Bài Học Tự Học ở Nhà
Lời Mặc Môn–Mô Si A 6 (Đơn Vị 11)
Lời Giới Thiệu
Bài học này sẽ giúp học sinh hiểu những lời giảng dạy của Vua Bên Gia Min cho các con trai của ông và dân của ông ba năm trước khi ông qua đời. Vua Bên Gia Min dạy dân của ông cách để nhận được và gìn giữ sự xá miễn các tội lỗi của họ bằng cách thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
Lời Mặc Môn
Nê Phi và Mặc Môn bày tỏ sự tin tưởng của họ vào Thượng Đế
Mời một học sinh đọc 1 Nê Phi 9:2–3 để nhắc nhở học sinh rằng Nê Phi đã được truyền lệnh phải làm ra hai bộ bảng khắc. Giúp họ hiểu rằng trong đoạn văn này, cụm từ “các bảng khắc này” ám chỉ các bảng khắc nhỏ của Nê Phi, trong đó có chứa đựng một biên sử chính yếu về những sự việc thiêng liêng. Yêu cầu một học sinh đọc to 1 Nê Phi 9:4. Yêu cầu lớp học tìm kiếm mục đích của các bảng khắc lớn (một thiên ký thuật về triều đại của các nhà vua và các cuộc chiến tranh của dân chúng).
Nhắc nhở học sinh rằng khi Mặc Môn đang tóm lược các bảng khắc lớn của Nê Phi, ông đã khám phá ra các bảng khắc nhỏ trong số các biên sử khác. Ông đã được Đức Thánh Linh soi dẫn để gồm vào điều ông đã tìm thấy trên các bảng khắc nhỏ với phần tóm lược của ông, mặc dù ông không biết lý do tại sao (xin xem Lời Mặc Môn 1:7).
Mời một nửa lớp học tra cứu 1 Nê Phi 9:5–6 về lý do tại sao Nê Phi đã được truyền lệnh phải làm các bảng khắc nhỏ. Yêu cầu một nửa kia của lớp học tra cứu Lời Mặc Môn 1:6–7 về lý do tại sao Mặc Môn đã quyết định gồm các bảng khắc nhỏ vào phần tóm lược của ông. Sau khi các học sinh đã báo cáo xong, hãy hỏi họ các đoạn này từ Nê Phi và Mặc Môn đã dạy họ điều gì về Chúa. (Học sinh có thể sử dụng các từ khác nhau, nhưng hãy chắc chắn rằng họ cho thấy sự hiểu biết rằng Chúa biết hết mọi điều).
-
“Mục đích thông sáng” nào trong tương lai đã được ám chỉ trong cả hai sách Nê Phi và Mặc Môn? (Chúa biết rằng vào năm 1828, các bảng khắc nhỏ sẽ thay thế 116 trang đã mất của bản thảo Sách Mặc Môn. Xin xem đơn vị 6, ngày 1 trong sách hướng dẫn học tập dành cho học sinh).
-
Làm thế nào sự hiểu biết của các em rằng Chúa biết hết mọi điều trong tương lai có thể mang đến đức tin cho các em để tuân theo những thúc giục của Thánh Linh mà các em nhận được?
Nếu các anh chị em cảm thấy cần phải dành nhiều thời gian hơn cho phần này của bài học, hãy hỏi học sinh xem họ có thể chia sẻ những kinh nghiệm khi họ cảm thấy được Thánh Linh thúc giục để làm một điều gì đó và đã không biết được các mục đích của những thúc giục đó cho đến sau này.
Mô Si A 1
Vua Bên Gia Min kêu gọi dân chúng quy tụ lại
Giải thích rằng các bảng khắc nhỏ của Nê Phi bao gồm lịch sử của dân Nê Phi từ giáo vụ của Lê Hi cho đến thời gian mà Vua Mô Si A hợp nhất hai dân tộc Nê Phi và Gia Ra Hem La và khi con trai Bên Gia Min của Mô Si A trị vì vương quốc trong sự ngay chính. Vua Bên Gia Min được trao trách nhiệm về các biên sử thiêng liêng. (Xin xem Ôm Ni 1:23–25).
Gần cuối đời Vua Bên Gia Min, ông đã yêu cầu con trai của ông là Mô Si A quy tụ dân chúng lại. Mời học sinh đọc Mô Si A 1:10–11 và tìm kiếm những lý do Vua Bên Gia Min muốn ngỏ lời với dân chúng. (Ông muốn loan báo rằng Mô Si A sẽ là vị vua kế tiếp và đặt cho dân chúng một cái tên).
Mô Si A 2–6
Vua Bên Gia Min dạy dân chúng của ông về Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi
Hãy cho học sinh thấy tấm hình Vua Bên Gia Min Ngỏ Lời cùng Dân của Ông (62298; Sách Họa Phẩm Phúc Âm [2009], số 74). Đọc Mô Si A 2:12–19 cho lớp học nghe. Mời học sinh giơ tay lên khi nhận ra các cụm từ mà cho thấy cá tính của Vua Bên Gia Min. Khi học sinh giơ tay lên thì hãy ngừng đọc và yêu cầu họ giải thích điều họ đã nhận ra và điều đó tiết lộ cá tính của Vua Bên Gia Min như thế nào.
Các anh chị em có thể muốn hỏi học sinh đã học được điều gì về sự phục vụ trong Mô Si A 2:17. (Các câu trả lời của học sinh nên cho thấy một sự hiểu biết rằng khi chúng ta phục vụ người khác tức là chúng ta phục vụ Thượng Đế). Các anh chị em cũng có thể muốn yêu cầu lớp học lặp lại theo trí nhớ Mô Si A 2:17, là một đoạn thánh thư thông thạo. Hãy cân nhắc việc mời học sinh chia sẻ cách họ phục vụ Thượng Đế mới gần đây bằng cách phục vụ những người khác như thế nào.
Viết lên trên bảng những đoạn thánh thư sau đây hoặc trên một tờ giấy. Đừng gồm vào các câu trả lời trong dấu ngoặc. Chỉ định mỗi học sinh xem lại một trong những đoạn thánh thư này. Nhắc nhở họ rằng bài giảng của Vua Bên Gia Min đã tập trung vào chủ đề này: “Sự cứu rỗi có thể đến với con cái loài người, chỉ có ở trong hay nhờ danh của Đấng Ky Tô, Chúa Vạn Năng mà thôi” (Mô Si A 3:17). Mỗi đoạn thánh thư này dạy một điều gì đó về chủ đề này.
-
Mô Si A 2:20–25, 34. (Khi chúng ta nhận ra rằng mình mắc nợ Thượng Đế, thì lòng biết ơn của chúng ta gia tăng).
-
Mô Si A 3:7–11, 17–18. (Chúa Giê Su Ky Tô đã chịu đau khổ để chúng ta có thể được cứu khỏi tội lỗi của mình. Nếu chúng ta thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô qua sự hối cải, thì chúng ta có thể được cứu khỏi tội lỗi của mình).
-
Mô Si A 3:12–16, 19–21. (Nếu chúng ta chịu theo những khuyên dỗ của Đức Thánh Linh, qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, thì chúng ta có thể khắc phục được con người thiên nhiên và trở thành một thánh hữu).
-
Mô Si A 4:5–8, 19–21, 26. (Nếu chúng ta hạ mình trước mặt Thượng Đế và cố gắng phát huy các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô, thì chúng ta có thể giữ gìn sự xá miễn tội lỗi của mình).
Sau khi đã cho học sinh đủ thời gian rồi, hãy để họ báo cáo với lớp học hoặc trong nhóm nhỏ điều họ đã học được. Sau đó hãy yêu cầu vài học sinh chọn một trong các nguyên tắc và giải thích cách họ có thể áp dụng trong cuộc sống của họ.
Mời một học sinh đọc to Mô Si A 4:1–3. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm cách dân chúng phản ứng đối với lời nói của Vua Bên Gia Min. Sau đó hãy mời một học sinh khác đọc to Mô Si A 5:1–2, 5–8. Yêu cầu lớp học tìm kiếm cách chúng ta mang lấy danh của Chúa. Hãy chắc chắn là học sinh hiểu được nguyên tắc này: Chúng ta mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô khi chúng ta lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng. Các anh chị em có thể muốn nhắc nhở học sinh rằng một trong những lý do mà Vua Bên Gia Min quy tụ dân chúng lại là giảng dạy họ về việc lập các giao ước. Ông cũng đã lập con trai của ông là Mô Si A lên làm vua của dân chúng (xin xem Mô Si A 6:3).
Để kết thúc, hãy hỏi học sinh xem bất cứ ai trong số họ có muốn chia sẻ cảm nghĩ về việc mang lấy danh của Chúa Giê Su Ky Tô tại lễ báp têm. Yêu cầu họ suy ngẫm về những câu hỏi sau đây:
-
Cá nhân của các em có thể áp dụng các nguyên tắc từ bài nói chuyện của Vua Bên Gia Min như thế nào?
-
Việc mang lấy danh của Chúa Giê Su Ky Tô có nghĩa gì đối với các em?
Các anh chị em cũng có thể làm chứng về niềm vui đến qua việc tin tưởng nơi Chúa Giê Su Ky Tô và trông cậy vào Sự Chuộc Tội của Ngài.
(Mô Si A 7–17)
Hãy hỏi học sinh: Các em sẽ bênh vực cho Chúa Giê Su Ky Tô ngay cả khi làm như vậy có nghĩa là các em sẽ bị xử tử không? Thông báo cho học sinh biết rằng tuần tới họ sẽ học những lời giảng dạy của tiên tri A Bi Na Đi. Khuyến khích họ tìm kiếm sứ điệp mà A Bi Na Đi sẵn sàng để đưa ra cho dân Nê Phi, mặc dù ông biết là ông sẽ bị xử tử.