Bài Học 63
Mô Si A 21–22
Lời Giới Thiệu
Sau ba lần thất bại tự giải phóng mình khỏi vòng nô lệ của dân La Man, cuối cùng dân của Lim Hi trở về cùng Chúa để giải thoát cho họ. Sau đó, Am Môn và các anh em của ông đi đến xứ Lê Hi-Nê Phi. Sau khi giao ước để phục vụ Chúa, dân của Lim Hi thoát khỏi vòng nô lệ của dân La Man, và Am Môn đã dẫn họ đến Gia Ra Hem La.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
Mô Si A 21:1–22
Sau khi dân của Lim Hi chống trả dân La Man và bị đánh bại ba lần, họ hạ mình xuống trước mặt Chúa và bắt đầu thịnh vượng
Viết lên trên bảng những từ cảnh tù đày và sự giải thoát.
-
Hình ảnh nào đến với tâm trí khi các em nghĩ đến những từ này?
-
Các em nghĩ đến mối cảm xúc nào khi liên kết với những từ này?
-
Những từ này có thể liên quan gì đến kế hoạch cứu rỗi?
Giải thích rằng Mô Si A 21–24 chứa đựng các câu chuyện về hai nhóm người bị các lực lượng của dân La Man bắt giam và cuối cùng đã được Chúa giải thoát. Trong Mô Si A 21–22, chúng ta đọc về Lim Hi và dân của ông, là những người đã trở thành bị tù đày vì sự bất chính. Cảnh tù đày của họ tương tự như cảnh tù đày phần thuộc linh mà họ đã trải qua vì tội lỗi. Câu chuyện về nhóm thứ hai, trong Mô Si A 23–24, sẽ được đề cập trong bài học kế tiếp. Câu chuyện này kể về dân của An Ma, là những người đã trải qua cảnh tù đày và hoạn nạn sau khi họ đã chịu phép báp têm. Cả hai câu chuyện này giảng dạy các lẽ thật quan trọng về quyền năng của Chúa để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và hoạn nạn. Khuyến khích học sinh suy nghĩ về quyền năng của Chúa để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi trong khi họ học về cảnh tù đày và sự giải thoát của những người trong Mô Si A 21–22.
Mời học sinh im lặng đọc Mô Si A 21:2–6. Yêu cầu họ nhận ra các từ và cụm từ mô tả điều mà Lim Hi và dân của ông đã trải qua và cảm nghĩ của họ về điều ấy. Để nhấn mạnh nỗi khó khăn của dân của Lim Hi gặp phải, các anh chị em có thể muốn khuyến khích học sinh tô đậm cụm từ “và chẳng có cách nào để họ có thể thoát khỏi” trong Mô Si A 21:5.
-
Các chi tiết nào trong Mô Si A 21:6 cho thấy rằng dân chúng vẫn chưa hạ mình và trở về cùng Chúa?
-
Dân của Lim Hi đề nghị giải pháp nào để giảm bớt những hoạn nạn của họ?
Tóm lược Mô Si A 21:7–12 bằng cách nói với học sinh rằng dân của Lim Hi ba lần tiến đánh để tự giải cứu khỏi dân La Man, nhưng họ đã bị đánh bại và phải chịu thiệt hại lớn mỗi lần lâm trận.
-
Dân chúng có thể phản ứng bằng một số cách thức nào sau khi không thành công lần thứ ba để tự giải thoát?
Mời một vài học sinh thay phiên đọc to từ Mô Si A 21:13–16 để tìm hiểu cách dân chúng phản ứng. Cân nhắc việc hỏi một số hoặc tất cả các câu hỏi sau đây:
-
Dân chúng thay đổi như thế nào sau lần thứ ba thất bại?
-
Theo Mô Si A 21:15, tại sao Chúa chậm nghe lời cầu nguyện của họ?
-
Trong Mô Si A 11:23–25, A Bi Na Đi đã nói với dân chúng về điều gì mà họ sẽ cần phải làm trước khi Chúa nghe lời cầu nguyện của họ để xin được giải thoát?
-
Mặc dù dân chúng đã không được giải thoát ngay lập tức khỏi cảnh tù đày, nhưng Chúa đã ban phước cho họ như thế nào khi họ bắt đầu hối cải? (Khi học sinh trả lời rồi, thì hãy cân nhắc việc khuyến khích họ tô đậm cụm từ “được thịnh vượng dần dần” trong Mô Si A 21:16).
-
Điều này dạy về việc Chúa sẽ làm gì khi dân chúng hạ mình xuống, bắt đầu hối cải, và kêu cầu Ngài giúp đỡ?
Tóm lược Mô Si A 21:16–22 bằng cách giải thích rằng trong suốt thời gian còn lại mà dân của Lim Hi đang ở trong vòng nô lệ, Chúa đã làm cho họ được thịnh vượng để họ không bị đói khát. “Giữa dân La Man và dân của Lim Hi [cũng] không còn sự xích mích nào xảy ra cả” (Mô Si A 21:22).
Mời học sinh nói ra các nguyên tắc mà họ đã học được từ câu chuyện về dân của Lim Hi. Mặc dù học sinh có thể chia sẻ những nguyên tắc khác nhau, nhưng hãy chắc chắn là họ hiểu rằng khi chúng ta hạ mình, kêu cầu Chúa, và hối cải tội lỗi của mình, thì Ngài sẽ nghe lời cầu nguyện của chúng ta và làm giảm nhẹ gánh nặng tội lỗi của chúng ta theo kỳ định riêng của Ngài. (Các anh chị em có thể muốn viết lên trên bảng nguyên tắc này. Các anh chị em cũng có thể muốn mời học sinh viết nguyên tắc đó trong quyển thánh thư của họ bên cạnh Mô Si A 21:15–16 hoặc trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư hay sổ tay ghi chép trong lớp của họ).
-
Các em nghĩ chúng ta có thể hưởng lợi như thế nào từ việc phải chờ đợi Chúa giải thoát chúng ta khỏi gánh nặng tội lỗi của mình?
Để giúp học sinh áp dụng điều họ đã học, hãy cho họ một vài phút để suy ngẫm những câu hỏi sau đây và viết những câu trả lời trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của họ. (Các anh chị em có thể muốn viết lên trên bảng các câu hỏi này).
-
Các em đang làm gì để tìm kiếm quyền năng giải thoát của Chúa khỏi tội lỗi của các em?
-
Các em đã “được thịnh vượng dần dần” trong những phương diện nào khi đã tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa?
Mô Si A 21:23–22:16
Lim Hi, Am Môn, và Ghê Đê Ôn cùng hợp tác để giúp dân chúng thoát khỏi vòng nô lệ và trở về Gia Ra Hem La
Xin lưu ý: Các anh chị em có thể muốn nhắc nhở học sinh rằng Mô Si A 7 và 8 bao gồm câu chuyện về Am Môn và các anh em của ông tìm kiếm Lim Hi và dân của ông. 14 chương kế tiếp, Mô Si A 9–22, thuật lại lịch sử của dân của Lim Hi, bắt đầu khoảng 80 năm trước khi Am Môn tìm thấy họ. Lịch sử này kết thúc bằng một câu chuyện kể lại về một số các sự kiện được đề cập trong các chương trước. Vì lý do này, phần nhiều nội dung của Mô Si A 21:23–30 đã được đề cập trong các bài học về Mô Si A 7–8 và Mô Si A 18. Để giúp học sinh nhớ đến những sự kiện được ghi lại trong Mô Si A 21:23–30, là điều có thể hữu ích để vắn tắt xem lại phần khái quát về những cuộc hành trình trong Mô Si A 7–24 trong phần phụ lục ở cuối sách học này.
Nhắc nhở học sinh rằng dân của Lim Hi đã công nhận rằng họ gặp phải những hoạn nạn vì đã chối bỏ lời mời gọi của Chúa phải hối cải (xin xem Mô Si A 12:1–2; 20:21). Với sự thừa nhận này về tội lỗi của họ, dân của Lim Hi bắt đầu tiến trình hối cải và cải đạo. Chia sẻ định nghĩa sau đây về sự hối cải:
“[Sự hối cải] rất cần thiết cho hạnh phúc của các anh chị em trong cuộc sống này và suốt thời vĩnh cửu. Sự hối cải có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ nhận biết hành vi sai trái. Đó là sự thay đổi ý nghĩ và tâm hồn. … Nó gồm có việc từ bỏ tội lỗi và tìm đến Thượng Đế để được tha thứ. Nó được thúc đẩy bởi tình yêu thương đối với Thượng Đế và ước muốn chân thành để tuân theo các giáo lệnh của Ngài” (Trung Thành với Đức Tin: Tài Liệu Tham Khảo Phúc Âm [2004], 132).
Mời học sinh im lặng đọc Mô Si A 21:32–35. Yêu cầu họ nhận ra những từ và cụm từ cho thấy rằng Lim Hi và dân của ông đã hối cải và hướng lòng họ về Chúa. Các anh chị em có thể muốn đề nghị họ tô đậm các từ và cụm từ. Mời một vài học sinh chia sẻ điều họ đã tìm thấy. (Câu trả lời của họ sẽ gồm có việc Lim Hi và nhiều người dân của ông đã lập một giao ước để phục vụ Thượng Đế và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài, việc họ mong muốn được báp têm, và họ hết lòng sẵn sàng phục vụ Thượng Đế).
Sinh hoạt sau đây sẽ giúp học sinh thấy rằng Chúa đã giúp dân của Lim Hi trốn thoát khỏi vòng nô lệ khi họ tôn trọng giao ước của họ để phục vụ Ngài và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài. Viết lên trên bảng các câu hỏi và những phần tham khảo thánh thư sau đây trước khi lớp học bắt đầu:
Chia học sinh ra thành ba nhóm. Yêu cầu mỗi nhóm chuẩn bị trả lời một trong những câu hỏi ở trên bảng bằng cách nghiên cứu các đoạn thánh thư kèm theo. Sau một vài phút, hãy mời một học sinh từ mỗi nhóm báo cáo các câu trả lời mà họ đã chuẩn bị. Điều này cũng sẽ là một thời điểm tốt để yêu cầu học sinh thêm “dân của Lim Hi trốn thoát” vào biểu đồ của họ trong phần khái quát về những cuộc hành trình trong Mô Si A 7–24. (Để có được biểu đồ đầy đủ, xin xem phần phụ lục ở cuối sách học này). Các anh chị em cũng có thể muốn yêu cầu học sinh tham khảo thẻ tô đậm trang Sách Mặc Môn để nhận ra điều cuối cùng sẽ xảy ra cho dân của Lim Hi (xin xem Mô Si A 22:13–14).
Nêu ra rằng mặc dù chúng ta có thể không cần phải tìm kiếm sự giải thoát khỏi vòng nô lệ vật chất như dân của Lim Hi đã làm, nhưng chúng ta đều cần giải thoát khỏi tội lỗi.
-
Các em đã học được điều gì từ Mô Si A 21–22 mà sẽ khích lệ cho bất cứ người nào cần cảm nhận được quyền năng của Chúa để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi?
Kết thúc bằng cách chia sẻ chứng ngôn của các anh chị em về quyền năng của Chúa để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Nhấn mạnh rằng khi chúng ta hạ mình, kêu cầu Chúa, và hối cải tội lỗi, thì Ngài sẽ nghe lời cầu nguyện của chúng ta và giảm bớt gánh nặng tội lỗi của chúng ta theo kỳ định riêng của Ngài.