si A 12:1–17). Tóm lược Mô Si A 12:18–24 bằng cách giải thích rằng A Bi Na Đi về sau đã bị bắt giải đến trước Vua Nô Ê và các thầy tư tế của hắn. Các thầy tư tế chất vấn ông, cố gắng làm cho ông hoang mang để nói một điều gì đó mà họ có thể dùng để chống lại ông. Sau đó, một người trong số họ yêu cầu ông giải thích một đoạn thánh thư.

Mời học sinh im lặng đọc Mô Si A 12:25–30 cùng tìm kiếm các lý do của A Bi Na Đi để quở trách Nô Ê và các thầy tư tế của hắn. Sau khi học sinh báo cáo điều họ đã tìm thấy, hãy hỏi:

  • A Bi Na Đi nói rằng Nô Ê và các thầy tư tế của hắn đã làm sai lạc đường lối của Chúa (xin xem Mô Si A 12:26). Nói cách khác, họ đã làm sai lạc những sự việc thiêng liêng và quay lưng lại với con đường đúng để sống theo. Nô Ê và các thầy tư tế phạm tội làm sai lạc đường lối của Chúa trong những phương diện nào?

Để giúp học sinh trả lời câu hỏi này, các anh chị em có thể muốn nêu ra rằng các thầy tư tế cho rằng sự cứu rỗi là từ luật Môi Se mà ra (xin xem Mô Si A 12:32). Tuy nhiên, họ đã không tuân giữ Mười Điều Giáo Lệnh, tức là một phần của luật đó, và họ đã không giảng dạy cho dân chúng phải tuân giữ các giáo lệnh (xin xem Mô Si A 11:1–15; 12:27–29, 37; 13:25–26).

Chỉ vào những lời phát biểu ở trên bảng.

  • Trên thang điểm từ 1 đến 10, các em nghĩ mỗi lới phát biểu mô tả Nô Ê và các thầy tư tế của hắn đúng như thế nào?

Mời một học sinh đọc to Mô Si A 12:31–33. Yêu cầu lớp học nhận ra nguyên tắc mà A Bi Na Đi đã dạy cho Nô Ê và các thầy tư tế của hắn. (Ông dạy rằng nếu chúng ta tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế, thì chúng ta sẽ được cứu).

Chia sẻ các ví dụ sau đây của Anh Cả F. Melvin Hammond thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi. Khuyến khích học sinh lắng nghe về tầm quan trọng của việc biết lẫn tuân giữ các giáo lệnh.

“Cách đây nhiều năm, một người truyền giáo giải nhiệm trở về nhà đứng mạnh dạn trong một buổi lễ Tiệc Thánh và tuyên bố lớn tiếng rằng anh ta biết từ việc nghiên cứu thánh thư của mình rằng phúc âm là chân chính và anh ta sẽ hy sinh mạng sống của mình cho Chúa và Giáo Hội của Ngài. Hai tuần sau đó, anh ta đứng trước mặt vị giám trợ của tiểu giáo khu sinh viên của mình, bẽ bàng và sợ hãi, khi anh thú nhận rằng trong một giây phút yếu đuối anh ta đã đánh mất đức hạnh của mình. Bằng cách nào đó lòng tận tụy đã được anh ta tuyên bố với Đấng Cứu Rỗi đã bị quên lãng trong nỗi phấn khởi đầy sức đam mê của anh ta. Mặc dù là một người học lời của Thượng Đế, nhưng anh ta đã không liên kết việc học tập của mình với sự áp dụng thực tiễn, hàng ngày, không hề viển vông vào cuộc sống giống như Đấng Ky Tô.

“Một cô gái xinh đẹp cố gắng hoàn thành tất cả những điều kiện đòi hỏi để đạt được Sự Công Nhận của Người Thiếu Nữ. Mục tiêu cá nhân của cô ta được viết một cách chu đáo và được cẩn thận đặt trong nhật ký của cô ta. Một cách cương quyết, cô viết rằng cô chỉ sẽ hẹn hò với các thanh niên xứng đáng và tìm ra một người đặc biệt mà sẽ kết hôn với cô trong đền thờ. Khi cô mười tám tuổi, mục tiêu của cô đã bị lãng quên; cô bỏ nhà ra đi với một cậu thanh niên không phải là tín hữu của Giáo Hội. Những người yêu thương cô nhất đã khóc rất nhiều—cha mẹ, các giảng viên và bạn bè của cô. Cô đã đánh mất sự kết nối giữa những điều kiện đòi hỏi của luật pháp với thực tế của vai trò môn đồ chân chính” (“Eliminating the Void between Information and Application,” buổi phát sóng bằng vệ tinh chương trình huấn luyện HTGDCGH, tháng Tám năm 2003, 17, si.lds.org).

  • Tại sao việc biết được các giáo lệnh là không đủ để chúng ta được hội đủ điều kiện cho sự cứu rỗi?

Abinadi before King Noah

Trưng bày hình A Bi Na Đi đứng trước mặt Vua Nô Ê (62042; Sách Họa Phẩm Phúc Âm [2009], số 75). Yêu cầu học sinh mô tả điều đang xảy ra trong hình. (Nhà vua đã ra lệnh rằng A Bi Na Đi phải bị giết chết. Chúa đang bảo vệ A Bi Na Đi). Để giúp học sinh hiểu được câu chuyện này, hãy cân nhắc việc yêu cầu ba học sinh đứng lên và đóng một cảnh đọc kịch. Một học sinh sẽ đóng vai là người kể chuyện. Một học sinh thứ hai sẽ đọc những lời của Vua Nô Ê. Học sinh thứ ba sẽ đọc những lời của A Bi Na Đi. Trước hết, hãy yêu cầu người kể chuyện và học sinh đóng vai Nô Ê đọc các phần của họ trong Mô Si A 13:1–2. Sau đó, yêu cầu học sinh đóng vai A Bi Na Đi trả lời với Mô Si A 13:3–4. Sau đó, người kể chuyện sẽ đọc Mô Si A 13:5–6. Sau đó, học sinh đóng vai A Bi Na Đi sẽ kết thúc với Mô Si A 13:7–11.

Hướng sự chú ý của học sinh đến Mô Si A 13:11.

  • Các em nghĩ việc có các giáo lệnh được viết trong tâm hồn của chúng ta có nghĩa là gì? (Giúp học sinh hiểu rằng để có các giáo lệnh viết vào trong tâm hồn chúng ta, thì chúng ta phải biết sống theo phúc âm).

Hãy nêu ra rằng trước khi Nô Ê tìm cách để A Bi Na Đi bị giết chết, thì A Bi Na Đi đã bắt đầu đọc thuộc lòng một đoạn thánh thư mà có lẽ đã quen thuộc với nhà vua và các thầy tư tế của ông và đó là bằng chứng về sự tà ác của họ. Yêu cầu lớp học im lặng đọc Mô Si A 12:34–36 để xem đoạn thánh thư mà A Bi Na Đi đọc cho Nô Ê và các thầy tư tế của hắn nghe có quen thuộc không. Giúp họ thấy rằng A Bi Na Đi đã bắt đầu đọc thuộc lòng Mười Điều Giáo Lệnh.

Vẽ lên trên bảng hai tảng đá lớn, trống không. Mời một học sinh viết một trong Mười Điều Giáo Lệnh vào một trong hai tảng đá này. Yêu cầu học sinh đó đưa cục phấn cho một học sinh khác để viết một điều giáo lệnh khác trong số Mười Điều Giáo Lệnh. Lặp lại tiến trình này cho đến khi học sinh đã liệt kê hết tất cả các giáo lệnh mà họ có thể nhớ được. Mời họ kiểm tra câu trả lời của họ trong Mô Si A 12:34–36 và 13:12–24. Các anh chị em có thể muốn khuyến khích họ tô đậm Mười Điều Giáo Lệnh trong những câu này và trong Xuất Ê Díp Tô Ký 20:3–17 (một đoạn thánh thư thông thạo).

hai tảng đá trống

Chia sẻ lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Gordon B. Hinckley:

“Mười Điều Giáo Lệnh [đã] do ngón tay của Đức Giê Hô Va viết lên trên tảng đá cho sự cứu rỗi và an toàn, cho sự an ninh và hạnh phúc của con cái Y Sơ Ra Ên, và cho tất cả các thế hệ sẽ đến sau” (“Our Solemn Responsibilities,” Ensign, tháng Mười Một năm 1991, 51).

Khuyến khích học sinh xem lại Mười Điều Giáo Lệnh và im lặng suy xét các nỗ lực cá nhân của họ để tuân giữ các giáo lệnh.

Mô Si A 13:27–14:12

A Bi Na Đi dạy về sự cứu rỗi nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô

Viết lên trên bảng điều sau đây (các anh chị em có thể muốn viết điều này trước khi lớp học bắt đầu). Yêu cầu học sinh suy nghĩ về điều gì có thể được điền vào chỗ trống.

“Sau tất cả sự vâng lời và các việc thiện của mình, chúng ta có thể không được cứu khỏi cái chết hay hậu quả của tội lỗi cá nhân của chúng ta nếu không có …”

Đọc to lời phát biểu sau đây của Anh Cả Dallin H. Oaks:

“Sau tất cả sự vâng lời và các việc thiện của mình, chúng ta có thể không được cứu khỏi cái chết hay hậu quả của tội lỗi cá nhân của chúng ta nếu không có ân điển được sự chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô mang lại. Sách Mặc Môn làm rõ vấn đề này. Sách dạy rằng ‘sự cứu rỗi không phải chỉ do luật pháp đến mà thôi’ (Mô Si A 13:28). Nói cách khác, sự cứu rỗi không phải chỉ do việc tuân giữ các điều giáo lệnh mà thôi. … Ngay cả những người cố gắng vâng lời và phục vụ Thượng Đế với hết cả tấm lòng, khả năng, tâm trí và sức mạnh cũng đều là ‘những tôi tớ vô dụng’ (Mô Si A 2:21). Con người không thể tự mình kiếm được sự cứu rỗi cho chính mình” (“Another Testament of Jesus Christ,” Ensign, tháng Ba năm 1994, 67).

Hoàn tất lời phát biểu ở trên bảng bằng cách viết ân điển do sự chuộc tội của Chúa Giê Su Ky Tô mang lại. Sau đó yêu cầu một vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ Mô Si A 13:28, 32–35. Yêu cầu lớp học tìm kiếm các từ và cụm từ liên quan đến lời phát biểu của Anh Cả Oaks. Mời một vài học sinh chia sẻ điều họ đã khám phá ra. (Câu trả lời có thể bao gồm “sự chuộc tội”, “sự cứu chuộc của Thượng Đế”, “sự giáng lâm của Đấng Mê Si,” và lời hứa rằng “Thượng Đế [sẽ] đi xuống giữa con cái loài người.”)

Giải thích rằng những lời phát biểu của A Bi Na Đi về “luật pháp” trong Mô Si A 13:28 và 32 là những phần tham khảo với luật Môi Se, bao gồm một tập hợp chặt chẽ các giáo lệnh liên quan đến những của lễ hy sinh, yến tiệc, và những đặc tính khác. Luật pháp đã được đưa ra để giúp dân Y Sơ Ra Ên tưởng nhớ đến Thượng Đế và mong đợi Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Theo thời gian, nhiều người Y Sơ Ra Ên đã không hiểu được vai trò của Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của họ và nghĩ rằng họ có thể được cứu chỉ bằng cách tuân theo luật Môi Se mà thôi.

  • A Bi Na Đi làm chứng rằng không một người nào có thể được cứu ngoại trừ qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Mô Si A 13:28, 32). Tại sao là điều quan trọng để cho chúng ta hiểu lẽ thật này?

Giải thích rằng khi A Bi Na Đi nói với Nô Ê và các thầy tư tế thì ông trích dẫn một số lời tiên tri của Ê Sai về Chúa Giê Su Ky Tô. Mời học sinh im lặng đọc Mô Si A 14:3–12. Yêu cầu họ tìm kiếm các từ hoặc cụm từ mô tả điều Đấng Cứu Rỗi đã làm để mang lại sự cứu rỗi cho họ.

Sau khi học sinh đã nghiên cứu những câu này trong một vài phút, hãy yêu cầu họ chia sẻ điều họ đã tìm thấy. Các anh chị em có thể cân nhắc việc viết những câu trả lời của họ lên trên bảng. Để giúp học sinh suy nghĩ về nỗi sầu khổ và buồn phiền mà Đấng Cứu Rỗi đã mang thay cho họ và giúp họ suy nghĩ về nỗi đau khổ của Ngài vì tội lỗi của họ, hãy đọc những lời phát biểu sau đây cho họ nghe. Mời họ hoàn tất những lời phát biểu này trong tâm trí:

Chúa Giê Su Ky Tô đã mang lấy những nỗi buồn phiền của tôi, chẳng hạn như …

Chúa Giê Su Ky Tô đã bị thương tích và bầm mình vì những tội lỗi của tôi, chẳng hạn như …

Hỏi học sinh lời phát biểu sau đây có ý nghĩa gì đối với họ: “bởi lằn roi quất vào người mà chúng ta được lành bệnh” (Mô Si A 14:5). Các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng từ lằn roi ám chỉ cụ thể đến những vết thương trên thân thể của Đấng Cứu Rỗi khi Ngài bị đánh đòn, hoặc bị quất bằng roi (xin xem Giăng 19:1). Nói chung, từ này ám chỉ tất cả nỗi đau khổ của Ngài.

Sau khi học sinh đã chia sẻ cảm nghĩ của mình về lời phát biểu này, thì hãy làm chứng rằng qua nỗi đau khổ của Đấng Cứu Rỗi và những nỗ lực của chúng ta để tuân giữ các giáo lệnh, chúng ta có thể nhận được sự bình an và sự tha thứ trong cuộc sống này và sự cứu rỗi trong cuộc sống mai sau (xin xem GLGƯ 59:23; Những Tín Điều 1:3). Mời các học sinh cho thấy tình yêu thương và lòng biết ơn đối với Đấng Cứu Rỗi bằng cách tuân giữ các giáo lệnh.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

Mô Si A 13:34. “Chính Thượng Đế sẽ xuống”

Từ Thượng Đế thường ám chỉ Cha Thiên Thượng của chúng ta, nhưng trong Mô Si A 13:34 thì từ này ám chỉ Chúa Giê Su Ky Tô. Các thánh hữu trong thời Cựu Ước đã biết Chúa Giê Su Ky Tô là Đức Giê Hô Va và là Thượng Đế của Áp Ra Ham, Y Sác và Gia Cốp. Anh Cả James E. Talmage thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy rằng thánh thư giúp chúng ta hiểu được thiên tính của Chúa Giê Su Ky Tô và vai trò của Ngài với tư cách là Thượng Đế:

“Chúng ta xác nhận thẩm quyền về thánh thư để khẳng định rằng Chúa Giê Su Ky Tô từng là và chính là Thượng Đế Đấng Tạo Hóa, là Thượng Đế đã tự biểu hiện cho A Đam, Hê Nóc, và tất cả các tộc trưởng và các vị tiên tri đến Nô Ê thấy trước thời kỳ hồng thủy; Thượng Đế của Áp Ra Ham, Y Sác và Gia Cốp; Thượng Đế của Y Sơ Ra Ên là một dân tộc thống nhất, và Thượng Đế của Ép Ra Him và Giu Đa sau tình trạng chia rẽ của dân tộc Hê Bơ Rơ; Thượng Đế là Đấng đã tự biểu hiện cho các vị tiên tri thấy từ Môi Se đến Ma La Chi; Thượng Đế của biên sử thời Cựu Ước; và Thượng Đế của dân Nê Phi. Chúng ta khẳng định rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã và đang là Đức Giê Hô Va, Đấng Vĩnh Cửu” (Jesus the Christ, ấn bản lần thứ 3 [1916], 32).

Mô Si A 13:27–35. Luật pháp của Môi Se và Chúa Giê Su Ky Tô

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ dạy về luật pháp của Môi Se liên quan như thế nào với phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô:

“Độc giả hiện nay không nên xem Bộ Luật Môi Se—thời xưa hay thời nay—chỉ là một bộ nghi lễ tôn giáo nhạt nhẽo được thực hiện một cách máy móc (và đôi khi một cách nhiệt thành) theo sau là một dân tộc cứng cổ không chấp nhận Đấng Ky Tô và phúc âm của Ngài. Giao ước lịch sử này, được chính bàn tay của Thượng Đế ban cho và chỉ đứng sau phúc âm trọn vẹn là một điều dẫn đến sự ngay chính, nên được xem như là bộ sưu tập tuyệt vời về các khuôn mẫu, biểu tượng, dấu hiệu, và việc hình dung trước về Đấng Ky Tô. Vì lý do đó nên giao ước này đã từng (và vẫn còn, thuần khiết) là một sự hướng dẫn cho nếp sống thuộc linh, một cửa ngõ dẫn đến Đấng Ky Tô, một con đường tuân giữ giáo lệnh một cách nghiêm ngặt mà sẽ dẫn đến các luật pháp cao hơn về sự thánh thiện trên đường đi đến sự bất tử và cuộc sống vĩnh cửu, qua các luật pháp về bổn phận và sự nghiêm túc. …

“… Điều thiết yếu là phải hiểu rằng luật Môi Se đã được nằm ở trên, và do đó bao gồm nhiều phần cơ bản của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô vốn đã tồn tại trước đó. Giao ước này chưa bao giờ nhằm mục đích trở thành một điều gì riêng rẽ hoặc tách rời khỏi, và chắc chắn không phải là điều gì trái ngược với phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Mục đích của giao ước này không bao giờ khác với luật pháp cao hơn. Cả hai đều mang con người đến với Đấng Ky Tô” (Christ and the New Covenant: The Messianic Message of the Book of Mormon [1997], 136–37, 147; xin xem thêm 2 Nê Phi 11:4; Mô Si A 16:14–15).

Mô Si A 14:5. Chữa lành qua Sự Chuộc Tội

Anh Cả M. Russell Ballard thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ làm chứng về sự chữa lành chúng ta có thể nhận được nhờ vào nỗi đau khổ của Đấng Cứu Rỗi trong Sự Chuộc Tội của Ngài:

“Ân tứ lớn lao này thật là một sự bình an, thật là một sự an ủi mà đến với chúng ta qua ân điển đầy yêu thương của Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của tất cả nhân loại.

“… Mặc dù cuộc sống của Ngài trong sạch và không tội lỗi, nhưng Ngài đã đền trả tội lỗi của các anh chị em, tôi, và mọi người đã từng sống. Nỗi thống khổ của Ngài về mặt tinh thần, tình cảm và thuộc linh cùng cực đến nỗi Ngài phải rướm máu ở mỗi lỗ chân lông (xin xem Lu Ca 22:44; GLGƯ 19:18). Vậy mà Chúa Giê Su đã sẵn lòng chịu đau đơn để chúng ta đều có thể có cơ hội được thanh tẩy—qua đức tin của chúng ta nơi Ngài, sự hối cải các tội lỗi của chúng ta, chịu phép báp têm bằng quyền năng thích đáng của chức tư tế, qua việc tiếp nhận ân tứ thanh tẩy của Đức Thánh Linh bằng lễ xác nhận, và bằng cách chấp nhận tất cả các giáo lễ thiết yếu. Nếu không có Sự Chuộc Tội của Chúa, thì không có phước lành nào trong số các phước lành này có sẵn cho chúng ta, và chúng ta không thể trở nên xứng đáng và được chuẩn bị để trở về sống nơi chốn hiện diện của Thượng Đế” (“Sự Chuộc Tội và Giá Trị của Một Con Người,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2004, 84–85).