Thư Viện
Bài Học 128: 3 Nê Phi 19


Bài Học 128

3 Nê Phi 19

Lời Giới Thiệu

Sau khi Đấng Cứu Rỗi hoàn tất chuyến viếng thăm đầu tiên của Ngài với dân Nê Phi, tin tức về chuyến viếng thăm của Ngài đã được loan truyền trong dân chúng suốt đêm đó. (Các sự kiện được ghi lại trong 3 Nê Phi 11–18 đều diễn ra trong một ngày). Suốt đêm đó, dân chúng làm việc “hết mình … để sáng mai họ có thể đến nơi” mà Đấng Cứu Rỗi sẽ hiện đến một lần nữa (3 Nê Phi 19: 3). Vào buổi sáng, mười hai môn đồ đã dạy dân chúng và cầu nguyện với họ. Chúa Giê Su Ky Tô hiện đến và truyền lệnh cho mọi người phải cầu nguyện, trong khi Ngài cầu nguyện lên Đức Chúa Cha thay cho họ. Nhờ vào đức tin của họ, mười hai môn đồ đã được thanh tẩy. Chúa Giê Su cầu nguyện rằng các môn đồ và tất cả những người đã tin nơi những lời của họ có thể trở nên hiệp một với Ngài và Cha Ngài.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

3 Nê Phi 19:1–14

Mười hai môn đồ phục sự dân chúng theo như Đấng Cứu Rỗi truyền lệnh

Mời học sinh tưởng tượng ra điều họ có thể làm hoặc điều họ có thể cảm thấy nếu họ biết rằng ngày mai Chúa Giê Su Ky Tô sẽ đến đền thờ (hoặc trung tâm giáo khu, hoặc trung tâm thành phố, hay một số địa điểm khác mà sẽ đòi hỏi một số nỗ lực về phần của học sinh để đi đến đó).

  • Các em sẽ đến nơi đó bằng cách nào?

  • Các em sẽ muốn đi với ai?

  • Các em sẽ làm gì để chuẩn bị cho kinh nghiệm này?

Nhắc nhở học sinh rằng gần lúc kết thúc chuyến viếng thăm của Đấng Cứu Rỗi với dân Nê Phi vào ngày đầu tiên, Ngài khuyến khích dân chúng đi về nhà của họ và suy ngẫm cùng cầu nguyện về những lời dạy của Ngài để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của Ngài vào ngày hôm sau (xin xem 3 Nê Phi 17:3). Yêu cầu học sinh đọc thầm 3 Nê Phi 19:1–3, cùng tìm kiếm phản ứng của dân Nê Phi đối với lời hứa của Đấng Cứu Rỗi rằng Ngài sẽ trở lại vào ngày hôm sau. Sau khi học sinh báo cáo những điều họ tìm thấy, hãy tóm lược 3 Nê Phi 19:4–8 bằng cách giải thích rằng sau khi đám đông dân chúng quy tụ lại vào ngày hôm sau, mười hai môn đồ chia dân chúng ra thành mười hai nhóm và bắt đầu giảng dạy cho họ. Sau khi chỉ thị cho đám đông dân chúng quỳ xuống cầu nguyện, mười hai môn đồ cũng đã cầu nguyện và sau đó dạy dân chúng cùng các lẽ thật mà Đấng Cứu Rỗi đã giảng dạy ngày hôm trước. Sau đó, các môn đồ quỳ xuống cầu nguyện một lần nữa.

Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 19:8–9. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm điều mà các môn đồ đã cầu nguyện.

  • Các môn đồ đã mong muốn nhất điều gì?

  • Mười hai môn đồ sẽ điều khiển các công việc của Giáo Hội giữa dân Nê Phi sau khi Đấng Cứu Rỗi rời đi. Các em nghĩ tại sao họ cần Đức Thánh Linh trong giáo vụ của họ?

  • Trong lời cầu nguyện các em dâng lên, một vài điều mà các em mong muốn nhất là gì?

  • Các em có cầu nguyện để có được Đức Thánh Linh không? Tại sao có hoặc tại sao không?

Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 19:10–12. Sau khi em ấy đã đọc xong, hãy giải thích rằng phép báp têm thứ hai này là một trường hợp đặc biệt. Mặc dù dân Nê Phi đã được báp têm trước đó vì sự xá miễn tội lỗi và được xứng đáng ở nơi hiện diện của Chúa Giê Su Ky Tô, nhưng Đấng Cứu Rỗi truyền lệnh cho họ phải được báp têm một lần nữa vì Ngài đã tổ chức Giáo Hội một lần nữa.

Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 19:13–14. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm các phước lành mà các môn đồ đã nhận được để đáp ứng những ước muốn của họ. Để giúp gia tăng ước muốn của học sinh về ảnh hưởng của Đức Thánh Linh trong cuộc sống của họ, hãy làm sinh hoạt sau đây:

Chia học sinh ra thành từng cặp. Yêu cầu mỗi cặp học sinh lập ra một bản liệt kê trong sổ tay hoặc nhật ký ghi chép việc nghiên cứu thánh thư về điều mà Đức Thánh Linh làm cho những người sống xứng đáng. Kế đến, hãy mời học sinh so sánh bản liệt kê của họ với lời phát biểu sau đây của Anh Cả Robert D. Hales thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. (Trước khi lớp học bắt đầu, hãy sao chép lời phát biểu đó hoặc viết lên trên bảng). Yêu cầu học sinh thêm vào bản liệt kê bất cứ ý nghĩ mới nào họ tìm thấy khi họ đọc lời phát biểu đó.

Anh Cả Robert D. Hales

“Đức Thánh Linh … là nguồn gốc của chứng ngôn chúng ta về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử. …

“Chúng ta cần Đức Thánh Linh làm người bạn đồng hành luôn luôn bên cạnh để giúp chúng ta chọn lựa tốt hơn trong những quyết định đến với chúng ta hằng ngày. … Sự đồng hành với Thánh Linh sẽ cho họ [giới trẻ của chúng ta] sức mạnh để chống lại điều xấu xa và, khi cần, hối cải và trở về con đường chật và hẹp. … Tất cả chúng ta đều cần được củng cố qua Đức Thánh Linh. … Việc có được ân tứ Đức Thánh Linh giúp những người trong gia đình lựa chọn khôn ngoan—những sự lựa chọn mà sẽ giúp họ trở về với gia đình họ cùng Cha Thiên Thượng của họ và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, để được sống với hai Ngài mãi mãi” (“Giao Ước Báp Têm: Ở trong Vương Quốc và thuộc về Vương Quốc,” Liahona, tháng Giêng năm 2001, 6).

  • Trong những phương diện nào các phước lành trên bản liệt kê của họ sẽ hữu ích cho giới trẻ trong Giáo Hội?

Mời học sinh xem lại bản liệt kê các phước lành mà họ đã viết và cân nhắc điều chúng ta cần phải làm gì để được hưởng các phước lành này. Yêu cầu họ đọc thầm 3 Nê Phi 19:9, 13 cùng tìm kiếm một nguyên tắc về việc nhận được ảnh hưởng của Đức Thánh Linh. Yêu cầu học sinh viết xuống nguyên tắc mà họ nhận ra. Yêu cầu một vài em chia sẻ điều họ đã viết ra. (Học sinh có thể chia sẻ một điều gì đó như sau: Những ước muốn ngay chính và lời cầu nguyện của chúng ta có thể hội đủ điều kiện cho chúng ta để được đầy dẫy Đức Thánh Linh.)

  • Khi nào những ước muốn và lời cầu nguyện ngay chính của các em đã giúp các em cảm nhận được ảnh hưởng của Thánh Linh?

Viết lời phát biểu còn dở dang sau đây lên trên bảng. Mời học sinh viết xuống một phần lời phát biểu này và sau đó hoàn tất bằng chính lời riêng của họ.

Tôi sẽ cho Cha Thiên Thượng thấy ước muốn của tôi có được sự đồng hành của Đức Thánh Linh bằng cách …

3 Nê Phi 19:15–36

Đấng Cứu Rỗi hiện đến và cầu nguyện cho dân chúng được thanh tẩy qua đức tin của họ

Yêu cầu một học sinh đọc to 3 Nê Phi 19:15–16. Nêu ra rằng trong khi dân chúng quỳ xuống, họ đã chứng kiến Chúa Giê Su Ky Tô dâng lên ba lời cầu nguyện đặc biệt cho các môn đồ của Ngài và cho dân chúng. (Giải thích rằng về sau trong bài học này lớp học sẽ nghiên cứu lời cầu nguyện thứ ba của Đấng Cứu Rỗi).

Viết những đoạn tham khảo thánh thư sau đây và các câu hỏi ở trên bảng trước khi lớp học (hoặc chuẩn bị các đoạn tham khảo thánh thư và các câu hỏi này trên một tờ giấy phát tay cho mỗi học sinh):

3 Nê Phi 19:17–18, 24–26, 30

3 Nê Phi 19:19–23

3 Nê Phi 19:27–29

Các em có thể biết được điều gì về việc cầu nguyện từ đoạn này?

Các em có thể áp dụng như thế nào điều các em đã học được trong những câu này đối với những lời cầu nguyện cá nhân của các em?

Chia lớp học ra thành các nhóm gồm có ba học sinh mỗi nhóm. (Nếu lớp học của các anh chị em ít người, thì các anh chị em có thể cần phải chia lớp học ra thành các nhóm nhỏ hơn). Chỉ định một học sinh trong mỗi nhóm đọc một trong những đoạn thánh thư được viết ở trên bảng. Cho học sinh biết rằng họ đều nên sẵn sàng để trả lời trong nhóm của họ cho các câu hỏi ở trên bảng.

Sau khi có đủ thời gian rồi, hãy yêu cầu học sinh chia sẻ câu trả lời của họ cho các câu hỏi với những người khác trong nhóm của họ. Hãy sẵn sàng để trả lời nếu học sinh hỏi tại sao các môn đồ đã cầu khẩn Đấng Cứu Rỗi (xin xem 3 Nê Phi 19:18). Hãy nêu ra rằng trong trường hợp độc nhất vô nhị này, các môn đồ cầu khẩn Chúa Giê Su Ky Tô vì Ngài đang đích thân ở cùng với họ với tư cách là người đại diện của Đức Chúa Cha (xem 3 Nê Phi 19:22).

Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 19:31–34. Yêu cầu lớp học dò theo và xem xét tại sao lời cầu nguyện của Đấng Cứu Rỗi ảnh hưởng đến dân chúng một cách sâu xa như vậy. Mời một vài học sinh báo cáo điều họ tìm thấy. Trong khi học sinh có thể học hỏi nhiều lẽ thật lẫn nhau khi họ chia sẻ, sinh hoạt sau đây sẽ nhấn mạnh đến hai nguyên tắc mà họ có thể khám phá ra trong việc nghiên cứu của họ.

Viết câu sau đây lên trên bảng: Khi chúng ta thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, …

Yêu cầu học sinh yên lặng xem lại 3 Nê Phi 19:28, cùng tìm kiếm các cách để hoàn tất lời phát biểu được viết ở trên bảng. (Mời học sinh viết xuống những câu trả lời của họ. Sau đây là một cách để học sinh có thể hoàn tất lời phát biểu: Khi chúng ta thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể được thanh tẩy).

  • Thanh tẩy có nghĩa là gì? Việc thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô giúp chúng ta được trong sạch như thế nào?

  • Trong những phương diện nào các môn đồ thực hành đức tin trong các sự kiện được ghi lại trong 3 Nê Phi 19?

Để giúp học sinh hiểu rằng chúng ta được Đức Thánh Linh thanh tẩy, nhắc nhở họ rằng các môn đồ đã nhận được Đức Thánh Linh và được “dẫy đầy … lửa” (3 Nê Phi 19:13). Giải thích rằng cụm từ “dẫy đầy … lửa” là biểu tượng, ám chỉ đến phước lành của việc được thanh tẩy qua ảnh hưởng của Đức Thánh Linh.

Yêu cầu học sinh thầm đọc lại 3 Nê Phi 19:23, 29 cùng tìm kiếm một phước lành khác mà đến với những người có Thánh Linh của Chúa ở cùng họ. (Sau khi học sinh đọc, các anh chị em có thể muốn đề nghị họ đánh dấu trong cả hai câu đó cụm từ “để chúng ta trở thành một”).

  • Chúa Giê Su Ky Tô và Đức Chúa Cha trở thành một như thế nào? (Hai Ngài là riêng biệt, hai Đấng hữu hình, nhưng là một trong mục đích và giáo lý. Hai Ngài hoàn toàn đoàn kết, mang lại kế hoạch cứu rỗi thiêng liêng của Cha Thiên Thượng).

  • Việc trở thành một với Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử có nghĩa gì đối với chúng ta?

  • Chúng ta học được từ 3 Nê Phi 19:23, 29 về cách chúng ta có thể trở thành một với hai Ngài? Qua đức tin, chúng ta có thể được thanh tẩy và trở thành một với Chúa Giê Su Ky Tô, như là Ngài trở thành một với Đức Chúa Cha).

Mời một học sinh đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ: Yêu cầu lớp học lắng nghe về cách chúng ta có thể trở thành một với Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử:

Anh Cả  D. Todd Christofferson

“Chúa Giê Su đã đạt được tình đoàn kết trọn vẹn với Đức Chúa Cha bằng cách chịu phục tùng, cả thể xác lẫn linh hồn, theo ý muốn của Đức Chúa Cha. Giáo vụ của Ngài luôn được tập trung vào một cách rõ ràng bởi vì không có những ý tưởng hay ước muốn mà không hòa hợp với Đức Chúa Cha để làm xao lãng mục đích của Ngài. Khi nhắc đến Cha Ngài, Chúa Giê Su phán: ‘ta hằng làm sự đẹp lòng Ngài’ (Giăng 8:29). …

“Chắc chắn là chúng ta sẽ không hiệp một với Thượng Đế và Đấng Ky Tô cho đến khi nào chúng ta làm ý muốn và mối quan tâm của hai Ngài thành ước muốn lớn lao nhất của chúng ta. Sự tuân phục như thế không phải đạt được trong một ngày mà phải qua Đức Thánh Linh, Chúa sẽ giảng dạy chúng ta nếu chúng ta sẵn lòng cho đến khi, đến kỳ định, để có thể nói một cách chính xác rằng Ngài ở trong chúng ta cũng như Đức Chúa Cha ở trong Ngài” (“Để Họ Cũng Hiệp Làm Một Như Chúng Ta Vậy,” Ensign, tháng Mười Một năm 2002, 72, 73).

Mời học sinh đọc thầm 3 Nê Phi 19:35–36 và suy ngẫm về sức mạnh của lời cầu nguyện của họ. Hứa với học sinh rằng chúng ta cũng có thể có những kinh nghiệm thuộc linh lớn lao hơn và phát triển để trở thành một với Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử nếu chúng ta gia tăng đức tin của mình và tha thiết cầu nguyện để có được sự đồng hành của Thánh Linh.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

3 Nê Phi 19:10–13. Được báp têm một lần nữa

Chủ Tịch Joseph Fielding Smith đã giải thích lý do tại sao dân Nê Phi cần phải được báp têm một lần nữa:

“Không có gì lạ trong thực tế khi Chúa hiện đến cùng dân Nê Phi, thì Nê Phi được báp têm và mọi người khác cũng vậy mặc dù họ đã được báp têm trước đó.

“Giáo Hội ở giữa dân Nê Phi trước khi Đấng Ky Tô hiện đến đã không được trọn vẹn và đã theo luật Môi Se. Đấng Cứu Rỗi phục hồi sự trọn vẹn và ban cho họ tất cả các giáo lễ và các phước lành của phúc âm. Do đó, Giáo Hội thực sự trở thành một tổ chức mới, và họ vào Giáo Hội qua phép báp têm.

“Chúng ta có một tình huống tương tự trong gian kỳ này. Tiên Tri Joseph Smith và Oliver Cowdery đã được báp têm theo lệnh của Thiên Sứ Giăng Báp Tít. Một số người khác đã được báp têm trước khi tổ chức Giáo Hội. Tuy nhiên, vào ngày giáo hội được tổ chức, tất cả những người đã được báp têm trước đó đã được báp têm một lần nữa, chứ không phải vì sự xá miễn tội lỗi, nhưng để bước vào Giáo Hội. Trong mỗi trường hợp, lý do vẫn như nhau” (Answers to Gospel Questions, do Joseph Fielding Smith Jr. biên soạn, 5 tập [1957–66], 3:205–6).

3 Nê Phi 19:18, 22. “Họ cầu nguyện Chúa Giê Su”

Từ thánh thư và những lời dạy của các vị tiên tri ngày sau, chúng ta biết được rằng chúng ta phải thờ phượng Thượng Đế Đức Chúa Cha và chỉ cầu nguyện lên Ngài mà thôi. Chúng ta không nên cầu nguyện lên Chúa Giê Su Ky Tô. Ví dụ, Đấng Cứu Rỗi dạy dân Nê Phi: “Các ngươi phải luôn luôn cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha trong danh ta” (3 Nê Phi 18:19). Tuy nhiên, không bao lâu sau khi Đấng Cứu Rỗi đã dạy điều này, thì các môn đồ Nê Phi của Ngài đã cầu nguyện trực tiếp với Ngài (xin xem 3 Nê Phi 19:18). Họ đã làm như vậy, Ngài phán, vì Ngài đã ở với họ (xin xem 3 Nê Phi 19:22). Anh Cả Bruce R. McConkie thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích rằng đây là một ngoại lệ—một tình huống độc nhất vô nhị:

“Có một lý do đặc biệt tại sao điều này đã được thực hiện trong trường hợp này và chỉ một lần. Chúa Giê Su đã dạy họ cầu nguyện trong danh của Ngài lên Đức Chúa Cha, là điều họ đã làm đầu tiên. Chúa Giê Su hiện diện trước họ với tư cách là biểu tượng của Đức Chúa Cha. Việc nhìn thấy Ngài như thể họ đã thấy Đức Chúa Cha; việc cầu nguyện Ngài, thể như họ đã cầu nguyện lên Đức Chúa Cha. Đó là một tình huống đặc biệt và độc nhất vô nhị” (The Promised Messiah [1978], 560, 561).