Thư Viện
Bài học 131: 3 Nê Phi 23


Bài Học 131

3 Nê Phi 23

Lời Giới Thiệu

Sau khi trích dẫn những lời của Ê Sai (xin xem 3 Nê Phi 22), Chúa Giê Su Ky Tô truyền lệnh cho dân Nê Phi tra cứu những lời của vị tiên tri này. Ngài nói rằng những lời của Ê Sai là một phước lành vì Ê Sai “đã nói tới tất cả những điều có liên hệ đến dân của ta là gia tộc Y Sơ Ra Ên” (3 Nê Phi 23:2). Ngài cũng nói rằng tất cả những lời của Ê Sai đã hoặc rồi sẽ được ứng nghiệm. Sau đó Đấng Cứu Rỗi truyền lệnh cho dân Nê Phi phải tra cứu những lời của tất cả các vị tiên tri và chỉ thị cho họ phải thêm tài liệu vào biên sử của họ.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

3 Nê Phi 23:1–5

Chúa Giê Su Ky Tô truyền lệnh cho dân chúng tra cứu những lời của các vị tiên tri

Viết cụm từ sau đây lên trên bảng: Các phước lành từ việc học thánh thư của tôi. Yêu cầu học sinh suy ngẫm về những kinh nghiệm học Sách Mặc Môn ở nhà và trong lớp giáo lý năm nay. Mời họ lên bảng và viết một từ hoặc cụm từ ngắn mô tả một phước lành đã đi vào cuộc sống của họ nhờ việc học thánh thư. Các anh chị em có thể muốn yêu cầu một vài học sinh mô tả chi tiết hơn điều họ đã viết. Sau đó chỉ vào các phước lành được viết ở trên bảng.

  • Các em nghĩ tại sao chúng ta được ban phước trong những cách này khi chúng ta đọc thánh thư?

Yêu cầu học sinh nhớ lại bài học trước mà những lời của Chúa Giê Su Ky Tô trích dẫn khi Ngài giảng dạy cho dân Nê Phi. (Những lời của Ê Sai). Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 23:1–3. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm điều Đấng Cứu Rỗi đã nói chúng ta nên làm với những lời của Ê Sai. Các anh chị em có thể muốn đề nghị học sinh đánh dấu các từ và cụm từ nào họ thấy nổi bật trong các câu này. Mời họ chia sẻ điều họ khám phá ra.

  • Tại sao Chúa muốn dân chúng tìm hiểu những lời của Ê Sai? (Xin xem 3 Nê Phi 23:2–3).

  • Tại sao là một phước lành để biết rằng tất cả những lời của Ê Sai sẽ được ứng nghiệm?

Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 23:4–5. Nêu ra rằng sau khi Đấng Cứu Rỗi phán rằng phải tìm hiểu những lời của Ê Sai, Ngài phán phải “tìm hiểu các lời tiên tri.” Viết lẽ thật sau đây lên trên bảng: Đấng Cứu Rỗi truyền lệnh cho chúng ta phải tìm hiểu những lời của Ê Sai và các vị tiên tri khác.

  • Theo 3 Nê Phi 23:5, chúng ta phải làm gì để được cứu rỗi? Những lời của các vị tiên tri giúp chúng ta tuân theo các lệnh truyền này như thế nào?

  • Trong những phương diện nào việc tìm hiểu các lời tiên tri một cách chuyên cần khác với việc chỉ đọc những lời của các vị tiên tri? Các em nghĩ tại sao là điều quan trọng để tìm hiểu những lời của Ê Sai và các vị tiên tri khác một cách chuyên cần?

  • Các phương pháp học thánh thư nào là tốt nhất để giúp các em làm cho việc tra cứu những lời của Ê Sai và các vị tiên tri khác thành một phần đầy ý nghĩa của cuộc sống các em?

Mời một học sinh đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Merrill J. Bateman thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi:

“Có một số phước lành nhận được khi một người tra cứu thánh thư. Khi một người học hỏi và tuân theo những lời của Chúa, thì người ấy đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn và nhận được một ước muốn lớn lao hơn để sống một cuộc sống ngay chính. Khả năng để chống lại cám dỗ gia tăng, và những yếu kém thuộc linh được khắc phục. Những vết thương thuộc linh được chữa lành” (“Coming unto Christ by Searching the Scriptures,” Ensign, tháng Mười Một năm 1992, 28).

  • Ngoài thánh thư ra, chúng ta có thể tìm thấy những lời tiên tri ở đâu?

Yêu cầu học sinh trả lời trong sổ tay hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư cho câu hỏi sau đây:

  • Các em có thể có những thay đổi nào để nghiên cứu những lời tiên tri một cách chuyên cần hơn?

Mời một vài học sinh làm chứng về các phước lành đến từ việc tra cứu các lời tiên tri.

3 Nê Phi 23:6–14

Đấng Cứu Rỗi đã chỉ thị cho các môn đồ của Ngài để thêm một sự kiện quan trọng vào biên sử thánh thư của họ

Yêu cầu một vài học sinh kể ra những truyện ký ưa thích của họ trong Sách Mặc Môn. Liệt kê những câu trả lời của họ lên trên bảng. Sau đó, xóa một trong các câu trả lời. Yêu cầu học sinh tưởng tượng rằng Mặc Môn hoặc Nê Phi hay một người lưu giữ biên sử khác đã quên không gồm vào truyện ký đó.

  • Sách Mặc Môn sẽ thiếu những bài học quan trọng nào nếu truyện ký này không được gồm vào trong đó?

Giải thích rằng khi Đấng Cứu Rỗi giảng dạy cho dân Nê Phi, Ngài đã nêu ra rằng những người lưu giữ biên sử của họ đã quên không bao gồm một sự kiện quan trọng đã xảy ra mà đến để làm ứng nghiệm lời tiên tri. Yêu cầu một vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ 3 Nê Phi 23:6–13. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm điều mà dân Nê Phi đã không ghi lại.

  • Dân Nê Phi đã có một biên sử về lời tiên tri của Sa Mu Ên (xin xem Hê La Man 14:25). Các em nghĩ tại sao sẽ là điều quan trọng đối với họ để có được một biên sử đầy đủ?

Hãy nêu ra rằng mặc dù chúng ta đã không được truyền lệnh để lưu giữ một biên sử thánh thư cho Giáo Hội, nhưng chúng ta đã được khuyên bảo để lưu giữ nhật ký cá nhân.

  • Lời khuyên dạy của Đấng Cứu Rỗi trong 3 Nê Phi 23:6–13 có thể áp dụng cho các nỗ lực của chúng ta để giữ nhật ký cá nhân như thế nào?

Để giúp học sinh thấy được một cách mà họ có thể giữ nhật ký, hãy mời một học sinh đọc to kinh nghiệm sau đây đã được Chủ Tịch Henry B. Eyring thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn chia sẻ:

Chủ Tịch Henry B. Eyring

“Tôi về nhà muộn sau khi làm một công việc của Giáo Hội. Lúc đó trời đã tối. Cha vợ của tôi, là người sống ở gần chúng tôi, đã làm tôi ngạc nhiên khi tôi đang đi bộ về phía cửa trước của nhà mình. Ông đang vác những cái ống nước trên vai, đi rất nhanh và đang mặc quần áo lao động. Tôi biết rằng ông đang xây một hệ thống để bơm nước từ dòng suối nằm dưới cái dốc gần nhà vào chỗ đất của nhà chúng tôi.

“Ông mỉm cười, nói nhỏ, và rồi vội vàng bước ngang qua tôi đi vào đêm tối để tiếp tục công việc của mình. Tôi đi thêm vài bước nữa hướng về căn nhà, suy nghĩ về điều ông đang làm cho chúng tôi, rồi ngay khi tôi bước tới cửa, thì tôi nghe trong tâm trí tôi những lời này—không phải bằng giọng nói của tôi : ‘Ta không ban cho ngươi những kinh nghiệm này chỉ để cho riêng ngươi đâu. Hãy viết xuống đi.’

“Tôi đi vào trong nhà. Tôi không đi ngủ. Mặc dù rất mệt, tôi cũng lấy mấy tờ giấy ra và bắt đầu viết. Và khi làm như thế, tôi đã hiểu được sứ điệp mà tôi đã nghe trong tâm trí mình. Tôi cần phải ghi lại cho con cái tôi đọc, vào một ngày nào đó trong tương lai, việc tôi đã thấy bàn tay của Thượng Đế ban phước cho gia đình chúng tôi như thế nào. Ông ngoại không cần phải làm điều ông đang làm cho chúng tôi. Ông có thể để cho ai đó làm việc này hoặc không cần phải làm gì cả. Nhưng ông đang phục vụ chúng tôi, gia đình của ông, theo cách thức mà những môn đồ đã lập giao ước với Chúa Giê Su Ky Tô thường làm. Tôi biết rằng điều đó là đúng. Vậy nên tôi đã viết xuống, để một ngày nào đó con cái của tôi có thể có được kỷ niệm này khi chúng cần đến.

“Tôi viết xuống một vài dòng mỗi ngày trong nhiều năm. Tôi không bao giờ bỏ lỡ một ngày dù cho tôi có mệt đến mức nào hay tôi phải dậy sớm đến mấy đi nữa vào ngày hôm sau. Trước khi viết, tôi suy ngẫm câu hỏi này: ‘Tôi có thấy bàn tay của Thượng Đế dang ra để tác động vào cuộc sống của chúng tôi hay con cái chúng tôi hoặc gia đình chúng tôi ngày nay không?’” (“Hãy Ghi Nhớ, Hãy Ghi Nhớ,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2007, 66–67).

  • Các em nghĩ tại sao là điều quan trọng đối với chúng ta để viết về những kinh nghiệm củng cố phần thuộc linh của mình?

  • Chúng ta có thể hưởng lợi như thế nào từ việc noi theo gương Chủ tịch Eyring? Biên sử của chúng ta có thể giúp đỡ người khác như thế nào?

Giải thích rằng Chủ Tịch Eyring cho biết về các phước lành ông đã nhận được vì ông đã ghi chép hàng ngày về việc Thượng Đế ban phước cho gia đình của ông. Yêu cầu một học sinh đọc to lời phát biểu sau đây. (Các em có thể đã chia sẻ một phần của lời phát biểu này trong bài học 117. Học sinh có thể được lợi ích từ việc nghe lời phát biểu này một lần nữa).

“Trong khi tôi tiếp tục làm việc này, thì có một điều gì đó bắt đầu xảy ra. Khi tôi nhớ lại những sự việc xảy ra trong ngày, thì tôi thường thấy sự hiển nhiên về điều Thượng Đế đã làm cho mỗi người chúng tôi mà tôi đã không nhận ra trong những giây phút bận rộn trong ngày. Khi điều đó xảy ra, và nó xảy ra thường xuyên, thì tôi nhận thấy rằng việc cố gắng ghi nhớ đã để cho Thượng Đế chỉ cho tôi thấy những gì Ngài đã làm.

“Lòng biết ơn nhiều hơn bắt đầu gia tăng trong lòng tôi. Chứng ngôn gia tăng. Tôi trở nên chắc chắn hơn bao giờ hết rằng Cha Thiên Thượng lắng nghe và đáp ứng những lời cầu nguyện. Tôi cảm thấy biết ơn hơn về việc xoa dịu và thanh tẩy những tấm lòng có được nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô. Và tôi càng trở nên tin chắc hơn rằng Đức Thánh Linh có thể nhắc cho chúng ta nhớ mọi điều—ngay cả những điều mà chúng ta không nhận thấy hay không chú ý đến khi chúng xảy ra” (“O Remember, Remember,” 67).

  • Chúng ta có thể học được nguyên tắc nào từ truyện ký trong 3 Nê Phi 23 và từ kinh nghiệm của Chủ Tịch Eyring? (Học sinh có thể trả lời câu hỏi này theo nhiều cách khác nhau. Câu trả lời của họ nên phản ảnh lẽ thật sau đây: Khi ghi lại những kinh nghiệm thuộc linh, thì chúng ta sẽ được ban phước về mặt cá nhân và trong gia đình).

Một số học sinh có thể cảm thấy rằng họ chưa có bất cứ điều gì xảy ra với họ mà sẽ có giá trị đủ để ghi lại. Để giúp họ, các anh chị em có thể muốn mời một học sinh đọc to lời phát biểu sau đây của Anh Cả John H. Groberg thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi:

“Một số người nói: ‘Tôi không có gì để ghi chép cả. Không có gì thiêng liêng xảy ra cho tôi.’ Tôi nói: ‘Hãy bắt đầu ghi chép, và những sự việc thuộc linh sẽ xảy ra. Những sự việc đó luôn luôn có ở đó, nhưng chúng ta trở nên nhạy cảm hơn đối với chúng khi chúng ta viết’” (“Writing Your Personal and Family History,” Ensign, tháng Năm năm 1980, 48).

Mời học sinh hãy tự hỏi mình xem có quên viết về những kinh nghiệm mà đã củng cố họ về phần thuộc linh không. Khuyến khích họ viết về những kinh nghiệm này và tiếp tục ghi lại những kinh nghiệm khác trong suốt cuộc sống của họ. Các anh chị em có thể đề nghị họ noi theo tấm gương của Chủ tịch Eyring, viết một điều gì đó mỗi ngày.

biểu tượng thông thạo thánh thưÔn Lại Phần Thông Thạo Thánh Thư

Việc học cách giải quyết vấn đề bằng cách sử dụng thánh thư có thể giúp học sinh trong suốt cuộc sống của họ. Đưa cho mỗi học sinh một mảnh giấy nhỏ. Mời họ viết về một câu hỏi mà họ có hoặc một thử thách họ đang phải đương đầu. Giải thích rằng các anh chị em sẽ thu lại những tờ giấy và đọc một số tờ giấy đó cho lớp học. Bảo học sinh đừng viết tên trên tờ giấy, và nhắc nhở họ không gồm chi tiết cá nhân hoặc không thích hợp để thảo luận trong lớp. (Sau khi thu lại các tờ giấy, các anh chị em có thể muốn xem xét vắn tắt những tờ giấy đã nộp để chắc chắn rằng những điều viết ra là thích hợp và không quá riêng tư). Đọc một câu hỏi hoặc thử thách cho lớp học và xem học sinh có thể sử dụng các đoạn thánh thư thông thạo để giúp giải quyết câu hỏi hay thử thách đó.

Giải thích rằng Đấng Cứu Rỗi truyền lệnh cho chúng ta phải giảng dạy người khác điều Ngài đã dạy chúng ta (xin xem 3 Nê Phi 23:14). Để giúp chuẩn bị cho học sinh tuân giữ lệnh truyền này, hãy khuyến khích họ thực hành các kỹ năng giảng dạy, chẳng hạn như giải thích các giáo lý hoặc nguyên tắc, chia sẻ kinh nghiệm, và chứng minh khi họ sử dụng những đoạn thánh thư thông thạo để giải quyết vấn đề. Các anh chị em có thể muốn để dành lại các câu hỏi hoặc thử thách khác mà học sinh đã nộp và thảo luận những điều đó theo một cách tương tự vào những ngày khi các anh chị em có thêm thời gian.

Ghi Chú: Bài học này không dài nên có thể có thời gian để xem lại câu thánh thư thông thạo này. Các anh chị em có thể điều khiển buổi sinh hoạt vào lúc bắt đầu lớp học, như là lúc nghỉ giữa những phần của bài học, hoặc vào lúc cuối giờ học. Hãy giữ cho buổi sinh hoạt ngắn gọn để có thời gian cho bài học. Đối với các sinh hoạt ôn lại khác, hãy xem phần phụ lục ở cuối sách học này.