Thư Viện
Bài học 107: Hê La Man 3–4


Bài Học 107

Hê La Man 3–4

Lời Giới Thiệu

Trong thời gian này trong lịch sử Sách Mặc Môn, dân Nê Phi vui hưởng những thời kỳ hòa bình nhưng cũng trải qua những lúc tranh chấp. Hàng chục ngàn dân Nê Phi gia nhập Giáo Hội trong thời bình. Sau thời kỳ cực thịnh này, tính kiêu ngạo bắt đầu nảy sinh trong lòng dân chúng. Tuy nhiên, các tín hữu khiêm nhường hơn của Giáo Hội đã tăng trưởng trong đức tin của họ, mặc dù bị đàn áp bởi những người kiêu ngạo. Bởi vì sự tà ác trong số rất nhiều dân Nê Phi, nên họ bị mất tất cả các vùng đất phía Nam cho dân La Man.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Hê La Man 3

Nhiều dân Nê Phi di cư lên xứ phía bắc, trong khi Giáo Hội trở nên thịnh vượng ở giữa cảnh tà ác và ngược đãi

Viết những từ sau đây lên trên bảng (các anh chị em có thể muốn làm điều này trước khi bắt đầu lớp học):

Những người ở … (tên quốc gia các anh chị em)

Những người ở … (tên thành phố của các anh chị em)

Những người ở trong tiểu giáo khu hoặc chi nhánh của tôi

Những người ở trong gia đình tôi

Bản thân tôi

Hỏi học sinh rằng trong số tất cả những người được liệt kê ở trên bảng, họ cảm thấy họ có thể điều khiển được người nào. Sau đó yêu cầu họ giơ tay lên nếu họ từng bị nản lòng vì hành động của người khác. Yêu cầu họ tiếp tục giơ tay lên nếu họ đã bị nản lòng mới gần đây vì hành động bất chính của người khác. Giải thích rằng khi học Hê La Man 3, họ sẽ nhận được những sự hiểu biết sâu sắc về điều họ có thể làm khi những người xung quanh họ không sống theo phúc âm.

Mời một học sinh đọc to Hê La Man 3:1–2. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm những lần thấy cụm từ “không có sự tranh chấp nào.” Mời học sinh đọc thầm Hê La Man 3:3, 19, cùng nhận ra các từ hoặc cụm từ mà cho thấy mọi thứ đã thay đổi như thế nào ở giữa dân Nê Phi.

  • Các em nghĩ tại sao dân Nê Phi đã thay đổi quá nhanh chóng từ một thời kỳ không có tranh chấp đến một thời kỳ với nhiều tranh chấp?

Tóm lược Hê La Man 3:3–16 bằng cách giải thích rằng trong thời kỳ tranh chấp này, nhiều dân Nê Phi đã di cư lên xứ phía bắc.

Mời một học sinh đọc to Hê La Man 3:20. Yêu cầu lớp học nhận ra cách Hê La Man đã được mô tả trong thời kỳ tranh chấp này.

  • Điều gì gây ấn tượng cho các em về tấm gương của Hê La Man trong thời kỳ tranh chấp này? (Khi học sinh trả lời, các anh chị em có thể muốn đề nghị họ nên đánh dấu từ luôn luôn trong Hê La Man 3:20).

Mời học sinh đọc thầm Hê La Man 3:22–26 và nhận ra tình huống giữa dân Nê Phi đã thay đổi như thế nào.

  • Điều gì đã khiến cho các vị lãnh đạo Giáo Hội phải ngạc nhiên?

  • Chúng ta có thể học được điều gì từ những câu này về ảnh hưởng tiềm tàng mà Giáo Hội có thể có đối với dân chúng?

Nhắc nhở học sinh rằng khi Mặc Môn chuẩn bị biên sử Sách Mặc Môn, đôi khi ông chỉ ra các bài học ông muốn người đọc phải học hỏi từ một vài câu chuyện nào đó. Trong trường hợp của Hê La Man 3, ông đã sử dụng các cụm từ “do đó chúng ta có thể thấy rằng,” “do đó chúng ta thấy rằng,” và “chúng ta thấy rằng” để giới thiệu bài học của ông. Mời học sinh đọc thầm Hê La Man 3:27–30 và nhận ra các bài học nào Mặc Môn muốn chúng ta phải học. Sau khi học sinh báo cáo điều họ tìm thấy, hãy hỏi:

  • Mặc Môn muốn chúng ta biết điều gì về lời của Thượng Đế?

Cho học sinh một thời gian để suy ngẫm về cách học tập thánh thư đã làm cho họ có thể nhận được các phước lành như những phước lành đã được hứa trong Hê La Man 3:29. Cân nhắc việc kêu gọi một vài học sinh chia sẻ những kinh nghiệm của họ.

Giải thích rằng phần còn lại của Hê La Man 3 kể lại việc tính kiêu ngạo đã lan tràn ở giữa dân Nê Phi như thế nào, sau thời kỳ đại thịnh vượng. Nhiều tín hữu khiêm nhường của Giáo Hội đã trải qua sự ngược đãi từ các tín hữu khác của Giáo Hội là những người kiêu ngạo trong lòng. Đọc to tình huống sau đây. Yêu cầu học sinh suy ngẫm khi họ đã nhìn thấy hoặc trải qua những tình huống tương tự.

  1. Một thiếu nữ chọc ghẹo một em gái khác trong tiểu giáo khu của mình.

  2. Một thiếu niên trêu chọc một thành viên của nhóm túc số của mình vì đã quá háo hức để trả lời câu hỏi trong lớp học hoặc tự nguyện làm các bổn phận của chức tư tế.

  3. Một nhóm thiếu niên trong một tiểu giáo khu không mời một thiếu niên khác tham dự vào các cuộc trò chuyện và các sinh hoạt của họ ở bên ngoài nhà thờ.

  4. Một nhóm thiếu nữ đưa ra những lời nhận xét gây tổn thương về quần áo mà các thiếu nữ khác mặc.

Mời một học sinh đọc to Hê La Man 3:33–34. Yêu cầu lớp học nhận ra những điểm tương tự giữa tình huống của dân Nê Phi và các tình huống được mô tả ở trên. Sau khi học sinh đã có thời gian để trả lời, hãy hỏi những câu hỏi sau đây:

  • Các em nghĩ tại sao việc các tín hữu Giáo Hội bị các tín hữu khác của Giáo Hội ngược đãi đã bị xem là “một sự tà ác lớn lao” ở giữa dân Nê Phi?

  • Chúng ta vi phạm các nguyên tắc phúc âm nào khi chúng ta ngược đãi hoặc không tử tế với các tín hữu khác của Giáo Hội? Chúng ta có thể củng cố tình yêu thương của mình như thế nào đối với những người cũng là Các Thánh Hữu của chúng ta?

Mời học sinh đọc thầm Hê La Man 3:35 và nhận ra cách mà người khiêm nhường ở giữa dân Nê Phi đã phản ứng với việc bị ngược đãi.

  • Đức tin của những người dân bị ngược đãi đã gia tăng, giảm bớt, hoặc không thay đổi?

  • Những người bị ngược đãi đã có những hành động nào để góp phần vào việc gia tăng đức tin của họ? (Họ nhịn ăn và thường xuyên cầu nguyện, tìm cách trở nên khiêm nhường, và dâng hiến lòng họ lên Thượng Đế).

  • Ngoài việc gia tăng đức tin, các hành động của những người Nê Phi khiêm nhường đã dẫn đến điều gì khác nữa? (Niềm vui, sự an ủi, thanh tẩy và thánh hóa tâm hồn của họ).

Viết câu sau đây lên trên bảng: Khi chúng ta … , đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô sẽ gia tăng, bất chấp sự ngược đãi và thử thách. Yêu cầu học sinh hoàn tất lời phát biểu này dựa trên điều họ đã học được từ Hê La Man 3:33–35. Các anh chị em có thể muốn mời vài học sinh chia sẻ cách họ đã hoàn tất lời phát biểu này. Mặc dù các câu trả lời của học sinh có thể khác nhau, nhưng hãy chắc chắn rằng họ bày tỏ lẽ thật sau đây: Khi chúng ta cố gắng sống ngay chính thì đức tin của chúng ta nơi Chúa Giê Su Ky Tô sẽ gia tăng, bất chấp sự ngược đãi và thử thách. Để giúp học sinh gia tăng sự hiểu biết về những điều giảng dạy trong những câu này, các anh chị em có thể muốn hỏi các câu hỏi sau đây:

  • Việc cầu nguyện và nhịn ăn đã giúp các em như thế nào trong thời gian bị ngược đãi hay thử thách?

  • Các em nghĩ việc hiến dâng lòng mình lên Thượng Đế có nghĩa là gì?

  • Tại sao việc dâng hiến lòng mình lên Thượng Đế là cần thiết để gia tăng đức tin của chúng ta trong thời gian bị ngược đãi hay thử thách?

Hỏi học sinh xem họ có từng cảm thấy đức tin của họ gia tăng khi họ phản ứng một cách ngay chính với sự ngược đãi không. Mời một vài học sinh chia sẻ kinh nghiệm của họ. Các anh chị em cũng có thể muốn chia sẻ một kinh nghiệm cá nhân.

Để chuẩn bị cho học sinh nghiên cứu Hê La Man 4, hãy mời họ đọc thầm Hê La Man 3:36. Yêu cầu họ nhận ra tình trạng chung của dân Nê Phi. (Dân Nê Phi đã càng ngày càng kiêu ngạo, bất chấp tấm gương của các tín đồ khiêm nhường của Đấng Ky Tô).

Hê La Man 4

Vì sự tà ác, Thánh Linh của Chúa rút lui khỏi dân Nê Phi, và dân La Man chiếm đóng tất cả các xứ phía nam của dân Nê Phi

Giải thích rằng Hê La Man 4:4–8 kể về một trận chiến mà dân Nê Phi chiến đấu chống lại dân La Man và dân Nê Phi ly khai. Mời một học sinh đọc to những câu này. Yêu cầu lớp học dò theo cùng nhận ra những xứ nào của dân Nê Phi đã bị chiếm đóng trong trận chiến này.

Viết những chỉ dẫn sau đây lên trên bảng. (Các anh chị em có thể muốn làm điều này trước khi bắt đầu lớp học). Mời học sinh ghi chép những chỉ dẫn này vào sổ tay hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư.

Viết ba cụm từ cho thấy thái độ và hành động của dân Nê Phi.

Viết ba cụm từ cho thấy điều đã xảy ra vì những hành động này.

Chia học sinh ra thành từng cặp. Yêu cầu các cặp học sinh này cùng đọc với nhau Hê La Man 4:11–13, 23–26, tìm kiếm và viết xuống các cụm từ quan trọng theo như các chỉ dẫn ở trên bảng.

Mời một vài cặp học sinh báo cáo câu trả lời của họ. Khi học sinh chia sẻ điều họ viết xuống, các anh chị em có thể muốn đề nghị họ nên đánh dấu các cụm từ sau đây trong thánh thư của họ: “họ đã bị phó mặc vào sức mạnh của họ” (Hê La Man 4:13), “họ đã trở nên yếu đuối” (Hê La Man 4:24), và “họ trở nên yếu kém” (Hê La Man 4:26).

Hỏi học sinh những nguyên tắc nào họ có thể nhận ra từ việc học Hê La Man 4. Giúp họ nhận ra nguyên tắc sau đây: Tính kiêu ngạo và sự tà ác tách chúng ta ra khỏi Thánh Linh của Chúa và phó mặc chúng ta vào sức mạnh của riêng mình. Các anh chị em có thể muốn viết nguyên tắc này lên trên bảng. Các anh chị em cũng có thể muốn đề nghị học sinh nên viết nguyên tắc này vào thánh thư của họ bên cạnh Hê La Man 4:23–24.

Để giúp học sinh hiểu được nguyên tắc này, hãy mời một học sinh ra đứng trước lớp học. Yêu cầu em học sinh này tưởng tượng rằng em ấy đã được chọn để chiến đấu một mình trong một trận chiến chống lại dân La Man. Hỏi em học sinh này sẽ có cơ hội nào để chống lại một quân đội có một quân số đáng kể. Yêu cầu học sinh khác ra trước lớp học và đứng bên cạnh em học sinh đầu tiên. Hỏi em học sinh đầu tiên xem nếu có sự giúp đỡ của em học sinh thứ hai thì có làm gia tăng cơ hội của em này để chiến thắng chống lại lực lượng kẻ thù không. (Trong khi chống lại một quân đội với một quân số đáng kể, trong thực tế, việc thêm vào một học sinh thứ hai sẽ không gia tăng cơ hội để chiến thắng). Sau đó viết từ Chúa lên trên bảng. Hỏi học sinh đầu tiên:

  • Em nghĩ cơ hội của mình để thắng trận chiến sẽ như thế nào nếu em có Chúa ở phía bên mình?

Hỏi học sinh là sinh hoạt này liên quan như thế nào đến nguyên tắc được nhận ra từ Hê La Man 4. Hãy cân nhắc việc đặt ra câu hỏi sau đây:

  • Trong kinh nghiệm của dân Nê Phi, việc bị phó mặc vào sức mạnh riêng của họ có nghĩa là thua trận và mất các đất đai xứ xở. “Trận chiến” nào chúng ta có thể thua nếu chúng ta không có Đức Thánh Linh ở với mình?

Yêu cầu học sinh suy ngẫm một điều họ có thể làm để duy trì sự đồng hành của Đức Thánh Linh trong cuộc sống của họ, và mời họ làm điều đó. Chia sẻ chứng ngôn về tầm quan trọng của Thánh Linh trong cuộc sống của các anh chị em.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

Hê La Man 3:33–34, 36; 4:12. Ảnh hưởng của tính kiêu ngạo trên Giáo Hội

Mặc Môn đã chỉ ra rằng tính kiêu ngạo không phải là một phần của Giáo Hội của Chúa, nhưng mà vì sự giàu có lớn lao đã bắt đầu nhập vào tâm hồn của một số các tín hữu của Giáo Hội (xin xem Hê La Man 3:33, 36).

Chủ Tịch Ezra Taft Benson dạy:

“Hãy nghĩ về điều mà tính kiêu ngạo đã làm tổn hại chúng ta trong quá khứ và điều nó hiện đang gây tổn hại cho chúng ta trong cuộc sống của mình, gia đình mình và Giáo Hội.

“Hãy nghĩ về sự hối cải mà có thể diễn ra với cuộc sống được thay đổi, cuộc hôn nhân được bảo tồn, và mái gia đình được củng cố, nếu tính kiêu ngạo không ngăn cản chúng ta thú nhận và từ bỏ tội lỗi của mình. (Xin xem GLGƯ 58:43.)

“Hãy suy nghĩ về nhiều người là các tín hữu kém tích cực của Giáo Hội vì họ đã bị phật lòng và tính kiêu ngạo của họ sẽ không cho phép họ tha thứ hay ăn tối hoàn toàn tại bàn tiệc của Chúa.

“Hãy suy nghĩ thêm về hàng chục ngàn thanh niên và các cặp vợ chồng mà có thể phục vụ truyền giáo ngoại trừ tính kiêu ngạo mà ngăn giữ họ dâng hiến lòng mình lên Thượng Đế. (Xin xem An Ma 10:6; Hê La Man 3:34–35.)

“Hãy suy nghĩ về cách mà công việc đền thờ sẽ gia tăng như thế nào nếu thời gian dành ra cho sự phục vụ thiêng liêng này là quan trọng hơn những theo đuổi đầy kiêu ngạo chiếm nhiều thời giờ của chúng ta” (“Beware of Pride,” Ensign, tháng Năm năm 1989, 6).