Bài Học 130
3 Nê Phi 21–22
Lời Giới Thiệu
Khi Chúa Giê Su Ky Tô tiếp tục giảng dạy cho dân Nê Phi, Ngài đã giải thích rằng sự ra đời của Sách Mặc Môn trong những ngày sau cùng sẽ là một dấu hiệu cho thấy Ngài đã bắt đầu quy tụ Y Sơ Ra Ên và làm tròn giao ước của Ngài với dân Ngài. Khi nhấn mạnh tình yêu thương bao la của Ngài dành cho dân giao ước của Ngài, Đấng Cứu Rỗi trích dẫn những lời tiên tri của Ê Sai về sự phục hồi của dân giao ước.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
3 Nê Phi 21:1–11
Chúa Giê Su Ky Tô dạy rằng sự ra đời của Sách Mặc Môn sẽ là một dấu hiệu về sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên trong những ngày sau cùng
Trước khi lớp học bắt đầu, hãy vẽ những dấu hiệu sau đây lên trên bảng (hoặc sử dụng các dấu hiệu phổ biến khác nơi các anh chị em sinh sống).
Yêu cầu học sinh nhận ra mỗi bảng hiệu có ý nghĩa gì. Rồi hỏi những câu hỏi sau đây:
-
Những cái bảng hiệu này dùng để làm gì? (Để chuẩn bị, cảnh báo và hướng dẫn chúng ta).
-
Tại sao điều quan trọng là một bảng hiệu phải được dựng lên đúng cách và lời thông báo trên bảng hiệu đó dễ hiểu?
Nhắc nhở học sinh rằng thánh thư thường nói về những điềm triệu (dấu hiệu) mà chuẩn bị, cảnh báo và hướng dẫn chúng ta về việc làm tròn kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Mời học sinh xem qua 3 Nê Phi 21:1–2, 7, cùng tìm kiếm từ điềm triệu. Các anh chị em có thể muốn đề nghị họ đánh dấu từ đó bất cứ chỗ nào thấy có từ đó trong câu. Sau đó yêu cầu họ thầm đọc kỹ câu 1.
-
Tại sao Chúa phán Ngài sẽ ban cho điềm triệu đặc biệt này? (Để dân chúng sẽ biết rằng Ngài đang quy tụ gia tộc Y Sơ Ra Ên).
Mời học sinh đọc thầm 3 Nê Phi 21:1–7 và yêu cầu họ lưu ý đến các cụm từ “những điều này” và “những công việc này” và xem xét các cụm từ đó đề cập đến điều gì.
-
Khi ngỏ lời với dân Nê Phi, Đấng Cứu Rỗi đã phán về “những điều này là những điều mà ta đã rao truyền cho các ngươi” (3 Nê Phi 21:2). Những lời nói của Ngài với dân Nê Phi được ghi lại ở đâu? (Trong Sách Mặc Môn).
-
Theo những câu này, một điềm triệu mà Thượng Đế đang làm tròn các giao ước của Ngài trong những ngày sau là gì? (Giúp học sinh nhận ra lẽ thật sau đây [viết lẽ thật đó lên trên bảng]: Sự ra đời của Sách Mặc Môn là một điềm triệu cho thấy Thượng Đế đang làm tròn giao ước của Ngài để quy tụ Y Sơ Ra Ên trong những ngày sau).
Mời một học sinh đọc to lời phát biểu sau đây của Anh Cả Russell M. Nelson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Yêu cầu lớp học lắng nghe những cách mà Sách Mặc Môn giúp dân chúng quy tụ lại cho công việc của Chúa.
“Sách Mặc Môn là chính yếu cho công việc này. Sách tuyên bố giáo lý về sự quy tụ. Sách giúp cho người ta học hỏi về Chúa Giê Su Ky Tô, tin phúc âm của Ngài, và gia nhập Giáo Hội của Ngài. Thật vậy, nếu không có Sách Mặc Môn thì sự quy tụ dân Y Sơ Ra Ên đã được hứa sẽ không xảy ra” (“Sự Quy Tụ Dân Y Sơ Ra Ên Đã Bị Phân Tán,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2006, 80).
-
Sách Mặc Môn đã giúp các em trong những cách thức này vào lúc nào? Các em đã thấy Sách Mặc Môn giúp đỡ người khác trong những cách thức này vào lúc nào?
Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 21:9 và yêu cầu lớp học lưu ý cụm từ “một công việc vĩ đại và kỳ diệu.” Hãy nêu ra rằng cụm từ này ám chỉ Sự Phục Hồi của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô mà gồm có sự ra đời của Sách Mặc Môn.
-
Một công việc vĩ đại và kỳ diệu về Sự Phục Hồi của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là gì?
Hãy nêu ra rằng 3 Nê Phi 21:9 nói về “một người.” Mời học sinh xem xét người này có thể là ai. Sau đó trưng bày một tấm hình Joseph Smith (có lẽ là hình Anh Joseph hoặc hình Khải Tượng Thứ Nhất [Sách Họa Phẩm Phúc Âm (2009), số 87 hoặc số 90]). Nói cho học sinh biết rằng Anh Cả Jeffrey R . Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nhận ra người này là Joseph Smith (xin xem Christ and the New Covenant: The Messianic Message of the Book of Mormon [1997], 287–88). Mời học sinh đọc thầm 3 Nê Phi 21:10–11 cùng suy ngẫm Tiên Tri Joseph Smith phù hợp như thế nào với phần mô tả trong các câu này.
-
Thượng Đế đã cho thấy qua Joseph Smith rằng “sự thông sáng của [Ngài] lớn hơn sự xảo quyệt của quỷ dữ” như thế nào?
-
Theo 3 Nê Phi 21:11, điều gì sẽ xảy ra cho những người không tin vào những lời của Đấng Ky Tô được mang ra nhờ Joseph Smith? (Họ sẽ bị “khai trừ” khỏi các phước lành có được nhờ các giao ước).
3 Nê Phi 21:12–22:17
Đấng Cứu Rỗi nói về sự hủy diệt kẻ không hối cải và sự phục hồi của dân Ngài là những người sẽ hối cải và trở lại cùng Ngài
Tóm lược 3 Nê Phi 21:12–21 bằng cách giải thích rằng Đấng Cứu Rỗi đã đưa ra một lời cảnh báo cho những người trong những ngày sau cùng sẽ không tin Ngài và hối cải. Ngài nói rằng của cải vật chất, thành phố, đồn lũy, và những thực hành tà ác của họ sẽ bị hủy diệt. Ngài cũng nói rằng họ sẽ bị khai trừ khỏi dân giao ước của Ngài.
Mời học sinh đọc thầm 3 Nê Phi 21:22, 25–28 cùng tìm kiếm các phước lành và trách nhiệm mà sẽ đến với những người trong những ngày sau cùng sẽ hối cải và lắng nghe những lời của Đấng Cứu Rỗi.
Hỏi học sinh làm thế nào họ có thể tóm lược những lời dạy trong 3 Nê Phi 21:12–22, 25–28. Mời một học sinh viết câu trả lời của họ lên trên bảng. Sau đó tóm lược tất cả các câu trả lời ở trên bảng bằng cách nêu ra rằng khi hối cải và nghe theo những lời của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta được quy tụ lại như là một phần tử của dân giao ước của Ngài. (Các anh chị em có thể muốn viết lẽ thật này lên trên bảng).
Vẽ một cái lều lên trên bảng hoặc trên một tấm bích chương (các anh chị em có thể muốn làm điều này trước khi lớp học bắt đầu). Giải thích rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã trích dẫn một lời tiên tri mà Ngài đã soi dẫn cho tiên tri Ê Sai viết từ nhiều thế kỷ trước đó. Trong lời tiên tri này, Ê Sai so sánh Giáo Hội, với các giao ước và phước lành của Giáo Hội, với một cái lều.
-
Một số lợi thế để được ở dưới sự bao phủ của một cái lều là gì? (Các câu trả lời có thể bao gồm một cái lều cung cấp sự bảo vệ khỏi bão tố và bóng mát che ánh nắng mặt trời).
-
Giáo Hội được so sánh như một cái lều như thế nào?
Yêu cầu một học sinh đọc to 3 Nê Phi 22:2.
-
Tại sao cái “lều” này cần phải được nới rộng và củng cố trong những ngày sau? (Vì nhiều người sẽ gia nhập Giáo Hội hoặc quay trở lại với các giao ước của họ với Chúa). Các em có thể làm gì để giúp nới rộng cái lều và củng cố những cái cọc? (Khuyến khích học sinh hành động theo các câu trả lời cho câu hỏi này).
Giải thích rằng cũng trong lời tiên tri này, Ê Sai đã dùng một ẩn dụ khác. Ông gọi gia tộc Y Sơ Ra Ên là một người vợ có chồng là Chúa. Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 22:4–5 và yêu cầu lớp học tìm kiếm những lời an ủi cho người vợ.
-
Các em thấy những lời an ủi nào trong 3 Nê Phi 22:4? (Câu trả lời có thể bao gồm “ngươi chẳng còn bị làm cho xấu hổ nữa” và “ngươi … sẽ không còn nhớ điều sỉ nhục [điều hổ thẹn] lúc thanh xuân.”) Tại sao là điều an ủi khi biết rằng “người chồng” là “Đấng Cứu Chuộc, … là Đấng Thánh của Y Sơ Ra Ên”? (3 Nê Phi 22:5).
-
Những câu này tương tự như thế nào với phản ứng của Đấng Cứu Rỗi đối với chúng ta khi chúng ta phạm tội?
Mời học sinh đọc thầm 3 Nê Phi 22:7–10 cùng tìm kiếm những lời hứa mà Đấng Cứu Rỗi lập với dân giao ước của Ngài đã trở về cùng Ngài.
-
Đấng Cứu Rỗi hứa gì với những người trở về cùng Ngài?
-
Chúng ta học được một số lẽ thật nào về Chúa trong các câu này? (Học sinh có thể chia sẻ một vài câu trả lời khác nhau cho câu hỏi này. Hãy chắc chắn rằng họ nhận ra lẽ thật sau đây: Chúa cho thấy lòng nhân từ và lòng thương xót trường cửu đối với những người trở về cùng Ngài. Các anh chị em có thể muốn viết lẽ thật này lên trên bảng. Các anh chị em có thể cân nhắc việc đề nghị học sinh viết lẽ thật này trong quyển thánh thư của họ bên cạnh 3 Nê Phi 22:7–10).
Để giúp học sinh hiểu rõ hơn 3 Nê Phi 22:4–10, hãy cân nhắc việc đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:
“Mặc dù đã có lúc lạnh lùng và đôi khi không trung tín, nhưng người chồng (Đấng Ky Tô) sẽ đòi lại và chuộc lại cô dâu của mình (Y Sơ Ra Ên). Hình ảnh của Đức Giê Hô Va với tư cách là chú rể và Y Sơ Ra Ên là cô dâu là một trong số những ẩn dụ phổ biến nhất được sử dụng trong thánh thư, đã được Chúa và các vị tiên tri sử dụng để mô tả mối quan hệ giữa Thượng Đế và con cái của giao ước.
“… Thỉnh thoảng, Đấng Ky Tô đã tức giận rất đúng đối với Y Sơ Ra Ên bất phục tùng, nhưng cơn giận đó luôn luôn ngắn ngủi và tạm thời—‘một giây lát.’ Lòng trắc ẩn và lòng thương xót luôn luôn trở lại và chiếm ưu thế một cách chắc chắn nhất. Núi đồi có thể biến mất. Nước đại dương có thể trở nên khô ráo. Những điều ít thích hợp nhất trên thế giới có thể xảy ra, nhưng lòng nhân từ và sự bình an của Chúa sẽ không bao giờ bị lấy đi khỏi dân giao ước của Ngài. Ngài đã có một lời thề nguyện thiêng liêng rằng Ngài sẽ vĩnh viễn không nổi giận với họ” (Christ and the New Covenant, 290).
-
Các em đã nhìn thấy các bằng chứng nào về lòng thương xót và lòng nhân từ của Đấng Cứu Rỗi trong cuộc sống của mình? (Hãy chắc chắn rằng học sinh hiểu rằng họ không cần phải chia sẻ bất cứ điều gì quá cá nhân hay riêng tư).
-
Việc có được một sự hiểu biết về lòng thương xót và lòng nhân từ của Đấng Cứu Rỗi có thể ảnh hưởng như nào đến lòng trung thành của chúng ta với các giao ước?
Giải thích rằng Đấng Cứu Rỗi tiếp tục giảng dạy dân Nê Phi về các phước lành đang chờ đợi người ngay chính. Mời học sinh im lặng tra cứu 3 Nê Phi 22:13–17 cùng tìm kiếm một phước lành đã được hứa có ý nghĩa đặc biệt đối với họ. Hãy nêu ra rằng khi chúng ta đọc về các phước lành đã được hứa này thì chúng ta thấy rằng dân của Chúa sẽ được thiết lập trong sự ngay chính và sẽ chiến thắng sự tà ác.
Kết thúc với chứng ngôn của các anh chị em về các lẽ thật đã được thảo luận trong bài học này. Mời học sinh viết ba hoặc bốn câu trong sổ tay hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư về một điều họ có thể làm ngày nay để hội đủ điều kiện cho các phước lành Chúa mong muốn ban cho họ.