Thư Viện
Bài Học 127: 3 Nê Phi 18


Bài Học 127

3 Nê Phi 18

Lời Giới Thiệu

Khi Chúa Giê Su Ky Tô kết thúc ngày đầu tiên của giáo vụ Ngài trong số dân Nê Phi, Ngài thực hiện Tiệc Thánh. Ngài truyền lệnh cho họ dự phần Tiệc Thánh, luôn luôn cầu nguyện lên Đức Chúa Cha, và mở rộng tình thân hữu cho tất cả mọi người. Đấng Cứu Rỗi đã hứa các phước lành lớn lao với những người vâng lời. Sau đó Ngài ban cho mười hai môn đồ Nê Phi những chỉ dẫn liên quan đến giáo vụ của họ trong Giáo Hội. Trước khi thăng thiên, Ngài đã ban cho họ quyền năng để ban phát ân tứ Đức Thánh Linh.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

3 Nê Phi 18:1–14

Chúa Giê Su Ky Tô thực hiện Tiệc Thánh cho dân Nê Phi

Mời một học sinh đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Gerald N. Lund thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi. (Nói cho học sinh biết rằng tên Czenkusch được phát âm là “ZEN-kush.”) Khuyến khích lớp học tưởng tượng ra điều có thể đã giống như người leo núi đã được Anh Cả Lund đề cập đến.

“Cách đây một thời gian có một bài viết rất thú vị về việc leo núi trong một tạp chí y khoa. …

“Bài báo viết về một người tên là Czenkusch là người điều hành một trường dạy leo núi. … Czenkusch mô tả với người phỏng vấn về hệ thống sử dụng dây neo để bảo vệ người đang leo núi. Đây là hệ thống mà qua đó những người leo núi tự bảo vệ mình khỏi rơi xuống. Một người leo núi đến một vị trí an toàn và cột chặt sợi dây thừng cho người leo núi khác, thường thường là xung quanh cơ thể của mình. ‘Anh đang được an toàn rồi đó,’ có nghĩa là ‘Có tôi bảo vệ cho anh rồi. Nếu có một điều gì đó xảy ra, tôi sẽ giữ anh lại để khỏi bị rơi xuống.’ Đó là một phần quan trọng của việc leo núi. Bây giờ hãy lưu ý đến điều tiếp theo sau trong bài viết: ‘Việc cột dây thừng để bảo vệ đã làm cho Czenkusch có những giây phút đẹp nhất và tồi tệ nhất trong việc leo núi. Czenkusch đã có lần ngã xuống từ một vách đứng cao, giật văng ra ba cọc an toàn và kéo cái cọc chống đỡ ra khỏi một mỏm đá. Ông ngừng lại được, lộn ngược người, khoảng ba mét từ mặt đất khi người cột dây thừng [Don] đỡ cho ông để khỏi rơi xuống bằng sức mạnh của hai cánh tay dang rộng của ông ấy. Czenkusch nói: “Don đã cứu mạng tôi.” “Ta phản ứng như thế nào với một người như thế? Cho anh ấy một sợi dây leo cũ để làm quà Giáng Sinh chăng? Không, ta nhớ tới anh ấy. Ta luôn luôn nhớ tới anh ấy”’ [Eric G. Anderson, “The Vertical Wilderness,” Private Practice, tháng Mười Một năm 1979, 21; sự nhấn mạnh được thêm vào]” (“The Grace and Mercy of Jesus Christ,” trong Jesus Christ: Son of God, Savior, do Paul H. Peterson, Gary L. Hatch, và Laura D. Card [2002], 48 biên tập).

  • Các em nghĩ tại sao người leo núi cảm thấy rằng việc tặng quà cho người cứu mạng mình sẽ là một cách không thích hợp để bày tỏ lòng biết ơn?

Mời học sinh đọc thầm 3 Nê Phi 18:1–7 cùng tìm kiếm điều Đấng Cứu Rỗi đã phán bảo dân Nê Phi phải làm để tưởng nhớ tới Ngài. (Các anh chị em có thể đề nghị học sinh đánh dấu các từ tưởng nhớ trong 3 Nê Phi 18:7). Sau khi học sinh báo cáo điều họ đã tìm thấy, hãy hỏi những câu hỏi sau đây :

  • Việc dự phần Tiệc Thánh giúp chúng ta như thế nào để tưởng nhớ tới sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi thay cho chúng ta?

  • Theo 3 Nê Phi 18:7, dân Nê Phi tưởng nhớ tới điều gì khi họ dự phần bánh Thánh?

Cho học sinh thời gian để xem lại 3 Nê Phi 11:14–15. Rồi hỏi những câu hỏi sau đây:

  • Tại sao việc tưởng nhớ tới thể xác của Đấng Cứu Rỗi có thể là đặc biệt quan trọng đối với dân Nê Phi?

  • Mặc dù các em không nhìn thấy những vết thương trên thân thể của Đấng Cứu Rỗi như dân Nê Phi đã được nhìn thấy nhưng tại sao vẫn là điều quan trọng để các em dự phần bánh Thánh “trong sự tưởng nhớ đến thể xác” của Đấng Cứu Rỗi? (GLGƯ 20:77).

  • Các em có thể làm gì để luôn tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi?

Viết cụm từ sau đây lên trên bảng: Khi dự phần Tiệc Thánh, chúng ta làm chứng cùng Đức Chúa Cha rằng …

Mời học sinh đọc thầm 3 Nê Phi 18:8–11 cùng tìm kiếm các từ hoặc cụm từ để hoàn tất lời phát biểu ở trên bảng. Yêu cầu một vài học sinh giải thích điều họ đã tìm ra. (Học sinh có thể hoàn tất lời phát biểu theo cách này: Khi dự phần Tiệc Thánh, chúng ta làm chứng cùng Đức Chúa Cha rằng chúng ta sẽ luôn luôn tưởng nhớ tới Chúa Giê Su Ky Tô. Một câu trả lời khác có thể là như sau: Khi dự phần Tiệc Thánh, chúng ta làm chứng cùng Đức Chúa Cha rằng chúng ta sẵn lòng làm tất cả những gì Đấng Cứu Rỗi đã truyền lệnh).

Sử dụng một số hoặc tất cả các câu hỏi sau đây để giúp học sinh hiểu sâu hơn và biết ơn vai trò của Tiệc Thánh trong việc giúp chúng ta tưởng nhớ đến Đấng Cứu Rỗi:

  • Một số khía cạnh của cuộc sống và giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi mà chúng ta có thể tưởng nhớ trong giáo lễ Tiệc Thánh là gì? (Câu trả lời có thể gồm có cái chết và sự hy sinh chuộc tội của Ngài, sự giáng sinh khiêm tốn của Ngài, các phép lạ và những lời giảng dạy của Ngài, mối quan tâm đầy yêu thương của Ngài đối với người khác, và sự phục tùng của Ngài đối với Cha Thiên Thượng).

  • Mặc dù việc dự phần Tiệc Thánh chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng những tác dụng của việc chuẩn bị và tham gia vào giáo lễ này là vĩnh cửu. Chúng ta có thể làm gì để luôn tưởng nhớ đến Đấng Cứu Rỗi sau khi chúng ta đã dự phần Tiệc Thánh và trong thời gian còn lại trong tuần?

  • Bằng cách nào lòng chân thành và sự chú ý của chúng ta để dự phần Tiệc Thánh có thể giúp chúng ta tưởng nhớ đến Đấng Cứu Rỗi trong tuần?

  • Tiệc Thánh có ý nghĩa gì nếu chúng ta không tưởng nhớ đến Ngài?

  • Theo 3 Nê Phi 18:7, 11, Đấng Cứu Rỗi đã hứa gì với những người dự phần Tiệc Thánh và tưởng nhớ tới Ngài? (Khi dự phần Tiệc Thánh và luôn tưởng nhớ đến Đấng Cứu Rỗi, chúng ta sẽ có Thánh Linh của Ngài ở cùng với chúng ta).

Yêu cầu một học sinh đọc to 3 Nê Phi 18:12–14, và rồi yêu cầu một học sinh khác đọc to Hê La Man 5:12. Mời các học sinh còn lại dò theo cùng suy ngẫm mối liên hệ giữa hai đoạn thánh thư này.

  • Làm thế nào việc thường xuyên dự phần Tiệc Thánh có thể giúp các em đặt Chúa Giê Su Ky Tô làm nền tảng để xây dựng cuộc sống của mình trên đó?

Để giúp học sinh tưởng nhớ đến Chúa Giê Su Ky Tô nhiều hơn, hãy mời họ viết mỗi ngày trong tuần tới trong sổ tay, nhật ký ghi chép việc nghiên cứu thánh thư, hay nhật ký riêng của họ về điều họ phải làm để tưởng nhớ đến Đấng Cứu Rỗi. Khuyến khích họ xem xét việc viết ra những ý nghĩ họ đã có trong lễ Tiệc Thánh hoặc việc tưởng nhớ đến Đấng Cứu Rỗi đã ảnh hưởng như thế nào đến ý nghĩ, lời nói và việc làm của họ.

Tiếp tục theo dõi học sinh trong vài kỳ học kế tiếp bằng cách khuyến khích họ tiếp tục viết mỗi ngày. Trong tuần, các anh chị em có thể muốn cho họ một vài phút vào lúc bắt đầu lớp học để ghi lại điều họ đang làm để tưởng nhớ đến Đấng Cứu Rỗi.

3 Nê Phi 18:15–25

Chúa Giê Su dạy dân Nê Phi phải luôn luôn cầu nguyện lên Đức Chúa Cha và nhóm họp với nhau thường xuyên

Chia học sinh ra thành từng cặp. Mời mỗi cặp học sinh cùng đọc chung với nhau 3 Nê Phi 18:15–21, tìm kiếm điều Đấng Cứu Rỗi đã dạy chúng ta phải làm để chống lại cám dỗ. Khi họ đã đọc xong, hãy yêu cầu các cặp học sinh viết xuống một câu mà họ cảm thấy tóm lược được những lời dạy này về việc khắc phục cám dỗ. Yêu cầu một số cặp học sinh chia sẻ điều họ đã viết. (Mặc dù học sinh có thể sử dụng các từ khác nhau để diễn tả những phần tóm lược của họ, nhưng họ cũng nên nhận ra lẽ thật sau đây: Nếu chúng ta chịu tỉnh thức và luôn luôn cầu nguyện lên Đức Chúa Cha, thì chúng ta có thể chống lại cám dỗ của Sa Tan).

  • Các em nghĩ từ tỉnh thức có nghĩa là gì trong 3 Nê Phi 18:18? (Để được tỉnh táo, cảnh giác hoặc đề phòng về mặt thuộc linh).

  • Các em nghĩ tại sao việc tỉnh thức và cầu nguyện là cần thiết để chống lại cám dỗ?

Hãy nêu lên rằng 3 Nê Phi 18:15, 20–21 là một đoạn thánh thư thông thạo. Các anh chị em có thể muốn đề nghị học sinh đánh dấu đoạn này một cách đặc biệt để họ sẽ có thể tìm ra đoạn đó một cách dễ dàng.

  • Làm thế nào việc cầu nguyện giúp chúng ta luôn tỉnh thức và cảnh giác về các nỗ lực của Sa Tan để cám dỗ chúng ta?

Mời học sinh trả lời một trong số các câu hỏi sau đây trong sổ tay hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư: (Các anh chị em có thể muốn viết các câu hỏi này lên trên bảng hoặc đọc từ từ để học sinh có thể viết xuống).

  • Việc cầu nguyện đã giúp các em chống lại những cám dỗ của Sa Tan như thế nào?

  • Các em có thể làm gì để cải thiện những lời cầu nguyện cá nhân của mình?

  • Các em đã thấy các phước lành nào từ việc cầu nguyện với gia đình của mình?

  • Các em có thể làm gì để giúp gia đình mình cầu nguyện chung với nhau một cách kiên định và đầy ý nghĩa?

Nếu thời gian cho phép, hãy cân nhắc việc yêu cầu một vài học sinh chia sẻ với lớp học về điều họ đã viết.

Yêu cầu học sinh nghĩ về một người nào đó họ muốn giúp để đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn. Viết nguyên tắc sau đây lên trên bảng và khuyến khích học sinh viết xuống: Khi phục sự người khác, chúng ta có thể giúp họ đến cùng Đấng Ky Tô. Mời học sinh đọc thầm 3 Nê Phi 18:22–24.

  • Đấng Cứu Rỗi phán bảo chúng ta phải làm gì để giúp những người khác đến cùng Ngài? (Chúng ta không nên xua đuổi những người khác ra khỏi các buổi họp Giáo Hội của chúng ta, và chúng ta nên cầu nguyện cho họ).

  • Đấng Cứu Rỗi đã phán rằng Ngài là ánh sáng mà chúng ta phải giơ cao cho thế gian thấy. Mỗi người chúng ta có thể sống cuộc sống của mình như thế nào để giơ cao ánh sáng của Đấng Cứu Rỗi?

Đọc to lời phát biểu sau đây của Anh Cả Robert D. Hales thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ: Mời học sinh lắng nghe điều Anh Cả Hales nói sẽ xảy ra khi chúng ta sống ngay chính.

Anh Cả Robert D. Hales

“Chẳng phải là điều sẽ làm hài lòng Chúa Giê Su nếu chúng ta có thể để cho ánh sáng của chúng ta tỏa sáng để những người đi theo chúng ta cũng sẽ noi theo Đấng Cứu Rỗi sao? Có những người tìm kiếm ánh sáng đó sẽ vui vẻ đi qua phép báp têm vào con đường thẳng và hẹp dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu (xin xem 2 Nê Phi 31). Các em sẽ là ánh sáng đó để dẫn họ đến bến an toàn không?” (“That Ye May Be the Children of Light” [bài ngỏ tại buổi họp đặc biệt fireside tại trường Brigham Young University, ngày 3 tháng Mười Một năm 1996], 8, speeches.byu.edu).

  • Các em có những ý nghĩ gì khi xem xét câu hỏi: “Chúa Giê Su chắc sẽ hài lòng không nếu chúng ta có thể để cho ánh sáng của mình tỏa sáng để những người đi theo chúng ta cũng sẽ noi theo Đấng Cứu Rỗi không?”

Giải thích rằng việc cầu nguyện cho người khác, mời họ tham dự các buổi họp Giáo Hội, và nêu gương giống như ĐấngKy Tô là những cách mà chúng ta có thể phục sự người khác. Mời một vài học sinh chia sẻ một kinh nghiệm trong đó họ giơ cao ánh sáng của Đấng Cứu Rỗi để giúp một người nào đó đến cùng Ngài.

3 Nê Phi 18:26–39

Đấng Cứu Rỗi dạy các môn đồ của Ngài phải kết tình thân hữu với tất cả mọi người

Tóm lược 3 Nê Phi 18:26–39 bằng cách giải thích rằng sau khi Đấng Cứu Rỗi phán bảo cùng đám đông dân chúng, Ngài quay sang mười hai môn đồ mà Ngài đã chọn và chỉ thị cho họ về cách lãnh đạo và hướng dẫn các công việc của Giáo Hội. Mời học sinh đọc thầm 3 Nê Phi 18:32, cùng tìm kiếm cách chúng ta nên phản ứng với những người đã rời xa phúc âm.

  • Tại sao là điều quan trọng để chúng ta tiếp tục phục sự những người đã rời bỏ phúc âm?

Hãy cân nhắc việc chia sẻ một kinh nghiệm trong đó các anh chị em đã giúp phục sự cho một trong các con cái của Thượng Đế và giúp người đó đến cùng Đấng Ky Tô.

biểu tượng thông thạo thánh thưThông Thạo Thánh Thư—3 Nê Phi 18:15, 20–21

Xin lưu ý: Vì bài học này dài, nên các anh chị em có thể muốn bắt đầu bài học kế tiếp với sinh hoạt thông thạo thánh thư sau đây. Hoặc sinh hoạt này có thể được sử dụng trong một bài học tương lai khi các anh chị em có nhiều thời gian hơn để xem lại các đoạn thánh thư thông thạo.

Hãy dành ra một vài phút để giúp học sinh thuộc lòng 3 Nê Phi 18:15, 20–21. Viết tất cả ba câu lên trên bảng, và yêu cầu học sinh tập nói to ba câu đó. Sau khi học sinh đã đọc tất cả các câu một vài lần, bắt đầu xóa các phần khác nhau của các câu trong khi học sinh tiếp tục đọc thuộc lòng cả đoạn văn. Lặp lại tiến trình này cho đến khi tất cả những chữ đã được xóa hết.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

3 Nê Phi 18:15. Phải Cầu Nguyện Luôn Luôn

Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói về ý nghĩa của việc “phải cầu nguyện luôn luôn”:

“Lời cầu nguyện vào buổi tối của chúng ta xây đắp và là một sự tiếp tục của lời cầu nguyện buổi sáng của chúng ta. Và lời cầu nguyện vào buổi tối của chúng ta cũng là một sự chuẩn bị cho lời cầu nguyện đầy ý nghĩa vào buổi sáng hôm sau.

“Những lời cầu nguyện vào buổi sáng và buổi tối—và tất cả những lời cầu nguyện ở giữa hai thời gian đó—thì không phải là những sự kiện riêng biệt, không liên quan với nhau; thay vì thế chúng liên kết với nhau mỗi ngày và suốt cả ngày, cả tuần, cả tháng và thậm chí cả năm. Đây là một phần trong cách chúng ta làm tròn lời khuyên dạy của thánh thư là ′phải cầu nguyện luôn luôn′ Lu Ca 21:36; 3 Nê Phi 18:15, 18; GLGƯ 31:12). Những lời cầu nguyện đầy ý nghĩa như vậy là phương tiện để đạt được các phước lành cao quý nhất mà Thượng Đế dành cho con cái trung tín của Ngài” (“Phải Cầu Nguyện Luôn Luôn,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2008, 42).

3 Nê Phi 18:21. Cầu nguyện trong gia đình của mình

Chủ Tịch James E. Faust thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã nói về quyền năng của lời cầu nguyện trong gia đình:

“Việc cầu nguyện chung gia đình là một ảnh hưởng mạnh mẽ và nâng đỡ. Trong những ngày tăm tối của Đệ Nhị Thế Chiến, một trái bom nặng 500 pao đã rơi ở bên ngoài căn nhả nhỏ của Anh Patey, một người cha trẻ ở Liverpool, nước Anh, nhưng trái bom đã không nổ. Vợ của anh đã qua đời nên một mình anh nuôi nấng năm đứa con. Anh họp chúng lại vào lúc đầy nguy ngập này để gia đình cùng cầu nguyện. Họ ‘đều cầu nguyện … thiết tha và khi họ cầu nguyện xong, mấy đứa con nói: “Cha ơi, chúng ta sẽ được bình yên vô sự. Chúng ta sẽ được bình yên vô sự trong nhà mình đêm nay.”

“‘Và như thế họ đi ngủ, hãy thử tưởng tượng, với trái bom khủng khiếp đó đang nằm bên ngoài cửa, phân nửa ở bên dưới mặt đất. Nếu nó đã nổ thì nó có lẽ đã phá hủy bốn mươi hay năm mươi căn nhà và giết chết hai hoặc ba trăm người.

“‘Sáng hôm sau … cả xóm được di tản khỏi chỗ đó trong bốn mươi tám giờ đồng hồ và cuối cùng trái bom được lấy đi. …

“‘Trên đường về nhà Anh Patey hỏi người chỉ huy của đội phòng không. “Vậy các anh đã tìm thấy gì?”

“‘“Thưa Ông Patey, chúng tôi đến chỗ để trái bom ở bên ngoài cửa nhà ông và thấy là nó sẵn sàng để nổ bất cứ lúc nào. Nó không hư hỏng gì hết. Chúng tôi không hiểu lý do tại sao nó đã không nổ.’” [Andre K. Anastasiou, trong Conference Report, tháng Mười năm 1946, 26.] Nhiều điều mầu nhiệm xảy đến khi gia đình cùng cầu nguyện chung” (“Đường Dây Liên Lạc của Sự Cầu Nguyện,” Ensign, tháng Năm năm 2002, 61).